Việt Nam giành 3 huy chương vàng từ Olympic, nhưng không phải Paris

... mà là ở Arab Saudi.
Vietcetera
Nguồn: Ảnh từ cuộc thi Olympic Hoá học Quốc tế

Nguồn: Ảnh từ cuộc thi Olympic Hoá học Quốc tế

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Việt Nam vừa giành 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2024 tại Arab Saudi.

Việc cả 4/4 thí sinh trong đoàn Việt Nam đều đạt huy chương đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 2 trong 89 đoàn tham dự, xếp đồng hạng với Hoa Kỳ và chỉ xếp sau Trung Quốc.

2. Vì sao Việt Nam cần tham gia những cuộc thi khoa học quốc tế?

Olympic Hoá học Quốc Tế (IChO) là 1 trong 14 kỳ thi thuộc khuôn khổ Olympic Khoa học Quốc tế (ISO). Bên cạnh Hoá học, đấu trường khoa học này còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như Toán học, Vật lý, Tin học, Sinh học,...

Dù ít phổ biến hơn Olympic thể thao, việc dành được thứ hạng cao trong Olympic Khoa học cũng mang ý nghĩa tương tự trong việc giúp Việt Nam nâng cao uy tín và hình ảnh trong trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các cuộc thi này góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực cải thiện giáo dục. Phần lớn các thí sinh đoạt giải đến từ những trường trung học phổ thông chuyên từ Bắc đến Nam như:

  • Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam (Hà Nội): Nổi tiếng với các thành tích xuất sắc trong các kỳ thi Olympic quốc tế ở nhiều môn, đặc biệt là Toán học và Vật lý.
  • Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP. Hồ Chí Minh): Nổi tiếng với thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế ở các môn Toán học, Vật lý, và Hóa học.
  • Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng): Có nhiều học sinh đạt huy chương vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế, đặc biệt là môn Toán học và Tin học.

Ngoài các trường chuyên thuộc trung ương, các trường chuyên thuộc những tỉnh lân cận cũng đạt nhiều thành tích đáng nể. Điển hình như trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) và trường THPT chuyên Bắc Giang (Bắc Giang) có thí sinh đoạt huy chương vàng Hoá học năm nay.

3. Thành tích của Việt Nam tại đấu trường Olympic Khoa học?

Việt Nam tham dự Olympic Hoá học từ năm 1996, tương đối muộn, tuy nhiên lại là đối thủ đáng gờm khi liên tục dành huy chương vàng suốt hơn một thập kỷ. 3 huy chương vàng mới nhất đã nâng tổng số huy chương vàng mà Việt Nam đạt được trong bộ môn này lên con số 41.

Tuy nhiên, số lượng huy chương vàng nhiều nhất mà Việt Nam mang về lại đến từ Toán học, với tổng cộng 71 huy chương vàng. Giáo sư Ngô Bảo Châu (người đã từng đoạt Huy chương Fields, được ví như “Nobel Toán học”) đã từng 2 lần liên tiếp đạt huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế - là số ít người ở Việt Nam làm được điều này.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là đối thủ mạnh tại Olympic Vật lý Quốc tế với 44 huy chương vàng tính đến thời điểm hiện tại.

4. Đạt thành tích cao là "nhà khoa học giỏi"?

Còn quá sớm để khẳng định điều này.

Olympic Hóa học Quốc tế đúng là giải thưởng hóa học danh giá nhất dành cho học sinh cấp 3. Song với các kỳ thi Olympic khoa học, mọi đề bài đều đã có sẵn đáp án nên kết quả phần nhiều phản ánh khả năng giải quyết vấn đề của thí sinh dưới áp lực (thời gian, tâm lý). Điều này khác với công việc chính của các nhà khoa học là thực hiện những công trình nghiên cứu dài hơi - vốn để trả lời những câu hỏi còn chưa có lời giải.

Trong kỳ IChO năm nay, thí sinh cần vượt qua 2 bài thi thực hành và lý thuyết, mỗi bài kéo dài 5 tiếng với khoảng nghỉ 30 phút ở giữa. Đề bài dài 90 trang A4 bạn có thể thử sức tại đây.

5. Nhân tài sau này làm việc cho ai?

Những câu hỏi về chảy máu chất xám lại sục sôi mỗi lần tài năng trẻ Việt Nam đạt thành tích trong lĩnh vực học thuật.

Cuối cùng thì nhân tài "chảy" về đâu? Câu hỏi này phải để chính người cầm huy chương trả lời.

  • PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà, trưởng đoàn dẫn 4 em học sinh đi thi IChO năm nay, cũng là huy chương đồng IChO 21 năm về trước. Sau cuộc thi, Tiến sĩ Thu Hà dành 9 năm học tập tại Nga rồi trở về làm giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô đóng góp 68 công trình khoa học, 30 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế và vài năm dẫn đoàn Việt Nam đi thi IChO đều "bội thu" huy chương.
  • TS. Bùi Hải Hưng - người được xướng tên cho huy chương bạc Olympic Toán Quốc tế năm 1989 - đã dành hàng chục năm làm chuyên gia tại Google DeepMind, Adobe Research trước khi hồi hương để dẫn dắt VinAI.

"Có phải cứ đi học, đi làm ở nước ngoài là chảy máu chất xám đâu? Để tham vọng thành hiện thực thì bước đầu phải đi từ những môi trường đã phát triển." - Trương Mạnh Tuấn, huy chương đồng Olympic Toán Quốc tế 2018 giải thích.

"Trong ngành Machine Learning chẳng hạn, việc làm ra những nghiên cứu để đời không chỉ cần kiến thức mà còn phụ thuộc vào tài nguyên - những tài nguyên mà nước mình hiện tại chưa có. Vậy nên mọi người đi để xây dựng kiến thức, có mạng lưới đủ mạnh và có chỗ đứng trong cộng đồng rồi về đóng góp cho Việt Nam".


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục