Văn học làm được gì trước thảm họa sinh thái?

Thế kỷ 21 con người được cảnh báo sẽ đối diện với nhiều nguy cơ sinh thái. Văn học nằm trong xu thế phát triển và quan tâm chung của xã hội cũng có những tiếng nói của riêng mình.

Thư Vũ
Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Thế giới những năm gần đây đứng trước nhiều nguy cơ về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Chính từ xu hướng này, nhiều nhà văn trên thế giới đã cất tiếng nói bảo vệ hệ sinh thái, qua đó hình thành một dòng văn học mới.

Nếu như các dòng văn học khác lấy con người làm trung tâm, thì văn học sinh thái lại đặt con người và thiên nhiên trong một tổng thể hài hòa như một thế giới cộng sinh.

Dưới đây là 5 cuốn sách khai thác chủ đề về sinh thái giúp bạn phần nào trả lời được câu hỏi “văn học làm được gì trước thảm họa sinh thái?”

Niên lịch miền gió cát - Aldo Leopold

Aldo Leopold - tác giả của cuốn sách là nhà địa chất học, môi trường học. Thông qua việc ghi chép lại những thay đổi của sinh vật ở khu trang trại Wisconsin, ông đã rất khéo léo trong việc đưa vào trang sách vẻ đẹp của thiên nhiên, mối quan hệ giữa hệ sinh thái và từng sinh vật.

Aldo lớn lên gần dòng sông Mississippi - nơi đã in dấu chân của ông khắp các khu rừng. Có lẽ chính điều đó đã làm nên những trang văn tràn đầy chất thơ. Bạn có thể tìm thấy ở hơn 200 trang sách là những mỹ cảnh trải dài từ tháng Giêng mùa tuyết tan đến khi mùa nước nổi. Và cả những ngôn từ vẽ lên điệu múa uyển chuyển của đàn thiên điểu, hay khúc ca của những động thực vật trong đầm lầy.

Bằng ngòi bút hóm hỉnh kết hợp với các yếu tố lịch sử, khoa học, Aldo đã truyền đạt được niềm hy vọng của mình. Rằng mỗi độc giả hãy bắt đầu đối đãi với đất đai, thiên nhiên bằng tình yêu và sự tôn trọng xứng đáng.

Châu Phi nghìn trùng - Isak Dinesen

Châu Phi sẽ khó mà sống động, đẹp đẽ và quyến rũ đến thế nếu không phải dưới ngòi bút da diết của Isak Dinesen. Mảnh đất Kenya hiện lên với sự trác tuyệt như chốn thiên đường nơi trần thế.

Những trang văn đặc tả rặng Ngong với đủ sắc thái, từ khi mùa mưa về đến mùa hoa cà phê nở, hay thậm chí cả lúc gặp nạn châu chấu,.. đều khiến người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về mảnh đất châu Phi.

Dinesen bằng lối viết sắc sảo của mình, đã chỉ ra mối liên hệ bền chặt giữa con người và thiên nhiên chưa bao giờ bị ngắt quãng. Dù cho đó là đời sống của một con linh dương hay cây cỏ, là dãy núi xa hay những đàn trâu nơi thung lũng. Sự sống của một vùng đất, sinh tồn của những con người luôn có điểm tựa rất lớn là thiên nhiên hùng vĩ.

Xa ngoài kia nơi loài tôm hát - Delia Owens

Ngay từ khi ra đời, cuốn sách đã trở thành hiện tượng xuất bản tại Mỹ với hơn 6 triệu bản được bán ra. Kya - nhân vật chính của tác phẩm, là một cô gái có cuộc đời như một sự ẩn mình giữa thiên nhiên hoang dã.

Cô được mẹ thiên nhiên nuôi dưỡng, giáo dục, bảo bọc. Cuộc sinh tồn của Kya bắt đầu từ bản năng sống, đấu tranh và cũng là yêu thương, thấu hiểu thiên nhiên, vạn vật.

Đồng lầy trên những trang sách là nơi “không gian tràn ánh sáng”, “cỏ vươn lên trong nước", “nước trôi vào bầu trời". Kya ở đó, thu mình với loài người nhưng lại mở lòng với thiên nhiên. Owens dù dẫn dắt độc giả qua những bi kịch hay màu sắc trinh thám thì đến cuối cùng, cả cuốn sách vẫn ánh lên những lời tụng ca thiên nhiên rộng lớn.

Ngòi bút của Delia Owens, dù là trong những trang văn tối tăm nhất vẫn dồi dào và thấm đẫm chất thơ. Nó được các nhà phê bình và độc giả đánh giá là một trong những tác phẩm đặc biệt xuất sắc về môi trường sinh thái của văn chương đương đại.

Vòm rừng - Richard Powers

Richard Powers đã mượn cuộc đời của 9 nhân vật có mối liên kết đặc biệt với cây cối để đưa ra các tầng ẩn dụ khác nhau về cuộc sống. Powers nhắc đến trong cuốn sách rất nhiều về “quyền của cây cối” và cho rằng mọi sinh mệnh đều có quyền bình đẳng ngang nhau.

Cấu trúc của cuốn sách gồm bốn phần mạch lạc: “Gốc rễ - thân - ngọn - những hạt giống". Powers đã đưa ra quan điểm chống nạn phá rừng và cố cứu lấy những cây cổ thụ, trước sự tàn phá nhân danh “vì sự phát triển của con người”.

Xuất phát điểm từ tình yêu với thiên nhiên, cây cối, những nhân vật với những cách khác nhau, đã gắn kết lại cùng nhau trong một sứ mệnh lớn lao: bảo vệ thiên nhiên. Tác giả đã đặt ra hy vọng cứu lấy sự sống còn trước khi những cây cổ thụ hàng triệu năm cuối cùng ngã xuống.

Gấp lại cuốn sách, người đọc đều có những trăn trở cho riêng mình. Chúng ta đã làm gì với ngôi nhà của tổ tiên? Khi những cây xanh đang bị đốn ngã còn hệ sinh thái trù phú thì dần biến mất.

Muối của rừng - Nguyễn Huy Thiệp

Tháng trước, văn đàn Việt Nam vừa nói lời vĩnh biệt với Nguyễn Huy Thiệp - một trong những nhà văn đương đại xuất sắc nhất hiện nay. Ông là một trong những cây bút với lối viết phê bình sinh thái nổi tiếng trong văn chương Việt Nam.

Bằng kỹ năng viết bậc thầy của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã khơi dậy trong mỗi độc giả lòng trắc ẩn và nhân văn với những con người giữa cuộc sống thiên nhiên hoang dã. Ông lên án những bàn tay đã tước đoạt đi thiên nhiên giản dị, bình yên chỉ để phục vụ cho thú vui tiêu khiển và mục đích kinh tế.

Với Nguyễn Huy Thiệp, ông luôn nhìn con người như một phần khăng khít của đời sống tự nhiên. Thiên nhiên Việt Nam dưới con mắt của ông “vừa trang trọng, vừa tình cảm". Để đến cuối cùng, khi quay trở về với thông điệp lớn nhất, chúng ta hiểu rằng bảo vệ thiên nhiên hay những cánh rừng xanh cũng chính là bảo vệ phần thiện lương và đời sống lâu bền của chính mình.

Đứng trước những vấn đề về môi trường nhiều thách thức hiện nay, văn chương đang thực hiện chức năng xã hội rất lớn. Nó cất lên tiếng nói đánh động ý thức và thay đổi quan niệm về sinh thái, để cân bằng và bảo vệ môi trường của chính chúng ta.

5 cuốn sách được giới thiệu không hoàn toàn đại diện cho văn chương sinh thái trên văn đàn thế giới, vì còn những hạn chế về bản dịch. Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ được thấy nhiều hơn những cuốn sách về văn học sinh thái được xuất bản tại Việt Nam.




Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục