Từ Akira Kurosawa tới Kazuo Ishiguro và những "tàn đời để lại"

Bộ phim Living của biên kịch Kazuo Ishiguro không hay xuất chúng, nhưng đủ để ta suy ngẫm và liên kết với những nguồn cảm hứng sẵn có trong điện ảnh và văn chương.
Lâm Lê
Nguồn: IMDb

Nguồn: IMDb

Có những người mãi đến khi sắp chết mới nhận ra mình chưa bao giờ sống. Cả cuộc đời chỉ tồn tại như một thây ma biết đi. Cái bi kịch luẩn quẩn mang tính phổ quát của đời người ấy từng được biểu tượng hóa qua hình tượng Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp - kẻ chịu đựng kiếp nạn suốt đời phải đẩy một tảng đá lên núi.

Bi kịch ấy từng được văn chương hóa qua cuốn tiểu thuyết cuối đời của nhà văn vĩ đại người Nga Leo Tolstoy - The Death of Ivan Ilyich. Và cũng bi kịch ấy đã được điện ảnh hóa qua Ikiru (To Live) của Akira Kurosawa. Cùng với RashomonSeven Samurai, Ikiru là một trong những kiệt tác quan trọng nhất của đạo diễn người Nhật Bản huyền thoại.

Mới đây, bi kịch ấy một lần nữa lại được điện ảnh tái hiện qua bản chuyển thể Living của biên kịch Kazuo Ishiguro, nhà văn người Anh gốc Nhật từng nhận giải Nobel văn chương. Kazuo Ishiguro không chỉ lấy cảm hứng mà gần như trung thành nguyên vẹn với tinh thần và phần lớn cốt truyện từ Ikiru của bậc thầy điện ảnh Nhật Bản, có lẽ vì lòng ngưỡng mộ và tôn kính.

Tối hôm nọ tôi ngồi xem Living, bộ phim nhận 2 đề cử Oscar năm nay cho Nam chính (Bill Nighy) và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất (Kazuo Ishiguro). Sau đó, tôi lôi Ikiru ra coi lại, để xem tài nghệ biên kịch của một ông nhà văn được giải Nobel ra sao.

Kiếp người thây ma trong Ikiru

Cả hai bộ phim đều nặng trĩu, có phần hơi nhàm chán nếu bạn mất tập trung. Nhưng hãy tin tôi, hãy kiên nhẫn với từng chi tiết đôi lúc có phần tẻ nhạt của phim và để cho sự tẻ nhạt ấy ngấm dần vào người - để rồi chính ta cũng được thức tỉnh cùng gã đàn ông bị cô đồng nghiệp trẻ đặt cho biệt danh là Mr. Zombie - Ngài Thây Ma.

Trong Ikiru, đoạn dẫn đầu phim qua giọng voice-over kể về nhân vật chính ở ngôi thứ 3: "Ông ấy sống như một xác chết. Thực ra ông ấy đã chết từ 20 năm nay rồi." Living cũng có một giọng dẫn chuyện: "Cuộc đời của ông ấy cho đến hôm qua vẫn chỉ là tồn tại, hôm nay ông ấy mới bắt đầu sống."

Kurosawa đặt câu chuyện bi kịch của một người đàn ông - một vị quan chức già mẫn cán hơn 30 năm bên bàn giấy và sống như một thây ma biết đi. Bối cảnh của bộ phim diễn ra tại Nhật Bản những năm đầu thập niên 50 - khi đất nước này đang dần dần phục hồi sau sự thất bại thảm hại trong Thế chiến II.

Kurosawa không chỉ cho thấy một bộ máy hành chính quan liêu của cơ quan nhà nước cùng sự đứt gãy mà còn nói lên sự suy tàn trong mối quan hệ gia đình của nước Nhật trước sự thay đổi của xã hội. Chủ đề này một năm sau đó được Ozu mổ xẻ sâu sắc hơn nữa trong kiệt tác Tokyo Story của ông.

Khi vị quan chức "thây ma" ấy phát hiện ra mình bị ung thư dạ dày đã di căn và chỉ còn sống chừng 6 tháng nữa, ông ta thực sự tuyệt vọng. Ông về nhà sớm, ngồi trong bóng tối của căn phòng cậu con trai và con dâu của mình để định chia sẻ với họ, nhưng rồi đành câm lặng khi nghe được mưu tính của cả hai trong cuộc đối thoại giữa họ - những kẻ chỉ muốn tài sản kế thừa của ông.

Nhưng trong sự tuyệt vọng và cô độc đến tận cùng ấy, ngài Thây ma dường như bắt đầu thức tỉnh rồi đi tìm mục đích của cuộc sống trong những ngày tháng ngắn ngủi còn lại của mình. Một tay nhà văn lõi đời dẫn ông đến quan bar để ăn nhậu và vui say với gái đẹp, nhưng ông ta sớm nhận ra "niềm vui và sự hưởng lạc không phải là giải pháp của cuộc sống."

Và khi ca khúc "Gondola no uta" qua giọng hát buồn bã vang lên trong quán bar như gợi nhớ những ký ức tuổi thơ, ông ta như thức tỉnh một lần nữa để nhận ra đâu mới là mục đích cuối cùng của mình.

Thế rồi Kurosawa để cho ông ta... chết ngay giữa phim. Có phim nào mà nhân vật chính chết ngay giữa phim không? Tôi nghĩ cũng có đấy, nhưng kiểu của ông Kurosawa thì nó lạ lắm, như cách ông từng khiến bọn phê bình điện ảnh phương Tây sững sờ với cấu trúc kể chuyện khác lạ qua câu chuyện truy tìm thủ phạm của một vụ giết người trong rừng trúc trong bộ phim Rashomon.

Sau khi nhân vật chết, câu chuyện chuyển hướng sang một mạch khác khi để cho những người đồng nghiệp của ông ngồi quây quần uống rượu bên quan tài và tìm cách suy đoán rằng, ông ta chết là do tự sát hay cảm lạnh khi ngồi giữa công viên tuyết rơi? Hầu như không ai biết ông bị bệnh ung thư giai đoạn cuối cả, kể cả thằng con trai của ông...

Cách xử lý của Kurosawa trong đoạn kết của bộ phim một lần nữa phải khiến tôi lặng người vì sự mỉa mai và cay đắng vô cùng. Và ta hiểu tại sao, phần lớn bọn người chúng ta đều sống như những thây ma biết đi.

Living: Tiếp nối bi kịch sinh tồn luẩn quẩn

Living qua bản chuyển thể của Kazuo Ishiguro, dù trung thành và có một số cải biên thông minh với bối cảnh nước Anh cùng thời - có lẽ vẫn thiếu một vài thứ để xứng tầm với bộ phim gốc của Kurosawa. Có lẽ do nó thiếu mất phần đám đồng nghiệp quan chức của ngài Thây ma ngồi uống rượu bên cạnh quan tài của ông ta và suy đoán tại sao ông ta chết cùng những hành xử... không mấy đổi thay sau đó của họ. Cái kết, mà với tôi, biến Ikiru thành kiệt tác quan trọng của điện ảnh thế giới.

Dù vậy, Living vẫn là một bộ phim tốt (good but not great) khi tái dựng được cái nỗi buồn nặng trĩu của đời người trong những giây phút thức tỉnh cuối đời qua màn diễn xuất tuyệt vời của Bill Nighy. Tôi cũng ngạc nhiên khi biết nam diễn viên kỳ cựu người Anh này mới được đề cử Oscar lần đầu tiên ở tuổi ngoài 70.

Bill Nighy thể hiện nỗi đau không thể nói thành lời của nhân vật qua một đôi mắt thăm thẳm, vừa trống rỗng vừa le lói thứ ánh sáng thức tỉnh muộn màng. Ta dõi theo từng hành động của ông ta, một gã đàn ông người Anh suốt đời khép mình vào quy chuẩn, bổn phận và trách nhiệm mà quên sống như một con người.

Rất tình cờ, mới đây khi viết vui vui về bà Jamie Lee Curtis, tôi xem lại A Fish Called Wanda - bộ phim của bả khiến tôi sảng khoái nhất. Đó là một bộ phim hài trào lộng để dân Anh và dân Mỹ chửi nhau như hát hay.

Gã luật sư người Anh trong phim này nói với ả tình nhân bốc lửa người Mỹ (do Jamie Lee Curtis đóng) rằng: "Em có biết cảm giác làm người Anh là thế nào không? Lúc nào cũng phải đúng, cũng ngột ngạt bởi cái cảm giác sợ làm điều gì đó sai trái. Đó là lý do bọn anh trông giống như đám người chết. Bọn anh ăn tối với một đống người chết."

Dùng đoạn ấy mà mô tả về ngài Rodney Williams tức Mr.Zombie (Bill Nighy) nó khớp từng ly. Và nó cũng khớp với cuộc đời của lão quản gia Stevens (Anthony Hopkins đóng) trong Tàn ngày để lại - cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của Ishiguro, từng được chuyển thể điện ảnh rất thành công với 8 đề cử Oscar vào năm 1994.

Từ Thần thoại Hy Lạp đến Leo Tolstoy, từ Kurosawa đến Ishiguro - đều lần lượt lột tả cái bi kịch của đời người vì cái vòng sinh tồn luẩn quẩn. Bọn người chúng ta, dường như cứ lặp đi lặp lại cái bi kịch ấy. Và chỉ khi tàn ngày để lại hay tàn... đời để lại, bọn họ mới bắt đầu thức tỉnh muộn màng.

Nhưng, ít ra còn thức tỉnh để còn được sống những ngày tháng ngắn ngủi được làm người. Như hình ảnh mang tính biểu tượng của Ngài Thây ma (trong Ikiru) ngồi trên chiếc xích đu giữa công viên lạnh giá đêm tuyết rơi, và nở nụ cười hạnh phúc nhất cuộc đời khi hát lại ca khúc tuổi thơ Gondola no Uta:

Cuộc đời mới ngắn ngủi làm sao

Hỡi cô con gái, hãy yêu đi nào.

Trước khi sắc đỏ bừng ràng rỡ

Đôi môi đỏ thắm hãy vẫy chào

Trước khi sóng tình sẽ tàn phai

Sóng dâng tràn mãi trong tim ai

Cho tất cả ai chưa từng biết

Những ai chưa biết đến ngày mai.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục