Tốt bụng thế nào để không bị lợi dụng lòng tốt?

“Sao dạo này mày hết hiền như xưa rồi?”
Trân Trân
Nguồn: @hi.amyanh cho Vietcetera.

Nguồn: @hi.amyanh cho Vietcetera.

Đóng sầm cánh cửa phòng, bạn có mệt mỏi trở về nhà sau một ngày chạy theo chiều lòng hết người này đến người khác?

  • Bạn thà cười theo những trò đùa mà chính bản thân còn chẳng thấy vui, cốt để người kể không bị mất mặt.
  • Bạn cố đặt thêm câu hỏi để gợi ý cho người khác luyên thuyên kể về bản thân họ, song trong thâm tâm bạn chỉ muốn kết thúc.
  • Bạn trở thành “lòng mẹ bao la” luôn chấp nhận mọi người khi họ bị tập thể quay lưng, để rồi chẳng ai thực sự ở bên bạn khi bạn gặp vấn đề.

Lâu dần, đây trở thành một hành vi “toxic với chính mình” khi bạn đang dạy người khác cách xem nhẹ lòng tốt của mình, thậm chí là lợi dụng. Đây chính là Nghịch lý Lòng tốt (The Kindness Paradox) nơi chúng ta đối xử tử tế chỉ để nhận lại sự bạc bẽo ê chề.

Hiểu được Nghịch lý Lòng tốt rồi, làm sao để vạch ra giới hạn “tốt bụng nhưng đừng ngốc nghếch” đây?

Nghịch lý Lòng tốt: Bạn có thấy tội lỗi chỉ vì bạn… chọn thứ mình thích?

Nỗi khổ của một “người tốt”

Chúng ta đều có ít nhất 1 people pleaser trong hội bạn thân hay công sở - người luôn sẵn sàng “say yes” cho tất cả mọi thứ.

Vì nhạy cảm với tâm trạng người khác, người chiều lòng thường ngại gây tranh cãi, che giấu suy nghĩ thật, và ai nhờ gì cũng nghiễm nhiên đồng ý. Nếu lỡ không đồng ý được, họ sẽ phải đi kèm hàng tá lý do giải thích theo sau vì sợ người khác… ghét mình.

Nỗi khổ tâm của hội người tốt này nằm ở chỗ, họ thà chấp nhận chiều lòng mù quáng còn hơn phải áy náy khó xử khi không thể đáp ứng nhu cầu người khác. Kết quả là, ta thường xuyên cạn kiệt năng lượng sau những ngày dài đóng vai “người tốt” bị chà đạp.

Ta trở nên cáu bẳn, uất ức, hay thậm chí trút giận lên những người thân gia đình - người mà ta ít cần phải gồng mình chiều ý nhất, dù cho họ không đáng bị đối xử như vậy.

Tổ hợp cảm xúc tiêu cực này đến từ những mâu thuẫn nào trong chính chúng ta?

Nghịch lý Lòng tốt: Khi nào thì lòng tốt mang lại phiền toái?

Từ góc độ tâm lý, trạng thái tiêu cực này là hậu quả của những dòng suy nghĩ mâu thuẫn trong nội tâm. Theo bài viết The Paradox of Kindness: How to Stop Others From Taking Advantage of You của The Adviceable, những mâu thuẫn đó là:

  • Mâu thuẫn bên trong: Ta muốn tốt với người đời để không ai bị tổn thương, song đến cuối cùng ta lại chính là người đáng thương nhất.
  • Mâu thuẫn bên ngoài: Ta được dạy phải tử tế từ nhỏ; nhưng càng tử tế, người đời càng “đòi hỏi” một lòng tốt vô hạn ở ta. Họ sẵn sàng quay lưng nếu một ngày ta không còn thỏa mãn họ theo cách họ muốn.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ, sự tử tế mà ta cho đi vô điều kiện này đôi lúc trở nên… thừa thãi. “Thừa” vì ta có thể trao lòng tốt cho sai người, như cho bạn mượn tiền không lấy lãi chỉ để bạn xem mình như cây ATM di động. “Thừa” cũng đơn giản vì ta xuống nước nhường nhịn những lúc không cần thiết, như bỏ bữa trưa với cơn đau dạ dày chỉ để hầu chuyện đứa bạn không thân thiết.

Qua một thời gian giao tiếp cả nể, bạn sẽ vô tình ra tín hiệu cho người khác rằng bạn là người dễ tính, dễ dãi, đến dễ… lợi dụng. So với một người biết nói “không” đúng lúc và ưu tiên bản thân họ, rõ ràng giá trị của bạn đã bị hạ xuống thấp hơn.

Càng lún sâu vào chiều lòng người quá mức, ta càng khó để vùng lên đòi lại tiếng nói cho riêng mình. Không ai muốn lòng tốt mình bị chà đạp. Vậy ta nên cư xử nào để hợp tình hợp lý, không tổn thương người khác nhưng cũng đừng tổn thương chính mình?

3 Cách để lòng tốt bạn không đi quá giới hạn

Đặt ranh giới để nói “không” đúng nơi đúng chỗ

Khi đã quen với việc đồng ý chiều lòng quá lâu, bạn có thấy khó khăn khi phải từ chối một ai đó?

Không nhận lời đi tăng 2 khi đã quá 9h tối, không nhận làm những việc vượt quá khả năng của mình... những ranh giới này giúp bạn thiết lập một bộ quy tắc cho riêng mình. Nếu người khác liên tục phạm vào bộ quy tắc này, bạn có thể cân nhắc lại mối quan hệ với họ.

Dưới đây là câu hỏi 3 bước bạn có thể trả lời để bước đầu xây dựng hàng rào ranh giới lành mạnh cho bản thân:

  • Bước 1: Đâu là những hệ quả tiêu cực bạn trải qua khi dễ dãi quá lâu? Ví dụ: bị bỏ rơi trong tập thể, bị lừa gạt, thiếu tôn trọng...
  • Bước 2: Có nguyên nhân chủ quan nào từ bạn khiến họ đối xử với bạn như vậy chứ? Ví dụ: họ nói gì bạn cũng gật đầu đồng ý khiến họ xem nhẹ quan điểm của bạn.
  • Bước 3: Đâu là những lời từ chối khiến bạn hạnh phúc hơn? Ví dụ: từ chối đi ăn 1 quán khi mình không thích.

Nên nhớ, bạn cần phải kiên định theo đuổi bộ luật này đến cùng. Bạn sẽ phải chấp nhận mất đi một vài mối quan hệ sau khi trở nên gai góc hơn, và điều đó hoàn toàn bình thường ở phương pháp thứ 2 sau đây.

Chấp nhận sẽ có người đến - người đi sau khi bạn thay đổi

“Sao dạo này mày hết hiền như xưa rồi?”

“Tao muốn mày tốt tính như hồi đầu mới quen cơ!”

Hãy quan sát xem ai là người cảm thấy khó chịu chỉ vì bạn sống cho bản thân nhiều hơn một chút. Đây sẽ là trải nghiệm “màng lọc” giúp bạn nhận biết và đánh giá những mối quan hệ xung quanh, xem ai mới thực sự cần bạn vì bạn.

Trừ tình yêu vô điều kiện ở gia đình, thì mọi mối quan hệ trên đời đều được xây dựng dựa trên giá trị cả 2 mang lại cho nhau. Nếu bạn mang đến thế giới sự tử tế và dịu dàng, thì bạn hoàn toàn xứng đáng nhận được sự tử tế dịu dàng.

Lần tới nếu ai đó trách ngược vì sao bạn thay đổi, đừng vội giải thích biện hộ ngay, vì…

Không phải hành động nào cũng cần lý do

“Xin lỗi nhé tớ không đến dự sinh nhật cậu được, do tớ phải đi đón em gái ở sân bay, hôm đó trời mưa, kẹt xe,...”

Thói quen giải thích biện minh vòng vo vô tình khiến sự tự tin và “quyền lực” trong câu nói của bạn bị giảm xuống. Trừ trường hợp công việc nơi ta cần lý do để thuyết phục, việc đưa ra quá nhiều biện minh trong các cuộc hội thoại đời thường là không quá cần thiết.

Tôi có một người bạn luôn khước từ mọi cuộc ăn chơi, đính kèm màn giải thích lê thê rằng mình bận công việc full-time, part-time, thi cử, gia đình, vân vân mây mây, để cả nhóm không… giận bạn ấy. Điều quan trọng là, nhóm tôi chỉ cần biết bạn ấy không đi, vì bận học, vậy là đủ.

Thật ra nếu người khác cần lý do, họ sẽ chủ động hỏi lại bạn.

Kết

“Thông minh là bẩm sinh, tử tế là lựa chọn”. Nếu một ngày bạn lựa chọn tử tế ở nhầm nơi, nhầm người, thì cũng không sao cả. Ta hoàn toàn có thể học từ quá khứ people pleaser, để làm lại cuộc đời mới vì bản thân, cho bản thân tốt hơn.

Sau tất cả, bạn là người duy nhất đồng hành với chính mình đến cuối cùng, hãy đảm bảo bạn hạnh phúc với chính mình trước khi bắt đầu làm người khác hạnh phúc, nhé.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục