Tóm Lại Là: Grammy ồn ào, vì sao thế?

Câu chuyện giữa The Weeknd và Grammy có đơn giản? Liệu Grammy có còn là hình thức tôn vinh đáng tin cậy nữa trong ngành âm nhạc?
Mai Nguyễn (Hoài)
Nguồn: Shutterstock

Nguồn: Shutterstock

1. Chuyện gì đang diễn ra ở giải Grammy vậy?

Ngày 25/11 (giờ Việt Nam), Viện Hàn Lâm Âm Nhạc Hoa Kỳ đã chính thức công bố bảng đề cử nghệ sĩ cho giải Grammy năm nay.

Hiện tại, bảng đề cử đang nhận nhiều chỉ trích vì gạch bỏ The Weeknd, một nghệ sĩ da màu cực nổi bật trong năm 2020, khỏi danh sách. Làn sóng phẫn nộ với Grammy dâng lên cao khi Nicki Minaj và Wiz Kalifa đồng loạt chê trách sự thiếu minh bạch của giải thưởng này.

Beyonce, Dua Lipa và Taylor Swift chiếm lĩnh bảng vàng năm nay nhiều đề cử. Đáng chú ý, nhóm nhạc nam Bangtan Boys của Hàn Quốc cũng ghi nhận một đề cử.

2. Vì sao cư dân mạng giật mình?

Ngày 20/3, album “After Hours” của The Weeknd chính thức được phát hành và ngay lập tức đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200 trong bốn tuần liên tiếp. Album nhận cơn mưa lời khen của các chuyên gia tại những trang báo uy tín như Guardian, AllMusic, The Independent. Chỉ sáu ngày sau khi ra mắt, album đã bán được hơn 400,000 bản. Trong khi đó, album Everyday Life của Coldplay (được Grammy đề cử trong mục Album của năm) bán được 48,000 bản sau hai tuần ra mắt.

Sau khi bảng đề cử Grammy được công bố, The Weeknd đã thể hiện sự giận dữ của mình trên Twitter: “Grammy ngày càng suy đồi. Họ nợ tôi, người hâm mộ và cả làng nhạc này sự minh bạch”.

3. Mục đích thực sự của Grammy?

Lễ Grammy đầu tiên ra đời vào ngày 4/5/1959, nhằm tôn vinh những nghệ sĩ có đóng góp tích cực trong năm 1958. Khởi nguyên, đây là giải thưởng để tỏ lòng kính trọng với những ngôi sao tạo sức ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp thu âm, nhưng chưa đủ nổi bật để được khắc tên trên Đại lộ danh vọng Hollywood.

4. Giải Grammy có bao giờ ồn ào?

Không phải lần đầu tiên Grammy tạo sự phẫn nộ trong cộng đồng nghệ sĩ da màu. Năm 2012, Nicki Minaj, mặc cho việc có 7 bài hát nằm trong bảng xếp hạng Billboard (một kỷ lục gần như chưa nữ rapper nào đạt được), vẫn không được đề cử cho bất kỳ hạng mục nào. Năm đó, người chiến thắng là Bon Iver, một ca sĩ da trắng. Trước đó, Beyonce cũng từng mất giải thưởng này vào tay nhiều nghệ sĩ da trắng khác.

Trước màn đề cử năm nay, Deborah Dugan, CEO của Viện Hàn Lâm Thu âm Mỹ, đã bị sa thải vì hé màn những bí mật của giải thưởng này: sắp đặt kết quả, quấy rối tình dục nhân viên...

5. Những câu hỏi còn để ngỏ về Grammy

Những cáo buộc của Dugan cùng một số tranh cãi về Grammy trong các năm vừa qua đã gióng lên những câu hỏi về giải thưởng này:

  • Theo thống kê, có đến 50% lượng nghệ sĩ được đề cử năm nay là người da trắng. Chỉ 21% là người Mỹ gốc Phi và 3% là người Mỹ gốc Á. Liệu các nghệ sĩ da màu có đang chịu thiệt thòi so với những nghệ sĩ da trắng?
  • Câu chuyện ‘nhất cự ly nhì quan hệ’ theo lời Dugan có đúng?
  • Những người đứng đầu Grammy có đang không công bằng, không chỉ trong việc trao giải, mà còn qua việc không cho nghệ sĩ tự do thể hiện sự sáng tạo qua câu chuyện của Ariana Grande?

6. Không phải mình Grammy gây bão vì ‘không minh bạch’

Hashtag #Oscarsowhite từng một thời hiện diện khắp mạng xã hội bởi sự thiếu vắng trầm trọng các nam, nữ diễn viên da màu tại giải thưởng Oscar. Việc Parasite đại thắng tại Oscar năm nay cũng là một bất ngờ lớn bởi những phim ‘không phải là phim Mỹ’ thường nhận sự hắt hủi của các giám khảo Viện Hàn Lâm.

Không phải những người da màu chưa từng nhận giải thưởng lớn, nhưng những danh hiệu hàng đầu như "Nghệ sĩ của năm", "Album của năm" gần như rất hiếm đến được tay họ. John Vilanova, giáo sư báo chí truyền thông tại Đại học Lehigh, cho biết, thay vì đàn áp người da màu bằng bạo lực, đã có một kiểu phân biệt chủng tộc tinh vi khác: xem văn hóa, lịch sử cùng các giá trị của người Mỹ là "nền tảng cao cấp". Ai không đạt được sự "cao cấp" này, nghĩa là họ chưa đủ khả năng để đạt những giải thưởng 'chỉ dành cho người Mỹ da trắng'.

7. Hơn cả một giải thưởng

Không phải đột nhiên câu chuyện Parasite chiến thắng Oscar biến thành một ‘cú nổ’. Bởi đằng sau nó là cả một bầu trời mơ ước của nền điện ảnh Châu Á về việc ‘đứng ngang hàng’ với những bộ phim phương Tây. Hơn cả chiến thắng, đó là nguồn cảm hứng cho rất nhiều những con người Châu Á, rằng mặc cho khác biệt về quan điểm sống, về cách nhìn nhận về thế giới, về vị trí mà chúng ta được sinh ra, nghệ thuật sẽ mãi có khả năng gắn kết con người với nhau.

Hơn cả là giải thưởng, những Nobel, Oscar hay Grammy đảm nhận trọng trách lớn hơn việc ‘chọn người phù hợp với tiêu chí của ban giám khảo’, đằng sau đó là cả một câu chuyện về việc truyền cảm hứng. Để những nhà khoa học, những nghệ sĩ, dù thuộc bất kỳ màu da, giới tính hay khác biệt với số đông, vẫn vững tin rằng mình có thể được công nhận.

Nhưng dẫu sao, những người ngồi vào bàn ‘chấm bài’ ấy vẫn là con người. Con người có nhiều định kiến. Con người có sự thích - ghét với những thứ phù hợp và không phù hợp với mình. Một điều quan trọng nữa, là các nghệ sĩ, cho dù bị từ chối bởi một, hay nhiều hội đồng chấm thi, vẫn không mất niềm tin vào thứ mình đang mang lại cho thế giới.

Như Neil Gaiman từng nói, dù có sao đi nữa, vẫn “hãy làm nghệ thuật đẹp”.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục