Tóm Lại Là: Quyền nữ, sao cứ phải "đòi"?

Trong Rap Việt, MC Trấn Thành nói về nữ quyền: “Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền”. Vậy, vì sao chúng ta cứ phải "đòi"?

Mai Nguyễn (Hoài)
Tóm Lại Là: Quyền nữ, sao cứ phải "đòi"?

Nguồn: Rap Việt, Vie Channel

1. Quyền nữ, vì sao gây tranh cãi?

Trong màn thi Chung kết Rap Việt (14/11), Suboi cùng Tlinh đã trình diễn ca khúc “Tèn tèn girls” nhằm tôn vinh những nữ rapper tại Việt Nam. MC Trấn Thành, khi dành những lời khen cho hai cô gái, đã nói: “Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền”.

Câu nói đã nhận nhiều chỉ trích từ những cộng đồng đang đấu tranh cho nữ quyền. Bài phân tích lên đến 2,100 likes của Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam VOGE cho biết Trấn Thành đang đánh giá thấp sự cố gắng của những người đang thúc đẩy bình đẳng giới cho phái nữ. 

2. Nữ quyền và quyền nữ, khác gì nhau?

Quyền nữ” là cụm từ xuất hiện lần đầu tiên trong các thông cáo báo chí thuộc chuỗi triển lãm về phụ nữ mang tên Khuất Dạng của nghệ sĩ Hương Ngô. 

Khi nhận xét về màn trình diễn của Tlinh trong vòng loại Rap Việt, Suboi đã thể hiện sự yêu thích với cụm từ này. Theo cô, “quyền nữ” đã thể hiện rõ việc lựa chọn một cuộc sống thế nào của người phụ nữ là “quyền” - một điều hoàn toàn tự do và phải được hoàn toàn thấu hiểu. Trong khi đó, cụm “nữ quyền” có thể gây hiểu lầm rằng phụ nữ phải “gồng”, phải “ngầu” hơn đàn ông, mới có thể nhận được sự tôn trọng.

3. “Làm gì phải đi đòi nữ quyền”?

Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, khoảng cách giữa nam và nữ đã không còn ‘xa tít mù khơi’ nhờ sự hoạt động mạnh mẽ của các tổ chức vận động quyền cho nữ giới (Nguồn: tuoitre.vn). Tuy nhiên vẫn còn một số bất bình đẳng:

  • 72,7% đại biểu Quốc hội là nam giới;
  • 13% là khoảng cách lương giữa nam giới và nữ giới;
  •  58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực gia đình;
  • Vẫn còn tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh: 112 bé trai/100 bé gái;
  • Trung bình, phụ nữ phải làm việc nhiều hơn 2 tiếng so với đàn ông vì ngoài ‘việc nước’, còn lại lo lắng cho ‘việc nhà’.

4. Phụ nữ trên thế giới và Việt Nam đã “đòi” nữ quyền như thế nào?

Năm 1919, hơn 1000 phụ nữ đã đứng trước cửa nhà Trắng tại Hoa Kỳ để yêu cầu quyền bầu cử. Giai đoạn 1960-1970, hàng loạt cuộc biểu tình của phụ nữ bùng nổ, từ đó luật pháp về việc bình đẳng trong công việc, y tế… dành cho phụ nữ mới được chú trọng và thông qua.

Tại Việt Nam, UN Women Vietnam và VOGE luôn tổ chức các cuộc hội thảo cùng những bài viết chuyên sâu để phổ cập kiến thức cùng vận động bình đẳng giới. Nhờ đó, quyền cho phụ nữ đã có những thay đổi đáng kể: được thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu so với nam giới (từ 5 năm xuống 2 năm), được đảm bảo quyền bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi dưỡng trẻ em bằng cách cho phép lao động nam có quyền được nghỉ phép khi vợ sinh con…

5. Nữ giới không phải cộng đồng duy nhất đang đấu tranh cho quyền

LGBT+ cũng là cộng đồng đang ngày một đấu tranh cho quyền được pháp luật bảo vệ. Hiện tại, người thuộc cộng đồng LGBT vẫn không được:

  • Kết hôn hợp pháp;
  • Nhận nuôi con chung;
  • Có luật bảo vệ, chống kỳ thị.

Năm 2012, đám cưới của hai người phụ nữ tại Cà Mau bị buộc phải dừng lại giữa chừng để giải trình và cam kết không được sống chung với nhau (theo: vietnamnet.vn). Thời điểm ấy, việc người cùng giới tổ chức đám cưới và sống cùng một mái nhà là điều cấm. Chính sự kiện này đã thúc đẩy làn sóng vận động hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng trong cộng đồng LGBT+. Tháng 5/2014, Quốc hội chính thức thông qua Luật, bỏ việc cấm hôn nhân cùng giới, dù việc này vẫn chưa được thừa nhận.

Theo giám đốc Trung tâm ICS, cộng đồng đang phấn đấu để được pháp luật công nhận hôn nhân đồng giới vào năm 2025.

6. Chúng ta đang nhìn thế nào về việc “đòi quyền”?

Khi tìm kiếm từ khóa nữ quyền trên Google, có tới 161,000,000 kết quả. Con số đó lên đến 208,000,000 với cụm LGBT+. 

"Khi một chuyện được nhắc đến nhiều quá, tự nhiên nó trở thành điều bình thường", một nhà hoạt động quyền LGBT+ chia sẻ. Truyền thông đã nhắc nhiều về nam nữ bình đẳng, về LGBT+ đến mức nhiều người trong chúng ta được bao bọc trong một quả bong bóng định kiến rằng “mọi chuyện đã xong, không cần phải đấu tranh cho bất kỳ điều gì nữa”.

Một vấn đề ‘có vẻ như đã bình thường’ trong con mắt truyền thông không hẳn là sẽ bình thường với tất cả mọi người. LGBT+ cần một chặng đường dài để đấu tranh về luật pháp. Còn phụ nữ, họ cũng còn chặng đường dài để đấu tranh cho những định kiến trong vô thức từ rất nhiều năm qua.

7. Vẫn còn chặng đường dài để “đòi được quyền”, nhưng…

Năm 2010, chương trình MTV EXIT Live in Vietnam đã được tổ chức với những khách mời như Super Junior, Hà Anh Tuấn… để vận động phòng chống nạn buôn người. Đến năm 2017, luật xử phạt những người đứng đầu đường dây buôn bán người mới chính thức hoàn chỉnh.

Lúc ngồi kế bên chiếc tivi và nghe việc luật xử lý những người buôn bán người đã được thông qua, 10 năm tuổi trẻ chiến đấu cho điều mà bản thân tin tưởng vùn vụt trôi qua trước mắt mình”, chị Thùy Minh, Ban Tổ Chức chương trình năm ấy chia sẻ.

Rất nhiều năm tuổi trẻ của nhiều người đã đấu tranh để con người có thể nhìn nhau ngang hàng, không ai phải chịu bất kỳ sự ấm ức nào. Sẽ ra sao nếu tất cả đều dừng lại, chỉ vì ai đó nói rằng “đủ rồi”?

Chặng đường đấu tranh cho bất kỳ điều gì cũng rất dài, dù vậy, rồi sẽ đến điểm kết mà tất cả đều thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng điều quan trọng là, chúng ta không được dừng lại!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục