Visa Vàng, du lịch, và thương mại: Lãnh sự Danh dự Afonso Vieira cùng Bồ Đào Nha “dang tay” chào đón doanh nhân Việt

Bồ Đào Nha - với nền văn hóa truyền thống và hệ thống pháp luật hiện đại - đã thu hút lượng lớn khách du lịch, bao gồm cả người Công giáo và cộng đồng LGBT.

Valeria Mertsalova
Visa Vàng, du lịch, và thương mại: Lãnh sự Danh dự Afonso Vieira cùng Bồ Đào Nha “dang tay” chào đón doanh nhân Việt

Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Khi chú ý tới phong cách xây dựng lãnh sự quán và đại sứ quán, bạn sẽ nhận thấy rõ những giá trị mà một quốc gia mong muốn biểu đạt tới công chúng. Nhiều quốc gia lớn mạnh có thể xây dựng phần cổng vào với những cột chắn vững chãi và nghiêm trang, nhưng một số quốc gia nhỏ hơn lại không ngần ngại biểu lộ tinh thần cởi mở và thân mật.

Đứng trước cổng Lãnh sự quán Bồ Đào Nha tại Thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh khu vườn được chăm sóc kỹ càng, và một tòa biệt thự từ thời Pháp thuộc dưới bóng cây mít đại thụ. Bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra Lãnh sự Afonso Vieira đang làm việc trong văn phòng của ông ở tầng trệt, và khi nghe tiếng chuông cửa, ông sẽ ngẩng lên rồi thân thiện đón chào.

Vào năm 2018, ngay sau khi tòa nhà được cho thuê lại bởi một gia đình địa phương và tiến hành cải tạo, cánh cổng lãnh sự cũng được dựng lên. Phần cổng vào không quá kín đáo mà vẫn có thể nhìn qua, giúp khách đến thăm có thể cảm nhận tinh thần cởi mở và hòa nhã đặc trưng của xã hội Bồ Đào Nha. Thiết kế bên trong hầu như không thay đổi - với sàn nhà lát gạch cổ, tường gạch trần, và cửa kép kiểu Pháp, thể hiện sự tôn trọng quá khứ cũng như mối quan hệ văn hóa giữa hai nước.

Ông Afonso nhanh chóng giải thích bối cảnh lịch sử, “Tôi thường nhắn nhủ tới mọi người rằng, dù Alexandre de Rhodes là người Pháp, nhưng ông được nhớ đến tại Việt Nam chính nhờ công trình nghiên cứu cuốn từ điển Việt-Bồ-La, xuất bản vào năm 1651”.

Một sự thật lịch sử khác có lẽ ít người biết, là vai trò của Francisco de Pina và các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha trong việc phát triển Chữ Quốc ngữ vào thế kỷ 17. Ông Afonso cũng bày tỏ hy vọng rằng, trong tương lai, khi ngày càng có nhiều người Việt biết đến Bồ Đào Nha - một đất nước đầy nắng và gió tại phía Tây Nam của châu Âu, thì nhiều mối quan hệ giữa hai quốc gia trước đây cũng sẽ được hé lộ. Còn ở hiện tại, ông rất sẵn lòng trực tiếp kể lại các câu chuyện lịch sử ấy.

Khi cùng ngồi xuống để thực hiện cuộc phỏng vấn với Vietcetera, Lãnh sự Danh dự Afonso đã cho chúng tôi biết nhiều hơn về trọng trách của ông, vì sao chương trình Visa Vàng của Bồ Đào Nha lại gây được tiếng vang lớn với người Việt Nam, và chia sẻ những dự đoán về lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Chức danh đầy đủ của ông là “Lãnh sự Danh dự với quyền hạn mở rộng tại Việt Nam”. Ông có thể giải thích đôi chút về chức danh này không, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ dành cho người nước ngoài?

Rất ít quốc gia có khả năng chi trả chi phí để cử các viên chức chuyên nghiệp đến mọi cơ quan lãnh sự, nên thay vào đó, họ sẽ cử các viên chức danh dự có quyền hạn. Các quốc gia thường đề cử những người đang làm việc trong ngành kinh tế, và là công dân của chính quốc gia đó.

Từ năm 2018, khi chính phủ Bồ Đào Nha cho phép cơ quan lãnh sự tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các công việc ngoại giao tại Việt Nam, mối quan hệ song phương đã cải thiện rõ rệt. Chúng tôi cũng đã và đang hỗ trợ các công ty Bồ Đào Nha tìm kiếm đối tác kinh doanh tại địa phương, thông qua mối quan hệ hợp tác chặt chẽ cùng Aicep Portugal Global - một cơ quan thương mại trực thuộc chính phủ Bồ Đào Nha. 

Trong tương lai, khi Đại sứ quán Bồ Đào Nha có trụ sở chính thức tại Việt Nam, chúng tôi sẽ có khả năng gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa (Đại sứ quán Bồ Đào Nha tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam hiện nay có trụ sở tại Bangkok). 

Trước khi trở thành Lãnh sự Danh dự, ông từng là chủ khách sạn ở châu Âu và Trung Quốc, và sau đó là doanh nhân trong ngành quản lý tài sản. Những kinh nghiệm trước đây đã hỗ trợ ông trong vai trò hiện tại như thế nào?

Ở cương vị Lãnh sự, bạn được một nhà nước ủy quyền hỗ trợ các công việc thương mại của công dân và tập đoàn địa phương tại nước ngoài, đồng thời đảm nhiệm cả những việc hành chính thông thường như dịch vụ công chứng.

Sau khi làm việc trong ngành hospitality (du lịch - nhà hàng - khách sạn) tại 5 quốc gia trên thế giới, tôi đã trau dồi được các kỹ năng chuyên môn như giao tiếp, nhận thức về văn hóa, và chú trọng tiểu tiết. Những kỹ năng này vẫn hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc hiện tại.

Ngoài ra, là doanh nhân trong ngành quản lý tài sản tại Singapore đã giúp tôi rèn giũa một số kỹ năng khác, chẳng hạn như khả năng quyết đoán và trở nên đáng tin cậy, khả năng tuân thủ và hòa hợp, phục hồi và thích ứng, đồng thời còn được mở rộng kiến thức về kinh tế thế giới và thị trường tài chính.

Sau hơn 15 năm làm việc tại Việt Nam với tư cách là một doanh nhân, và 2 năm gần đây nhất là thành viên của đoàn Lãnh sự, ông thấy tự hào về những thành tựu nào nhất? 

Tôi có thể nhận thấy mức tăng trưởng đáng kể của 3 lĩnh vực kinh tế. Đầu tiên, 300 nhà đầu tư Việt Nam (cùng hơn 1.200 các thành viên trong gia đình họ) đã tận dụng chương trình Visa Vàng để được nhanh chóng cấp Thẻ cư trú, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 6 trên toàn thế giới về tỷ lệ được tiếp nhận. 

Số lượng sinh viên Việt Nam nhập học đại học tại Bồ Đào Nha cũng đang tăng lên. Vài năm trước, không nhiều người nước ngoài biết đến các trường đại học của chúng tôi, nhưng tới nay chúng tôi đã có thể cạnh tranh trực tiếp với các nước EU khác có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. 

Và cuối cùng, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng rõ rệt lượng khách du lịch là người Công giáo Việt Nam và cộng đồng LGBT địa phương, do Bồ Đào Nha là một quốc gia sở hữu nền văn hóa truyền thống nhưng lại có hệ thống pháp luật vô cùng hiện đại, và còn nhiều ưu điểm khác nữa.

Chương trình Visa Vàng của Bồ Đào Nha hiện đang rất được ưa chuộng. Vậy thông tin cụ thể về chương trình là gì?

Hầu như quốc gia EU nào cũng có chương trình hỗ trợ nhập cư, và Bồ Đào Nha cũng không ngoại lệ. Khác với những yêu cầu vốn có là người nộp đơn phải định cư trong nước từ 6 tháng trở lên, chương trình Visa Vàng của Bồ Đào Nha - dành cho doanh nhân và nhà đầu tư - cho phép họ sinh sống tại bất kỳ quốc gia nào.

Chương trình được triển khai vào đầu năm 2012 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, đặc biệt đối với doanh nhân đến từ các thị trường mới nổi như Việt Nam, chẳng hạn như: có thể đưa đại gia đình cùng sang Bồ Đào Nha định cư; khả năng trở thành công dân Bồ Đào Nha sau 5 năm (không bắt buộc) và được khuyến khích hai quốc tịch; không đánh thuế thu nhập toàn cầu; và tùy chọn tham gia chương trình thông qua đầu tư bất động sản. Những yếu tố này đã góp phần đưa Bồ Đào Nha trở thành điểm đến đầu tư lý tưởng cho giới doanh nhân Việt hiện nay.

Đối với người Việt muốn học tiếng hoặc nghiên cứu văn hóa Bồ Đào Nha, hiện có những cơ hội nào đang rộng mở tại Sài Gòn?

Những đại sứ văn hóa Bồ Đào Nha xuất sắc nhất chính là những người Việt đã từng sinh sống tại đây. Họ hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội, và trực tiếp thu hút mọi người tham gia vào các cuộc hội thoại về những trải nghiệm tích cực. 

Trên trang Facebook chính thức của Lãnh sự quán, chúng tôi thường chia sẻ các đoạn trích và những sự thật thú vị về Bồ Đào Nha, bằng tiếng Việt và cả các ngôn ngữ khác. Đây cũng là chiến lược nội dung của trang, được điều chỉnh sao cho phù hợp với sở thích và mối quan tâm của 2.000 người theo dõi. 

Về ngôn ngữ, một trường tư thục quốc tế ở An Phú sẽ sớm khai giảng các khóa học vào năm 2021 dành cho người mới bắt đầu.

Đối với các hoạt động thương mại và đầu tư, hai quốc gia hiện có mối quan hệ kinh doanh bền chặt như thế nào?

Tổng kim ngạch thương mại song phương hàng năm hiện nay đạt khoảng 500 triệu USD, trong đó Việt Nam có tỉ lệ xuất khẩu cao gấp khoảng 10 lần so với Bồ Đào Nha. Thành tích này tuy nhỏ, nhưng tốc độ phát triển đang tăng lên rất nhanh. Hiện tại, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài duy nhất từ Bồ Đào Nha là Logoplaste - công ty sản xuất chai nhựa công nghệ cao cho Procter & Gamble ở tỉnh Bình Dương, cùng một số văn phòng đại diện.

Tôi không kỳ vọng số liệu FDI sẽ thay đổi, bởi các công ty Bồ Đào Nha thường có quy mô khá nhỏ (95% có ít hơn 10 nhân viên), trong khi các tập đoàn lớn thường đặt trụ sở tại San Francisco, New York, Paris,... Tuy nhiên, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Việt Nam vào Bồ Đào Nha đã bắt đầu xuất hiện, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, hospitality và nông nghiệp.

Ông có lời khuyên nào dành cho thế hệ trẻ Việt Nam có dự định lập nghiệp trong ngành ngoại giao, đặc biệt về những kiến thức và kỹ năng họ nên trau dồi và phát triển?

Theo tôi, những kỹ năng cần thiết gồm có giao tiếp, nhận thức về văn hóa, và chú trọng tiểu tiết. Tuy nhiên, để tạo ra tác động có ý nghĩa và lâu dài trong lĩnh vực ngoại giao, các cá nhân đó cần phải thông thạo tiếng Anh, nắm vững kiến thức về lịch sử thế giới từ thế kỷ 19 đến nay, về kinh tế thế giới, và về mối quan hệ giữa khu vực công - tư.

Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử lâu đời, nhưng hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về ngoại giao trong thế kỷ 21. Nếu là một người Việt trẻ tuổi, tôi sẽ vô cùng hào hứng khi có thể đóng góp vào nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong thế kỷ này.

Bài viết được chuyển ngữ bởi Thảo Vân.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục