Trêu đùa cân nặng không tốt cho người nghe như bạn tưởng
Trước đây, lớp tôi cũng có một cậu bạn khá “bự con”. Vì vậy mà cả lớp (bao gồm cả tôi) thường gọi bạn ấy bằng biệt danh là “T. mập”, một phần là để phân biệt với một người bạn khác cùng tên nhưng ốm hơn. Việc đặt biệt danh tuy không được hay ho cho lắm nhưng lại khá phổ biến, ít nhất là khi tôi còn đi học. Biệt danh ấy đôi khi lại hơi thiếu tế nhị và xuất phát từ một điểm khác biệt trên cơ thể của họ: mập, lùn, hói,…
Tuy nhiên, càng ngày tôi càng cảm thấy có điều gì đó không ổn. Cậu bạn này không tỏ thái độ phản đối với biệt danh mà người khác đặt cho mình nhưng lại có vẻ rất tự ti về cân nặng của bản thân. Cũng vì lý do đó mà sau này, tôi đã cố gắng ngưng hẳn việc gọi cậu bạn bằng biệt danh ấy. Tôi không muốn ai cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình và cũng không muốn nhìn nhận người khác chỉ qua một đặc điểm trên cơ thể của họ.
Và quan trọng hơn hết là, việc trêu đùa cân nặng người khác cũng không khiến họ sống lành mạnh hơn được.
Vì sao trêu đùa cân nặng của người khác không giúp họ sống lành mạnh hơn?
Tôi đã từng nghe một số người nói rằng, chế nhạo những người béo phì sẽ giúp họ cảm thấy tệ hơn về cân nặng của mình, từ đó họ sẽ có động lực để giảm cân hơn. Tuy nhiên, việc trêu đùa cân nặng người khác có thể gây tác dụng ngược.
Trong một nghiên cứu dựa trên 5129 người được thực hiện bởi Angelina Sutina, Eric Robinson, Michael Daly và Antonio Terracciano, phân biệt đối xử với những người thừa cân lại khiến họ ăn uống quá độ hơn, tiêu thụ nhiều thực phẩm đóng gói hơn và ít ăn đúng bữa hơn. Một nghiên cứu khác tại University College London cũng cho thấy thay vì giúp giảm cân, việc trêu đùa cân nặng của người khác lại khiến họ tăng cân và tăng nguy cơ béo phì.
Miệt thị cân nặng của người khác không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới người lớn. Ở Việt Nam, nhiều người lớn hay có tư tưởng “trẻ em thì biết gì” và từ đó thường xuyên nói những điều thiếu tế nhị về cân nặng (và cả những đặc điểm cơ thể và tính cách khác) của trẻ. Tuy nhiên, rất có thể trẻ em lại biết nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Một nghiên cứu được xuất bản bởi American Academy of Pediatrics cho thấy việc chỉ trích cân nặng của trẻ lại khiến chúng ít hứng thú hơn với thể thao và giảm các hoạt động thể chất. Hơn nữa, trẻ em vốn nhạy cảm hơn người lớn rất nhiều. Liệu chúng ta có chắc chắn rằng chúng sẽ không bị tổn thương bởi những câu nói tưởng chừng như vô hại ấy cho đến tận khi trưởng thành?
Nguyên nhân dẫn đến thừa cân và béo phì không đơn giản như mọi người thường nghĩ
Một số người cho rằng thừa cân/ béo phì chỉ đơn giản là do ăn uống không điều độ và lười tập thể thao. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa lại phức tạp hơn nhiều. Có rất nhiều yếu tố khác dẫn đến béo phì, chẳng hạn như:
Nghèo đói và thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Ở Mỹ, những gia đình thu nhập thấp thường không có đủ điều kiện tài chính cho con cái tham gia các hoạt động thể chất hay tiêu thụ nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Chi phí bảo hiểm y tế cao cũng khiến họ hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Gen
Gen có thể trực tiếp gây ra chứng Prader-Willi khiến trẻ em bị béo phì từ nhỏ. Một số gen cũng khiến cơ thể dễ tăng cân và bị béo phì hơn so với bình thường.
Tình trạng sức khỏe và tâm lý
Một vài chứng rối loạn hóc-môn và thuốc (như thuốc chống trầm cảm, động kinh…) cũng khiến cho người bệnh dễ tăng cân. Việc bị stress hoặc gặp chuyện buồn cũng làm cho người ta ăn uống nhiều hơn bình thường.
Nói cách khác, trong rất nhiều trường hợp, việc bị béo phì hoặc thừa cân không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của họ.
Ngoài ra, cơ thể mỗi người cũng khác nhau. Nhiều người trông hơi bự con hơn bình thường có thể là do họ nặng xương hoặc phát triển cơ bắp. Nếu lượng mỡ thừa trong cơ thể thấp thì họ vẫn được coi là khỏe mạnh và cân bằng.
Kết
Đương nhiên việc có được lối sống lành mạnh và một cơ thể khỏe mạnh là điều hoàn toàn cần thiết và nên làm. Tuy vậy, sẽ rất khó để có thể chăm sóc và rèn luyện bản thân khi chúng ta ghét bỏ nó. Như Renee Engeln, giáo sư và là tác giả của cuốn sách “Beauty Sick“, có nói: “Nếu bạn muốn có những thay đổi lành mạnh trong phong cách sống và chăm sóc bản thân tốt hơn, hãy bắt đầu bằng việc xem nó như ngôi nhà của mình thay vì như kẻ thù. Hãy nghĩ về cơ thể của mình như cách bạn nghĩ về những người thân yêu: không hoàn hảo, nhưng có những giá trị riêng và luôn xứng đáng được tôn trọng”.
Và để làm được điều này, chắc chắn những người xung quanh cũng cần tránh việc trở nên khiếm nhã và trêu đùa ngoại hình người khác.
Bài viết này được thực hiện bởi Sơn Đặng.
Xem thêm:
[Bài viết] Làm thế nào để yêu thương cơ thể mình?
[Bài viết] Lòng tự trắc ẩn là gì và vì sao bạn cần nó