The 8 Show: Không phải là Trò Chơi Con Mực
“Là hư cấu thôi. Một câu chuyện được bịa ra.” Đó là một trong những câu thoại cuối cùng của The 8 Show, khi series đi đến hồi kết, khi khung hình vuông vức tù túng 1:1 trước đó đã chuyển sang 16:9 mang lại cảm giác quen thuộc, thoáng đãng.
Những khán giả chưa xem (hay kể cả đã xem) có lẽ sẽ thắc mắc: The 8 Show đã “hư cấu” điều gì? Câu chuyện đã được bịa ra như thế nào? Sau khi xem series, người viết có một ham muốn nho nhỏ là được trần tình, minh định lại câu chuyện “bịa” của biên kịch và đạo diễn Han Jae-rim, đưa ra vài manh mối hầu tỏ ngọn ngành thứ chuyện đã được hư cấu trong series này.
Lưu ý: Phần sau đây có thể tiết lộ tình tiết của series The 8 Show.
Chuyện hư cấu ở đây là gì?
The 8 Show của đạo diễn Han Jae-rim được chuyển thể từ webcomics Money Game và Pie Game của tác giả Bae Jin-soo. Gọi series này là phim “sinh tồn” e là không ổn vì câu chuyện trong phim không nhấn mạnh yếu tố này. Nó cũng không giống Squid Game, ngoài việc cả hai đều là sản phẩm giải trí đến từ Hàn Quốc.
Vậy The 8 Show thuộc dạng gì? Series 8 tập của Netflix có màu sắc hài đen và giật gân, thiết kế tương tự như trong tác phẩm The Platform (2019) của nhà làm phim Galder Gaztelu-Urrutia. Ở đó các nhân vật bị tha hoá, bước đến một nơi biệt lập. Họ được gọi tên theo số tầng đã chọn trước đó. Việc của họ là làm theo luật chơi, bán thời gian để đổi lấy tiền bạc.
8 người chơi không tên không họ gồm 4 nam, 4 nữ với những nghề nghiệp và câu chuyện riêng. Họ chật vật trong cuộc sống đến mức cùng đường mà đăng ký tham gia trò chơi với ước mơ kiếm thật nhiều tiền. Phần thưởng được tính theo từng phút kể từ khi họ vượt qua vòng “audition” và chính thức bước vào “nhà chung”.
Cũng giống như trong The Platform, bối cảnh chính của The 8 Show thiết kế theo dạng thang bậc, với người càng ở trên cao sở hữu càng nhiều quyền lợi hơn so với kẻ ở tầng dưới. Không chỉ cùng bỏ công sức như nhau, người ở trên có thể kiếm nhiều tiền hơn, sống xa hoa hơn còn người ở dưới đáy thì chật chội, tối tăm, hôi thối và kiếm được ít tiền hơn.
Họ đã bịa ra điều gì?
The 8 Show bắt đầu bằng một tiền giả định rằng những người đứng sau (đang đói khát trò tiêu khiển) có thể quan sát những người chơi (tạo ra trò tiêu khiển). Vì thế, để kiếm được càng nhiều tiền nhất có thể, cả 8 người tham gia cần phải kéo dài khoảng thời gian ở lại nhà chung bằng cách mua vui cho “nhà tài trợ” (đồng thời là khán giả).
Ban đầu, những trò giải trí như leo cầu thang tỏ ra hiệu quả nhưng càng về sau nó càng nhạt dần và mất tác dụng. Vì thế, “nhà chung” của The 8 Show không yên bình mà nhanh chóng có các drama. Người chơi bắt đầu nhận ra, đó là cách thu hút, giữ chân “khán giả” ở lại với show này.
Thay thế cho những màn giải trí đơn thuần, người chơi bắt đầu có những màn giải trí đậm màu sắc tình dục hoặc bạo lực. Càng bạo lực càng kích thích thì lại càng có giá trị tiêu khiển. Tất cả điều này đều có thể quy ra bằng thời gian, cách gọi khác của tiền bạc.
Ngòi nổ cho những drama và các màn bạo lực giật gân thu hút trong The 8 Show đến từ những phân tầng xã hội, sự chênh lệch giữa cán cân quyền lực của các người chơi (gió tầng nào gặp mây tầng đó). Từ đây, các nhóm lợi ích được tạo nên chỉ với mục đích kiếm được nhiều tiền và nhiều tiền hơn nữa.
“Người không được gọi tên sẽ phải lập tức về phòng thu dọn hành lý và rời khỏi nhà chung.” - Đó là câu thoại kinh điển của chương trình truyền hình thực tế Next Top Model. Nghịch lý là ở The 8 Show, sau một vài drama nổ ra, người chơi nhanh chóng muốn rời khỏi nhà chung.
Tạm kết
The 8 Show là một series không đến nỗi tệ. Điều khiến nó được lòng công chúng cũng là điểm yếu của nó, cải lương và sến sẩm. Các nhân vật thiếu màu sắc, chi tiết thiếu sáng tạo, cao trào không hề bùng nổ. Sự đồng cảm với các nhân vật được xây dựng trong phim cho thấy sự nông mỏng, cũ kỹ như một thể loại truyền hình bình dân với chức năng giải khuây chốc lát.
Những câu chuyện về chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, nhóm yếu thế, chấn thương tâm lý,... trong The 8 Show được “thiết kế” một cách hiển nhiên đến mức cũ kỹ. Bộ phim cung cấp chuyện đời của nhân vật nhưng là nỗ lực xoá nhòa, khiến cho họ trở thành những phận người không đáng kể.
Người xem có thể yêu thích sự giật gân nhưng lại lãnh đạm với thân phận con người. Phim cố mang lại sự nhân văn nhưng lại kiệt quệ trong cách thức truyền tải nó. Để rồi, The 8 Show kết thúc trong một phán xét cuối cùng: Đó chỉ là hư cấu. Một câu chuyện được bịa ra.
Nhưng mục đích của series này là gì được nhỉ? Hay chỉ là một series mới để công chúng tiêu khiển mà thôi. Bộ phim bắt đầu bằng giai điệu Mr. Lonely của danh ca Bobby Vinton ra mắt lần đầu năm 1962. Đôi khi, vì cô đơn quá mà chúng ta tìm đến một series thường thường bậc trung để giải khuây mà thôi.