Xử lý rác hữu cơ tại nhà – Hành động thiết thực nhất vì môi trường
Rác hữu cơ chiếm 50%-70% tổng số rác thải trong gia đình, nhưng không phải ai cũng biết xử lý đúng cách để tốt cho môi trường.
Gần đây Trái Đất đang ngày càng phát ra nhiều tín hiệu SOS, có thể nhận thấy ngày càng nhiều người đang cố gắng thay đổi thói quen sống vì môi trường. Trong đó, việc cơ bản và đơn giản nhất có thể làm đó là tìm hiểu và phân loại rác. Nhưng phân loại rác không chỉ là rác tái chế và rác vô cơ, mà còn có rác hữu cơ (compost), thứ chiếm 50%-70% tổng số rác thải trong gia đình.
Vậy rác hữu cơ là gì? Đó là những thức ăn còn dư lại, là bã trà hay bã cà phê, là vụn bánh, là những phần cành, ngọn, rễ dư của rau củ mà chúng ta thường bỏ đi, là xương hay mỡ thừa khi làm thức ăn,… Đó cũng có thể là những rơm,rạ, hoa, cỏ, lá, cành không còn được sử dụng nữa.
Nếu xử lý đúng cách, rác hữu cơ có thể được dùng làm thức ăn cho động vật hoặc tái chế làm phân bón. Thế nhưng không phải gia đình nào cũng biết rằng phân loại rác hữu cơ đúng cách tại nhà.
Nếu không xử lý đúng cách, rác hữu cơ sẽ gây hại đến môi trường như thế nào?
Trong tự nhiên, rác hữu cơ sẽ tự phân hủy nhờ ánh sáng, nước, các vi sinh vật hoặc những con bọ sống. Từ đó, chúng trở thành chất dinh dưỡng nuôi lớn cây xanh. Tuy nhiên, nếu không phân loại, rác hữu cơ thường sẽ được đổ chung với bãi xử lý rác vô cơ – nơi chỉ là một bãi đất trống với hàng ngàn bao tải rác.
Nơi đó không có oxi nên rác hữu cơ sẽ bị yếm khí và không thể phân hủy hoàn chỉnh, tạo thành khí metan (CH4) vào bầu khí quyển. Khí metan độc gấp 28-36 lần khí CO2. Ngoài ra, rác hữu cơ khi bị phân hủy sẽ trở nên nhầy nhụa, nếu tiếp xúc với các kim loại ở bãi rác vô cơ sẽ dễ tạo thành một chất độc tên là leachate thấm vào lòng đất, gây hại đến nguồn nước ngầm.
Trung bình một xe tải ép rác có thùng nhiên liệu chứa 120 đến 200 lít, mỗi lít xăng thải khoảng 2kg khí CO2 vào bầu khí quyển, nghĩa là cả thùng nhiên liệu sẽ thải ra 240 đến 400 kg khí CO2. Đồng thời, theo nghiên cứu của World Bank, trung bình 50-80% rác được thu gom là rác hữu cơ. Nếu chúng ta tự xử lý tại nhà, hoặc có những trung tâm xử lý rác hữu cơ chuyên nghiệp, số lần xe chở rác phải chạy sẽ giảm xuống đáng kể, lượng khí CO2 thải ra cũng giảm bớt.
Xử lý rác hữu cơ tại nhà đúng cách còn ích lợi nào khác?
Bạn có để ý rằng khi để rác trong nhà quá lâu thì chúng sẽ sinh mùi khó chịu không? Nhờ phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nhà hơn nửa năm nay, mình đã nhận ra mùi từ thùng rác trước kia là do rác hữu cơ phân hủy. Bản chất rác vô cơ không có mùi. Nếu xử lý đúng cách thì bầu không khí trong nhà sẽ thoáng và sạch hơn.
Động vật nuôi cũng sẽ ngừng bới thùng rác tìm thức ăn, rác sẽ ít vương vãi. Đồng thời, các loại ruồi, muỗi và côn trùng sẽ bớt dần. Nhờ đó ta hạn chế được sự sinh sôi của các bệnh truyền nhiễm do côn trùng mang theo.
Nếu bạn thích trồng cây tại nhà thì xử lý rác hữu cơ tại nhà còn giúp bạn tiết kiệm tiền. Bạn không cần phải mua phân bón nữa vì có thể tự ủ phân tại nhà. Hơn nữa, phân bón hữu cơ giúp đất trữ nước hiệu quả hơn, giúp bạn tiết kiệm được phần nào nước tưới cây.
Dùng phân hữu cơ cho cây trồng vừa an toàn, vừa tăng năng suất trồng trọt. Sử dụng phân bón hoá học vừa dễ gây độc cho đất và nguồn nước ngầm, thậm chí là cho cây trồng. Phân bón hữu cơ giúp cải thiện lý tính và hoá tính của đất, tăng cường chất mùn làm đất tơi xốp, cải thiện độ ẩm và tăng thành phần dinh dưỡng có sẵn trong đất trồng. Nhờ đó mà cây sẽ khỏe và có năng suất hiệu quả hơn.
Làm sao để xử lý rác hữu cơ đúng cách?
Chuyển hóa rác hữu cơ thành chất dinh dưỡng cho cây trồng là cách tốt nhất. Nếu bạn không trồng trọt, có thể hỏi người thân, bạn bè, hoặc bón loại phân đó cho một số gốc cây gần nhà.
Trước hết hãy bắt đầu bằng việc phân loại rác hữu cơ vào một thùng riêng tại nhà. Bạn cũng có thể mua hoặc tự làm thùng đựng rác hữu cơ. Lưu ý là thùng phải có nắp đậy. Trên nắp và trên thân phải có lỗ thoát hơi và có nơi để nước chảy ra đất. Khi mở thùng để kiểm tra thành phẩm, tránh hít phần khí tản ra.
Đối với các bạn du học sinh và người Việt ở nước ngoài, có những nơi chính phủ hỗ trợ người dân chuyển rác hữu cơ thành phân bón. Do đó hãy phân loại rác theo quy định và hướng dẫn để đảm bảo chúng được phân hủy đúng cách.
Nếu ở nơi bạn sống có sản xuất hoặc bán máy phân hủy rác hữu cơ (composting machine) thì hãy cân nhắc đầu tư cho gia đình mình một cái. Bạn chỉ cần đổ rác hữu cơ vào, nhấn nút và đợi 3-6 tiếng, máy sẽ phân hủy chúng thành một loại mùn hữu cơ.
Trên thị trường có rất nhiều loại máy, chẳng hạn như Food Cycler, Taihi, Zera Food Cycler,… Trước khi mua bạn cần lưu ý về kích cỡ, điện năng tiêu thụ và một số chức năng kèm theo như lọc khí CO2 và khí metan. Năm 2017, một nhóm sinh viên đã từng thử nghiệm máy ép rác hữu cơ tại nhà. Với nhiều kinh phí hơn, tin rằng trong tương lai các siêu trí tuệ của Việt Nam có thể sáng chế ra nhiều chiếc máy giúp cải thiện quá trình sống xanh ở Việt Nam.
Tuy rằng Việt Nam chưa có hệ thống xử lý rác hữu cơ chính thức, và không phải ai cũng có điều kiện để mua máy phân huỷ, vẫn có những cách “cây nhà lá vườn” khác.
Đối với các gia đình ở nông thôn, ven thành phố, hoặc nhà có sân vườn, là một cách đơn giản và hiệu quả. Bạn cần chọn một điểm không dễ ngập nước và không bị đọng nước mưa. Đào một cái hố không quá sâu, cho rác hữu cơ vào, có thể tùy chọn bỏ thêm chế phẩm sinh học. Sau đó phủ một lớp đất và đậy nắp lại. Khi hố rác đã đầy, khoảng 20-25 ngày sau bạn có thể trồng cây ngay phía trên.
Một cách xử lý tại nhà khác là dùng phương pháp vermicompost. Phương pháp này sử dụng một số loài giun đất để đẩy nhanh quá trình ủ phân, kìm hãm các vi khuẩn có hại. Sau khi giun tiêu thụ sẽ thải ra một loại phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, thực vật dễ hấp thụ.
Kết
Mỗi hành động nhỏ đều có thể tạo nên sức ảnh hưởng lớn. Vì vậy, thay vì vứt vỏ chuối vào thùng rác cho tiện, bạn hãy dùng một chiếc hộp hay bao nhỏ mang nó về nhà để phân hủy đúng cách.
Tái chế rác hữu cơ sẽ giúp cải thiện không gian nhà bạn, mỹ quan đô thị, bảo vệ sức khỏe gia đình, và đặc biệt là giúp bảo vệ môi trường. Tại các thành phố lớn trên thế giới, người dân đang dần nhận ra tầm quan trọng của phân loại rác hữu cơ và bắt đầu khuyến khích nhau cùng chung tay vì một thế giới tốt hơn. Vậy thì tại sao Việt Nam không cùng tham gia góp sức?
Bài viết này được thực hiện bởi Rosie-Ân Hồ
Xem thêm:
[Bài viết] Ngoài giảm nhựa, chúng ta còn cách nào để sống xanh?[Bài viết] Ăn gì, ăn thế nào để bớt gây hại cho môi trường?