Trầm cảm ở tuổi già và những định kiến | Vietcetera
Billboard banner

Trầm cảm ở tuổi già và những định kiến

Xã hội đã nói nhiều hơn về bệnh trầm cảm, nhưng hầu như không ai nói tới trầm cảm ở người cao tuổi, khiến nó bị che khuất và tạo ra những tổn thất đáng tiếc.

Trầm cảm ở tuổi già và những định kiến

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Gần đây, xã hội đã nói nhiều hơn tới căn bệnh trầm cảm, tuy nhiên, vẫn hầu như không ai nói tới trầm cảm ở người cao tuổi. Câu chuyện của họ vẫn hoàn toàn nằm trong bóng tối, không được kể cả người thân biết tới. Mời các bạn lắng nghe các trải nghiệm của ông Thạch*, 83 tuổi, để phần nào hiểu được những gì mà những người như ông phải trải qua. Bài viết là một phần của dự án “Đại dương đen” về trầm cảm của tác giả Đặng Hoàng Giang.

“Đại dương đen,” dự án mới của tác giả Đặng Hoàng Giang, đi vào thế giới của người trầm cảm và người thân của họ. Thông qua các trải nghiệm cá nhân của người trong cuộc, dự án hy vọng có thể giúp cộng đồng hiểu hơn về các hình thái khác nhau của căn bệnh này, nó khác với “nỗi buồn thông thường” như thế nào, nó có thể gây tàn phế hay thậm chí thầm lặng sát hại ra sao, những cố gắng hỗ trợ nào nhiều thiện chí nhưng lại gây hại, và có những định kiến nào đang tồn tại.

Vì sao lại là Đại dương đen? Đây là một ẩn dụ mà nhiều người trầm cảm hay nhắc tới: có một khối chất lỏng khổng lồ, u ám màu đen hoặc xanh tím, và họ thấy mình chìm mãi, chìm mãi trong đó, trong sự sợ hãi và cô đơn, không có điểm dừng và không có hy vọng thoát khỏi.

Bạn đọc lưu ý, series này chia sẻ những câu chuyện thật của người trầm cảm nên có thể gây kích động tâm lý.

Căn bệnh trầm cảm đến muộn

Chúng ta làm việc được chưa ạ? Tôi xin bắt đầu theo cái sự chuẩn bị của cá nhân tôi. Tôi xin báo cáo sự thật của tôi để bác nghe.

Tôi sinh năm 1937. Đi bộ đội, rồi về làm cho hậu cần quân đội. Quá trình công tác ba mươi năm, nhiều lần được chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng, được đi báo cáo toàn quốc năm sáu mươi chín. Hồi đó có ông nhà văn được phân công giúp nhóm chúng tôi viết báo cáo thành tích để đọc trước hội nghị. Bằng khen, giấy khen các loại thì nhiều. Năm năm mươi ba tuổi thì tôi nghỉ hưu.

Báo cáo với bác, thời trung niên tôi khỏe mạnh. Đến lúc về hưu tôi cũng chưa biết ốm đau là gì, chỉ thỉnh thoảng sụt sịt chút. Ngủ một giấc, mai lại ào ào. Nhưng mà đến năm 2012, khi tôi bảy mươi lăm tuổi thì nó xuất hiện trong đầu những cái không được thoáng đãng. Trước đấy thì tôi vẫn hàng ngày tập tành, tối tắm rửa, ăn cơm rồi đi ngủ, nhưng từ 2012 thì nó bắt đầu loạc choạc, ngủ nghê không được, hay bị mê sảng.

Lúc đầu tôi cũng cứ coi là bình thường, đi tìm uống mấy cái thuốc an thần, thảo dược này nọ, nhưng chả có cái tác dụng gì. Rồi tôi mày mò tập thiền. Lúc đầu thì nó giúp tôi ngủ được chút, nhưng về sau cũng không ăn thua gì. Tôi cứ chong mắt ra.

Suốt bốn năm tôi ở trong tình trạng đầu óc âm u, căng căng. Tôi cứ mày mò, không có ánh sáng khoa học, không tranh thủ được sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn.

Tới 2016 thì tôi mất ngủ dữ dội. Cứ chập chờn cả đêm, thỉnh thoảng thiếp đi một lúc, nhưng không thể nào ngủ sâu. Nó dồn tôi vào chân tường. Bí quá. Bệnh viện tuyến dưới thì cũng chỉ cho Rotunda, rồi khuyên tôi uống thêm ngó sen, đại loại thế. Tôi quá chán họ. Tôi bảo, hay là mình có vấn đề về tâm thần, nhưng các con tôi cứ gạt đi. “Bố có bị tâm thần gì đâu, bố tự điều chỉnh đi.” Chúng quan niệm bệnh tâm thần nặng nề quá.

Nhưng tôi không chịu được nữa. Lúc nào đầu óc tôi cũng u mê lên vì mất ngủ.

Gánh nặng chăm sóc người thân

Bây giờ tôi nói tới chuyện Thắng, con trai cả của tôi. Năm nay Thắng đã sáu mươi tuổi. Con trai thứ và hai con gái của tôi thì là công nhân hay buôn bán nhỏ, riêng Thắng thì tốt nghiệp Cao đẳng Y, nó thiếu chuẩn Đại học Y có nửa điểm, tôi cứ tiếc mãi.

Ra trường Thắng được điều động về trung tâm y tế của quận. Thắng là niềm tự hào của chúng tôi. Nó đẹp trai, ngoan, không rượu chè, không thuốc, đi khám về hôm nào trong túi cũng đầy thuốc lá bệnh nhân mời để tranh thủ ông bác sĩ kê cho cái phiếu nghỉ làm. Nó đem về, vứt hết vào thùng rác. Riêng đường vợ con thì nó khó tính lắm. Nhiều cô bệnh nhân của nó được gia đình người ta đưa đến tận nhà tôi, nhưng mà nó lắc hết. Người thì nó chê là xấu, người thì nó chê gót chân không hồng. Đấy, lại còn như thế, gót chân không hồng thì không phải là người có sức khỏe tốt. Rất cầu kỳ thế đấy.

Hồi đấy thì mình không biết, mình có con mắt tâm thần đâu mà biết, mọi thứ rất bất ngờ, nhưng bây giờ nhìn lại thì mình thấy nó có những tín hiệu. Thắng bắt đầu rửa tay mười mấy, hai chục lần một ngày, chà xà phòng rất kỹ. Rồi một hôm nó ra hàng tôn sắt bên cạnh bệnh viện, bảo bán cho một mảnh tôn. Nó muốn làm một cái hiên bên trên cửa phòng khám bệnh. Người ta hỏi tại sao lại làm thì bảo là sợ tia nọ tia kia bắn vào. Thế là người ta mới bảo, thôi chết, tâm thần rồi.

Hai hôm sau, người của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội ập đến để khám, khám ngay tại phòng làm việc của nó. Hôm sau nữa, Chủ nhật, nghỉ làm, thì ba người của bệnh viện đến nhà tôi. Thắng không hợp tác, họ cưỡng chế, giữ tay, rồi tiêm thuốc. Nó ngủ hai ngày mới tỉnh.

Từ đó, tôi đưa Thắng đi khắp nơi để chữa bệnh. Hai mươi sáu năm trời lẽo đẽo hầu con. Thậm chí có những lúc rơi nước mắt vì đụng phải một cơ quan nó bao cấp, công quyền, bác ạ. Cái bảo hiểm có lắm thứ phiền toái lắm. Trời ơi, cả rừng thủ tục! Thuốc thang thì lởm. Trình độ Việt Nam, hoàn cảnh Việt Nam lúc đó làm gì có những loại thuốc như bây giờ. Còn đói ăn mà. Bây giờ người ta không uống những thuốc như hồi đó nữa.

Ocircng Thạch 1

Bác sĩ chẩn đoán Thắng bị tâm thần phân liệt. Hoang tưởng sợ hãi. Nó hay sợ bị đánh, nên cứ ngồi thu lu ở một góc nhà, không dám tiếp xúc với ai. Các cơn lên liên tục, chỉ thuốc mới ngắt được. Ngày nào cũng phải uống thuốc. Hàng tháng tôi vẫn phải đưa Thắng đi lấy thuốc, bố tóc bạc đưa con tóc bạc lên xe buýt. Cháu nó có cái vé xe buýt không mất tiền, người tàn tật mà, nhà nước cho.

Tôi toàn ra vào những cái chỗ của người bệnh tâm thần, u ám, chả có tí tươi sáng nào. Vất vả quá nhiều. Lo lắng, chạy vạy miếng ăn, lương hưu thì thấp. Vâng, sức ép ác liệt, sức ép từ tứ phía.

Thắng phát bệnh một cái là các em Thắng dạt ra ở riêng hết. Bệnh này thì không thể ở chung được. Chỉ có bố mẹ là không có đường chạy thôi. Nặng nề lắm, nó làm suy sụp cả một gia đình. Chúng tôi rơi xuống vực. Chẳng may bị gãy tay, gãy chân, hay hỏng một mắt mà tinh thần khoẻ thì vẫn còn hơn bị bệnh tâm thần. Cái bệnh này nó lại dai dẳng. Có bệnh nào khác lại khiến con có thể giết bố mẹ đâu, nhưng người hoang tưởng thì có khi tưởng bố mẹ là kẻ thù. Máu chảy đâu ruồi bâu đến đấy, con ngược đãi bố mẹ thì có nhưng con mà giết bố mẹ thì chỉ có ở bệnh tâm thần.

Tôi nói cho bà nhà tôi biết là khi nói chuyện với Thắng mình phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, không được cắt ngang. Mình có thể góp ý, nhưng không được quát, được cấm. Càng cấm thì nó càng bị ức chế, càng ức chế thì lại càng phải nuốt nhiều thuốc, lại mất nhiều tiền. Mình nói chuyện với nó, thứ nhất là để giúp nó giải toả, thứ hai là để xem mức độ tỉnh táo của nó tới đâu để mà điều chỉnh thuốc. Thuốc thì phải pha ra nước, chứ để cả viên thì nó nhả thuốc ra, nó không uống. Thắng cũng thích nói chuyện, nhưng mà phải nói theo cái gu của nó. Thắng thích con gái đẹp. Nó mà nói chuyện với cô nào đẹp và hợp gu thì người nghe bên cạnh sẽ không biết nó bị bệnh đâu.

Quyết tâm đối mặt với căn bệnh mà ai cũng né tránh

Lại quay lại hồi 2016. Mất ngủ ghê quá, người tôi hết sức mệt mỏi. Cả bốn năm tôi cứ quanh quẩn ở bệnh viện tuyến dưới, mà họ không nghĩ tới chuyện tôi bị tâm thần, chỉ nghĩ tới mỡ máu và huyết áp vớ vẩn. Cái thằng bệnh viện này không có khoa tâm thần. Gọi là đa khoa nhưng mà gọi cho nó vui.

Cuối cùng tôi vượt tuyến, tự bỏ tiền túi ra, vào Khoa Tâm thần của bệnh viện Bạch Mai. Tôi bảo các con, chúng mày cản thì mặc chúng mày, việc tao tao làm. Tôi là tuổi Sửu, học hết lớp Một thì mẹ cho đi ở, gọi là quản nô. Cho nên là tôi mất tuổi thơ. Sau này vào bộ đội thì mới được đi học bổ túc văn hoá, đến lớp 9 thì đơn vị chia năm xẻ bảy phân tán đi lung tung nên không có điều kiện học nữa. Ngu thì có ngu, nhưng khi đã thấy vấn đề thì tôi lập tức sửa ngay. Tôi xin báo cáo với bác thế.

Ở Bạch Mai, người ta cho làm xét nghiệm, rồi khẳng định là tôi bị hỗn hợp trầm cảm và lo âu. Mức độ nặng. Họ còn chú thêm vào trong y bạ, “yếu tố đặc biệt là đã nhiều năm chăm sóc con trai bị bệnh tâm thần.”

Ocircng Thạch 2

Uống thuốc của Bạch Mai vào thì tôi được cải thiện chút ít, gọi là ba, bốn phần trên mười. Nhưng tôi vẫn không thoải mái, nên là rất lúng túng. Loanh quanh thế nào tôi biết được bác sĩ Phi. Anh ấy hỏi han rất kỹ về cuộc sống của tôi, rồi dò tìm liều thuốc phù hợp cho tôi, phác đồ điều trị đi từ thấp tới cao. Anh ấy bắt tôi mỗi tuần tới gặp anh ấy một lần, chứ không tháng một lần như ở Bạch Mai.

Sau mấy tháng vẫn chưa thấy ổn, anh ấy khuyên tôi nhập viện Lão khoa, nơi anh ấy làm việc. Lúc đó các con tôi vẫn không hài lòng. Tôi nuốt thuốc trước mặt chúng thì chúng không phản đối, nhưng cũng chỉ im lặng.

Tôi ở trong viện mười hai ngày, ngày nào anh Phi cũng hỏi tình hình. Sau dăm ngày thì mỗi tối tôi bắt đầu ngủ được vài tiếng. Thế là người ngợm thấy thoải mái ngay, cơ thể nó khác ngay. Rồi thậm chí buổi trưa cũng ngủ được khoảng nửa tiếng.

Tôi ra viện, mang cái đơn của thằng Lão khoa sang thằng Bạch mai, vì ở Lão khoa thì bảo hiểm chỉ trả khi ở nội trú. Thế là bên Bạch Mai cấp thuốc cho tôi theo đơn mà anh Phi đã chỉnh lên chỉnh xuống ấy. Tôi uống thuốc từ bấy tới giờ.

Ngoài ra thì tôi vẫn thiền. Thiền tốt lắm, bác ạ. Bản chất của thiền là tập thở và tập tĩnh tâm. Nó chỉ yêu cầu thế thôi, chứ cái ông Phật giáo, Nho giáo thì mỗi ông thêm bớt râu ria một tí, thành ra ly kỳ. Thiền giúp tôi nhiều lắm, nhưng mà nó cũng có giới hạn. Nó không thể thay thuốc được.

Trước kia, lúc nào mình cũng như là cau có, bức bối, thấy cuộc đời gai góc, tâm trạng như chuẩn bị li dị vợ. Bây giờ tôi đã tám mươi ba tuổi, cũng vẫn thằng con đấy, cũng vẫn túi tiền đấy, vẫn cái đất nước này, nhưng tôi thấy vui vẻ. Xin báo cáo với bác, lạc quan và phơi phới. Đơn giản là vì tôi có giấc ngủ. Chín giờ kém mười lăm là tôi uống liều thuốc thứ ba, chín giờ là tôi bắt đầu ngủ. Tôi thường xuyên có được nhiều giờ ngủ sâu trong một đêm, chỉ dậy một lần để đi đái, bác bảo như thế là lí tưởng quá còn gì.

Từ cái chỗ không ngủ được mà bây giờ tối ngủ được năm, sáu tiếng, lại còn say như chết. Khi người ta đã ngủ sâu rồi thì báo cáo với bác, sáng ngày ra nó sướng lắm. Mình mở mắt ra, một bình minh đến, bác ạ. Con người, sự vật dịu mát như đang ở mùa xuân, không như trước kia, lúc nào mình cũng như đang ở tiết nắng gắt.

Các bệnh tâm thần vẫn chưa được quan tâm đúng mức

Tôi tiếc là mình không tìm tới ánh sáng khoa học sớm hơn. Bốn năm đầu tôi cứ loay hoay, trên mọi phương diện. Đến bây giờ đa số người dân cũng đang bị như vậy đấy. Về cái này, truyền thông tuy có làm nhưng chưa tốt. Bệnh tâm thần là bệnh rất mệt, mà truyền thông về nó lại đang còn kém.

Xã hội càng hiện đại, càng giàu có thì cuộc sống lại càng không phẳng lặng như xưa. Ai cũng phải gồng mình lên, phải ganh đua. Bây giờ, chỗ nào cái quy luật giá trị nó cũng xen vào. Ngày xưa nó không có cái mùi giá trị. Vậy mà đa số, kể cả những ông giám đốc, trưởng phòng về hưu, cũng chưa hiểu gì về bệnh tâm thần, chưa nói tới các anh em văn hoá cấp Một, cấp Hai.

Bây giờ tôi lại nói đến bác sĩ. Báo cáo với bác là tôi đã gặp nhiều đối tượng lắm rồi, nhiều ông bà bác sĩ tâm thần lắm, kể cả cho Thắng và cho tôi. Nhưng xin phép nói là người có trách nhiệm cao, tận tâm với người bệnh không nhiều. Cái bệnh tâm thần này thì làm gì có xét nghiệm máy móc gì nhiều, nên để kê thuốc cho chuẩn thì người ta phải nói chuyện, phải quan sát, phải nhìn vào hành vi, phải trông mặt bắt hình dong.

Nhưng họ không quan tâm lắm, họ chỉ hỏi qua loa, năm mười phút là xong. Làm gì có theo dõi, làm gì có hướng dẫn tỉ mỉ. Mà cũng không trách họ được, bệnh nhân nhiều lắm, người nhà quê, người miền núi cứ vượt tuyến ầm ầm. Đông kinh khủng bác ơi. Nên là bác sĩ mồm thì hỏi mà tay thì bấm đủ thứ trên đời. Họ cứ nhoay nhoáy, nháy nháy mấy phát là xong. Còn nhiều vấn đề, để làm được những điều như Đảng nói thì còn nhiều vấn đề lắm.

Xin thưa với bác rằng, từ khi tôi về hưu đến giờ, du lịch không, chè không, thuốc lá không, rượu không, và thậm chí vợ chồng tôi chưa bao giờ dám ăn quà ở ngoài đường cả. Vì sao, vì tiền thuốc nó nặng quá. Thuốc của bố, thuốc của con. Và khi có cái thằng dịch Covid-19 này thì tôi phải cố xoay tiền để mua cho mấy tháng liền, vì sợ bị đứt thuốc.

Thường mấy tháng đầu năm thì bảo hiểm có thuốc tốt, châu Âu, Mỹ, hay Nhật, nhưng sau đó thì nhiều khi họ chỉ có thuốc Ấn Độ, Việt Nam. Người ta khuyên tôi bán cái thuốc kém chất lượng của bảo hiểm đi rồi bù thêm tiền để mua thuốc tốt bên ngoài. Chứ mình uống thuốc Ấn Độ, Việt Nam là thấy khác ngay. Liều thì phải cao hơn, mà nó không êm ái bằng. Thay thuốc là mình thấy trục trặc ngay. Thế nên là ông bảo hiểm trói tay ông bác sĩ. Ông bác sĩ muốn làm tốt cho bệnh nhân mà đâu có được. Đấy là chưa nói đến việc bác sĩ không đủ trình độ hay cẩu thả.

Ocircng Thạch 3

Còn anh Phi, tôi nói thật, anh Phi là một trong những bác sĩ tâm thần mẫu mực. Anh ấy nói chuyện như không phải là thầy thuốc nữa, mà là như bạn bè. Rồi anh ấy gọi điện hỏi thăm, bác sao rồi, uống thuốc thấy thế nào. Các ông bà khác thì làm gì có cái đoạn đấy. Tôi hay nói, anh Phi đem lại hạnh phúc cho tôi. Dưới bàn tay nhào lộn, chọn lọc, chắt chiu, kỳ công của anh Phi, tôi mới được như thế này. Cho nên tôi xin nhắc lại là bác sĩ giỏi thì có thể không thiếu, nhưng bác sĩ có trách nhiệm cao với từng - người - bệnh - tâm - thần thì không có nhiều đâu.

Mà tôi cũng chịu chơi, tuần nào cũng đến anh Phi. Đấy, bác xem, tôi quyết tâm như thế nào. Cho đến giờ phút này tôi vẫn đang giữ được liều và còn cố giảm liều, chuyện hiếm đấy, những người khác đều dần tăng liều lên hết. Nếu thằng bảo hiểm có thuốc châu Âu nữa thì đời tôi phơi phới, mà lại không mất tiền. Thế nhưng mà thôi, mất tiền cũng được, có thì bỏ ra, không có thì xin con, bác ạ. Xin mà khó thì tôi bỏ cái quỹ dự phòng của tôi ra. Sau này mà quỹ không còn nữa thì tôi có miếng đất này, tôi bán một nửa đi, chỉ để lại cái phần cho thằng Thắng thôi. Tôi sẽ bảo với các con, tao không giữ được thì thôi, tao bán bớt đi.

Trong tổ hưu của tôi chả mấy người biết tôi đang uống thuốc tâm thần. Không ai biết nếu như cái mồm tôi không nói ra. Cái tư duy, cái tiếp xúc của tôi, nó không có mùi của người tâm thần. Nên tôi có nói thì người ta cũng không tin. Tôi cũng rất muốn nói về chuyện này để họ hiểu biết hơn, nhưng không gặp vị nào thích nghe. Họ ác cảm khủng khiếp với bệnh tâm thần.

Mình phải coi cái bệnh tâm thần là quan trọng, phải thấy được cái sự nguy hiểm của nó. Thấy rồi thì thỉnh thoảng mình nên đến chuyên khoa tâm thần để khám. Khám bảo hiểm mà không thấy thoả mãn thì khám mất tiền. Bệnh viện trung ương nó lù lù ra đấy, có bốn mươi nghìn một lần khám thôi. Bây giờ nó lại có cái kiểu khám dịch vụ, muốn được phó giáo sư khám thì hai trăm rưỡi, giáo sư thì ba trăm. Bớt bia, bớt rượu đi. Ba trăm nghìn, xòe ra là xong.

Nó không ghê gớm gì cả. Mình không được sợ hãi. Mình không tự biết được là mình có bị trầm cảm hay không, nhưng đến bệnh viện là phát hiện được ngay. Đấy, tôi nói với bác, bằng cách nào đó, bác nên tuyên truyền những cái đó. Tôi đã từng chần chừ lâu rồi, đã từng là nạn nhân của không hiểu biết rồi.

Ba tháng nữa là nhà tôi bước vào tuổi tám mươi, tuổi ta tám mươi mốt, tôi thì là tám lăm lịch âm. Lúc đó tôi sẽ công bố di chúc mà chúng tôi đã viết từ bốn năm trước. Cái nhà cấp bốn này, tôi để cho thằng Thắng, chỗ đất còn lại tôi chia đều cho ba đứa kia. Trong một tuần, tôi sẽ để xem chúng nó có ý kiến gì không. Xong là tôi có thể yên tâm chấm xuống dòng được rồi.

Trong cuộc đời này, tôi được ông trời thương và cho gặp được nhiều người tốt. Giờ này tám mươi lăm đến nơi rồi mà tôi vẫn nói chuyện với bác được. Tôi thấy mình tương đối tỉnh táo, không biết bác có thấy tôi tỉnh táo không? Cho nên tôi mới nói là ở đời, sống thế nào thì sẽ được như thế. Người cho mới chỉ là đầy, trời cho thì mới là đầy và đủ. Cứ nhìn Đinh La Thăng, nhìn Nguyễn Bắc Son thì biết, có phải không ạ? Hàng mấy trăm tỷ, mấy nghìn tỷ đấy, nhưng chỉ người cho mà trời không cho, nên có còn gì đâu.

Cuộc đời tôi là như thế. Theo bác, liệu tôi đã có thể vui vẻ chấm xuống dòng được chưa?

Lời tác giả

Trầm cảm ở tuổi giagrave ocircng Thạch 4

Trong nhiều năm, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới của ông Thạch không nghĩ tới khả năng ông bị trầm cảm. Đáng tiếc là trường hợp này không cá biệt, nó minh hoạ cho thách thức chung trong việc chẩn đoán và trị liệu trầm cảm ở người cao tuổi (thường được hiểu là người trên sáu mươi lăm tuổi).

Ở Mỹ, nếu như một phần ba người trầm cảm trẻ và trung niên không được điều trị thì ở nhóm người cao tuổi con số này lên tới gần tám mươi phần trăm. Theo số liệu của Anh, đa số người cao tuổi có hành vi tự sát đã tìm tới bác sĩ trong khoảng thời gian một tháng trước khi họ thực hiện hành vi này, mà không được chẩn đoán trầm cảm.

Trầm cảm phổ biến ở người cao tuổi. Ở các nhà dưỡng lão Mỹ, tỉ lệ người bị trầm cảm lên tới một phần tư. Khoảng một nửa số nguời trầm cảm cao tuổi có tiền sử về bệnh này, họ đã từng bị trầm cảm khi còn trẻ hơn. Nửa còn lại, và dường như ông Thạch nằm trong nhóm này, bị lần đầu khi tuổi đã cao. Đây là những trường hợp trầm cảm muộn (late-life depression).

Vì sao trầm cảm muộn lại xảy ra? Câu trả lời là một mặt, cuộc sống của người cao tuổi có nhiều áp lực mới: bị mất môi trường công việc và vị thế xã hội khi về hưu, sự suy giảm sức khoẻ thể chất và trí tuệ, khó khăn vật chất, cô đơn, tình trạng bị con cháu ngược đãi, hay như ở ông Thạch, gánh nặng chăm sóc người thân. Mặt khác, các thay đổi về tim mạch và thần kinh, ví dụ mạch máu bị thu hẹp khiến máu khó lên não hơn, cũng là yếu tố rủi ro dẫn tới trầm cảm. Hiện tượng này được gọi là trầm cảm liên quan tới mạch (vascular depression).

Ở tuổi già, trầm cảm được cho là yếu tố đẩy nhanh quá trình lão hoá. Mặt khác, nó có thể xuất hiện song song với ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch hay Parkinson. Có một tương tác qua lại - trầm cảm khiến những bệnh kia dễ xuất hiện hơn và trầm trọng hơn, và ngược lại, những bệnh này có thể làm cho trầm cảm nặng hơn. Trong nhiều trường hợp, trầm cảm cũng có thể là hiệu ứng phụ của thuốc trị các bệnh khác.

Nó đặc biệt khó được phát hiện ở những người mắc chứng sa sút trí tuệ (dementia). Một mặt, những người này thường gặp khó khăn trong trình bày và diễn đạt. Mặt khác, khó để đánh giá xem tình trạng đờ đẫn, không tập trung, mất trí nhớ và lẫn lộn là biểu hiện của trầm cảm hay của sa sút trí tuệ.

Trầm cảm ở người cao tuổi thường có những biểu hiện khác với ở người trẻ hơn. Họ có thể không cảm thấy chán chường hay phiền muộn (những chữ này không được nhắc tới trong những lời tự sự của ông Thạch). Người ta hay nói đây là trầm cảm không nỗi buồn (depression without sadness). Thay vào đó là sự căng thẳng, cáu bẳn, khó chịu (“lúc nào cũng như đang ở tiết trời nắng gắt”) và những dấu hiệu thể chất như mất ngủ, kém ăn và kiệt sức. Chúng dễ bị nhầm tưởng là biểu hiện của các bệnh vật lý khác, hoặc được cho là những điều bình thường của tuổi già. “Người già nào mà chả mất ngủ và mệt mỏi triền miên.”

Hơn nữa, khi cố gắng diễn đạt hiện trạng của mình, bản thân người bệnh cao tuổi thường tập trung vào các chủ đề như nỗi lo tài chính, quan hệ trong gia đình, hay các vấn đề về sức khỏe thể chất. Cuối cùng, giống nhiều người quen của ông Thạch, vì đã sống cả đời trong các định kiến và kỳ thị, người cao tuổi thường tránh nói về các vấn đề liên quan tới sức khoẻ tâm thần và không muốn đối diện với chúng. Tất cả những điều này dẫn tới việc trầm cảm ở người cao tuổi bị che đậy (masked depression), và tạo ra những tổn thất đáng tiếc cho chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh.

*Tên và một số chi tiết cá nhân đã được thay đổi để bảo vệ sự riêng tư của nhân vật.