3 Bài học đến từ mái tóc
Có thể bạn chưa biết trước khi có mái tóc dài mượt với màu nâu tự nhiên như bây giờ, mình đã từng để kiểu tóc ngắn tomboy trong hơn 10 năm, rồi 10 năm nhuộm tóc, dập tóc, uốn tóc, là tóc... đến hư hết cả đầu (chưa kể tốn không biết bao nhiêu tiền). Chỉ tới khi ra nước ngoài, tức là trong khoảng 10 năm trở lại đây, mình mới quyết định để lại kiểu tóc tự nhiên, dễ chăm sóc, hạn chế tối đa hoá chất.
Tại sao mình có sự thay đổi này? Và quá trình thay đổi ấy đã dạy cho mình bài học gì về cuộc sống?
Sự thay đổi nào, dù nhỏ nhất, cũng có thể gặp phải phản đối
Từ nhỏ đến tận năm cấp hai tóc mình lúc nào cũng rất ngắn. Có thời gian mình còn cạo gáy rất giống con trai. Thế nên nhiều lần vào toilet nữ, mình bị các bạn nữ khác nhìn chăm chăm như muốn hỏi “Sao con trai lại vào đây?”.
Nhưng cho đến khi lên cấp ba, chuyện bắt đầu thay đổi. Mái tóc ngắn đã quá quen thuộc đến mức nhàm chán. Mình cũng muốn làm mới bản thân, diện đồ nữ tính hơn, vậy nên đã nhanh chóng đi đến quyết định để tóc dài.
Lúc đó tất cả mọi người xung quanh mình, từ bố mẹ, ông bà rồi hàng xóm, họ hàng, bất ngờ thay, đều bảo mình không nên. “Vì khuôn mặt Chi không hợp tóc dài. Vì tóc dài làm mất đi phong cách riêng của Chi. Rồi tóc dài tốn thời gian chăm sóc lắm!”
Thế nhưng, sau khi mình để tóc dài một thời gian, mọi người lại cảm thán “ôi không thể hình dung được Chi tóc ngắn thì trông như thế nào nữa.”
Sau này mình cũng tiếp tục thay đổi kiểu tóc, như cắt ngắn trở lại, rồi uốn xoăn. Mỗi lần như vậy mình nhận ra điều thú vị là mọi người đều đi qua một hành trình cảm xúc khá giống nhau: từ ngạc nhiên, phản đối, rồi đến chấp nhận và thậm chí là cho rằng nó khá hợp sau đó.
Từ trải nghiệm này, mình nhận ra rằng, người nào càng thân với mình thì càng dễ phản đối sự thay đổi của mình. Họ nghĩ rằng con người hiện tại của mình đã rất tốt rồi, tại sao lại phải thay đổi. Sự phản đối này đâu đó phản ánh nỗi sợ trong tiềm thức của họ về việc mất đi một cảm giác thân quen (với con người cũ của mình). Họ không muốn cuộc sống cũng như mối quan hệ của họ với mình bị xáo trộn. Như vậy bất kỳ thay đổi nào của bản thân cũng có thể ảnh hưởng đến người khác.
Thế nhưng để trưởng thành mình cần phải thay đổi, thậm chí là liên tục. Sự thay đổi ở mái tóc là một trong những tín hiệu đơn giản nhất để thông báo với mọi người rằng mình sẽ thường xuyên tạo ra thử thách cho bản thân.
Thứ bạn vẫn luôn mơ ước có thể đã nằm trong tay bạn rồi
Trong suốt mấy năm học đại học và đi làm ở Việt Nam, mình đã luôn nhuộm tóc vì rất thích màu hạt dẻ. Bạn nào hay nhuộm tóc thì có lẽ cũng biết, một khi đã nhuộm thì khó mà dứt ra được. Sau một thời gian, chân tóc đen mọc ra, mình lại đến tiệm để che đi phần màu loang lổ. Cứ thế mình nhuộm hoài, nhuộm hoài, tốn không biết bao nhiêu tiền nhưng mãi vẫn không ra được màu hạt dẻ như mong muốn. Khi đó tóc mình đã hỏng rất nhiều.
Nhưng mình chỉ dừng việc nhuộm tóc cho đến khi ra nước ngoài. Ở đây muốn nhuộm, mình không thể chỉ đi vài bước ra đầu ngõ. Thay vào đó là phải bắt xe buýt, rồi đến salon chuyên làm tóc cho người châu Á có thuốc phù hợp với chất tóc của mình – rất đắt đỏ và tốn thời gian!
Sau một thời gian chờ đợi tóc dài và cắt được hết phần tóc hỏng, cuối cùng mình cũng thấy lại được màu tóc thật. Lúc này mình mới thật sự choáng: màu tóc gốc của mình lúc này chính là màu nâu hạt dẻ mà bấy lâu nay mình vẫn cố đi tìm.
Chất tóc của mình cũng trở nên mềm mượt và bóng khỏe hơn rất nhiều. Kể từ thời điểm đó, mình quyết định sẽ không bao giờ nhuộm tóc nữa.
Bài học ở đây là bản chất con người luôn thay đổi. Mái tóc là một ví dụ. Nó luôn bị ảnh hưởng một cách âm thầm bởi tuổi tác, môi trường, bởi sản phẩm chăm sóc bạn sử dụng, v.v.
Do vậy, mình nghĩ rằng có những thay đổi bên trong, cả về thể chất lẫn tinh thần, nếu không quan sát, lắng nghe và kết nối với chính bản thân thì mình sẽ không thể nào biết được. Nếu cứ vì không thấy mà bỏ qua thì đến một ngày sự thay đổi đã vượt ngoài tầm kiểm soát.
Việc kết nối với bản thân có thể bắt đầu bằng việc tập thể dục, ăn uống khoa học hơn, hoặc là viết nhật ký, dành thời gian cho bản thân nhiều hơn. Khi đó mình cũng dễ nhận ra hơn bản thân mình đã có những phẩm chất “đáng mơ ước” nào, thay vì cứ chăm chăm tìm đến những hình mẫu được nhồi nhét vào từ bên ngoài, như là màu tóc giống như một diễn viên Hàn Quốc nọ, như là một kiểu tóc thật ngầu giống cô người mẫu kia.
Chọn vẻ đẹp tối giản giúp mình sống nhiệt thành hơn
Ngày trước khi còn ở Việt Nam, mình thường xuyên cắt tóc mái, vì từ khi còn tiểu học, mình vẫn thường nghe lời bình luận từ người khác rằng vầng trán của mình cao quá. Thế nhưng như mình đã từng chia sẻ nhiều lần, trong quá trình sinh sống ở nước ngoài, mình rất bận rộn vừa học, vừa đi làm, đến hai ba công việc cùng lúc. Do đó mình không có quá nhiều thời gian để chăm sóc cầu kỳ cho mái tóc. Mình không thể đến salon làm tóc và cũng không còn để tóc mái nữa.
Đó là một điều gây sốc cho gia đình mình, đặc biệt là mẹ mình. Mẹ vẫn hay nói “Chi về Việt Nam cắt tóc mái đi” vì thương mình không có điều kiện cắt tóc như ở nhà, nhưng đối với mình lúc này chuyện để tóc mái không còn là việc quan trọng nhất nữa.
Mình tập trung làm sao để có một mái tóc chắc khoẻ nhất mà không cần phải đổ quá nhiều công sức tiền bạc vào để chăm sóc. Khi đó mình sẽ có nhiều thời gian hơn để dành cho những ưu tiên lớn hơn, hay là dành cho công việc mình yêu thích hơn.
Mình không muốn nói rằng nếu bạn bận rộn quá thì không cần quan tâm đến hình thức. Mình vẫn chăm sóc bản thân nhưng giữ nó ở mức vẻ đẹp tự nhiên, không xuề xoà – và đó cũng là định nghĩa của mình về một vẻ đẹp tối giản.
Kết
Khoảng hai năm trở lại đây, mình càng thêm quyết tâm hạn chế tối đa tác động hóa chất đến tóc và nuôi tóc thật dài, để có thể cắt tóc và gửi đi làm từ thiện cho những em bé mắc bệnh ung thư.
Nhờ mái tóc, mình được cảm nhận rõ hơn về niềm hạnh phúc của sự sẻ chia và trân trọng hơn những thứ tưởng chừng như hiển nhiên mà mình có. Hy vọng bạn cũng tìm thấy những niềm vui nhỏ bé qua việc kết nối với mái tóc của mình, cũng như với bản thân về cả tinh thần và thể chất.