Tết bị hỏi lương tháng bao nhiêu, trả lời sao để cô bác nhớ mãi?
Bên cạnh cành đào cành mai, một đặc sản của ngày Tết chính là những câu hỏi thăm từ họ hàng, làng xóm. “Lương tháng bao nhiêu?", “Bao giờ lấy chồng?" đôi khi chỉ đơn giản để thể hiện sự quan tâm của người khác với cuộc đời của một bạn trẻ cả năm mới thấy mặt một lần, nhưng vẫn ít nhiều tạo ra khoảng lặng trong cuộc trò chuyện vốn đang vui đầu năm mới.
Để không phải ậm ừ cho qua chuyện, cũng không đốp chát khiến các cô các bác ngại ngùng, chúng ta có thể áp dụng mô hình STAR - mô hình trả lời phỏng vấn kinh điển nhất khi ứng tuyển vào một công việc.
Trả lời vui thôi, nhưng cũng rất thiết thực đấy nhé!
Mô hình STAR là gì?
Đây là tổ hợp 4 chữ cái đầu của Situation (Tình huống) – Task (Nhiệm vụ) – Action (Hành động) – Result (Kết quả). STAR được xây dựng bởi DDI - công ty tư vấn phát triển năng lực lãnh đạo hàng đầu thế giới, áp dụng với những câu hỏi hành vi (behavioural questions) nhằm kiểm tra các bộ kỹ năng nhất định của ứng viên.
Theo các chuyên gia về sự nghiệp, mô hình STAR được ưa chuộng bởi nhiều công ty lớn trên thế giới như Amazon, McKinsey, Walmart.
Cách áp dụng mô hình
Nghe có vẻ không liên quan đến bối cảnh ngày Tết, nhưng tư duy STAR có thể giúp bạn tạo nên những câu trả lời nghe xuôi tai, không trực diện mà vẫn khoe khéo léo về bản thân. Cùng thử nghiên cứu cách đối đáp câu hỏi “Lương tháng bao nhiêu?" nhé.
- STAR dùng để kể một câu chuyện về kỹ năng, nên bạn cần câu mở đẩu khéo léo, dẫn dắt đến câu chuyện định kể với 1-2 kỹ năng bạn tự tin để việc áp dụng mô hình được mượt mà hơn. Ví dụ “Dạ lương cháu năm nay khá ổn, có thể sống thoải mái ở thành phố. Bây giờ đi làm cứ phải cố gắng chăm chỉ với năng động thì mới được bác ạ”.
- S (Situation): Phần này cần bạn đưa ra 1 tình huống cụ thể nơi kỹ năng được phát huy, cố gắng làm rõ quy mô, mức độ của tình huống nhé. Ví dụ “Hồi tháng 10 cháu có dự án mà sếp đòi kết quả gấp đôi dự án trước, thời gian chạy chỉ 1 tháng mà có mỗi cháu với 2 bạn nữa làm”.
- T (Task): Phần này bạn cần liệt kê các nhiệm vụ, thử thách mình phải thực hiện, vượt qua để giải quyết tình huống trên. Ví dụ “Thế là cháu phải vừa quản lý, đốc thúc, động viên các bạn, vừa làm việc với sếp rồi đối tác nước ngoài và sáng tạo các cách làm mới để dự án đạt chỉ tiêu, bận lắm luôn ý ạ”.
- A (Action): Đây là nơi bạn đi sâu vào các hành động mình đã làm để hiện thực hoá mục tiêu, thể hiện các kỹ năng đã nêu ở phần mở đầu. Ví dụ “Tháng đó ngày nào cháu cũng làm đến tối muộn, ngồi họp suốt ngày xong còn tự làm việc và hướng dẫn các bạn nữa. Ý tưởng thì cứ phải nghĩ mới liên tục, hỏng lại sửa đến khi nào ổn mới thôi. Cũng may mọi người hợp tác và tin cháu lắm ạ”.
- R (Result): Khẳng định kết quả đạt được trong công việc. Ví dụ “Trộm vía cháu đạt chỉ tiêu trước 1 tuần, mọi người trong công ty đánh giá cao xong đối tác lại muốn hợp tác tiếp ạ. Từ đấy cháu vẫn hay được anh Giám đốc giao các dự án lớn nên làm việc cũng yên tâm hơn nhiều”.
Một vài ví dụ khác
Bên cạnh câu hỏi về việc làm, trong nhiều tính huống khách mô hình STAR vẫn áp dụng được; nhưng chú ý dùng cách diễn đạt thật đơn giản, tự nhiên và dễ hiểu nhé:
Q: “Bao giờ dắt người yêu về ra mắt đây?"
A: “Tính cháu cẩn thận nên cũng tính để khi nào thật nghiêm túc rồi mới đưa về ra mắt gia đình cô ạ. (S) Từ năm ngoái cháu có quen một bạn nhà gia giáo, học cùng trường với cháu, cũng đang đi làm công ty lớn. Bạn có xe riêng nên mấy lần nghỉ lễ cứ muốn chở cháu về nhà nhưng cháu không cho.
(T) Phải nghiên cứu kỹ xem tính cách có hợp nhau không, bạn thực sự nghiêm túc không, rồi có chí tiến thủ trong công việc không ý. (A) Nên cháu mới chỉ chủ động nói chuyện, đi chơi cùng nhau, tìm hiểu bối cảnh gia đình, tâm tư bạn ý; rồi hai chăm sóc lẫn nhau để hiểu nhau hơn. Cháu cũng hay để ý gửi quà cho bố mẹ bạn ý các dịp lễ nữa. (R) Trộm vía bạn ý cũng thích cháu như thế, bây giờ lúc nào cháu cho về mới được về nhá!!”.
Q: “Năm nay biếu bố mẹ ăn Tết bao nhiêu?"
A: “Dạ cháu cũng đưa bố mẹ nhỉnh hơn mọi khi một chút thôi tại tháng nào cháu cũng chủ động gửi không ít thì nhiều rồi ạ. (S) Cần gì phải Tết, cháu nghĩ con cái hiếu thảo là chuyện lúc nào cũng nên làm ý chú.
(T) Phải khiến bố mẹ lúc nào yên tâm về mọi mặt, cả tài chính và tinh thần ạ. (A) Nên cháu vẫn thường xuyên gọi điện về nhà, nói chuyện với bố mẹ để ông bà cụ đỡ buồn; rồi tháng nào cũng gửi bố mẹ tí quà, không cái nọ thì cái kia. Năm vừa rồi cháu cố gắng nên cũng dư dả, mà quan trọng vẫn là cái tình cảm chú nhỉ. (R) Đâm ra năm nay cả nhà cháu thân thiết hẳn ra, bố mẹ tinh thần thể chất đều tuyệt vời ạ. Giờ cháu chỉ mong bố mẹ năm nào cũng mạnh khoẻ vậy thôi."
Thực ra khi áp dụng mô hình STAR trong phỏng vấn, các câu trả lời sẽ phức tạp và cần sự liên kết hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đây có thể coi là cách luyện tập tư duy để bạn ứng dụng nhanh chóng, linh hoạt hơn khi đi ứng tuyển - nhất là khi sau Tết thường có nhiều đợt tuyển dụng lớn.
Nắm bắt cơ hội để tạo dấu ấn mà không làm không khí đầu năm mất vui bạn nhé!