Việt Nam hụt mất mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, ước lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022.
Trong khi đó khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách), đồng thời vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019.
Trước đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa du lịch nhờ triển khai thành công chương trình vaccine Covid-19 vào năm ngoái và đầu năm nay. Nhưng Việt Nam đã không tận dụng được lợi thế khi hết năm chỉ đón 3,5 triệu lượt khách, thấp hơn so với chỉ tiêu 5 triệu đề ra hồi đầu năm.
Cùng thời điểm đó, các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu. Việt Nam còn nằm trong nhóm chậm phục hồi du lịch quốc tế.
2. Vì sao mục tiêu năm 2022 của du lịch Việt Nam lại chưa đạt được?
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, đến tháng 10/ 2012 nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được 50% kế hoạch đề ra đầu năm. Vì thế, tăng trưởng mạnh trong 2 tháng cuối năm gần như không thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn ít do nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc Trung Quốc, thị trường chính chiếm hơn 32% lượng khách vào Việt Nam trước dịch, vẫn chưa mở cửa, được cho là nguyên nhân chính.
Ngoài ra, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cũng làm ảnh hưởng đến lượng khách Nga cũng như nguồn khách từ châu Âu, vốn đứng thứ hai trước Covid-19.
Không thể không kể đến việc lạm phát toàn cầu, giá cả leo thang dẫn đến tăng giá tour, vé máy bay, chi phí. Đối tượng bị ảnh hưởng nhất là thị trường khách đường xa như Âu, Mỹ.
Chi phí tăng lên cao khiến lượng khách từ những địa điểm trên cũng giảm đi. Hiện tại, các chuyến bay thẳng đến Việt Nam vẫn còn ít, du khách Âu Mỹ ít tiếp cận được hơn.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, những nguyên nhân khác được liệt kê sau đó còn là chính sách visa chưa mới, ít sản phẩm nổi bật, mức độ sẵn sàng chưa cao.
3. Du lịch Việt Nam có thể cải thiện gì thời gian tới?
Nhiều chuyên gia và nhà quản lý du lịch cho rằng không nên quá quan trọng việc hoàn thành con số mà cần tìm ra nguyên nhân để từ đó xây dựng kế hoạch cho năm mới. Đầu tiên, chúng ta cần làm mới sản phẩm du lịch. Du khách sẽ chọn những điểm đến có hệ thống y tế tốt, những dịch vụ, điểm du lịch đảm bảo an toàn.
Hậu đại dịch con người nhận thức rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của sức khỏe, nhờ đó xu hướng du lịch phục hồi sức khỏe được ưu tiên. Bên cạnh đó, du lịch ngoài trời, trở về thiên nhiên, du lịch gắn với công nghệ cao, tính linh hoạt cũng đang được quan tâm nhiều.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần đưa ra nhiều chiến lược hút khách như nới lỏng quy định visa, quảng bá điểm đến với bạn bè quốc tế, quản lý tốt các điểm du lịch để tạo hình ảnh đẹp về Việt Nam. Các công ty nên kết hợp với cơ quan ngoại giao ở và đơn vị lữ hành nước ngoài để quảng cáo tour.
Cuối cùng, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cũng cần tìm thị trường khách thay thế, trong đó nhắm đến Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Khách hàng gần như khối ASEAN cũng đầy tiềm năng, với lợi thế di chuyển ngắn, chính sách miễn thị thực lẫn nhau, khiến việc du lịch dễ dàng hơn.
4. Việt Nam còn là điểm đến hấp dẫn với du khách không?
Câu trả lời là có. Báo chí nước ngoài và khách du lịch vẫn thường dành những lời có cánh cho những lý do đáng để lựa chọn điểm đến Việt Nam.
Nó bao gồm truyền thống lịch sử lâu đời, hệ thống sông ngầm hấp dẫn, các bãi biển đẹp phù hợp cho lướt sóng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đầy hấp dẫn và sức hút từ nền văn hóa đa dân tộc.
Hơn nữa, các thành phố của Việt Nam đã hiện đại hóa một cách nhanh chóng trong 20 năm qua nhưng du khách không cần phải đi quá xa khỏi đô thị để thưởng thức các cộng đồng truyền thống. Ví dụ, chỉ cách thủ đô Hà Nội 60km về phía Tây, những con đường của làng Đường Lâm có những ngôi đền, miếu và hội quán lịch sử đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia.
Đối với các du khách nước ngoài, họ còn bị hấp dẫn bởi khung cảnh hùng vĩ của vùng núi cao, ruộng bậc thang và quần áo của dân tộc cổ. Việt Nam còn sở nhiều hữu bãi biển yên bình và thơ mộng, thích hợp để lướt sóng với chi phí hợp lý du khách vẫn muốn chi tiền cho những hoạt động du lịch nơi đây.
Cuối cùng, ẩm thực gắn liền với du lịch tại Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn và đáng để khám phá nhất trên thế giới. Trải dài từ Bắc vào Nam, từ ẩm thực vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, du lịch Việt Nam đều đáp ứng được nhu cầu của những vị khách khó tính nhất.
Như vậy, câu hỏi được đặt ra chỉ là, với những nguồn tài nguyên dồi dào như thế, chúng ta sẽ làm gì để sử dụng chúng một cách có hiệu quả nhất?
5. Mong đợi gì ở du lịch Việt Nam trong năm 2023?
Mong đợi đầu tiên có lẽ là việc tăng cường quảng bá, cải thiện dịch vụ trong du lịch. Ví dụ rõ ràng nhất là chất lượng hạ tầng ở các sân bay quốc tế, cùng với đó là thái độ ứng xử của nhân viên sân bay cần vui vẻ, nhiệt tình và thân thiện hơn.
Tiếp đó, chúng ta cũng mong muốn một Việt Nam phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội chưa có sản phẩm du lịch đô thị tốt, hút khách.
Du khách thích đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng chủ yếu vẫn chỉ đi tham quan các địa điểm du lịch có sẵn. Điều này dễ gây nhàm chán và khiến du khách không muốn quay trở lại.
Ngoài ra, việc chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng rất cần thiết. Các điểm đến nổi tiếng và đông đúc cần được áp dụng hệ thống QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý du khách để tiện lợi và an toàn hơn.
Cuối cùng, bất cứ du khách nào cả trong và ngoài nước đều mong muốn có những kỷ niệm tuyệt vời và đáng nhớ tại mỗi điểm mình đặt chân đến. Vì thế người làm du lịch cũng cần bỏ thói quen hét giá, chặt chém, làm dịch vụ kiểu chộp giật, khôn lỏi để lưu lại ấn tượng tốt trong lòng du khách.