Tương lai nào cho sàn diễn thời trang?
Quý đầu tiên của năm 2020 trôi qua với rất nhiều những sự kiện xáo trộn toàn cầu. Tuần lễ thời trang Thu Đông 2020 vừa khép lại trong sự hoang mang của nhiều người tham dự. Hơn bao giờ hết, một câu hỏi được đặt ra vài tháng trước đang trở thành chủ đề đáng quan tâm: “Liệu đã đến lúc những show diễn thời trang dừng lại?”
“Không có thời trang trên một hành tinh chết!”
Dòng chữ ấy nổi bật trên những băng rôn bên ngoài tuần lễ thời trang London vào tháng 09/2019. Một nhóm nghệ sĩ cùng những người biểu tình đã trình diễn một “đám tang cho thời trang” trong chiến dịch thôi thúc hội đồng thời trang Anh dừng tổ chức tuần lễ thời trang Thu Đông 2020. Đứng sau cuộc biểu tình này là Fashion Revolution và Extinction Rebellion — hai tổ chức đã và đang nỗ lực cải cách nền công nghiệp thời trang.
Có lẽ ta không còn quá xa lạ với những tổn thất mà thời trang gây ra cho môi trường, nhưng một khía cạnh mà gần đây mới được bàn tới, đó là những sự kiện thời trang. Theo số liệu của Zero to Market, trong năm 2018, lượng khí nhà kính thải ra bởi việc di chuyển để tham dự các tuần lễ thời trang và tradeshow lớn là 241.000 tấn carbon dioxide, tương đương với mức năng lượng để thắp sáng cho quảng trường Times suốt 58 năm.
Ngoài ra, còn phải kể đến những nguyên liệu để xây dựng sân khấu, đạo cụ, đồ uống phục vụ trong những chai lọ dùng một lần, hàng ngàn tấm thiệp bằng giấy được in ra và gửi đi toàn thế giới, tất cả đều bị bỏ đi sau một show diễn kéo dài 30 phút, bốn lần một năm.
Nhưng ở một diễn biến khó lường hơn, sàn diễn thời trang cũng đang phải đối mặt với một hiểm họa mới — dịch bệnh COVID-19. Mới gần đây, ngành thời trang Việt Nam và quốc tế bàng hoàng trước tin hai người Việt Nam đã dương tính với virus sau khi tham dự tuần lễ thời trang tại Milan và Paris. Nhìn lại tuần lễ thời trang Thu Đông 2020 vào tháng hai vừa qua, ta không khỏi bối rối cho hàng ngàn người tham dự từ khắp nơi, đổ về tập trung ở Châu Âu nơi trung tâm dịch bệnh.
COVID-19 còn đang làm thị trường thời trang đình trệ, các cửa hàng bị đóng cửa và người tiêu dùng tập trung vào nhu yếu phẩm nhiều hơn là các mặt hàng xa xỉ. Khi trò chuyện với Business of Fashion, cây bút mảng thời trang Tim Blanks và nhà phân tích kinh tế Doug Stephens đều cảm nhận sự tương đồng của tình trạng hiện nay với sự kiện 11/09 tại Mỹ, và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đầu thập niên 2000s.
Đã có nhiều nhãn hàng thông báo hủy show cho bộ sưu tập Resort/Cruise sắp tới. Nếu như COVID-19 không có tiến triển tốt hơn, có lẽ chúng ta sẽ không có tuần lễ thời trang Xuân Hè 2021, dự kiến diễn ra vào tháng 09 năm nay.
Trong bối cảnh tất cả thế giới đều đang bất an về những vụ cháy rừng, hạn hán, băng tan, dịch bệnh, nền kinh tế suy thoái… việc đầu tư vào những show diễn hào nhoáng này mang lại giá trị gì? Liệu đã đến lúc những tuần lễ thời trang phải dừng lại và cân nhắc những bước đi của mình?
Vấn đề không nằm ở một sự kiện
Tuần lễ thời trang Stockholm đã tiên phong thực hiện việc đó. Hội đồng thời trang Thụy Điển quyết định hủy tuần lễ thời trang do nhận thấy ảnh hưởng lớn của nó đến tình trạng khí hậu toàn cầu. Tuy vậy, do đã chuẩn bị từ lâu trước đó, nhiều nhà thiết kế đã lựa chọn một địa điểm khác để tiến hành những show diễn của mình.
Tương tự, nếu như tuần lễ thời trang ở New York bị hủy bỏ, những sự kiện này vẫn có thể diễn ra ở Paris, Tokyo, London,… Điều này là ví dụ rõ rệt cho vấn đề thiếu thống nhất về quản lý của ngành thời trang. Một cá nhân hay một sự kiện không thể xoay vần lại cả cỗ máy thời trang đồ sộ.
Tháng 03/2019, Fashion Revolution và Uỷ ban Kiểm định môi trường (Environmental Audit Committee) đã gửi một bức thư lên chính phủ Anh, đề đạt truy xét và thiết lập những điều lệ pháp lý: về vấn đề rác thải, điều kiện làm việc của công nhân, mức độ tổn hại môi trường của ngành công nghiệp thời trang. Thế nhưng đáng buồn thay, lá thư ấy đã bị từ chối. Ngành thời trang cần phải tiếp tục hợp tác và hình thành những chế tài, hình thức quản lý rõ rệt.
Mặt khác, trách nhiệm của ngành thời trang còn nằm ở việc tái định hướng cho người tiêu dùng. Về bản chất, thời trang vận hành bằng việc kinh doanh sản phẩm. Những năm qua, truyền thông đã đưa ra quá nhiều thông điệp kích thích nhu cầu mua nhiều hơn, mới hơn,.. dẫn đến sự bùng nổ của thời trang nhanh.
Người tiêu dùng nên được định hướng lại để bớt quan tâm về số lượng và quan tâm nhiều hơn về chất lượng, đồng thời ủng hộ những nhãn hàng thời trang bền vững, những sản phẩm được tái chế và thân thiện với môi trường. Một lần nữa, nhiệm vụ này đòi hỏi những nhà kinh doanh, marketing thời trang phải cùng hợp tác định hướng lại thị trường.
Tuy vậy, ở cương vị của một người làm thời trang, một trong những nền tảng truyền tải thông điệp hiệu quả tới quần chúng…lại chính là những show diễn thời trang.
Thời trang mất gì khi không còn những tuần lễ thời trang?
Thời trang luôn tồn tại, nhưng tầm ảnh hưởng của nó được khuếch đại lên nhiều lần bởi những sàn diễn thời trang. Những sự kiện này luôn được tất cả những người yêu thời trang quan tâm theo dõi, vì đây chính là nơi những quan điểm được nói lên và những đổi thay được hình thành. Nếu thời trang cần định hình một cuộc cách mạng, nền tảng hiệu quả nhất chính là từ những sàn diễn thời trang.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều nhà thiết kế sử dụng sàn diễn của mình như một cơ hội để đề ra những cách giải quyết vấn đề. Đó là những cuộc biểu tình khí hậu của Vivienne Westwood, những tuyên ngôn thời trang bền vững của Bethany Williams, hay thông điệp chống phân biệt chủng tộc của Pyer Moss,…
Dừng tổ chức tuần lễ thời trang, đồng nghĩa với việc lấy đi tiếng nói những nhà thiết kế ấy — những người hiểu rõ và luôn tha thiết thay đổi thời trang từ bên trong. Đáng nói hơn, tuần lễ thời trang là cơ hội quý báu cho thế hệ những nhà thiết kế trẻ, độc lập. Chính họ là những người sẽ thay đổi tương lai của thời trang, và tuần lễ thời trang là nơi thông điệp của họ được truyền tải cho lượng khán giả lớn nhất.
Những show diễn thời trang cũng là nơi để tạo ra một cuộc đàm thoại, không chỉ trong ngành thời trang mà còn với những ngành sáng tạo khác: công nghệ, nghệ thuật, kiến trúc, kinh doanh… Đây là nơi ta có thể tạo ra một diễn đàn về những thay đổi cấp thiết, và cùng lúc mở ra cuộc đối thoại ấy với công chúng, những người tiêu dùng – một bộ phận rất quan trọng cho sự thay đổi của toàn bộ ngành công nghiệp.
Suy cho cùng, thời trang là một ngành công nghiệp của những người sáng tạo, và như nhà thiết kế Patrick McDowell nói, “Chúng ta có khả năng thiết kế lại toàn bộ hệ thống (thời trang). Tôi sẽ phát ngán nếu chỉ thiết kế mỗi áo quần.”
Kết
Tưởng tượng về cái kết của những tuần lễ thời trang khiến những người hoạt động trong ngành không khỏi chạnh lòng, bởi sàn diễn ấy đã đi sâu vào ý thức của chúng ta như một cột mốc của sự thành công. Nhưng ở thời điểm này, ta cần cân nhắc kỹ hơn về cái giá của thời trang và giá trị chúng ta tạo nên.
Từ góc độ khác, đây cũng là cơ hội để đưa ra những giải pháp sáng tạo hơn, bền vững hơn, thay đổi trọng tâm của những show diễn này vào một tương lai mới cho nền công nghiệp. Có thể chúng ta sẽ không có tuần lễ thời trang vào tháng 9 năm nay, nhưng cũng có thể chúng ta sẽ được chứng kiến một trang mới trong lịch sử thời trang: Show diễn livestream trực tuyến? Công nghệ Thực tế Ảo (Virtual Reality – VR) cho thời trang? Thời trang như một sự kiện nghệ thuật?… Tương lai phụ thuộc vào chúng ta, và khả năng là vô hạn!
Bài viết được thực hiện bởi Sil Vũ.
Ảnh bìa The New York Times.
Xem thêm:
[Bài viết] COVID-19 là ngày tàn hay chương mới của thời trang?
[Bài viết] Có thật là thời trang nhanh sắp thoái trào không?