Vì sao càng muốn ngủ ta lại càng khó ngủ?
Deadline đến rồi đi, nhưng những con người thiếu ngủ vẫn luôn ở lại. Chỉ chờ có ngày nghỉ để đặt lưng xuống giường lại cứ tỉnh như sáo dù cơ thể đã sớm rã rời.
Đầu liên tục nhắc nhở phải ngủ ngay lập tức, nhưng mắt lại cứ thao láo ngắm trời ngắm mây, rốt cuộc là vì sao?
Đồng hồ cơ thể cũng có lúc gặp trục trặc
Bộ máy cơ thể có cơ chế hoạt động vô cùng trơn tru. Đôi mắt có tế bào thụ cảm ánh sáng chứa sắc tố melanopsin để nhận diện sáng-tối. Sau đó, nó sẽ truyền tín hiệu tới suprachiasmatic nucleus (phần nhân vùng dưới đồi, nằm ngay trên dây thần kinh đáy mắt được gọi là nhân trên chéo) - bộ phận .
Khi biết đã đến tối, nhân trên chéo sẽ ra tín hiệu cho tuyến tùng trong não sản xuất melatonin nhằm giảm nhiệt độ cơ thể và báo hiệu đã đến giờ ngủ.
Thế nhưng, các thụ thể melanopsin có vai trò thụ cảm ánh sáng lại dễ dàng bị xáo trộn bởi ánh sáng nhân tạo và ánh sáng xanh phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử. Việc này khiến “đồng hồ” báo hiệu giờ đi ngủ của bạn trễ từ 4-6 giờ, tùy vào thời điểm tiếp xúc.
Thế nên thay vì giải phóng melatonin như dự kiến, cơ thể lại được tăng năng lượng khiến bạn trở nên tỉnh táo hơn.
Thêm vào đó, lý do một số người "cú đêm" cũng được chứng minh là do yếu tố di truyền. Có một loại đột biến trong gen của một số người thức khuya. Loại đột biến này sẽ gây ảnh hưởng đến protein tác động lên nhịp sinh học của con người tên cryptochrome. Điều này dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Não sẽ không thể đúng nếu cứ học sai
Khi chưa có công nghệ, mỗi khi có thời gian rảnh, chúng ta thường sẽ không làm gì cả. Nhưng giờ đây, chỉ việc xếp hàng vào thang máy cũng khiến ta cảm thấy lãng phí thời gian. Ta cố gắng khiến thời gian chết trở nên “hữu ích” bằng cách kiểm tra tin nhắn, trả lời email. Nhưng đó không phải cách não bộ hoạt động.
Việc liên tục hoạt động mà không dừng lại sẽ dần khiến não đánh mất khái niệm “nghỉ ngơi”. Đồng nghĩa những lúc đòi hỏi sự thả lỏng, não của bạn sẽ liên tục tìm kiếm việc tiếp theo phải làm, khiến nhịp sinh học bị rối loạn.
Ngoài ra, không ít người đang vô tình điều chỉnh nhịp sinh học của mình khi liên tục thức khuya. Một trong số các nguyên nhân có thể là do hiện tượng tâm lý được gọi là trì hoãn giờ ngủ (revenge bedtime procrastination).
Revenge bedtime procrastination là khi con người để thời gian giải trí lấn át thời gian ngủ. Hoạt động này sẽ góp phần giải phóng dopamine (hormone hạnh phúc) lên não, khiến bạn cảm thấy thỏa mãn ngay lập tức và quên đi chuyện ngủ muộn.
Lo lắng là lý do phổ biến nhất
Tâm trí chúng ta sẽ được thả lỏng nhất vào trước giờ ngủ. Nhưng kỳ lạ thay, không phải những ký ức tốt đẹp, mà thay vào đó là những sự kiện tiêu cực sẽ được tâm trí “ưu tiên” gợi nhớ cho bạn.
Lúc này, não của chúng ta sẽ xem nguyên nhân gây ra sự lo lắng là một “mối nguy hiểm” và kích hoạt cơ chế sinh tồn của cơ thể. Hệ thống thần kinh của chúng ta sẽ trong tình trạng như đang chiến đấu. Các hormone cortisol, adrenaline, noradrenaline sẽ giữ cho não của bạn tỉnh táo và liên tục suy nghĩ.
Việc mất ngủ cũng có thể trở thành nguồn gốc của chứng lo lắng khi ngủ (sleep anxiety). Bạn sẽ bồn chồn khi không ngủ được, cho rằng sẽ có điều gì đó tồi tệ xảy ra, hoặc nghĩ cần phải tỉnh táo để đề phòng biến cố. Việc này lại càng khiến việc đi vào giấc ngủ khó khăn hơn.
Khi não nghĩ giường không phải nơi để ngủ
Khi nằm mãi trên giường mà không ngủ được, tâm lý dễ trở nên cáu bẳn và bắt đầu sợ việc thiếu ngủ vào sáng hôm sau. Nếu việc này liên tục lặp lại, nghĩa là ta đã vô tình kết nối chiếc giường với những cảm giác tiêu cực. Vì vậy, mỗi khi nằm trên giường để chuẩn bị ngủ, bạn sẽ cảm thấy khó chịu.
Hiện tượng này được gọi là mất ngủ tâm sinh lý. Đây là một trong những vấn đề về giấc ngủ phổ biến nhất. Các chuyên gia cho rằng nó xảy ra bởi vì môi trường ngủ của bạn đã nói với bộ não rằng việc đi ngủ sẽ đánh thức bạn.
Chính vì thế, các chuyên gia thường khuyên bạn không nên làm việc hoặc xem tivi trên giường. Bởi nó sẽ sớm liên kết với não bộ giường là nơi bạn làm việc và giải trí, thay vì đi ngủ.