WeChoice Awards 2020: Tập thể bác sĩ chống Covid-19 ở tâm dịch Đà Nẵng

Họ là những anh hùng áo trắng nơi tuyến đầu, góp phần quan trọng khống chế thành công dịch Covid-19, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch.

WeChoice Awards
Nguồn: WeChoice Awards.

Nguồn: WeChoice Awards.

Việt Nam ghi nhận những trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1. Sau đó, dịch bệnh bắt đầu lan rộng, số ca nhiễm Covid-19 xuất hiện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Liên tiếp nhiều địa điểm, khu vực, địa phương phải phong tỏa vì phát hiện những ca mắc mới như: ổ dịch tại quán Bar Buddha (TP.HCM), Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Đỉnh điểm, từ 0h ngày 1/4, Việt Nam phải thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước. 22 ngày đầu tháng 4, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cùng nhau “bế quan tỏa cảng”, đồng tâm hiệp lực tập trung chiến đấu với dịch bệnh. Nhiều bệnh viện dã chiến được xây dựng thần tốc để kịp thời cứu chữa bệnh nhân.

Trong làn sóng đầu tiên của dịch Covid-19, cả nước chỉ có vài trăm ca bệnh, trong đó có một nửa là người nhập cảnh và đặc biệt, không để xảy ra trường hợp tử vong nào. Tuy nhiên, dưới những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia, Việt Nam phải đối mặt với làn sóng thứ 2 bùng phát nhanh vào giữa tháng 7.

Cả đất nước bước vào giai đoạn chống dịch mới với ca nhiễm không xác định được nguồn lây ở Đà Nẵng, sau 99 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Ngay lúc đó, PGS. TS Lương Ngọc Khuê với cương vị là Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã luôn động viên và kết nối Đà Nẵng với cả nước thông qua những cuộc hội chuẩn chuyên môn được tổ chức gần như hàng ngày trong suốt thời gian diễn biến dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam...

Có những quyết định mang tính chất chiến lược như Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu BV Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh tìm cách “ship” thuốc quý ngay trong đêm bằng ô tô, máy bay, hoặc cần thiết là tàu hỏa... để bệnh nhân nguy kịch ở Huế có thuốc dùng vào đúng 6h sáng hôm sau.

Loại thuốc này chính là GS. Nguyễn Gia Bình với tư cách là Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng nhớ ra BV Nhiệt đới thành phố đã tìm mua được từ thời chữa cho bệnh nhân số hiệu 91 người Anh.

Có rất nhiều thời điểm trong đêm khuya tầng 7 của Bộ y tế nơi có Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 vẫn sáng đèn, các giáo sư đầu ngành gần 70 tuổi vẫn ngồi bàn luận với nhau về từng ca bệnh nặng đang có diễn biến xấu.

Giám đốc bệnh viện TW Huế đồng ý tiếp nhận bệnh nhân nặng từ Đà Nẵng ngay trong đêm. Các y tá và bác sĩ của Đà Nẵng đã 10 giờ đồng hồ chưa được uống một ngụm nước khi mặc nguyên bộ đồ bảo hộ vội vàng lên xe đưa bệnh nhân đi Huế...

Tất cả nhân viên y tế, những y bác sĩ nơi tuyến đầu bỏng rát ấy đã mất hơn một tháng không ngủ để tranh giành từng giây từng phút với tử thần, kéo các bệnh nhân nặng đang ở đà lao xuống dốc dừng lại, không xuống nữa và phục hồi dần lên. Đến khi không còn bệnh nhân tử vong nữa lúc đấy tinh thần của mọi người mới phấn chấn dần lên...

Hàng nghìn phút hội chẩn của hàng trăm chuyên gia đầu ngành

Đúng một tuần kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, 5 cuộc hội chẩn quốc gia về điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng đã được thực hiện. Tại mọi đầu cầu, các giáo sư, bác sĩ giỏi nhất trong từng chuyên môn sâu về hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, huyết học, dược, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chuyên khoa phổi... đều tham dự.

"Ngày thường mời được các vị này không dễ, vì dưới tay các thầy cô ấy toàn là các ca bệnh thập tử nhất sinh, không dễ để họ có vài phút rảnh đâu. Vậy mà họ thu xếp ngồi hội chẩn 3 - 4 tiếng đồng hồ, phải nói giá trị của những khối óc lớn như này là vô cùng quý báu. Và khi những bác sĩ giỏi nhất Việt Nam cùng hiệp đồng chiến đấu với Covid-19 thì tất cả các y bác sĩ, bệnh viện trong cả nước đều vững tin hơn rất nhiều".

Đó chính là lý do để PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề xuất phương án thành lập Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 vào ngày 4/3/2020.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm này đã phát huy hiệu quả rất rõ rệt trong quá trình điều hành, hỗ trợ chuyên môn điều trị thành công các ca bệnh COVID-19 nặng, đặc biệt là trong đợt cách ly toàn xã hội từ đầu tháng 4/2020.

Cuộc hội chẩn chiều ngày 29/7 bắt đầu từ 15h kéo dài cho đến 18h20 mới kết thúc. Ngay sau đó, GS.TS Ngô Quý Châu ở đầu cầu Bộ Y tế vội vàng về viện ngay vì bệnh nhân của ông đang chờ.

Ấn tượng mà GS. Châu mang lại cho toàn bộ các thành viên tham gia buổi hội chuẩn trực tuyến là ông rất nhạy cảm với các dấu hiệu tổn thương phổi của từng bệnh nhân.

Vào những khoảng thời gian cuối cùng của ca hội chẩn, khi đại diện của BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam báo cáo về tình hình một ca bệnh "mọi diễn biến đều bình thường, xin báo cáo để các thầy yên tâm" thì bất ngờ GS. Châu lập tức đề nghị được xem lại hình ảnh chụp XQ phổi của bệnh nhân từ 26/7 cho đến ngày 29/7. "Mặc dù các phim có góc chụp khác nhau ở mỗi ngày nhưng tôi đang quan sát thấy diễn biến tổn thương phổi tăng nặng".

Phân tích cho nhận định đó của mình, GS. Châu cụ thể: "Cơ chế của nó liên quan đến virus. Virus đang nhân lên và ta phải kiểm tra rất sát. Số liệu cho thấy nhịp thở của bệnh nhân tăng dần là không ổn. Bệnh nhân này không đơn giản, cần theo dõi sát vì có thể mai sẽ tăng nặng".

Từ phát hiện ban đầu đó, GS. Nguyễn Gia Bình với tư cách là Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng đề nghị cơ sở điều trị cần thêm ngay các xét nghiệm chi tiết hơn nữa: "Nhịp thở như vậy với người cao tuổi là không bình thường, đang có chiều hướng giảm dần nhịp thở. Bệnh nhân bắt đầu đi vào giai đoạn nặng rồi. Tôi đề nghị các anh làm ngay xét nghiệm đầy đủ hơn về thận, về gan, về đông máu… và thay đổi phương pháp kháng sinh. Bắt buộc dùng kháng sinh phổ rộng, không thể kháng sinh phổ hẹp được".

Tất cả những tư vấn chuyên môn, những kiến thức và kinh nghiệm can thiệp trong điều trị bệnh nhân nặng đều đã được các chuyên gia đầu ngành chia sẻ hết sức chi tiết và quyết liệt. Quan trọng hơn rất nhiều là tình trạng của bệnh nhân này đã được duy trì ổn định nhờ những chẩn đoán, tư vấn ngay lập tức đó.

Và ngay trong sáng ngày 30/7, đoàn công tác của BV Bạch Mai do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV đã trực tiếp vào BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam để hỗ trợ điều trị cũng như sắp xếp lại hệ thống xét nghiệm cho bệnh viện.

Chuyển thuốc ngay trong đêm để 6h sáng mai bệnh nhân được dùng

Bên cạnh tham gia hội chẩn trực tuyến ở phạm vi cả nước, các chuyên gia kỳ cựu của ngành y còn liên tục cập nhật thông tin ca bệnh qua nhiều mạng xã hội như Viber, Zalo…

"Ngày cũng như đêm, ở đâu có diễn biến mới là chỉ vài phút sau tất cả chuyên gia đầu ngành trong cả nước đều nắm được. Có những đêm tin nhắn báo liên tục đến nóng cả máy. Điện thoại đã đành người đang ngủ cũng phải trong tình trạng stand by (sẵn sàng - PV) nhận và xử lý"…

Vấn đề của BV Đà Nẵng thời điểm này là họ đang bị phong tỏa, số lượng nhân viên y tế bị nhiễm Covid và phải cách ly có dấu hiệu tăng trong khi rất nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị và chờ được điều trị. Ngoài các bệnh nhân Covid-19, ở bệnh viện này còn có những bệnh nhân chạy thận nhân tạo suốt 21 năm qua vẫn cần được duy trì điều trị.

Sự chia lửa các đồng nghiệp dành cho Đà Nẵng lúc này còn nằm ở những lọ thuốc bé nhỏ "có võ" và vô cùng hiếm hoi, khó kiếm tìm.

Điều trị cho những bệnh nhân nặng lúc này không chỉ còn là trách nhiệm của riêng y bác sĩ tại BV Đà Nẵng, GS. Châu ở đầu cầu Hà Nội, GS. Bình từ A9 Bạch Mai, GS. Hiệp ở TW Huế, PGS. Ngọc Thảo ở Chợ Rẫy, TS. Thủy ở BV Bệnh Nhiệt đới TP. HCM… tất cả đều coi họ là bệnh nhân của mình.

GS. Bình rất tâm tư: "Chúng tôi thường xuyên bàn với nhau trên các group (nhóm - PV). Có bệnh nhân bản thân họ mang một chùm bệnh quá nặng. Nào thì suy thận mãn, thiếu máu, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout, nhiễm trùng… rồi bây giờ lại thêm cả Covid-19 nữa".

Bệnh nhân phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) và thở máy. Các thầy thuốc đề nghị tập trung điều trị đa kháng thuốc, lọc thận, chống nấm, chống đông máu và các biện pháp cận lâm sàng khác, theo dõi sát bệnh nhân từng giờ.

"Thuốc chống tim nhanh vẫn dùng có lẽ phải chuyển sang đường tĩnh mạch để làm chậm nhịp. Nên dùng thuốc chích, bệnh nhân nặng như thế này không nên dùng đường uống", với kinh nghiệm của mình, GS. Bình đề nghị. "Nếu có thể xài dạng chích thì xin các thầy cho ý kiến. Theo tôi biết bữa trước trong BV Nhiệt đới TP.HCM họ đã tìm mua được thuốc dạng chích. Ta hỏi chỗ thầy Hảo, cô Thủy, các thầy cô chỉ cho có thể mua ở đâu được".

Và ngay lập tức sau câu hỏi: "Thuốc dạng chích bên Nhiệt đới các thầy còn không?", cả BV Bệnh Nhiệt đới TP. HCM và BV Chợ Rẫy đều sẵn sàng bố trí bộ phận dược chia sẻ cho Đà Nẵng. "Để điều trị cho bệnh nhân 91 (bệnh nhân phi công người Anh, đã khỏi và về nước - pv), BV Chợ Rẫy đã trình mua, hiện tại còn khoảng 50 lọ. Hôm trước chúng tôi cũng có báo với bác sĩ Nhân (Giám đốc BV Đà Nẵng - PV) rồi. Chỉ cần bác sĩ Nhân chỉ định thì dược của hai bên sẽ làm thủ tục chuyển ngay thôi".

PGS. Khuê tiếp tục điều phối sự kết nối này: “Anh Nhân cần gì thì báo anh em. Các đồng chí cứ làm tất cả vì mục đích chung là cứu bệnh nhân. Bây giờ là 18h rồi, ta chuyển ngay trong đêm. Có nhiều cách để “ship thuốc” các đồng chí tính xem cách nào nhanh nhất, an toàn nhất: bằng ô tô, máy bay, hoặc cần thiết là tàu hỏa... để bệnh nhân có thuốc dùng vào đúng 6h sáng hôm sau. Các đồng chí đừng ngại. Tôi chịu trách nhiệm".

Sự xúc động là cảm giác rất dễ nhận ra từ bác sĩ Nhân ngay cả trên màn hình video cuộc hội chẩn trực tuyến.

Ngồi chờ ngày cuối cùng của bệnh nhân, cảm giác rất kinh khủng

Những ngày đón các ca bệnh nặng nhất từ Đà Nẵng vào, y bác sĩ ở Huế hiểu rằng mình đang tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân mà diễn biến đã đến giai đoạn không còn cơ hội hồi phục. “Ngồi chờ những ngày cuối cùng của người ta cảm giác rất kinh khủng” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - một trong những chuyên gia được Bộ Y tế cử vào hỗ trợ BV Trung ương Huế vẫn rùng mình khi nhớ về chuỗi ngày liên tiếp có bệnh nhân tử vong.

“Không thể làm gì hơn được cho người bệnh. Không thể làm được gì khi bệnh nhân đã chết não hoặc tất cả nội tạng không hồi phục nữa. Thậm chí, chúng tôi còn biết trước ngày nào giờ nào tử thần sẽ đến cướp bệnh nhân. Và mình cứ ngồi, bất lực chấp nhận điều ấy. Một bác sĩ khi không còn việc gì để làm trước cơ thể bệnh là một điều thực sự không biết diễn tả thế nào. Chỉ biết chắc chắn, những ngày đó thật sự rất kinh khủng.

Hình như một số đồng nghiệp lúc đó thậm chí đã không tin rằng có thể cứu được bệnh nhân. Bởi vì họ đã phải chứng kiến những trường hợp với diễn biến ban đầu như thế dần dần nặng lên, dần dần đi đến chỗ không gì cứu chữa được và tử vong. Người thầy thuốc không còn lòng tin vào bản thân nữa thì chính là bi kịch.

Thật may, sự xuất hiện của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn với tất cả những xông xáo, quyết liệt lại rất tỷ mỉ trong từng chỉ đạo đã giúp chúng tôi tin hơn vào chính bản thân mình”.

Suốt 1 tháng dịch bùng phát ở Đà Nẵng, bệnh viện nào của "tâm dịch" cũng thấy bóng dáng người đàn ông tóc bạc, mặc đồ xanh lá đứng lẫn trong đội ngũ nhân viên y tế. Ai không biết dễ nhầm ông với bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân. Kỳ thực, người đàn ông ấy chăm chú quan sát từng chi tiết, từ tốn hỏi han những người xung quanh để rồi đưa ra những quyết sách thay đổi hoàn toàn cục diện lúc bấy giờ.

Chuyển bệnh nhân nặng ra khỏi Đà Nẵng, “làm sạch” bệnh viện, bảo vệ và bảo toàn lực lượng “chiến sĩ áo trắng” ở tâm dịch, nhân rộng năng lực xét nghiệm, làm tất cả để hướng đến mục tiêu không còn ca nhiễm cộng đồng vào 19-8 và kết thúc chiến dịch vào 2/9... Sau tất cả những chỉ đạo đó, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 (Bộ Chỉ huy tiền phương) tại TP Đà Nẵng đã trở thành điểm tựa tinh thần cho lực lượng y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Và khi người đứng đầu đã thống nhất theo một hướng thì tất cả mọi người sẽ cùng đi theo hướng đó.

“Chúng tôi đã vực lại tất cả bằng cách phân công công việc chuyên nghiệp hóa. Các chuyên gia một mặt tổ chức đào tạo, tập huấn cho y bác sĩ địa phương hiểu hơn về bệnh lý Covid-19, lắng nghe tâm tư của họ và chia sẻ những trải nghiệm đã phải đi qua. Mặt khác, chúng tôi lao vào với bệnh nhân. Chính y bác sĩ ở Huế nói với tôi rằng: “Các thầy từ ngoài kia vào còn quan tâm bệnh nhân như thế thì hà cớ gì tui lại không chăm?”

Y bác sĩ của BV Trung ương Huế thực chất đều là những người có trình độ rất cao. Khi họ hiểu ra vấn đề và nhìn thấy một con đường đúng thì dù xa đến mấy, vất vả đến mấy họ vẫn luôn có cách để đưa cuộc hành trình đến đích thành công.

Chính tôi cũng phải cảm ơn tất cả vì đã không buông tay. Sự vực dậy từ tinh thần của một cá nhân thôi đã kéo theo sự đứng dậy chung cho tất cả mọi người. Kết quả, một số bệnh nhân diễn biến nguy kịch dần hồi phục”.

Cứu sống ca bệnh chạy ECMO là việc của giáo sư, nhưng ngăn ca suy hô hấp tiến triển nặng phụ thuộc nhiều vào y tá

“Cũng giống Thứ trưởng Trường Sơn, GS.TS Phạm Văn Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế là người lãnh đạo cực kỳ xông xáo, quyết liệt. Bất cứ tình huống nào, nếu đơn vị thực sự cần thì chỉ với thời gian rất ngắn, anh đã tức tốc từ cơ sở 1 sang cơ sở 2 để giải quyết ngay.

Thêm vào đó, Giáo sư Hiệp là người năng nổ, khác với phong cách sống chậm rãi, trầm tĩnh của người Huế. Trong quá trình làm việc, chính tôi cũng cảm động và nể phục tinh thần cực kỳ quyết liệt, chỉn chu mà rất rốt ráo, dứt điểm từ phía anh Hiệp”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp vẫn luôn nhắc nhớ đến những “danh tướng” mà nhờ họ, anh và đồng nghiệp của mình đã biết cần phải thay đổi tình huống từ đâu.

“Thực tế thì vai trò của những kế hoạch vĩ mô hay kiến thức chuyên sâu là vô cùng quan trọng để xoay chuyển cục diện của cả cuộc chiến. Đó là tôi nói về mặt tổng thế tình hình chung của cả nước. Nhưng khi đi vào những điểm nóng, những chiến trường cụ thể, ta phải có những giải pháp cụ thể đáp ứng được nhu cầu và thực tế tại đó mới phát huy tác dụng. Nó giống như việc hội chẩn tìm ra hướng cứu sống một ca bệnh phải chạy ECMO là việc của các giáo sư; nhưng ngăn một ca suy hô hấp tiến triển phải phụ thuộc rất nhiều vào y tá”.

Một bệnh nhân suy hô hấp có thể bị đặt ống thở chỉ vì nguyên nhân rất nhỏ, chỉ là thiếu dinh dưỡng. GS.TS. Nguyễn Gia Bình đã từng “nói đi nói lại” trong một phiên hội chẩn trực tuyến rằng: ngoài liều lượng thuốc phù hợp với cân nặng của từng bệnh nhân, y bác sĩ trực tiếp điều trị phải rất quan tâm đến chế độ dinh dưỡng.

Bệnh nhân không tự ăn được khi chạy ECMO thì y tá, điều dưỡng phải hết sức chú ý. “Không bao giờ được phép để chỉ số đường máu của bệnh nhân xuống thấp. Không để hy sinh bất cứ bệnh nhân nào chỉ vì đói. Đến giờ này rồi mà bệnh nhân của mình chết vì đói thì nghe tội quá các anh chị ơi!” - người thầy thuốc già ở ngoài Hà Nội nhưng hiểu được cả từng cơn đói của bệnh nhân đang thoi thóp.

“Chính tại nơi nào các bác sĩ, các giáo sư còn tự tin, còn hết lòng thì ta sẽ thấy y tá tận tụy hết sức. Nhiều mạng sống được tranh cứu ngay trong tay tử thần, một phần không nhỏ nhờ vào sự tỷ mỉ, tận tụy từng phút từng giây mà y tá, điều dưỡng đã dành trọn để thực hành chuẩn mực y lệnh được chỉ đạo từ xa của các giáo sư. Lúc này họ chăm sóc bệnh nhân bằng chính tâm thế của người mẹ hiền. Nhưng có một thực tế là gần như sẽ chẳng bao giờ có đủ huân chương để trao đến lượt họ” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp giải thích một phần nguyên nhân cho những thành công của quá trình chấm dứt chuỗi bệnh nhân nguy kịch tử vong ở Huế.

“Đến hôm nay, chúng tôi rất mừng là những gì mình kỳ vọng khi vào Đà Nẵng đã đạt được kết quả, thành tựu bước đầu. Chúng tôi có thể khẳng định dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đã bắt đầu được kiểm soát”, ngày thông báo tin vui từ Đà Nẵng cũng là ngày người đứng đầu Bộ Chỉ huy tiền phương - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn coi như mình vừa hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ.

Những điều tốt đẹp nhất ông xin giữ lại chính là vẻ đẹp về sự ĐOÀN KẾT và HIỆP ĐỒNG tác chiến hết sức chặt chẽ của mọi cá nhân thành viên tham gia chống dịch.

“Đợt dịch này nói nôm na như một đợt ra trận của toàn xã hội. Từ Đảng, Chính phủ, cả hệ thống chính trị, công an, quân đội, bộ đội biên phòng, các trường đại học y, rồi người dân cũng vào cuộc. Đây là cuộc ra trận lớn nhất từ trước tới giờ sau các cuộc chiến tranh của Việt Nam.

Phải nói cuộc ra trận này có nhiều mất mát hy sinh, nhưng cái được là chúng ta có ý chí quyết tâm, đồng lòng, đoàn kết, và sự phối hợp, hỗ trợ ở nhiều mũi giáp công để có thể đạt được thắng lợi hôm nay”

Bài viết được sản xuất và đăng tải lần đầu tại WeChoice.vn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục