Vì sao học hoài mà không "lên trình"? 4 Yếu tố quyết định khả năng tự học
Trước 18 tuổi, bạn ghét làm điều gì nhất?
Với mình thì là đi học. Hồi còn nhỏ xíu, cứ ngồi sau lưng để mẹ chở đến trường là mình buồn lắm. Thậm chí tới cấp 1, cứ những hôm trời lạnh mà chán học, mình còn giả vờ ngất xỉu để được nằm ngủ, do thời đó chưa có điện thoại để gọi phụ huynh đón về.
Không chắc bạn có giống mình ghét đi học nhất không, nhưng khá chắc là có rất ít người thích đi học khi còn nhỏ. Vì thời gian đó, chủ yếu chúng ta học vì người lớn bảo thế, cố gắng học giỏi cũng là để được người lớn yêu thương. Tới lúc lớn hơn, việc học bắt đầu có chọn lọc. Chúng ta lại thường chỉ học những thứ có giá trị trực tiếp lên công việc, để từ đó tăng thu nhập hàng tháng.
Mình đều đã trải qua hai giai đoạn của việc học như trên. Bây giờ thái độ của mình với việc học là vì muốn phát triển bản thân và sống nhiều hơn, chứ không chỉ để kiếm nhiều tiền hơn nữa. Nói như vậy cũng có nghĩa rằng tự học đang là việc quan trọng với mình hơn bao giờ hết.
Nhưng mình cũng hiểu là dù ngay cả khi chúng ta bắt đầu có ý thức về tầm quan trọng của việc tự học thì cũng không thể tự học hiệu quả được ngay.
Bài viết này mình sẽ nói về 4 yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự học, để cùng bạn tìm câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì đang ngăn cản chúng ta tự học hiệu quả?
Để dễ hình dung, mình sẽ tạm dùng quy trình xây nhà để mô tả 4 khía cạnh ảnh hưởng lên sự chủ động trong học tập của chúng ta.
1. Khát vọng
Trước khi bắt tay lên kế hoạch, ước tính chi phí xây nhà thì việc đầu tiên cần làm là xác định mục đích của căn nhà. Tương tự, trước khi bắt tay vào tự học một điều gì đó, bạn cần đặt câu hỏi: Tại sao tôi cần học thứ này? Tôi muốn trở thành người như thế nào sau khi học được nó?
Đây sẽ là nguồn cảm hứng ban đầu, mục đích và động lực giúp bạn bắt đầu hành trình tự học, dù đó là để phát triển bản thân, đạt được một mục tiêu cụ thể, hay là cải thiện kỹ năng nghề nghiệp.
Với mình thì nhìn chung có ba loại mục đích cho việc học:
- Học để có một kỹ năng chuyên môn, rồi dùng kỹ năng này để kiếm tiền. Chẳng hạn như những kỹ năng cho các ngành nghề đặc thù như bác sĩ, kỹ sư, thiết kế, kế toán…
- Học để phát triển bản thân. Sự phát triển này đôi khi có thể giúp mình kiếm nhiều tiền hơn, hoặc là có một đời sống với chất lượng cảm xúc tốt hơn. Chúng thuộc dạng kỹ năng mềm để hỗ trợ kỹ năng chuyên môn. Ví dụ như kỹ năng giao tiếp không chỉ giúp bạn hoàn thành những việc chuyên môn tốt hơn, mà bạn còn có thể áp dụng kỹ năng vào việc xây dựng những mối quan hệ xung quanh.
- Học để trải nghiệm. Nghe có vẻ hơi rộng hoặc có vẻ hơi đao to búa lớn, nhưng mục đích này là để bản thân thử nghiệm thêm những thứ mới. Mình luôn rất hào hứng khi học thứ gì đó theo mục đích này.
Đôi khi các mục đích cũng có thể thay đổi theo thời gian. Như câu chuyện của bạn bartender ở quán rượu mà mình hay ngồi.
Xuất phát điểm của bạn ấy là làm quản lý nhà hàng. Trong quá trình làm việc quản lý, để hiểu được công việc của những người ở quầy pha chế, bạn ấy đã thử đi học một lớp bartender. Đây là khi đi bạn học vì mục đích phát triển chuyên môn và bản thân, vì hiểu hơn về công việc bartender sẽ giúp bạn làm quản lý cả nhà hàng tốt hơn.
Nhưng sau một thời gian học, bạn thấy mình rất yêu thích công việc pha chế này. Thế là hiện giờ bạn đã tự mở một quán bar của riêng mình, trực tiếp đứng quầy bar pha chế, mà vẫn dùng các kiến thức quản lý để vận hành quán.
Có thể thấy ban đầu mục đích học một thứ mới chỉ là để phát triển bản thân, nhưng khi dần nhận ra đó là thứ bạn yêu thích, bạn chuyển sang thành học để có kỹ năng chuyên môn. Và cuối cùng, tất cả những điều đó là để giúp bạn kiếm sống được, khi làm điều bạn yêu thích. Đôi khi quá trình này cũng có thể xảy ra theo chiều ngược lại.
Ngoài ra, khi nói tới khát vọng tự học mình còn muốn nhắc đến thêm một thứ nữa là động lực học. Mục đích học thì giống như lực kéo chúng ta về phía trước, còn động lực thì như lực đẩy từ sau lưng. Có được cả 2 có thể giúp việc tự học diễn ra một cách tự nhiên hơn.
Động lực của mỗi người thì mỗi khác. Nhưng với mình thì mình tự học vì 3 động lực chính như sau:
- Mình tự học để luôn tự tin
- Mình tự học để tích luỹ
- Mình tự học để sống nhiều hơn
(Bạn có thể bấm nghe podcast để truy cập đầy đủ nội dung.)
Khi đã quyết định được bạn xây nhà vì mục đích gì, phần tiếp theo đó là tìm hiểu về các phong cách kiến trúc, vật liệu xây dựng, hoặc cách tối ưu hóa không gian sống. Đây chính là yếu tố thứ hai cần thiết cho việc tự học.
2. Sự tò mò
Khi tò mò, chúng ta sẽ đi sâu đến tận cùng gốc rễ của vấn đề. Ta được hiểu rõ, được giải thích vì sao cần làm việc đó, tại sao lại phải biết kiến thức đó.
Chẳng hạn khi học thiết kế, mình đã bắt đầu bằng những câu hỏi như: “Tại sao làm UX/UI thì cần phải biết tâm lý học?”, “Đâu là những xu hướng tâm lý xuất hiện ở nhiều quốc gia, dân tộc?”, “Tại sao người dùng Việt nam là thích màu đỏ hơn màu xanh da trời?”...
Hay là tại sao học pha chế lại cần phải biết sự khác nhau các loại rượu nền: Vodka, Whisky, Tequilar, Gin, Rum và Brandy, lịch sử cũng như nguồn gốc nguyên liệu của chúng.
Thói quen tự hỏi, tự tìm câu trả lời sẽ giúp ta duy trì hứng khởi tìm kiếm kiến thức, từ đó quá trình tự học mới có thể được tiếp diễn. Và sự tò mò sẽ trả lời cho những câu hỏi HOW, WHAT, WHY – Điều này làm thế nào, nó là gì, tại sao lại cần nó.
3. Mức độ tự nhận thức
Trong quá trình xây nhà, chúng ta không thể quá tin tưởng vào nhà thầu để họ tự làm mà không đánh giá chất lượng cũng như tiến độ công trình, phát hiện và khắc phục những sai sót trong quá trình xây dựng. Nhất là sẽ có nhiều trường hợp cách hiểu của ta và họ về cùng một thứ lại khác xa nhau.
Trong việc tự học, tự nhận thức là khả năng tự đánh giá bản thân một cách khách quan, nghĩa là có thể thấy được bản thân sai ở đâu, và có thể điều chỉnh ở đâu để tốt hơn. Đây là khía cạnh quan trọng thúc đẩy chúng ta có thể tìm kiếm thêm các tư liệu bên ngoài để cải thiện điều mà chúng ta đang học.
Ví dụ như mình tin rằng Vodka không mùi không vị trung tính, nên có thể kết hợp với vị nào cũng được. Nhưng vì mình thích ăn cay, nên sẽ muốn pha Vodka với ớt hoặc tabasco, kết quả là nó làm mất đi tính đặc trưng của đồ uống có nền là Vodka. Nhờ sự tự nhận thức mà dù có thích cay thì mình cũng sẽ hiểu là không nên pha Vodka như vậy.
Việc nhận ra mình đang sai để sửa sai là một điều quan trọng để tiếp tục phát triển trong quá trình tự học. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta cũng có thể nhờ người khác giúp đỡ điều này. Và với mình, sự chủ động đi tìm người giúp mình sửa sai cũng là dấu hiệu của sự tự học.
Xây nhà, là một việc không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, quá trình này kéo dài trong một khoảng thời gian, và sẽ không thể tránh khỏi những trục trặc, vấn đề phát sinh không lường trước được.
Điều này đòi hỏi chúng ta cần có một tinh thần vững vàng khi đối mặt với các thách thức trong quá trình xây dựng cho tới khi hoàn thiện được căn nhà. Đây cũng chính là yếu tố thứ 4 cần thiết cho việc tự học.
4. Khả năng chấp nhận sự tổn thương
Liên tục học những thứ mới, nghĩa là ta phải luôn dấn thân vào những việc chưa từng làm và chấp nhận những kết quả không tốt từ những lần đầu tiên. Nếu chỉ làm 1-2 lần rồi từ bỏ vì kết quả không như mong đợi, sự học sẽ chấm dứt, hay nói cách khác chúng ta sẽ “dậm chân tại chỗ”.
Theo mình thì thứ cản trở chúng ta học một kỹ năng mới không phải là do thiếu thông minh, mà là do cảm xúc thấy mình thật ngu ngốc khi thử thách bản thân ở những việc mới lạ. Nhưng mình nghĩ nếu chúng ta có thể xác định rõ mục đích của việc học thì sẽ dễ dàng vượt qua những cảm xúc này hơn.
- Nếu học để kiếm tiền thì chỉ khi nào tiêu diệt được sự “ngu ngốc” trong kỹ năng, hiểu biết chuyên môn, thì mới có thể kiếm được nhiều tiền. Chẳng hạn như thiết kế sản phẩm đòi hỏi phải có thêm hiểu biết về tâm lý học và kinh doanh, thế nên mình sẽ luôn liên tục học tập để trau dồi.
- Nếu học để phát triển thì việc cảm thấy “ngu ngốc” là dễ chấp nhận hơn, cứ từ từ cải thiện thôi không sao cả. Có thể sẽ rất lâu nữa mình mới hoàn toàn làm tốt được việc này, nhưng chỉ cần là có cố gắng thì tiến bộ chậm cũng là có tiến bộ.
- Nếu học để trải nghiệm thì sự ngu ngốc cũng là một phần của cuộc sống, bình thản chấp nhận nó, cũng như mình bình thản chấp nhận việc mình hát không hay khi học thanh nhạc vậy.
Vì thế, mình muốn nhắc lại một lần nữa việc xác định mục đích trước khi chúng ta học một thứ gì đó rất quan trọng để có thể duy trì được việc học.
Suy nghĩ cuối
Mình vừa dùng tạm quá trình xây nhà để mô tả lại những khía cạnh quan trọng ảnh hưởng lên khả năng tự học của chúng ta. Tổng kết lại thì có 4 lý do chính cản trở chúng ta không thể tự học hiệu quả, đó là:
- Chưa xác định được rõ ràng mục đích và động lực của bản thân
- Chưa có đủ sự tò mò, thói quen đặt câu hỏi và biết cách đặt câu hỏi đúng
- Chưa có khung đánh giá bản thân, để biết mình cần học thêm hay điều chỉnh ở điều gì
- Chưa dám chấp nhận sự tổn thương, xấu hổ khi học một điều mới
Để kết thúc, mình muốn nhấn mạnh một lần nữa sự quan trọng của việc tự học trong thời đại bây giờ. Có một câu nói của Robert Greene:
The future belongs to those who learn more skills and combine them in creative ways.
Tạm dịch là: Tương lai thuộc về những người có thể học được nhiều kỹ năng, và kết hợp chúng theo những cách sáng tạo nhất.
Chúng ta không thể biết được tương lai sẽ cần những bộ kỹ năng nào để có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng với mình thì, khi đã chọn học hỏi không ngừng để sống nhiều hơn, thì không có gì đáng sợ hay phải lo lắng.
Chỉ cần còn sống là còn học, và còn học là còn được sống nhiều hơn.