Xe tự lái gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm?
1. Chuyện gì vừa xảy ra?
Ngày 15/03 vừa qua, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh về một vụ tai nạn tại Hà Nội liên quan đến xe ô tô tự lái. Phương tiện gây tai nạn - một chiếc Tesla Model X, đã làm hư hỏng nặng 2 chiếc xe máy và khiến 2 người bị thương.
Chiếc xe gây tai nạn được cho là mẫu Tesla Model X đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, bắt đầu lăn bánh từ 2017. Số lượng xe Tesla Model X tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại được cho là vào khoảng 10 chiếc.
Vụ việc tiếp tục đặt ra câu hỏi về tính an toàn của xe tự lái, trong bối cảnh những vụ tai nạn liên quan đến loại phương tiện này ngày càng tăng cao.
2. Nguyên nhân tai nạn là gì?
Theo đại diện Công an quận Cầu Giấy, chiếc Tesla có dấu hiệu bị nhầm chân ga, khiến không kiểm soát được tốc độ dẫn đến tai nạn. Dù xe được trang bị tính năng tự lái và chống va chạm, hiện chưa rõ tính năng này của xe có dẫn đến tai nạn hay không.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng dù được trang bị hệ thống tự lái, chiếc Tesla cũng gặp khó khi xử lý tình huống giao thông tại Việt Nam. Đó là do những tính năng này hiện chỉ đang dừng lại ở việc hỗ trợ, chứ chưa thể thay thế hoàn toàn khả năng lái xe của con người.
Theo phân cấp của Hiệp hội Kỹ sư ô tô Mỹ (SAE), các chế độ tự lái hiện được phân thành 5 cấp độ, với cấp độ 5 là cao nhất - có thể hiểu nôm na là “xe làm hết, người lái không cần làm gì”. Tuy vậy, hệ thống tự lái của Tesla hiện chỉ mới chỉ dừng ở cấp 2,5+, khiến người lái vẫn luôn cần chủ động và cảnh giác khi tham gia giao thông.
3. Đã từng có vụ tai nạn nào liên quan đến xe tự lái ở Việt Nam chưa?
Đây không phải lần đầu tiên xe tự lái của Tesla gặp tai nạn tại Việt Nam. Tháng 08/2020, một vụ tai nạn giao thông cũng liên quan đến mẫu Tesla Model X đã xảy ra tại Nha Trang, Khánh Hòa. Vụ va chạm khiến một chiếc Audi A6 và một chiếc Vespa LX bị hư hỏng, trong khi chiếc Tesla chỉ bị móp nhẹ phần đầu xe.
Tuy vậy, vụ tai nạn được cho là không nghiêm trọng, nên không được điều tra nguyên nhân. Điều này khiến ta chưa thể rõ vai trò của tính năng tự lái trong các vụ tai nạn liên quan đến loại xe này tại Việt Nam.
4. Xe tự lái gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm?
Sự phát triển của xe tự lái đặt ra một câu hỏi pháp lý lớn với các nhà làm luật. Không giống như với xe thông thường, có rất nhiều bên có thể bị đổ lỗi khi một chiếc xe tự lái gặp tai nạn. Đó có thể là người lái, nạn nhân, nhà sản xuất xe, hay đơn vị phát triển hệ thống trí thông minh tự lái.
Nếu tài xế chiếc xe đó đang chạy cho một nền tảng gọi xe (như Uber hay Grab chẳng hạn), trách nhiệm còn có thể liên quan đến những công ty đó. Hay thậm chí trong một vụ kiện liên quan đến tai nạn xe tự lái tại Mỹ, tòa án thậm chí tuyên… chính quyền bang Arizona (nơi xảy ra vụ tai nạn) phải chịu một phần trách nhiệm.
5. Vấn đề lớn nhất với xe tự lái là gì?
Sự phức tạp của những vấn đề pháp lý liên quan đến xe tự lái khiến những cuộc tranh luận về chúng luôn sôi động. Trong mắt giới chuyên môn, vấn đề lớn nhất với trí thông minh của xe tự lái không hề xa lạ. Đó chính là “trolley problem”, hay vấn đề xe chở hàng.
Hãy thử tưởng tượng tình huống sau đây. Một chiếc xe tự lái đang lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ cao thì phát hiện ra có một người vô ý thức vẫn cố băng qua đường. Tuy vậy, xe đang đi quá nhanh để dừng lại một cách an toàn.
Trí thông minh của xe tự lái sẽ chọn làm gì trong tình huống này? Liệu nó sẽ cố gắng phanh để dừng lại, vốn có thể khiến xe mất kiểm soát và lao vào hàng rào ở tốc độ cao, khiến người ngồi trong xe tử vong? Hay liệu nó sẽ chọn tiếp tục chạy, vốn có thể giết chết người đi bộ nhưng lại đảm bảo an toàn cho những người trong xe?
Quyết định nên làm gì trong tình huống trên là điều không hề dễ dàng, nhất là khi dù quyết định thế nào thì kết cục vẫn sẽ là một vụ tai nạn chết người - điều khiến vấn đề pháp lý sau đó càng thêm phức tạp vì liên quan đến xe tự lái.
Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng điều tốt nhất hiện tại có thể làm là các nhà làm luật xây dựng chính sách để ngăn chặn tài xế chủ quan khi điều khiển xe tự lái. Cùng với đó, công nghệ tự lái cũng phải ngày càng được cải tiến để hạn chế tối đa rủi ro gây tai nạn.
Không thể phủ nhận xe tự lái có rất nhiều ưu điểm. Tuy vậy, để được ứng dụng rộng rãi, xe tự lái sẽ cần phải giải quyết thấu đáo những vấn đề xoay quanh nó - vốn không nên chỉ được xem là vấn đề kỹ thuật, mà còn là vấn đề đạo đức.