Thể hiện cảm xúc trong công việc, làm sao không "ô dề"?
Với mỗi công việc chúng ta sẽ lại có một không gian, môi trường làm việc khác nhau. Có người sẽ đến văn phòng hào nhoáng, có người sẽ làm việc online...
Tuy nhiên, điểm chung là ta sẽ phải va chạm và làm việc trong một không gian nơi có sự đa dạng tính cách. Bản thân chúng ta cũng có cá tính của mình, và ai cũng có nhu cầu thể hiện cái tôi.
Thế nhưng nơi làm việc không phải là nhà, công ty chẳng phải gia đình. Đó là nơi đòi hỏi chúng ta có những quy tắc cảm xúc để luôn hành xử chuyên nghiệp. Đôi lúc ta cần phải che đi cảm xúc của mình và dùng lý trí để hành động.
Đôi khi chúng ta lại hành xử quá cảm tính và gây ra mất lòng với đồng nghiệp. Vậy nên, cảm xúc khi đi làm trở thành một phần rất quan trọng và là một kỹ năng cần hiểu rõ. Bởi nó có thể quyết định sự thành công của bạn khi đi làm.
Bộc lộ cảm xúc khi đi làm: Nên hay không?
Môi trường công sở thường được gắn mác “chuyên nghiệp,” nơi bạn không được để xen vào các cảm xúc cá nhân.
Vào thế kỷ 20, các công ty luôn đặt kỳ vọng rằng nhân viên chỉ làm việc như một cỗ máy, hay hệ thống giáo dục sản xuất dây chuyền hàng loạt hàng loạt những công nhân giống hệt nhau. Với quy trình làm việc công nghiệp như vậy, nhân sự dễ dàng bị thay thế.
Thế nhưng, thời đại dần thay đổi và chúng ta bắt đầu học cách quan tâm đến cảm xúc của nhau hơn cũng như bình thường hoá việc bộc lộ cảm xúc tại chỗ làm.
Thể hiện cảm xúc khi đi làm không chỉ dừng lại ở việc chui vào nhà vệ sinh rồi bật khóc hay tức tối bỏ đi khỏi phòng họp. Cảm xúc hiện hữu khắp nơi ở chốn văn phòng: cảm giác bồn chồn khi sếp gửi tin nhắn cần gặp mặt gấp, hay bất bình khi người đồng nghiệp có đóng góp rất ít vào dự án lại được khen thưởng.
Hai tác giả của cuốn sách No Hard Feelings: The Secret Power of Embracing Emotions At Work tin rằng việc thẳng thắn với cảm xúc của chính mình là điều cần thiết để cải thiện môi trường làm việc. Sự chuyên nghiệp không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn cảm xúc cá nhân khỏi công sở, bởi con người vốn là những sinh vật có cảm xúc.
Điều gì xảy ra khi chúng ta bộc lộ/giữ lại cảm xúc của mình?
Nhiều người cho rằng thể hiện cảm xúc đi kèm với những cái liếc mắt, lên giọng hay đóng sầm cửa lại. Tuy nhiên, đây chỉ là những cách thể hiện cảm xúc tiêu cực gây tổn hại đến môi trường tập thể. Thực tế, bộc lộ cảm xúc có nhiều cách mà ở đó ta vẫn truyền tải được mong muốn của mình nhưng theo một cách dễ tiếp nhận hơn.
Liz Fosslien và Mollie West Duffy đã chia cảm xúc thành 2 loại: liên quan đến quyết định và không liên quan đến quyết định. Nhóm đầu tiên gồm các cảm xúc giúp bạn cân nhắc giữa các sự lựa chọn, từ đó đưa đến quyết định cuối cùng.
Chẳng hạn như sự đắn đo về việc có nên rời bỏ nơi ở hiện tại để nhảy việc sang một thành phố mới hay không. Nhóm sau là các cảm xúc không mang đến bất kỳ lợi ích gì, như việc bạn trở nên bực tức khi bị kẹt xe trên đường đến chỗ làm.
Rất khó để có thể đè nén cảm xúc hoàn toàn, và dù có làm vậy, cảm xúc cũng sẽ vô tình “lọt” ra ngoài. Việc không thẳng thắn với cảm xúc ngay từ đầu và giữ trong lòng sẽ gây ảnh hưởng đến những người bên cạnh.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Sigal Barsad, sự truyền nhiễm cảm xúc (emotional contagion) có thể vô thức xảy ra trong một nhóm người. Từ đó, các quyết định trong kinh doanh cũng sẽ bị tác động bởi các năng lượng tiêu cực đến từ môi trường xung quanh.
Nếu một khách hàng tiềm năng nhận thấy nhân viên tiếp thị có điều gì phiền não và không thật tâm tư vấn sản phẩm, họ cũng sẽ cân nhắc về việc gắn bó lâu dài với công ty. Ngược lại, một nhân viên mang thái độ vui vẻ, tích cực sẽ là động lực để khách hàng quyết định đi tiếp với công ty.
Đồng nghiệp và sếp có thật sự đồng cảm với bạn?
Hiểu được tầm quan trọng của cảm xúc trong môi trường làm việc, các công ty đang tạo ra một văn hoá cảm xúc (emotion culture) nhằm cung cấp các chuẩn mực và khái niệm về loại cảm xúc nào có thể bày tỏ và loại cảm xúc nào nên được kìm nén lại.
Các tập đoàn lớn như PepsiCo, Southwest Airlines, Whole Foods Market, The Container Store, và Zappos đã áp dụng văn hoá này và tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, vui vẻ, từ đó đi đến thành công cho cả một tập thể.
Nhiều tổ chức khác cũng sử dụng các phần mềm hay thuê cố vấn công nghệ để theo dõi tâm trạng của nhân viên và hiểu được động cơ giúp nhân viên thêm gắn bó với chốn công sở.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà quản lý phớt lờ văn hoá cảm xúc dù đã hiểu rõ tầm quan trọng của nó. Những nhà lãnh đạo này tuy có thể tạo ra ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và làm việc của nhân viên, nhưng vẫn gặp vấn đề trong việc thấu hiểu.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu của giáo sư Kimberly Elsbach tại Đại học California cho thấy việc khóc tại cơ quan thường được dễ chấp nhận hơn nếu nó liên quan tới các bi kịch như có người trong gia đình vừa mất, thay vì những chuyện thường ngày như chia tay hay không chịu được áp lực công việc.
Vậy làm sao để cân bằng cảm xúc khi đi làm?
Để cân bằng cảm xúc, bạn có thể bắt đầu bằng việc bỏ lại những vấn đề cá nhân ở bên ngoài môi trường làm việc. Để đạt được điều này, bạn có thể tạo ra một “chiếc hộp tâm trí” chứa các vấn đề cá nhân và khóa nó lại trong khoảng thời gian nhất định để hoàn toàn tập trung vào công việc trước tiên.
Ngoài ra còn có phương pháp phổ biến để làm dịu cơn giận như đếm đến 10, hít thở, đi dạo hoặc nghe nhạc. Bạn cũng cần xác định đâu là giới hạn của bản thân để tránh gặp các tình huống khó xử, cũng như không đưa ra bất cứ hồi âm và quyết định nào khi đang nóng giận.
Quy tắc vàng cần được ghi nhớ chính là đối xử với đồng nghiệp theo cách mà bạn mong muốn được đối xử, và nếu đồng nghiệp của bạn thô lỗ, cách tốt nhất là phớt lờ họ đi.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý và lãnh đạo cũng cần nỗ lực để xây dựng các môi trường làm việc cởi mở, đồng cảm và lắng nghe nhân viên, giúp thúc đẩy nhân viên sống thật với cảm xúc của bản thân, cũng như đảm bảo việc lan tỏa các cảm xúc tích cực sẽ góp phần tăng độ hài lòng với công việc và cải thiện hiệu suất cho cả tập thể.
Bởi lẽ, việc dành sự quan tâm đến cảm xúc ở chốn văn phòng đôi khi chính là chìa khóa cho sự thành công hay thất bại của một tổ chức.