Vì sao chúng ta mơ? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
31 Thg 03, 2021
Tâm Lý HọcBổ Não

Vì sao chúng ta mơ?

Điều gì trong tâm lý con người đã tạo nên những giấc mơ và nó đóng vai trò gì trong cuộc sống?
Vì sao chúng ta mơ?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Mơ là điều mà ai cũng từng trải qua trong đời. Giấc mơ đẹpác mộng luôn tồn tại trong giấc ngủ của chúng ta. Câu hỏi đằng sau việc vì sao con người lại mơ đã khiến các triết gia và nhà khoa học say mê trong suốt hàng nghìn năm. Sau đây là một số giả thuyết phổ biến để giải thích hiện tượng này.

Mơ phản ánh ẩn ức của ta ở đời thực

Sigmund Freud (cha đẻ của ngành phân tâm học) đã từng đề xuất rằng giấc mơ đại diện cho mong muốn, suy nghĩ và thúc giục thuộc về tiềm thức của mỗi người, đặc biệt là mặt tối thầm kín ở con người.

Theo ông, những bản năng bị đè nén như sự hiếu chiến và ham muốn tình dục luôn chi phối chúng ta. Vì vậy, những ẩn ức vô thức ở đời thực sẽ tìm đường đi vào giấc mơ giúp bạn nhận ra sự tồn tại và giải tỏa nó.

mơ
Mơ giúp bạn nhận ra ức chế ở đời thực.

Nhưng nhiều nghiên cứu khác đã nhận định, không nhất thiết phải là suy nghĩ đen tối, mà ức chế trong học tập và công việc cũng sẽ xuất hiện trong giấc mơ. Chẳng hạn, có người mơ thấy mình đã hoàn thành deadlines… cho đến khi mở mắt.

Ngoài ra khuyết thiếu về một số nhu cầu tinh thần còn dẫn đến việc giấc mơ lặp lại (recurring dream). Những nhu cầu này bao gồm quyền tự chủ, cảm giác có năng lực và mong muốn hòa nhập. Ví dụ, một đứa trẻ bị bố mẹ tạo áp lực lớn trong việc học hành liên tục mơ thấy mình đứng trước phòng thi nhưng chưa học chữ nào.

Mơ giúp chúng ta củng cố trí nhớ

Trong một nghiên cứu tìm đường ra khỏi một mê cung 3D, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng những người ngủ và mơ về mê cung sau lần thử đầu làm tốt hơn ở lần thứ hai. Thậm chí, họ có thể nhớ tốt hơn gấp 10 lần so với người thức giữa hai lần thử hoặc ngủ nhưng không mơ về mê cung.

Chúng ta trải qua giấc mơ khi ở REM - giai đoạn cuối cùng và chiếm khoảng 25% chu kỳ giấc ngủ. Đây là lúc mà não bộ hoạt động mạnh nhất và giấc ngủ trong giai đoạn này được chứng minh giúp bạn tăng hiệu suất về tinh thần lẫn thể chất sau khi thức dậy. Nguyên nhân được cho là trong giai đoạn ngủ sâu, liên kết giữa vùng hồi hải mã và vỏ não diễn ra mạnh hơn, hỗ trợ việc truy hồi ký ức sau khi tỉnh dậy.

Mơ giúp loại bỏ suy nghĩ dư thừa

Não bộ của bạn được cấu thành bởi sự liên kết của 10.000 nghìn tỷ neuron được tạo ra qua những gì bạn nghĩ và làm. Việc sản sinh neuron mới liên tục có thể khiến não bộ quá tải.

Vì vậy theo giả thuyết của sinh học thần kinh, não bạn có một cơ chế được gọi là ‘học đảo ngược’ (reverse learning). Cụ thể khi mơ, vỏ não của bạn sẽ đánh giá các liên kết neuron và loại bỏ những gì không cần thiết. Nếu không có quá trình quên đi, các suy nghĩ “ký sinh” có thể làm gián đoạn suy nghĩ cần thiết và giảm hiệu quả trí nhớ.

Mơ giúp chúng ta giải quyết tình huống ngoài đời thực

Bạn hẳn đã từng trải qua ác mộng và không mấy thích thú với việc này, nhưng chúng không phải lúc nào cũng tệ. Giấc mơ như bị thú dữ săn đuổi hay đánh nhau với ai đó là cách để chúng ta ‘diễn tập bản năng nguyên thủy’ (primitive instinct rehearsal).

Giả thuyết này cho rằng những giấc mơ kiểu “ngàn cân treo sợi tóc” cho phép bạn luyện tập khả năng chiến đấu, giữ cho trực giác sắc bén và đáng tin cậy nếu rủi một ngày nào đó cần đến chúng.

Ngoài ra khi mơ, bạn không bị giới hạn bởi thực tế và lối mòn tư duy thông thường. Lúc này não sẽ dựng nên bức tranh toàn cảnh giúp bạn nắm bắt vấn đề và xây dựng giải pháp mà mình không nghĩ ra khi còn thức. Nhà hóa học Dmitri Ivanovich Mendeleev đã tìm ra cách sắp xếp nguyên tố hóa học lên một bảng sau giấc mơ.

mơ
Mơ giúp bạn giải quyết những vấn đề mà mình không nghĩ ra khi còn thức.

Mơ để chữa lành vết thương tâm lý

Trong giai đoạn REM, các neuron dẫn truyền căng thẳng hoạt động kém hơn, ngay cả khi ta mơ về trải nghiệm đau thương. Vì thế, một số nhà khoa học cho rằng giấc mơ giúp mài mòn ký ức đau đớn để tạo không gian cho việc chữa lành.

Trải nghiệm lại nỗi đau với mức độ căng thẳng thấp hơn trong mơ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng và tăng khả năng xử lý chúng một cách lành mạnh. Các nhà khoa học cũng tin rằng có sự tương quan giữa việc khó ngủ và khả năng phục hồi thấp ở các bệnh nhân trầm cảm hoặc rối loạn lo âu sau sang chấn (PTSD).

Kết

Vẫn còn rất nhiều bí ẩn xung quanh giấc mơ mà khoa học vẫn đang tìm lời giải đáp, chẳng hạn như hiện tượng một người gặp lại giấc mơ ở đời thực (déjà rêvé). Có thể đến một lúc nào đó sự phát triển của khoa học sẽ giúp chúng ta lý giải được toàn bộ bí ẩn của giấc mơ. Nhưng cho đến thời điểm đó thì hãy “cứ mơ đi vì cuộc đời cho phép”.