Tuần phim hoạt hình Việt Nam - Vì chúng ta đều cần một bộ phim hoạt hình
- Hãy thử kể tên 5 bộ phim hoạt hình Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây?
Tôi đã đặt câu hỏi này cho bạn bè mình khi biết đài VTV đang có một chương trình mang tên Tuần phim hoạt hình Việt Nam. Câu trả lời không quá khó để đoán, đến tôi còn không kể tên được dù chỉ 3 bộ phim hoạt hình của Việt Nam.
Cuộc trò chuyện giữa tôi với anh Phùng Văn Hà và anh Trịnh Lâm Tùng - hai đạo diễn với số lượng tác phẩm được trình chiếu trong Tuần phim vượt ngưỡng trung bình - không chỉ gói gọn trong chương trình của đài VTV. Nó là câu chuyện của sự nỗ lực, và niềm tin.
Làm phim hoạt hình cũng như một trận chiến
Một trong những tác phẩm lớn nhất của đạo diễn Phùng Văn Hà là Cậu Bé Cờ Lau - bộ phim về thời thơ ấu của vua Đinh Tiên Hoàng đã giúp anh đạt giải Bông Sen Vàng. Tác phẩm 38 phút đã mất của ekip 2 năm thực hiện.
Cậu Bé Cờ Lau là một câu chuyện lịch sử. Nhưng nếu “chỉ hệ thống cột mốc lịch sử hoặc giới thiệu nhân vật một cách hời hợt thì chẳng khác gì một câu chuyện khô khốc”, theo anh Hà. Trong 2 năm làm việc cật lực, mọi người liên tục đi khảo cứu tại Cố đô Hoa Lư và các địa phận tại Ninh Bình để xây dựng bối cảnh, cũng như lên sơ đồ tính cách nhân vật.
Thời gian nghiên cứu cho bộ phim cũng như thời gian ủ mưu trước khi ra chiến trận. Nhưng cuộc chiến thực sự là giai đoạn làm việc với máy tính.
Là một đạo diễn phim hoạt hình lịch sử, mong ước có một bối cảnh hoành tráng trong phim mình là chuyện đương nhiên. Nhưng để render test sáng 1 bức ảnh ở các studio tại nước ngoài chỉ tốn 1 phút, nhưng ở Việt Nam thì phải tốn vài tiếng. Với ước mơ dựng bối cảnh một vạn quân, chất lượng máy tính Hãng phim đang có không thể render nổi.
Vậy là cả đạo diễn lẫn ekip phải biết “điều binh khiển tướng”. Sử dụng nhiều máy để render nhiều ảnh cùng một lúc. Một vạn quân nhiều quá thì giảm thành… một nghìn quân. Số lượng nhân công không đủ (và luôn không đủ) thì một người làm nhiều đầu việc.
Thời gian trôi trong hoạt hình luôn nhanh hơn thời gian thực tế. Một cuộc trò chuyện dài ở ngoài đời, hoạt hình chắt lọc chỉ tính bằng giây. Trong hoạt hình, có những shoot chỉ kéo dài ½, ¼ giây. Anh Trịnh Lâm Tùng, Phùng Văn Hà và các nhân viên tại Hãng phim đã có nhiều ngày ngồi lỳ trước máy tính để ‘băm nhỏ’ các shoot quay, để chờ máy render xong một bức hình. Hay chờ đến đêm muộn, khi các đồng nghiệp về hết để… mượn máy, render tiếp các bức hình đang dang dở.
Đã có rất nhiều bộ phim hoạt hình mấy chục phút khác được Hãng phim hoạt hình Việt Nam làm ra. Và cũng có bấy nhiêu cuộc chiến không ngừng nghỉ như vậy.
Tuần phim hoạt hình - Cơ hội để các bộ phim hoạt hình Việt Nam được đưa ra ánh sáng
Chỉ riêng tại Tokyo đã có 400 hãng phim hoạt hình, mỗi hãng phim đều có cho mình một kênh riêng để phát hành sản phẩm. Nhưng tại Việt Nam, sau khi thành phẩm ra lò, quyền công chiếu không nằm ở Hãng phim, mà nằm ở các nhà đài.
Phim hoạt hình dành cho trẻ em vẫn là một ngạch chưa có nhiều sự đầu tư. Cách đây hơn 20 năm, chương trình “Những Bông Hoa Nhỏ” là cơ hội để giới thiệu phim hoạt hình thuần Việt. Những Đáng Đời Thằng Cáo, Cuộc Phiêu Lưu Của Chú Ong Vàng... một thời khiến trẻ em Việt say mê.
Giờ đây, với sự phát triển của các gameshow buổi tối, thức ăn tinh thần thuần Việt của trẻ em dần rơi vào quên lãng.
Trẻ em tìm được sự giải trí trong các bộ phim hoạt hình nước ngoài. Nhưng luôn cần có những câu chuyện với nhân vật là người Việt Nam, hành xử đậm đà bản sắc Việt để nhắc các em nhớ về cội nguồn. Từ Người Anh Hùng Áo Vải, Sự Tích Cốm Làng Vòng, Bố Của Gà Con... Và cũng cần một nền tảng để các em nhỏ ở mọi tỉnh thành được giới thiệu và thưởng thức phim hoạt hình Việt Nam, thay vì nền tảng YouTube vốn vẫn khá hẹp đối tượng.
Tuần phim hoạt hình Việt Nam là một cơ hội như thế.
Có một niềm tin
Anh Trịnh Lâm Tùng có kể cho tôi nghe về bộ phim yêu thích của anh - Kungfu Panda. Cậu gấu trúc cục mịch trong phim đã tìm được bí kíp trở thành cao thủ võ lâm nhờ lời nhắn bình dị của cha: “Bí kíp ở đây là không gì cả. Để khiến một điều gì đó trở thành đặc biệt, con chỉ cần tin rằng nó đặc biệt.”
Làm hoạt hình là một loại nghề đặc thù, mất nhiều thời gian và công sức. Có những người 2, 3 bằng Đại học, nhưng đến Hãng phim hoạt hình lại phải học nghề từ đầu. Kinh phí dành cho một bộ phim thường rất ít ỏi. “Cũng có nhiều lúc chán lắm, nhất là những lần… nhìn vào tiền lương!” - đạo diễn Trịnh Lâm Tùng đã vừa cười vừa nói với tôi như vậy.
Dù chỉ 30 phút là đã đủ chỉ tiêu Bộ Văn Hóa đề ra, nhưng đạo diễn Phùng Văn Hà vẫn thuyết phục ekip làm thêm 8 phút nữa cho Cậu Bé Cờ Lau để bộ phim hoàn thiện nhất có thể. Bộ phim đạt giải Cánh Diều Bạc - Một Lần Đào Ngũ - của anh Trịnh Lâm Tùng “lố” 2 tháng so với hạn quy định. Nhiều nghệ sĩ âm nhạc đồng ý sáng tác nhạc cho phim với thù lao rất khiêm tốn sau khi biết kinh phí của đoàn.
Nhưng trong tất cả những khó khăn mà tôi được nghe kể ấy, luôn có một niềm tin.
Đó là niềm tin làm một bộ phim chỉn chu, giàu tính nhân văn, đầy trí tưởng tượng để cho các em nhỏ được xem những gì tốt đẹp nhất của nền phim hoạt hình nước nhà. Tất cả những thách thức, họ đều vượt qua bằng thứ niềm tin thật đẹp ấy.
“Nếu chỉ đặt cơm áo gạo tiền vào tâm trí thì khó mà làm phim hay. Mỗi khi làm một tác phẩm mà chưa thấy “đã”, người nghệ sĩ trong mình sẽ bứt rứt lắm. Vì mình luôn tâm niệm, đây là bộ phim mà con cháu mình sẽ xem, phải làm sao cho đáng”, anh Phùng Văn Hà tâm sự.
Phim hoạt hình của Việt Nam đã qua rồi giai đoạn “giật giật” như thành kiến của rất nhiều người. Dù trang thiết bị không thể so sánh với độ ‘khủng’ của nước bạn, nhưng máy móc hiện tại đã được đầu tư tiên tiến, những bộ phim 2D, 3D đều rất mượt mà. Chưa kể đường dây lên kịch bản cũng rất khắt khe, đảm bảo có một câu chuyện hay để kể cho không chỉ trẻ con, mà còn người lớn.
Một nền nghệ thuật không thể phát triển nếu chỉ dựa vào niềm tin của người làm ra nó. Nó cần được sự ủng hộ từ công chúng.
Nên hôm nay, hy vọng bạn sẽ mở TV, hoặc laptop lên, xem thử một và nhiều bộ phim hoạt hình Việt Nam.
Phim hoạt hình Việt Nam chỉ có thể đặc biệt, nếu chúng ta cùng tin rằng nó đặc biệt.
Bạn có thể theo dõi 50 bộ phim hoạt hình Việt Nam trên VTVGo. Tuần phim hoạt hình Việt Nam sẽ được công chiếu vào 10 giờ sáng và 8 giờ tối đến hết 10/06. Bạn cũng có thể xem các bộ phim của Hãng phim hoạt hình Việt Nam trên kênh YouTube của hãng.