“Tình dục an toàn không chỉ là tránh thai, mà còn là tránh bệnh."

Tình dục an toàn là sự kết hợp giữa các yếu tố: tránh thai, tránh bệnh, sự đồng thuận về hành vi tình dục, quyền được biết đầy đủ lịch sử tình dục của đối phương.
Bích Trâm
Nguồn: Vietcetera

Nguồn: Vietcetera

Chị Nguyễn Minh Trang, còn được biết đến với cái tên Trang Chuối, là người sáng lập website, kênh YouTube SexEdu by Trang (SEBT). Chị cũng là người dẫn dắt chương trình Cởi Mở của Vietcetera suốt 3 mùa qua.

Với tinh thần phóng khoáng, cùng kiến thức và kinh nghiệm trong 4 năm qua, Trang Chuối bước lên con đường làm nội dung với mục tiêu giúp người xem có cái nhìn cởi mở, không phát xét, văn mình và nhận thức tốt hơn về tình dục. Từ đó, truyền cảm hứng để họ tự do bàn luận về vấn đề này như một nhu cầu cơ bản của con người.

Một trong những chủ đề được Trang Chuối tích cực thông tin đến khán giả là các nhiễm trùng và các bệnh lây lan qua đường tình dục STIs/STDs (Sexually Transmitted Infections/Sexually Transmitted Diseases) - một khía cạnh rất quan trọng mà nhiều người bỏ quên hoặc có cái nhìn chưa đầy đủ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, mỗi ngày có hơn 1 triệu ca STIs mới trên toàn cầu, phần lớn trong số đó không có triệu chứng rõ ràng (1). Nhiều nhiễm trùng có thể phát triển âm thầm trong thời gian dài (có thể lên đến hàng năm trời), như bệnh giang mai, bệnh lậu, ung thư cổ tử cung,... để lại những biến chứng nghiêm trọng (như ung thư), ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người nhiễm.

Dù không có triệu chứng bệnh nhưng người mắc STIs/STDs vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Chính vì vậy, khi nói đến khái niệm tình dục an toàn, chúng ta không chỉ gói hẹp trong vấn đề tránh thai, mà còn phải mở rộng ra là tránh bệnh.

Vậy làm thế nào để quan hệ tình dục an toàn? Hãy cùng Vietcetera trò chuyện về chủ đề này cùng Trang Chuối!

Nhiều người cho rằng mắc STIs/STDs đồng nghĩa với việc quan hệ không an toàn. Theo chị, quan điểm này là đúng hay sai?

Không hoàn toàn đúng 100% vì mỗi loại STIs/STDs sẽ có cơ chế lây nhiễm khác nhau.

Không chỉ thông qua đường tiếp xúc dịch sinh dục (âm đạo, hậu môn, miệng,...), một số bệnh lây qua đường tình dục còn có thể lây truyền qua đường ngoài sinh dục (như tiếp xúc với sùi, sần, phần da bị xước của người nhiễm), thậm chí là từ mẹ sang con.

Sử dụng bao cao su sẽ giúp giảm nguy cơ truyền nhiễm tác nhân gây bệnh qua đường tình dục, nhưng không tránh được hoàn toàn. Lý do là vì bao cao su không thể che phủ hết bề mặt da xung quanh bộ phận sinh dục và hậu môn.

Những phần da này có thể có một nốt sùi, sần rất nhỏ, khó thấy được. Khi tiếp xúc vật lý với những nốt sùi, sần này thì bạn vẫn có khả năng lây nhiễm lúc nào không hay.

Nên trừ khi có một loại bao cao su có thể trùm kín bộ phận sinh dục như một cái quần (cười), còn không thì đây chỉ là một cách giảm rủi ro mà thôi.

Quan điểm về chuyện giường chiếu bây giờ có phần thoải mái hơn xưa. Theo chị, điều này có phải là yếu tố dẫn đến tỉ lệ mắc STIs/STDs cao?

Nhiều người cho rằng, càng hiện đại thì người ta càng có cái nhìn thẳng thắn hơn về đời sống “chăn gối", nhưng sự thật là những hành vi, hoạt động tình dục hiện nay đều đã tồn tại từ rất lâu. Có chăng là chúng ta đặt cho chúng những cái tên khác mà thôi.

Ví dụ như các mối quan hệ như Friend with benefits (FWB) nghe rất hiện đại, nhưng thực tế không hề mới. Sự phát triển của các kênh phương tiện truyền thông đại chúng đã mở ra nhiều không gian để mọi người dễ dàng chia sẻ công khai các câu chuyện cá nhân và các vấn đề nhạy cảm nhưng vẫn giữ được tính nặc danh.

Các căn bệnh STDs cũng đã rất phổ biến vào thời xưa, đặc biệt là giang mai. Đây từng là cơn nạn dịch ác mộng của châu Âu khi lần đầu xuất hiện vào thế kỷ 15. Sự thiếu hụt kiến thức về nguyên nhân gây bệnh, nguyên nhân lây lan cũng như các biện pháp chữa bệnh phù hợp thời bấy giờ đã dẫn đến cái chết của khoảng 5 triệu người châu Âu.

Khác với người xưa, nhờ sự phát triển của y học, dịch tễ học và xã hội, chúng ta được tiếp cận với nhiều kiến thức hơn, nhiều biện pháp phòng bệnh hơn, từ đó có khả năng kiểm soát bệnh tốt hơn. Đây cũng chính là điểm sáng của ngày nay.

Cho nên, nếu an toàn tình dục ngày xưa chủ yếu chỉ nói về tránh thai, thì ngày nay còn phải mở rộng ra tránh bệnh và đồng thời, là cả sự đồng thuận.

Vậy làm thế nào để mỗi cá nhân kiểm soát rủi ro tốt hơn khi quan hệ?

Như đã nói ở trên, quan hệ an toàn không chỉ là về thể chất mà còn là về mặt tinh thần. Một buổi quan hệ dù có sử dụng bao cao su nhưng không đạt được sự đồng thuận thì không thể gọi là an toàn.

Sự thành thật cũng rất quan trọng, vì khi quan hệ với một người là bạn đang quan hệ với cả quá khứ với người đó. Thế nên dù đã tư trang đầy đủ (bao cao su và kiến thức) để nhập cuộc, bạn vẫn có thể có nguy cơ mắc STIs/STDs nếu như đối phương không sẵn sàng minh bạch lịch sử hoạt động tình dục và tình trạng sức khoẻ với bạn.

Tiền đề để có được an toàn tình dục là mỗi người phải chủ động sử dụng các biện pháp giảm rủi ro (bao cao su) và được cập nhật về tình trạng sức khoẻ tình dục của bản thân thông qua việc xét nghiệm phụ khoa (nếu là nữ) định kỳ.

Tổng kết lại, tình dục an toàn là sự kết hợp giữa các yếu tố: tránh thai, tránh bệnh, sự đồng thuận về hành vi tình dục, quyền được biết đầy đủ lịch sử tình dục của đối phương, và quyền lường trước những mối nguy trước khi quan hệ.

Tài liệu tham khảo:

(1) WHO (2023), ‘Sexually transmitted infections (STIs)’. Xem tại đây.

Mỗi người trưởng thành có xác suất nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, với tỉ lệ nam giới là 91% và nữ giới là 85% khi có ít nhất 1 bạn tình.

HPV là vi rút gây ung thư nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể được phòng ngừa sớm nhờ các biện pháp dự phòng, xét nghiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân.

Dự phòng HPV sớm với 2 bước:
- Tham khảo thông tin chi tiết tại hpv.vn.
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.

(Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục). VN-GSL-00578 12012026


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục