Tết, mùa bao nhiêu yêu thương đều thể hiện qua… mâm cỗ!
Tết COVID với nhiều đổi thay, hành trình ăn uống của gia đình bạn mùng 4 như thế nào?
“Ăn gì chưa?”, nếu tính tổng số ngày tôi sống trên đời, hẳn một nửa trong đó là số lần tôi nghe câu này. Đó là câu mẹ hỏi khi tôi đi làm về. Là câu ba hỏi khi muốn… kiếm chuyện làm hòa với tôi khi hết giận. Là câu cô, dì, chú, bác tôi hỏi tới tấp mỗi lần tới thăm mọi dịp, mà nhất là Tết đến.
Thế hệ trước của chúng tôi xem việc ăn uống như một cách tự nhiên để biểu lộ tình yêu thương. Và, bằng một cách kỳ diệu nào đó, giờ đây chúng tôi cũng làm điều tương tự.
Bao nhiêu yêu thương ngại không dám nói, chúng tôi để món ăn nói giùm.
Tết là dịp sum vầy, là dịp ta trao nhau những lời chúc bình an bên mâm cỗ đầu năm. Tết COVID với nhiều đổi thay, hành trình ăn uống của gia đình bạn như thế nào?
Nộm rau cần, món ăn yêu thương từ ông nội
Long, 28 tuổi
Món duy nhất không thể thiếu trong mâm cỗ Tết ở nhà mình chính là nộm rau cần.
Rau cần trụng vừa đủ để giữ độ sần sật nhưng không dai. Thịt ba chỉ phải đủ mỡ, thịt, không quá nạc. Bánh đa bẻ vụn rắc lên. Tất cả hoà trộn để tạo nên thứ hương vị gắn liền với 27 cái Tết của mình. Nộm rau cần cũng là món tủ của ông nội. Ông luôn tự chuẩn bị mỗi dịp Tết về, lúc con cháu tề tựu đông đủ.
Khi ông mất, chính món nộm là thứ lưu giữ hình ảnh ông bên cạnh gia đình trong bữa ăn tất niên hàng năm. Năm COVID, gia đình dù không tề tựu đông đủ vẫn nhất quyết video call ăn chung, nhà nào cũng có đĩa nộm. Chỉ cần có đĩa nộm, lại như ông vẫn còn ở ngay đó, hết hỏi đứa này sắp có chồng chưa đến đứa kia sang năm lo mà cưới.
Bằng một cách đặc biệt nào đó, món nộm đã thay ông ở bên gia đình. Nhắc nhở con cháu nhớ phải luôn hòa thuận, quây quần dịp Tết về...
Món bánh chưng “bí ẩn” của chú Minh
My, 25 tuổi
Chú Minh về làm rể đã 30 năm. Năm nào nhà mình cũng chỉ ăn bánh chưng chú gói.
Bánh của chú chứa hương vị không giống bất kỳ ai làm. Vị thảo mộc nhẹ ngấm vào từng hạt gạo, liên kết các thành phần khác nhau của chiếc bánh thành một khối thống nhất.
Năm nào mình cũng hỏi: “Chú cho gì vào bánh mà ngon thế?”. Câu trả lời luôn là: Còn lâu mới nói (!)
Dần dần, “bánh chú Minh gói” thành định nghĩa của mình về bánh chưng. So với bánh của chú, các loại bánh chưng mình mua chỗ khác đều thiếu một cái gì đó, đến mức mình thấy “bứt rứt” mỗi lần ăn.
Chú đã có tuổi, việc gói bánh và canh nồi dần trở nên tốn sức. Tết năm nay, chú gọi mình vào nói chuyện. Chú bảo, chú không tiết lộ công thức vì sợ các lò bánh biết. Nhưng không phải vì cạnh tranh - chú mình có gói bánh để bán đâu!
"Mùi vị này mà đầy ngoài kia thì chúng mày đi mua cho nhanh. Còn ai tự gói nữa?".
Hóa ra ông chú mình giữ một bí mật mấy chục năm nay chỉ để đảm bảo thế hệ mình phải tự thân gói bánh mỗi dịp Tết. Dù là Tết an bình, hay là Tết “Cô-vy”. Đó là những gì cha của chú từng làm, rồi trước đó là ông nội chú, và ông cố chú...
Năm nay, chú đã truyền lại công thức cho mình. Bí mật trăm năm này là gì?
Còn lâu mình mới nói! Phải để dành cho con mình nữa chứ!
Cỗ Tết khỏe mạnh, theo “lệnh” của mẹ
Tiên Nguyễn, 23 tuổi
Sáng nay vừa chở mẹ đi mua nguyên liệu nấu ăn cho mấy ngày cúng sắp tới, tớ chợt nhận ra thực đơn năm nay “healthy” hơn hẳn mọi năm.
Thay vì tập trung vào chiên xào nhiều dầu mỡ, mẹ tớ đổi hướng cái xoạch. Mâm cơm có gà luộc, thịt hầm, củ cải kho ba chỉ và rau trộn salad là chính. Vừa đỡ cầu kỳ lại tốt cho sức khỏe. Từ lúc mẹ biết có Cô-Vy trên đời, toàn bộ thành viên phải theo lệnh mẹ ăn uống dinh dưỡng, điều độ đúng giờ.
Đợt rồi đi khám sức khỏe tổng quát ai trong nhà tớ cũng tốt hơn năm trước nhiều. Mẹ vui cực, Tết rảnh rang là đi gu-gồ mấy món vừa khỏe vừa dễ làm để thử nghiệm ngay.
Dù nhiều khi đồ ăn mẹ mới làm lần đầu có vị hơi “lạ lạ”, cả đám vẫn vừa ăn vừa khen. Tại tụi tớ hiểu mỗi một món ăn healthy kia, chứa đựng rất nhiều yêu thương của mẹ.
Là series sẻ chia những điều lạc quan trong mùa sum vầy của MAGGI, Nấu Tết Khởi Sắc kể những câu chuyện về mâm cỗ ngày Tết.
Mỗi câu chuyện được chia sẻ về trang cá nhân kèm hashtag #MAGGI #NấuTếtKhởiSắc #LanTỏaYêuThương sẽ là một đóng góp cho các hoàn cảnh khó khăn, để ai cũng có Tết.