Trung Đông không tiếng súng: Một góc nhìn từ văn chương
Trung Đông ngoài tiếng súng và chia rẽ của chiến tranh chúng ta hay nói đến, thì vẫn luôn còn ở đó niềm tin, tình người, nền văn hoá rực rỡ và khao khát hoà bình.
Những ngày này, báo chí bình luận nhiều về một vùng Trung Đông nội chiến liên miên, về chiến tranh dải Gaza, về khủng bố hay mất mát, về tiếng pháo với những đổ nát, về xung đột chính trị giữa Israel với Palestine.
Những cuốn sách dưới đây được lấy bối cảnh từ các nước Trung Đông, từ những nền văn hoá đa dạng của khu vực này. Tuy sẽ không giúp bạn lý giải hay có một cái nhìn sâu hơn về những mâu thuẫn sâu sắc ở nơi đây, nhưng sẽ giúp bạn hiểu rằng, dù là trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất thì vẫn có những câu chuyện tốt đẹp để kể.
Những người đàn bà - Etaf Rum
Cuốn sách là một cái nhìn sâu sắc về sự tuyệt vọng, thống khổ của phụ nữ gốc Palestine. Dù vậy, ẩn chứa bên trong họ là sức mạnh phi thường, lòng dũng cảm để tìm lại tiếng nói và phẩm giá của mình.
Với giọng văn mô tả sống động, Etaf Rum đã mang cả nền văn hoá Ả Rập đến cho người đọc. Một nền văn hoá cổ hủ không chút giấu diếm, truyền thống trọng nam khinh nữ được bộc lộ một cách khéo léo khiến chúng ta đồng cảm được với mỗi nhân vật trong truyện.
Chúng ta có thể tìm thấy trong cuốn sách cả một nền ẩm thực phong phú của đất nước vùng Trung Đông. Từng món ăn khi những người phụ nữ dọn cơm tối, cách pha trà với các loại thảo mộc hay cả phong tục tiếp khách của người Ả Rập đều được miêu tả một cách chi tiết và sinh động.
Ngàn mặt trời rực rỡ - Khaled Hosseini
Chiến tranh, bạo lực, đói nghèo, thương đau… là những gì người ta thường hình dung về Afghanistan. Những điều đó đúng nhưng chưa đủ. Ngàn mặt trời rực rỡ đưa ta đến gần hơn với cuộc đời và số phận của người dân Afghanistan qua việc khắc họa những mảnh đời đau khổ, bất hạnh.
Những biến động xảy ra trong bốn thập kỷ đau thương đổ máu của đất nước Trung Đông đầy tự hào ấy, đã khiến cho cuộc đời của những nhân vật trở nên chân thực hơn. Những nỗi đau của họ, câu chuyện của họ, nỗi bất hạnh khôn cùng, sự bền bỉ của họ cũng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết và chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn.
Khaled Hosseini từng là công dân Afghanistan và đã chọn viết về những mảnh đời chịu nhiều đau khổ. Điều ấn tượng hơn cuộc đời của hai nhân vật chính là tình yêu thương của tác giả dành cho mảnh đất quê hương Kabul của mình.
Một đất nước vùng Trung Đông vượt lên trên những mất mát và chiến tranh, hủ tục lạc hậu, vẫn giữ cho mình lòng vị tha, tình mẫu tử, tình yêu và tràn ngập hy vọng.
Từ Beirut đến Jerusalem - Thomas Friedman
Một cuốn sách với độ dày gần 900 trang được tác giả chia làm hai phần. Ở phần thứ nhất - Beirut, Friedman đã tái hiện sống động cuộc nội chiến của người dân Liban, từ những xung đột nội bộ gay gắt đến khi nước Mỹ nhảy vào cuộc chiến bằng cách nào và diễn biến ra sao.
Phần thứ hai là Jerusalem. Tác giả dựng nên một bức tranh thu nhỏ từ nền văn hóa của người Do Thái đến nguồn gốc của người Israel. Qua đó, Friedman phân tích lịch sử, diễn biến xung đột của người Palestine và người Israel.
Trong 10 năm sống và làm việc của mình ở Trung Đông, Thomas Friedman đã trải qua những khoảnh khắc và bước ngoặt lịch sử tại đây. Với giọng văn sắc sảo, trong sáng, tác giả đã chạm sâu hơn vào lịch sử đau thương và vô cùng phức tạp của cuộc xung đột Trung Đông.
Sau tất cả, thứ chúng ta hiểu về Trung Đông không chỉ là những cung bậc cảm xúc từ đau đớn tột cùng đến nụ cười sảng khoái, mà còn là một cái nhìn sâu hơn. Đó là nguyên nhân chính trị cùng với ảnh hưởng tâm lý của cuộc xung đột đa sắc tộc đã bủa vây của một khu vực hàng chục năm qua.
Đọc Lolita ở Tehran - Azar Nafisi
Phụ nữ Iran hiếm khi xuất hiện trong văn học hay những câu chuyện. Chính điều đó khiến cho bất kỳ kịch bản nào từ góc nhìn của họ đều cảm thấy mới mẻ và thú vị.
Azar Nafisi đã giảng dạy ở Tehran - thủ đô của Iran vào những năm 1995. Tại đây, bà cùng một nhóm sinh viên nữ Iran đã phải đối mặt với một chế độ độc tài để đọc văn học phương Tây - điều mà luôn bị cấm đoán ở các quốc gia Hồi giáo.
Văn chương và những câu chuyện ngoài văn chương kết nối những con người khác nhau lại với nhau. Đọc Lolita ở Tehran là một cuốn hồi ký thú vị và đầy ắp cảm xúc. Để có được tự do thực sự, người ta cần phải hiểu tự do là gì.
Bên cạnh những câu từ chuẩn xác đầy tính học thuật là những tâm sự giàu cảm xúc, cùng sự châm biếm sâu cay mà hài hước về đời sống. Trung Đông dù cho bị lấp đầy bởi những rào cản, nhưng nếu muốn được sống với ước mơ, hãy tìm cách đập bỏ những nhà tù của tinh thần.
Con đường hồi giáo - Nguyễn Phương Mai
Cuốn sách đã vén màn rất nhiều cuộc đời và câu chuyện của người bản địa khu vực Trung Đông Hồi giáo. Nguyễn Phương Mai lật ngược lại những định kiến về một Trung Đông khói lửa, chém giết không phải lúc nào cũng đúng.
Đây là minh chứng rõ cho sự bóp méo lệch lạc của truyền thông và thông tin một chiều mà chúng ta đang tiếp nhận hàng ngày là như thế nào. Dù rất nhiều nước Trung Đông trải qua chiến tranh, nội chiến liên miên thế nhưng vẫn có những nơi tiếng bom đạn không át được sự thân thiện, mến khách, chân chất của người dân bản địa.
Trong vai trò một quyển sách chạm đến các vấn đề nữ quyền, đấu tranh tôn giáo, và Trung Đông thì quyền sách này làm rất tốt. Những câu hỏi về "Mùa xuân Ả Rập" hay là mùa đông? Islamist và Muslim khác nhau như thế nào? đều được Nguyễn Phương Mai giải thích và dẫn chứng rất dễ hiểu.
Không dễ để sống trong một thế giới mà dường như sự thứ tha, chấp nhận người khác đang trở thành một thứ xa xỉ. Khi mà người ta sẵn sàng lao vào đánh chiếm, chém giết lẫn nhau nhân danh cái gọi là tôn giáo quyền uy thì những cuốn sách về Trung Đông đã truyền tải một cái nhìn chung đầy đủ.
Đó là sự chân thực về một vùng đất hỗn tạp những đức tin, tôn giáo đối nghịch nhau và chẳng biết bao giờ mới ngừng đổ máu. Trung Đông có cả tốt cả xấu nhưng dường như phần xấu đang che đi vẻ đẹp thật sự của nơi ấy.