Trà Vẫn Còn Nóng: Mặc gì chạy cũng được, miễn là không chạy trốn thuế

Cùng nhấp ngụm trà nóng đầu năm 2021.
Bích Hồ
Nguồn: Bích Hồ cho Vietcetera

Nguồn: Bích Hồ cho Vietcetera

1. Đầu năm chọn cứu rừng với 1 tỷ cây xanh!

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm. Trong giai đoạn 2021-2025, 1 tỷ cây xanh sẽ được trồng. Con số chỉ tiêu này cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.

Những trận bão liên tiếp và lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung thời gian qua càng khiến cho việc trồng cây rừng trở thành hành động cấp bách.

Đến cuối năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng cả nước đạt 42%, cao hơn ngưỡng bình quân của thế giới là 29%. Tuy nhiên trong 14,6 triệu ha rừng thì phân nửa lại là rừng công nghiệp. Nói cách khác, số lượng cây công nghiệp này có thể bù cho diện tích che phủ nhưng lại không mang tính bền vững và giúp chống mưa lũ.

Đây là hiện trạng đáng buồn trong việc “chạy đua thành tích“ để bảo vệ rừng, khi mà số lượng lại bù cho chất lượng. Nhiệt tình trồng cây thì tốt nhưng đôi khi vẫn phải xem lại mục đích là để giải quyết hay chỉ đang “bọc đường" cho vấn đề?

2. Mặc áo dài vẫn thi chạy bộ được?

Vừa qua tại thành phố Huế, giải chạy VnExpress Marathon đã thu hút hàng ngàn vận động viên cả nước. Dư luận đặc biệt dành sự chú ý cho các vận động viên mặc áo dài ngũ thân. Hình ảnh này được gán cho cái mác phản cảm và không đúng với tinh thần thể thao.

Nhiều lời trách móc dành cho ban tổ chức vì “làm lố”. Tuy nhiên hành động này xuất phát từ nguyện vọng cá nhân. Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa thể thao Thừa Thiên Huế, cho biết đây không phải lần đầu tiên các vận động viên mặc áo dài tham gia đường đua.

Thực tế, việc mặc trang phục không-phải-quần-áo-chạy hết sức phổ biến trong điền kinh. Trên thế giới đã có nhiều cuộc thi chạy khuyến khích người tham gia hoá trang và còn trao giải cho trang phục đẹp nhất. Vậy có lý gì chúng ta lại tung hô cuộc đua của nước bạn và “dìm hàng” trang phục nước mình?

3. Thẻ căn cước công nhân 4.0 có gắn thêm chip!

Sáng 31/12, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tiến hành triển khai cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip. Việc cấp thẻ chỉ mất từ 5-7 phút với công nghệ mới.

Chip điện tử giúp cuộc sống thêm dễ dàng và rất khó làm giả nhờ khả năng lưu trữ khoảng 20 trường dữ liệu cá nhân. Một vài trong số đó là chữ ký số, sinh trắc học và thông tin cá nhân.

Trên thế giới đã có nhiều quốc gia sử dụng thẻ căn cước điện tử như Bồ Đào Nha, Ý, Estonia. Đa phần các thẻ này đều kiêm luôn thẻ căn cước dân sự, thẻ mã số thuế, phiếu bầu cử... Điều này khiến cho việc quản lý giấy tờ trở nên dễ dàng hơn và thúc đẩy sự phát triển của giao dịch điện tử.

Hiện tại, Bộ Công an đặt mục tiêu cấp khoảng 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip trước ngày 01/07/2021. Có lẽ sớm thôi chúng ta sẽ không cần phải “tay xách nách mang” nhiều loại giấy tờ bên mình khi tất cả đã được thu lại trong chiếc chip.

4. “Thành phố trong thành phố” đầu tiên!

Sáng 31/12, Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Thủ Đức.

Việc sáp nhập Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức để lập thành phố Thủ Đức được cho là sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế cả nước.

Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng vì quá trình thành lập thành phố xảy ra quá gấp gáp. Để kịp cho ngày bầu cử Quốc Hội, thành phố cũng chỉ có hơn 1 tháng để hình thành bộ máy mới. Bên cạnh đó, dù năm 2020 đã kết thúc nhưng những dự án trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2 vẫn chưa hoàn thành. Đó là chưa kể tới hậu quả nặng nề từ câu chuyện Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết xong. Có lẽ Thủ Đức phải “năm canh thức đủ” để có thể hoàn thiện bộ máy vận hành, đạt đúng như kỳ vọng được đặt ra.

5. Đang sống sờ sờ bỗng dưng bị đồn đã chết?

Vừa qua trên mạng xã hội Tiktok rộ lên tài khoản mang tên Vũ Văn Thanh liên tục đăng tải nội dung thông báo về sự qua đời của các cầu thủ trong đội tuyển Quốc gia Việt Nam.

Loan tin giả không phải là chuyện mới. Cách đây không lâu, các tin đồn thất thiệt về vaccine cũng lan truyền khắp các nền tảng mạng xã hội.

Cuộc chiến chống tin giả chưa bao giờ kết thúc nhất là khi các hình thức thể hiện luôn thay đổi. Nhưng vui thay, nhận thức của giới trẻ trong việc phòng chống tin giả đang ngày càng tốt hơn, một phần lớn nhờ dự án chống tin giả. Cụ thể là chương trình chống tin giả của Thông tấn xã Việt Nam. Dự án này bao gồm kênh Factcheckvn trên TikTok, đã đoạt giải Vàng ở thể loại Best Project for News Literacy.

6. Muốn né thuế thì bán hàng online?!

Tại cuộc họp với báo chí vào cuối năm 2020, Tổng cục Thuế cho biết đã thu được khoảng 1000 tỷ đồng tiền thuế của các cá nhân kiếm tiền qua Facebook, Google trong hai năm gần đây.

Con số “khủng” khiến nhiều người bất ngờ vì độ “ăn nên làm ra” của các cửa hàng trực tuyến. Nhưng điều đáng nói hơn là con số này lẽ ra đã có thể lớn hơn hàng chục lần.

Nhiều cửa hàng đang dùng bùa yêu kêu gọi khách tiếp tay cho mình trốn thuế. “Em chỉ xin tên, không cần anh/chị ghi chú mua gì, rồi chụp lại màn hình chuyển khoản.” Quy trình đặc biệt nhanh chóng, tiện lợi, từ khi các chủ shop hay tin các ngân hàng được yêu cầu cung cấp thông tin thanh toán cho cơ quan thuế (ngày 05/12/2020).

Sự mất công bằng cho cửa hàng truyền thống này có thể khiến cuộc chuyển đổi số diễn ra nhanh kỷ lục, mà không cần thêm chính sách thúc đẩy. Năm mới ngành thuế có lẽ phải hoạt động hết công suất để quản lý hoạt động kinh doanh từ các dịch vụ số.

7. “Lạc Trôi” - MV thôi chưa đủ, phải có thêm truyện tranh!

Sau 4 năm ra mắt, “hiện tượng” Lạc Trôi của Sơn Tùng M-TP sắp tái ngộ khán giả ở định dạng truyện tranh vào ngày 04/01 sắp tới.

Chẳng mấy ai còn lạ việc truyện tranh chuyển thể thành phim, hay MV ca nhạc cổ trang lấy cảm hứng từ truyện. Nhưng đây là lần đầu một nghệ sĩ Việt có bước đi táo bạo: tạo hình 4 phút từ MV ca nhạc được biến hoá thành thế giới sinh động gồm 100 chương truyện. 3 hình thức truyện đều có đủ:

  • Truyện giấy
  • Webtoon (truyện tranh kỹ thuật số)
  • Moving-toon (truyện tranh kỹ thuật số có chuyển động và âm thanh)

Ngoài nội lực thấy rõ của nền truyện tranh, hoạt hoạ của Việt Nam trong những năm gần đây, khán giả Việt đang bắt đầu được chứng kiến sự phát triển của một hệ sinh thái các sản phẩm sáng tạo, mà trước nay thường chỉ thấy nhiều ở ngành công nghiệp giải trí thần tượng như Hàn Quốc.

Có lẽ một ngày nào đó, chúng ta sẽ được thấy tin công ty M-TP Entertainment cho ra mắt game online, sticker, hay trọn bộ sản phẩm thời trang từ đầu đến chân có mang dấu ấn của “sếp”... Còn Lạc Trôi “phiên bản 2021”, dù không phát hành miễn phí như 16 tập truyện “Save me” của BTS, dự kiến vẫn sẽ tạo nên “địa chấn” mới, nhờ lượng fan lớn như cả “bầu trời”!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục