Với dịch vụ "đi chợ hộ", liệu Grab có tiếp tục đại thắng tại Việt Nam?
GrabMart và dịch vụ đi chợ hộ đang giành được nhiều phản hồi. Tuy nhiên, chúng là phản hồi gì và liệu GrabMart có tiếp tục chiến thắng ở Việt Nam?
Dịch vụ: Đi chợ hộ GrabMart
Nền tảng: Ứng dụng Grab
Cách đặt hàng: Mở ứng dụng Grab > chọn mục Mart > chọn đại lý bán lẻ và sản phẩm
Phí giao hàng: 15,000đ cho 2km đầu, 5,000đ/km quãng đường tiếp theo
Phương thức thanh toán: Tiền mặt/Thẻ debit/Thẻ credit/Grabpay
Khối lượng đơn hàng: Kích thước tối đa 60x60x60 (cm), trọng lượng tối đa 30kg
GrabMart – Có gì hay?
Với GrabMart, bạn có thể mua đồ tạp hóa, thực phẩm đóng gói, hoa quả và nhiều thứ khác thông qua ứng dụng Grab, với cam kết giao hàng trong 1 giờ.
Khách hàng mục tiêu của Grab là dân công sở, những người thường xuyên bận rộn. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc đi lại hạn chế vì dịch, GrabMart đã mở rộng sang những cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày.
GrabMart – Cơ hội và thách thức?
Để phần nào tìm ra cơ hội và thách thức của GrabMart, hãy cùng phân tích những đối thủ cạnh tranh hiện tại: Now Fresh, Be đi chợ, VinID Scan & Go và các kênh giao hàng của BigC, Co.op.
Bên cạnh đó, những yếu tố sau cũng không thể bỏ qua:
Cơ hội:
- Dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế tiếp xúc, đi đến nơi đông người nhưng vẫn có nhu cầu mua các nhu yếu phẩm cho cuộc sống.
- Chính phủ khuyến khích các hoạt động thanh toán trực tuyến và dự kiến có nhiều hỗ trợ về công nghệ hạ tầng cho định hướng này.
Thách thức:
- Song song với lượng tăng lớn về cầu trong thời gian này là số lượng đối tác tài xế của Grab giảm đi do nỗi lo dịch bệnh.
- Các “ông lớn” như Now hay Lomart đã triển khai mô hình này trước đó khiến Grab phải nỗ lực hơn để giành thị trường.
GrabMart – Bước đi đầu?
GrabMart đã được triển khai ở các thị trường khác (Thái Lan, Indonesia…) trước khi vào Việt Nam. Dịch COVID-19 bùng nổ khiến Grab chớp ngay lấy cơ hội ngàn vàng để tiếp tục bành trướng ở Việt Nam. TP. HCM là nơi đầu tiên được thử nghiệm, tiếp đến là Hà Nội.
Thông điệp “Giao nhanh 1 giờ” cho thấy tốc độ chính là ưu thế lớn nhất GrabMart lựa chọn để cạnh tranh với các dịch vụ “đi chợ hộ” hoặc giao hàng hiện có từ Be hay các siêu thị lớn Big C, Co.op, VinMart.
GrabMart – Mô hình kinh doanh?
GrabMart vẫn dựa trên nền tảng mô hình kinh tế chia sẻ. Tham gia mô hình này, chủ sở hữu phương tiện thực hiện việc đăng ký trên nền tảng. Khách hàng muốn đặt hàng hóa thông qua nền tảng này sẽ vào ứng dụng Grab, chọn cửa hàng, hàng hóa và nhấn nút đặt. Ứng dụng sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một phương tiện gần nhất. Khi đó, đối tác tài xế của GrabMart chỉ cần đến báo số đơn, nhận và giao hàng.
Khác với các dịch vụ mua hàng hộ trước đó, GrabMart liên kết trực tiếp với hệ thống tiếp nhận yêu cầu của các đại lý bán lẻ. Điều này giúp loại bỏ quy trình ghi nhớ đơn hàng, mua hộ, thanh toán thủ công. Đây là lợi thế lớn khi các đối thủ cạnh tranh đang ganh đua về thời gian giao hàng.
Ngoài ra, họ cũng lựa chọn liên kết với các đối tác bán lẻ có uy tín và lớn nhất Việt Nam như BigC hay Co.op bên cạnh các cửa hàng nhỏ lẻ. Việc liên kết với những “ông lớn” sẽ giúp GrabMart xây dựng một mạng lưới phủ khắp ở các chốt dân cư quan trọng, thuận tiện cho việc đặt và giao hàng.
Các đối tác đã liên kết:
- Co.op Mart Xtra
- BigC
- Cho Pho
- CJ Market
- Coca-Cola
- Meat World
- Farm Hill
- Co.op Food
- Nhà Phân Phối Coca
- Farmers’ Market
Lợi ích từ mô hình: Tương tự với GrabFood trước đó, lợi nhuận của GrabMart sẽ đến từ 2 nguồn: hoa hồng của đối tác tài xế và hoa hồng/dịch vụ quảng cáo từ các đơn vị bán lẻ. Ngoài ra, họ còn có thể can thiệp về giá (như cách đang làm với các cửa hàng ăn uống cho dịch vụ GrabFood) nếu GrabMart tìm được cách mở rộng và phủ sóng dày đặc trong tương lai.
GrabMart – Khác biệt gì với các thị trường đã triển khai?
Tại Đông Nam Á, GrabMart đã được triển khai trước đó ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Mô hình thử nghiệm GrabMart tại Việt Nam đang được khai triển giống với mô hình đi trước ở Indonesia khi Grab là đơn vị trực tiếp liên kết với các cửa hàng bán lẻ.
Tuy nhiên tại Thái Lan, dịch vụ này được biết đến với tên gọi GrabFresh. Nó được thực hiện nhờ mối liên kết giữa Grab và Happy Fresh, một công ty chuyên giao nhận hàng hoá trong khu vực Đông Nam Á.
So sánh hai giao diện GrabFresh và GrabMart, có thể thấy tại Thái Lan, dịch vụ này được phân chia thành danh mục hàng hóa kèm theo các ưu đãi nổi bật (tương tự giao diện website một siêu thị). Và người dùng có thể trực tiếp lựa chọn mặt hàng để cho vào giỏ thanh toán, chứ không đi qua các bước tìm kiếm siêu thị và rà soát danh mục sản phẩm như tại Việt Nam và Indonesia.
Điều này cho thấy GrabFresh tại Thái Lan có hệ thống giao hàng lớn và làm chủ được các nguồn cung. Việc kiểm soát đặt hàng, giao nhận hay các chính sách thay đổi, hoàn trả linh hoạt hơn rất nhiều.
GrabMart – Khách hàng phản hồi gì?
Dù số người dùng tăng lên từng ngày, thế nhưng trải nghiệm với GrabMart chưa thực sự khiến nhiều người hài lòng. Những phản hồi chủ yếu là:
- Hệ thống điểm bán lẻ liên kết còn ít, dẫn đến việc có những người dùng phải đặt giao hàng từ khoảng cách rất xa.
- Thời gian ship lâu hơn 1 tiếng so với cam kết.
- Phí ship còn cao.
- Quy trình bồi hoàn còn nhiều hạn chế khi phải mang hàng trực tiếp đến các điểm hỗ trợ của Grab để xử lý.
- Lo ngại về độ tin tưởng của các đối tác tài xế, đặc biệt với những hóa đơn hàng lớn.
Chắc chắn đây sẽ là những ý kiến Grab cần xem xét và xử lý nếu thực sự muốn chiến thắng ở thị trường Việt Nam.
Bài viết được thực hiện bởi Tuấn Huy.