Tóm Lại Là: Vắc xin COVID-19 đã có, nhưng hãy khoan vui!
Ngày 9/11, vắc xin của hãng dược Pfizer (Mỹ) phối hợp cùng công ty công nghệ sinh học BioNTec (Đức) đã được công bố hiệu quả hơn 90%.
#TómLạiLà trả lời ngắn gọn 7 câu hỏi quan trọng nhất xung quanh một sự kiện: Ai? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Bao nhiêu? Như thế nào? Tại sao?
1. COVID-19 đang thế nào?
Tính đến thời điểm này, COVID đã xuất hiện hơn 10 tháng (kể từ lần đầu tiên tâm dịch được ghi nhận từ cuối tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán), và chưa có dấu hiệu dừng nguy hiểm.
Theo số liệu mới nhất cập nhật từ The Guardian, đến ngày 11/11/2020, đã có hơn 51 triệu ca nhiễm COVID-19, với tổng số 1,263,064 người chết.
Số liệu từ Bộ Y Tế cho biết tại Việt Nam, có tổng số 1,226 ca mắc COVID-19, với 35 người tử vong.
2. Diễn tiến mới nhất của vắc xin COVID?
Ngày 9/11, vắc xin của hãng dược Pfizer (Mỹ) phối hợp cùng công ty công nghệ sinh học BioNTec (Đức) đã được công bố hiệu quả hơn 90%. Đây là kết quả trong lần thử nghiệm lâm sàng thứ 3 trên người, cũng là lần thử nghiệm cuối cùng trước khi vắc xin được quyết định có ra mắt thị trường hay không.
Trên Twitter của mình, Ivanka Trump cũng thông báo tin vui này, qua đó thừa nhận chính phủ Mỹ đã góp phần giúp đỡ cho sự thành công của loại vắc xin mới. Trước đó, chính phủ Donald Trump đã khởi động chiến dịch Warp Speed để đầu tư 1,95 tỷ USD nhằm “đặt hàng” Pfizer sản xuất hơn 100 triệu liều vắc xin cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đại diện Pfizer cho biết để tách bạch y tế và chính trị, công ty không nhận bất kỳ chi phí nào từ chính phủ Mỹ.
Nếu kết quả thử nghiệm được thông qua, Pfizer dự kiến sẽ cung cấp đủ liều để tiêm chủng cho 10-20 triệu người vào cuối năm nay.
3. Đã có những “đại gia” vắc xin nào?
Có tổng cộng 11 loại vắc xin chống COVID-19 đang được thử nghiệm ở giai đoạn cuối, trong đó có 4 loại xuất xứ từ Mỹ. Vắc xin của công ty công nghệ sinh học Moderna cũng đang chờ kết quả thử nghiệm.
Ngày 9/11, vắc xin ngừa COVID-19 do Nga sản xuất cũng được công bố là hiệu quả hơn 90%. Tuy nhiên, số liệu này được đo lường từ việc tiêm chủng trên công chúng chứ không phải từ việc thử nghiệm giai đoạn 3 trên người. Sản phẩm vẫn bị nhiều nhà khoa học e ngại bởi chưa đảm bảo đủ 3 bước thử nghiệm lâm sàng trên người.
Cuối tháng 10, đại diện nơi điều chế tại Nga chia sẻ rằng mới chỉ có 6,000 người thực sự được thử nghiệm vắc xin triệt để trong tổng số 17,000 người đăng ký tham gia. Trong khi đó, để thử nghiệm vắc xin, Pfizer phải huy động hơn 40,000 người.
“Một vắc xin được chứng minh là hiệu quả khi nó được các cơ quan quản lý cấp quốc gia phê duyệt” là thông báo về vắc xin COVID-19 của WHO. Tổ chức này cho biết đến nay vẫn chưa thực sự có vắc xin chữa COVID-19
Việc gấp rút ra mắt vắc xin cũng là cuộc chiến ngầm về kinh tế giữa các quốc gia và các công ty trong cùng một nước. Ngay khi vừa công bố thử nghiệm vắc xin có tiến triển mới, cổ phiếu Pfizer trên sàn chứng khoán New York đã tăng 6% trong khi chứng khoán BioNTech cũng tăng 18% ở thị trường Mỹ.
Với tình hình ngày càng căng thẳng của dịch bệnh, có thể nói, ai đủ khả năng sản xuất hàng loạt vắc xin phòng COVID-19 trước nhất sẽ ‘làm vua’ trên thị trường chứng khoán, thu được khoản lợi ích kinh tế khổng lồ.
4. Công ty “thần dược” nào đứng sau vắc xin COVID-19?
Pfizer là 'cha đẻ' của Viagra, hay còn gọi là thần dược chống “bất lực” dành cho cánh mày râu. Khởi nguồn là một nơi sản xuất hóa chất của hai anh em nhà Pfizer, hiện tại, đây là một trong những hãng dược có giá trị kinh tế lớn nhất tại Mỹ.
BioNtech là công ty công nghệ sinh học của Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, với nghiên cứu nổi bật nhất là tìm cách cá nhân hóa việc chữa bệnh ung thư để đưa ra liệu pháp miễn dịch phù hợp cho từng người. Ngày 4/9/2019, BioNtech đã nhận khoản đầu tư lên đến 55 triệu USD từ Quỹ Bill & Melinda Gates để nghiên cứu chữa HIV và bệnh lao.
5. Các tranh cãi gì xoay quanh vắc xin mới?
90% không phải 100%, nên vẫn còn một đoạn đường dài trước khi vắc xin của Pfizer cùng BioNtech đến được tay công chúng.
Có ba câu hỏi giới chuyên gia vẫn ‘nhăn trán’ trước loại vắc xin mới:
- Bao lâu cho đến lúc hệ miễn dịch ‘xu cà na’ sau khi tiêm vắc xin?
- Trên thang 10, mức độ nhiễm bệnh của người tham gia thử nghiệm là bao nhiêu?
- Độ tuổi của người thử nghiệm: trẻ, già, hay không trẻ không già?
Vắc xin cần được bảo quản trong điều kiện âm 80 độ C. Khi sản phẩm ‘trị’ COVID-19 ra lò, việc vận chuyển sẽ thế nào?
6. Chừng nào vắc xin về Việt Nam?
Hoạt động nhập khẩu vắc xin hiện nay đang thuộc thẩm quyền của những công ty dược phẩm được Bộ Y tế cấp phép. Để nhập khẩu, các công ty cần chuẩn bị công văn đề nghị với Bộ Y tế. Kết hợp thêm thông tin về đơn hàng cùng nhu cầu thực tế sẽ trả lời trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu.
Theo chia sẻ của PGS.TS Trần Đắc Phu, sau khi nhập một loại vaccine đã lưu hành ở nước ngoài vào Việt Nam, các bên liên quan cần thử nghiệm lại trên chuột, sau đó đánh giá ứng dụng trên người. Quy trình này phải mất một năm đến vài năm.
Nếu đầu 2021 vắc xin COVID-19 chính thức xuất hiện trên thế giới, thì sớm nhất là nửa cuối 2021 người dân Việt Nam mới có thể tiêm phòng.
7. Làm gì trong lúc chờ vắc xin?
Hơn 69 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, dịch COVID-19 dường như đã trở thành “người lạ ơi” với người Việt Nam.
Nếu thi thoảng quên mất trên đời tồn tại một chú virus mang tên corona, hãy cập nhật liền những số liệu về tình hình dịch bệnh trong nước tại Bộ Y Tế và ngoài nước tại Worldometer.
“Cẩn tắc vô áy náy”, trong lúc chờ vắc xin về, đừng quên ghi nhớ cẩm nang chống dịch COVID tại nhà và tại nơi công cộng của Bộ Y Tế trên nền nhạc Ghen Cô Vy (đến nay đã có hơn 65 triệu view) để phòng dịch triệt để.
#TómLạiLà trả lời ngắn gọn 7 câu hỏi quan trọng nhất xung quanh một sự kiện: Ai? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Bao nhiêu? Như thế nào? Tại sao?