Thanh Thủy đăng quang Miss International, tiêu chuẩn "đẹp ngọt ngào" từ đâu mà có?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 12/11, Hoa hậu Việt Nam 2022 Huỳnh Thị Thanh Thuỷ vượt qua 70 thí sinh khác để đăng quang Miss International. Đây là một trong Big 4 cuộc thi sắc đẹp trên thế giới cùng với Miss World, Miss Universe và Miss Grand International.
Điều thú vị là Thanh Thủy đi thi “không kèn không trống”, cô có hành trình lặng lẽ hơn nhiều so với đại diện Miss International năm 2022 Phạm Ngọc Phương Anh (người có bảng thành tích xuất sắc) hay đại diện năm 2023 Nguyễn Phương Nhi (người rất thu hút truyền thông trong nước).
Thanh Thủy được báo chí trong nước nhận định là chiến thắng vì phù hợp với tiêu chí của cuộc thi, nhất là ở “vẻ đẹp ngọt ngào”.
2. “Vẻ đẹp ngọt ngào” ở đâu ra?
Các cuộc thi hoa hậu nghe có vẻ na ná nhau nhưng tiêu chí chọn người chiến thắng lại có vài điểm khác biệt.
Với Miss International, truyền thông hay nhắc tới tiêu chí “vẻ đẹp ngọt ngào”, song không một tài liệu chính thức nào của Miss International đề cập đến “vẻ đẹp ngọt ngào” làm tiêu chuẩn chấm thi cả.
Trong 20 năm trở lại đây, hơn một nửa số người đẹp đăng quang Miss International đến từ khu vực Mỹ Latin, nơi nổi tiếng với vẻ đẹp sắc sảo và khoẻ khoắn nên “ngọt ngào” chưa hẳn là tiêu chuẩn.
Nhìn vào lịch sử Miss International, ta chỉ thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Nhật Bản với cuộc thi này. Ra đời từ tại Mỹ năm 1960, Miss International được đưa về Nhật Bản năm 1968 và diễn ra tại đất nước này tới 48 lần trên tổng số 54 lần tổ chức sau. Ngay cả website chính thức của Miss International cũng có ngôn ngữ chính là tiếng Nhật.
Tại sao một cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc tế nhưng hầu như chỉ được tổ chức tại một quốc gia?
Miss International thực tế là một phần trong công cuộc quảng bá văn hoá của Nhật Bản ra thế giới hậu Thế chiến II. Thập niên 60-70 của thế kỷ XX đánh dấu thời kỳ quốc gia này chuyển mình sau tái thiết đất nước, với các sự kiện quốc tế lớn nhằm tạo danh tiếng cho vẻ đẹp Nhật Bản như Olympics Tokyo năm 1964 hay Triển lãm Japan World Exposition tại Osaka năm 1970.
Một trong những khẩu hiệu của Miss International được giữ đến tận bây giờ vẫn là “thay đổi cái nhìn về Nhật Bản của cộng đồng quốc tế”. Vì vậy, người chiến thắng cuộc thi có thiên hướng thỏa mãn “mỹ học Nhật Bản” (Japanese aesthetics) nhiều hơn là “ngọt ngào”, cùng với đó cô phải có khả năng giao tiếp tốt để quảng bá cho vẻ đẹp này.
3. Nếu đặt Thanh Thủy vào bộ 3 tiêu chuẩn mỹ học Nhật Bản?
Wabi-sabi (tạm dịch: Không hoàn hảo)
Sự khiếm khuyết của vạn vật khiến thế giới thú vị và là động lực để con người hoàn thiện hơn. Thanh Thuỷ không xây dựng hình tượng hoàn hảo, đôi lúc cô còn khá hậu đậu khi… để quên điện thoại trong cuộc thi rồi phải cập nhật tình hình qua trang cá nhân thí sinh khác.
Dù vậy Thanh Thủy vẫn luôn hết mình trong lịch trình dày đặc của cuộc thi, điều này được các fan sắc đẹp đánh giá rất cao.
Miyabi và Iki (tạm dịch: Thanh lịch, sang trọng và có khí chất)
Người Nhật đề cao sự nhã nhặn, lịch thiệp trong giao tiếp. Xuyên suốt cuộc thi, Thanh Thuỷ thể hiện thái độ cực kì tôn trọng với tất cả mọi người, nếu đang ăn mà có nhân viên cuộc thi đi qua cô cũng sẽ dừng lại để chào hỏi. Không góc máy hay khung hình nào bắt được khoảnh khắc thiếu thanh lịch của đại diện Việt Nam.
Ngoài ra, Thanh Thủy còn nổi bật bởi lòng tốt khi nhiệt tình hỗ trợ các thí sinh khác, như hỗ trợ đại diện Đài Loan làm tóc, giúp người đẹp Honduras chỉnh sửa váy áo trước khi diễn Trang phục dân tộc.
Shibui (Tạm dịch: Tinh tế, khiêm tốn)
Thẩm mỹ Nhật Bản đề cao sự đơn giản, tinh tế nên khác với Kỳ Duyên ở Miss Universe hay Thuỳ Tiên ở Miss Grand International, trang phục mà Thanh Thuỷ mang đến Miss International hầu hết kín đáo, đơn sắc và ít hoạ tiết.
Các màu sắc quá rực rỡ như đỏ, cam hoặc có pha ánh kim gần như không có. Kiểu tóc và trang điểm của Thanh Thuỷ cũng không thay đổi nhiều mỗi ngày, chú trọng vào sự tự nhiên để tôn lên các đường nét trên khuôn mặt cô.