Thiện nguyện mùa dịch: Khó khăn trăm bề không ngăn được tình người và sự tử tế
Dành 72 giờ làm việc liên tục, vượt qua 4-5 chốt kiểm dịch, nhận 200 cuộc gọi mỗi ngày... Điều gì đã giúp các tổ chức thiện nguyện mùa này vượt qua khó khăn?
Câu chuyện làm thiện nguyện ngày thường đã khó, thiện nguyện trong đại dịch còn khó khăn hơn gấp vạn lần, khi những hiểm nguy của dịch bệnh luôn rình rập và thành phố bị phong tỏa đến nghẹt thở. Thế nhưng, hàng trăm hội nhóm vẫn hoạt động, các bếp ăn vẫn rực lửa, những chuyến xe vẫn chạy đều giữa muôn trùng khó khăn, vì…
“…có nhiều người đang cần đến một bữa ăn, một nơi ở và hơn hết là cảm thấy được quan tâm, chia sẻ trong cơn hoạn nạn. Họ vốn dĩ là những thân phận nhỏ bé, thậm chí vô hình. Nếu đại dịch không xảy ra thì sự nghèo khó cứ vậy mà hoà lẫn vào trong nhịp sống tất bật. Đại dịch đã phơi bày sự khốn khổ này, nhưng tại thời điểm đó, họ cũng rất đơn độc”.
Chia sẻ trên của bác sĩ Hải Oanh, đại diện dự án Mỗi Ngày Một Quả Trứng, có lẽ cũng là tâm tư của rất nhiều mạnh thường quân, đơn vị thiện nguyện đang kiên trì giúp đỡ cộng đồng từ ngày này qua ngày khác.
Vietcetera đã có buổi trò chuyện đặc biệt với những người đứng sau các dự án tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người yếu thế: Sài Gòn Chợ Lạc Xoong, Nắng, Mỗi Ngày Một Quả Trứng, Sài Gòn Bao Dung để cùng họ kể những câu chuyện tử tế, những khó khăn và cả những ấm áp trong thời gian khắc nghiệt này.
“Trễ 1 phút là người khó khăn sẽ đói thêm 1 ngày”
Với hầu hết các nhóm thiện nguyện, di chuyển là bài toán khó nhất trong tình hình giãn cách xã hội. “Bình thường các khu dân cư nghèo đã là ở những địa điểm khá xa xôi hoặc địa hình lắt léo nằm sâu trong hẻm. Trong tình hình phòng chống dịch, việc di chuyển sẽ mất nhiều thời gian hơn rất nhiều do phải dừng lại trình bày lý do tại các chốt kiểm dịch, hoặc phải đi đường vòng xa hơn đến chục cây số”, đại diện Mỗi Ngày Một Quả Trứng chia sẻ.
Có chung suy nghĩ, Anh Bùi Vĩnh Thế, trưởng nhóm Sài Gòn Chợ Lạc Xoong cho biết "rất khó có thể đủ xe chở hàng để phân phối đến những nơi đang cầu cứu”.
Giấy đi đường là điều kiện cần, giãi bày tại các chốt kiểm dịch để được đi qua là điều kiện đủ. Tuy vất vả nhưng các nhóm đều có chung một suy nghĩ “trễ 1 phút là người khó khăn sẽ đói thêm 1 ngày”.
“Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, các thành viên đều tự động viên nhau bản thân còn có mái nhà để che nắng mưa, còn lương thực để duy trì cuộc sống và được trọng trách từ mạnh thường quân, cộng đồng trao gửi”, anh Bùi Vĩnh Thế chia sẻ thêm. Còn những mảnh đời đang cần cứu trợ có thể đang không có cả thức ăn lẫn mái ấm. Suy nghĩ ấy khiến các tình nguyện viên không thể nào bỏ cuộc.
Và đây là những con số không biết nói dối: “Mỗi ngày một quả trứng” đã hỗ trợ hơn 4.500 gói lương thực với tổng giá trị khoảng 2,2 tỷ đồng, giúp cho 4.500 hộ gia đình với gần 18.000 người trong thời gian giãn cách xã hội. Sài Gòn chợ Lạc Xoong cũng đã trao hơn 28.000 phần quà tiếp tế từ ngày 05/07 đến nay.
Được tiếp “lửa”
Câu chuyện thiện nguyện mùa dịch bắt đầu căng thẳng hơn khi thời gian giãn cách kéo dài vượt ra ngoài mọi dự liệu. Nguồn quỹ của từng tổ chức “đuối” dần, các nguồn lực xung quanh cạn đi trong khi các trường hợp cần giúp, mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm ngày càng nhiều, việc tìm và gõ cửa đúng các trường hợp khó khăn thực sự để hỗ trợ cũng không đơn giản khi nhân lực quá mỏng.
Trong khi đó, rất nhiều người dân khó khăn nhưng lại không biết kêu cứu cùng ai, qua đâu, lay lắt sống qua ngày bằng tất cả những gì còn lại trong nhà.
Nhìn ra tất cả những khó khăn “hai chiều” đó, một số doanh nghiệp công nghệ nảy ra ý tưởng về nền tảng kết nối, hỗ trợ cộng đồng, như: Sài Gòn Bao Dung – nền tảng tập hợp các đơn vị thiện nguyện uy tín ra mắt chỉ sau 72 giờ lên ý tưởng và phát triển sản phẩm thần tốc; Zalo Connect cũng được các kĩ sư Zalo gấp rút hoàn thành trong 5 ngày với sự đồng hành của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia.
Sự ra đời của Sài Gòn Bao Dung đã khiến nhiều quỹ thiện nguyện “thở phào”. Nền tảng này kết nối 3 thành tố quan trọng trong công tác thiện nguyện: mạnh thường quân trên cả nước, đơn vị thiện nguyện uy tín và những người đang gặp khó khăn trên địa bàn TP.HCM.
Kể từ khi tham gia, gần 70 tổ chức thiện nguyện uy tín đã được “tiếp lửa” từ hàng chục nghìn người dùng hảo tâm trên khắp cả nước. Mỗi khi nguồn lực gần cạn, Nắng, Sài Gòn Lạc Xoong, Mỗi Ngày Một Quả Trứng… lại như được tiếp thêm sức mạnh từ cộng đồng Mạnh thường quân để tiếp tục hành trình giàu ý nghĩa của mình.
“Sự tiếp sức này giúp chúng tôi có thể duy trì và vận hành các dự án của mình mà không bị đứt quãng, giúp đỡ được nhiều hơn những mảnh đời khó khăn trong mùa này”, anh Bùi Vĩnh Thế cho hay.
Còn từ góc độ người dùng, việc các tổ chức thiện nguyện góp mặt trên Sài Gòn Bao dung với đầy đủ tôn chỉ và cách thức hoạt động cũng giúp các Mạnh thường quân dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn tổ chức mà mình muốn hỗ trợ. Người dân khó khăn cũng sẽ tra cứu được địa điểm tiếp tế gần nhất khu vực mình sinh sống.
Chị Kim Tuyền, người sáng lập dự án “Nắng” chia sẻ: “Dự án ý nghĩa này đã giúp Nắng cũng như những tổ chức khác kết nối được với nhiều người, tổ chức đóng góp hỗ trợ bà con mùa dịch, đặc biệt là các người trẻ. Khi Nắng có mặt trên Sài Gòn Bao Dung thì cũng nhận được sự tin tưởng của nhiều người hơn”.
Tính đến hiện tại, Sài Gòn Bao Dung đã thành công giúp các nhóm thiện nguyện nhận số tiền quyên góp tổng cộng hơn 600 triệu đồng, với hơn 2.500 giao dịch. Dự án cũng đã tiếp sức cho 43 đơn vị thiện nguyện số tiền gần 2 tỷ đồng.
Đại diện dự án cho biết, bước đầu của Sài Gòn Bao Dung là hỗ trợ cấp thiết cho Sài Gòn, nơi có số bệnh nhân nhiễm Covid gia tăng nhanh trong thời gian ngắn và số người khó khăn ngày càng nhiều. Tuy nhiên, dự án kỳ vọng sẽ trở thành chiếc cầu nối tiếp sức cho các thành phố, vùng miền khác trong tương lai.
Với Zalo Connect, tính năng kết nối “người cần giúp đỡ” và “người muốn giúp đỡ” này đã cho thấy sức mạnh cộng hưởng của số đông: 81.000 lượt giúp đỡ đã được thực hiện chỉ sau chưa đầy 1 tháng “lên sóng”, tập trung vào 4 nhóm lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc và tư vấn y khoa.
Các nền tảng công nghệ không chỉ mang tính kết nối, lan tỏa ra phạm vi cả nước, mà còn gỡ bớt nút thắt khó khăn, san sẻ gánh nặng cho các tổ chức thiện nguyện.
Nếu chỉ góp sức về tài chính, VNG, Zalo và các doanh nghiệp khác có thể chỉ giúp được vài ngàn người, nhưng việc tạo ra những “cánh tay nối dài” như Sài Gòn Bao Dung hay Zalo Connect, sẽ tạo ra sự chung tay của số đông, “lá lành đùm lá rách”, giúp được hàng triệu người. Sức mạnh của internet, sự hiện diện của công nghệ, chính là mảnh ghép ý nghĩa giúp cộng đồng “dễ thở” hơn trong những ngày tháng khó khăn này.
Trao đi sự tử tế là nhận lại những hạnh phúc vô hình
“Chúng ta không cần đợi đến lúc mình thật giàu có thì mới làm từ thiện”, điều này vẫn luôn mơ hồ cho đến khi Covid bủa vây Sài Gòn. Càng nhiều mảnh đời lay lắt lộ ra dưới vỏ ngoài tất bật của Sài Gòn, những người bình thường mới càng thấy mình thật may mắn và dang rộng vòng tay tương trợ. Đáp lại những lời kêu cứu chính là tiếng nói của lương tri. Trăm ngàn sự tử tế đã trao đi, âm thầm và lặng lẽ, chẳng để nhận lại điều gì.
Chỉ một câu cảm ơn, một ánh mắt, một cái chắp tay, cũng đủ xua đi cả một ngày mỏi mệt, như anh Bùi Vĩnh Thế có nói, “Dù đã trao hơn 22,000 phần quà nhưng đến nay mỗi khoảnh khắc nhận được lời cảm ơn, sự xúc động từ trong mỗi ánh mắt của người nhận hỗ trợ đều là những khoảnh khắc khó quên”.
Hay câu chuyện về chảo kho quẹt của 5 bà cháu nọ giữa lòng Sài Gòn. Các thành viên nhóm Mỗi Ngày Một Quả Trứng vẫn thường nhắc đến chảo “kho quẹt” chỉ có nước mắm được đun lên ăn với bánh mỳ. Người bà mất việc ròng rã nhiều tháng không còn tiền để mua bất cứ lương thực nào cho bốn đứa cháu.
“Mấy chiếc bánh mỳ cũng là thực phẩm cứu trợ. Nhóm đã hỗ trợ gia đình bà một gói lương thực cho 15 ngày, nhận ra bình gas nhà bà cũng đã cạn, một mạnh thường quân cũng hỗ trợ thêm tiền để đổi bình gas mới. Lâu lắm rồi, năm bà cháu mới có một bữa ăn tử tế”. Bữa cơm tối lúc 9h của nhóm thiện nguyện cũng vì thế mà trở nên ấm lòng.
Rồi Sài Gòn sẽ khỏe lại, những ngày gian khó sẽ lùi vào quá khứ, nhưng những điều tử tế sẽ còn mãi. Đây không chỉ là câu chuyện về một tổ chức, một cá nhân, một doanh nghiệp, mà còn lan tỏa sự tử tế và tình người, trong một thời kì dịch bệnh chưa từng có.
Sài Gòn Bao Dung là nền tảng công nghệ kết nối các đơn vị thiện nguyện uy tín trên địa bàn TP.HCM với các “mạnh thường quân” trên cả nước và những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Dự án được ra mắt chỉ sau 72 giờ làm việc “thần tốc” của một nhóm kỹ sư, vận hành của VNG. Hiện tại, dự án đã kết nối với hơn 65 tổ chức thiện nguyện và ghi nhận hơn 50,000 lượt theo dõi. Bên cạnh đó, Sài Gòn Bao Dung đã tiếp sức cho các đơn vị thiện nguyện kết nối với dự án số tiền gần 2 tỷ đồng.