Vì sao Zoom bị hàng ngàn học sinh Việt cho 1 sao?
1. Zoom là app gì?
Nếu bạn phải học hoặc họp từ nhà trong mùa dịch, rất có thể bạn đã nghe đến Zoom.
Zoom Cloud Meetings là một ứng dụng gọi video trên nền tảng cloud, cho phép bạn giao tiếp online với nhiều người một lúc khi không thể gặp trực tiếp.
Vì hầu hết các trường đang đóng cửa, Zoom trở thành công cụ học online để học sinh, sinh viên duy trì tiến độ bài vở.
Tuy nhiên, app này đang nhận những review thậm tệ hầu hết từ học sinh Việt Nam. Đến sáng ngày 19/03, rating của Zoom trên PlayStore tụt xuống còn 2.9/5.0 với review 1 sao chiếm đại đa số.
2. Tại sao Zoom bị học sinh Việt cho 1 sao?
Theo Vietcetera ghi nhận từ review của Zoom, đây là 5 lý do app này bị cho 1 sao:
- Lớp học đông hơn số lượng user Zoom cho phép, học sinh không vào lớp được;
- Bài giảng chưa được điều chỉnh để học sinh tiếp thu qua mạng, ví dụ chữ quá nhỏ;
- Học sinh chưa được trang bị kỹ năng học qua mạng;
- Học sinh không được trang bị máy tính và internet;
- Học sinh không muốn học và cho rằng nếu Zoom bị gỡ xuống vì review thấp, mình sẽ không phải học nữa.
Hầu hết những vấn đề này không liên quan đến chất lượng sản phẩm của Zoom. Cho rằng điều này bất công, nhiều người Việt vào review 5 sao cho “cân” lại.
3. Mình không muốn học trên Zoom thì phải làm gì?
Câu trả lời tùy vào lý do bạn không muốn học trên Zoom. Nếu lý do là chất lượng cuộc gọi kém, bạn có thể phản hồi đến Zoom.
Nếu lý do là lớp học của bạn hết chỗ, bài giảng quá khó theo dõi, hay đơn giản là bạn không muốn học trong dịch bệnh, hãy phản hồi tới giáo viên và trường. Nếu bạn phản hồi qua Zoom, nhân viên của công ty này chắc chắn không giúp gì được bạn.
4. Làm thế nào để phản hồi đến trường?
Một số cách để phản hồi tới trường là:
- Email, gọi điện, nhắn tin cho giáo viên và văn phòng trường;
- Viết petition online và kêu gọi các học sinh khác cùng ký gửi trường;
- Đăng bài lên trang confession của trường, để các học sinh khác cùng bình luận, rồi gửi link cho văn phòng trường.
Một số tips để không bị trường “bơ”:
- Luôn có lý do thuyết phục cho yêu cầu của mình;
- Nếu bạn thân với giáo viên nào, hãy chia sẻ với người đó và nhờ họ chuyển lời tới trường;
- Nếu được, hãy gợi ý cho trường giải pháp cải thiện trải nghiệm học của bạn. Ví dụ, trường có thể tổ chức workshop hướng dẫn cách họp qua mạng hiệu quả vì đây là kỹ năng thiết yếu trong thời 4.0;
- Không nói tục, chửi bậy trong các phát ngôn của mình.
5. Có bao nhiêu trường đang học qua Zoom?
Theo thống kê của Vietcetera trên dữ liệu từ Facebook, có ít nhất 158 trường tại Việt Nam đã chuyển một số lớp học lên nền tảng Zoom.
6. Zoom khác gọi qua Facebook Messenger hay Zalo chỗ nào?
Zoom được thiết kế cho các cuộc họp qua video, còn Zalo và Facebook Messenger được thiết kế cho các cuộc đối thoại riêng tư hoặc hội thoại trong một nhóm nhỏ.
Zoom cho phép nhiều nhất 100 đến 500 người tham gia một cuộc họp tùy vào gói cước. Những nền tảng như Facebook Messenger chỉ được dưới 50 người, vì vậy những giảng đường lớn không thể học qua đây.
7. Ai là người đứng sau Zoom?
Đặt trụ sở ở Mỹ, Zoom được thành lập năm 2013 bởi kỹ sư Đại học Stanford Eric Yuan và đội ngũ đằng sau Cisco Systems. 4 năm sau đó, Zoom trở thành một kỳ lân công nghệ (trị giá hơn 1 tỷ đô). Đến năm 2019, Zoom lên sàn chứng khoán, trở thành công ty 16 tỉ đô.
Đại dịch COVID-19 khiến lượng người dùng của Zoom tăng 67% và hơn 20 triệu đô được đầu tư thêm vào công ty này.