3 Lý do ta nghiện than vãn kêu ca dù đời chẳng hề xấu xa đến thế
Bạn đã bao giờ gặp một đồng nghiệp “Chán đi làm quá, tôi còn việc A việc B việc C…” kể lể liên tục đòi nghỉ làm nhưng chẳng bao giờ nghỉ? Hay một người bạn “Dạo này tao mập, ăn gì cũng béo” trong khi nó vẫn mặc đồ size XS còn bạn mặc size XL?
Dẫu biết than thở không khiến ông bụt bà tiên hiện ra giúp ta thoát kiếp khổ, thậm chí cuộc sống ta còn chẳng “khổ” đến thế, ta vẫn muốn phàn nàn như một cơ chế tự động của não bộ. Cơ chế này giúp nói lên rất nhiều góc khuất tâm lý đằng sau một người hay than.
“Than nhiều không tốt, nhưng than cũng chẳng xấu” - Giáo sư Tâm lý Robin Kowalski tại Đại học Clemson (Mỹ) nhận định “Quan trọng là ta biết than một cách thông minh”. Nắm bắt động cơ tâm lý sau mỗi lần kêu ca sẽ giúp ta nhận thức rõ hơn về những nhu cầu tinh thần đang bị khỏa lấp của chính mình, rồi từ đó học cách “than” tích cực hơn cho bản thân và người xung quanh.
Dưới đây là 3 lý giải vì sao bạn vẫn thích than thở ngay cả khi chúng nghe thật vô lý, theo nghiên cứu từ Psychology Today. Bạn có nhìn thấy chính mình?
1. Than phiền để có cảm giác được hòa nhập
Theo Diễn giả Tâm lý TED Talk - Guy Winch, bản chất than phiền là cơ chế giúp con người kết nối với nhau (bonding mechanism). Thông qua việc chia sẻ nỗi niềm và càm ràm cuộc sống, chúng ta bắt đầu tìm thấy điểm chung ở nhau, để lấy đó làm nền tảng xây dựng các mối quan hệ.
Như việc nhân viên trở nên gắn kết hơn nhờ cùng nhau… nói xấu sếp. Con người luôn có nhu cầu được hòa nhập, được trở thành một phần của tập thể. Để làm được điều đó, họ cần sở hữu nhiều điểm chung, hoặc tự mình tạo ra điểm chung giữa bản thân và hội nhóm. Than phiền trong trường hợp này, là một trong những cách nhanh nhất kết nối chúng ta với nỗi trăn trở của một ai đó khác tương tự.
Lần tới khi bạn thấy một người liên tục phàn nàn mọi thứ một cách “vô thưởng vô phạt”, dưới đây là một số nguyên nhân tâm lý vì sao họ làm thế:
- Than để “phát tín hiệu” làm quen: Khi bạn là “ma mới” trong công ty, kêu ca về một vấn đề vô hại ngẫu nhiên (như trời hôm nay nóng quá) cũng là cách bạn bắt chuyện với người lạ.
- Than để thăm dò sở thích đối phương: Có nhiều cách để tìm hiểu sở thích người khác, và ta có thể chê một món ăn để tìm hiểu xem đối phương phản hồi thế nào, từ đó tìm cách ứng xử phù hợp.
- Than để không bị “lạc loài”: Trừ khi bạn có cá tính rất mạnh, việc linh hoạt cư xử theo đám đông là bản năng giúp con người hòa nhập và bảo vệ chính mình khi bước vào xã hội. Từ đó, đôi khi chúng ta than đơn giản vì… người khác cũng thế.
Bên cạnh than để hòa nhập, một số người chỉ đơn thuần “có thù với thế giới”. Họ đi ăn sẽ than đầu bếp nấu dở, xem phim sẽ chê cốt truyện nhàm chán.
Điều gì khiến họ nhìn đời qua lăng kính tiêu cực như vậy?
2. Phàn nàn để củng cố tự trọng, thúc đẩy tự tin
Theo Nhà trị liệu William Berry, phần đông chúng ta luôn hướng đến việc tìm kiếm bản thân cốt để xác định mình là ai, mình giỏi những gì và củng cố cái tôi cá nhân (ego reinforcement).
Nói cách khác, chúng ta luôn vô thức tìm cảm giác tích cực hơn về bản thân ở bất kỳ đâu, chúng giúp ta giữ phong thái tự tin, thoải mái, và xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn với chính mình. Bạn có cảm thấy thỏa mãn khi được sếp công nhận năng lực? Có thấy hài lòng khi quan điểm mình chia sẻ có người lắng nghe thấu đáo?
Bên cạnh những cách tích cực để ta đánh giá cao hơn về bản thân, Psychology Today đã chỉ ra, phàn nàn và phán xét người khác là một trong những cách con người củng cố niềm tin về năng lực chính mình.
Cụ thể, chúng ta thường chọn phê phán những thứ (có vẻ) thấp hơn để có cảm giác được ở vị thế “cao” hơn. Như việc cộng đồng mạng chê ca sĩ hát dở hay thực khách phàn nàn đồ ăn không ngon. Chưa cần có kiến thức chuyên môn, việc phê bình chất lượng đẹp - xấu - hay - dở sẽ góp phần thuyết phục con người về khả năng ta phân tích và nhìn nhận cuộc sống.
Ở những bối cảnh như bầu cử tổng thống Mỹ, ta còn dễ dàng thấy những “vũ trụ quan điểm” từ cư dân mạng toàn thế giới phê phán từng ứng viên tranh cử. Đây có thể là liều thuốc tinh thần cho lòng tự tôn của mỗi người khi được nêu chính kiến, tuy nhiên nó chỉ nên dừng lại ở mức vừa đủ, tôn trọng và văn minh.
“Lạm dụng việc hạ thấp người khác để nâng cao vị thế bản thân là một bước đi lùi trong nhận thức” - Tác giả William Berry cho biết trong bài báo của ông tại Psychology Today.
Khi biết được giá trị mình ở đâu, ta sẽ không cần dựa vào sự thành - bại của người khác để xác định vị trí bản thân. Đây đều là những kỹ năng chúng ta cần liên tục học hỏi để chống lại bản năng phán xét, từ đó rèn luyện cách phân tích khách quan, công bằng và mang tính xây dựng tích cực hơn.
3. Phàn nàn như một dịp được kể về thành tựu bản thân
Theo bài viết ‘Humblebragging’ is a Bad Strategy, Especially in a Job Interview được đăng tải trên Harvard Business School, một câu liệt kê kể khổ có thể là công cụ giúp bạn gián tiếp tiết lộ những thành tựu mà mình hiếm có cơ hội nói ra.
Như việc bạn đi họp nhóm và được hỏi thăm “Dạo này đi làm thế nào?”. Bạn bắt đầu bật đài phát thanh chê công việc khó nhằn hay khách hàng khó tính, bạn liệt kê một loạt những đầu việc gian nan, nhưng sau tất cả bạn đều vượt qua. Dù vô tình hay cố ý, bạn vẫn cảm thấy khá hơn sau khi than vì vừa được trút bớt gánh nặng, vừa tinh tế cho bản thân một cái “vỗ vai” tự hào.
“Khoe nhưng không khoe”, tuýp người này được gọi là Humblebrag - thuật ngữ chỉ hành động muốn tâng bốc bản thân nhưng trông vẫn khiêm tốn. Nhờ điểm qua các thành tích, ta cũng có thể đón nhận sự trầm trồ ủng hộ từ người nghe, tất cả đều khiến ta cảm thấy khá hơn về bản thân.
Khá hơn về bản thân, nhưng lại là “gánh nặng” cho người khác, việc kể lể thở than quá đà có thể khiến người xung quanh dần xa cách vì năng lượng tiêu cực bạn mang lại. Vậy, ta nên than thế nào để hiệu quả?
Than phiền không xấu, vậy than phiền thế nào mới “chất lượng”?
Xét từ góc độ Tâm lý, ngay cả khi ta không kiểm soát được việc kêu ca kể khổ khi vấn đề ập đến, hãy đảm bảo lời kêu ca đó được sử dụng đúng nơi đúng chỗ.
Theo bài viết Than phiền cũng cần thiết, nhưng làm sao mới hiệu quả? của Vietcetera, dưới đây là tóm tắt một số cách than có lợi cho tâm lý bạn có thể tham khảo:
- Chú ý tần suất: Tự hỏi liệu mình có đang than vãn quá nhiều để người đối diện rơi vào trạng thái khó xử hay không, rồi điều chỉnh mật độ than và trạng thái cảm xúc của chính mình.
- Chuẩn bị nội dung: Kiểm soát ngôn từ mình sẽ nói ra khi than, tránh gây khó chịu cho người khác. Ví dụ: Thay vì than “Thi IELTS được có 7.5 à, thất vọng quá” hãy khéo hơn “IELTS 7.5 chưa phải số điểm tôi mong muốn, tôi đã có thể làm tốt hơn” - người khác sẽ dễ hiểu và cảm thông cho bạn hơn.
- Thông báo cụ thể: Ra hiệu rằng mình cần được lắng nghe, để người đối diện chuẩn bị tâm lý và đón nhận bạn thoải mái. Ví dụ: Hẹn bạn đi đâu đó uống để tâm sự, bắt đầu tin nhắn bằng một đoạn giật gân “Tao sắp nghỉ việc, có biến”.
- Kiểm soát phương hướng: Xác định rõ mục tiêu các cuộc hội thoại, tránh biến chúng thành chuỗi than vãn vô định, tốn thời gian vô ích.
- Phương pháp Sandwich: Hội thoại thông minh hơn bằng cách mở đầu đồng cảm, chia sẻ gọn gàng và tóm lược vấn đề để người nghe dễ thấu cảm với bạn hơn.
- Viết nhật ký: Dành thời gian để sắp xếp mọi suy nghĩ tiêu cực rồi viết chúng ra giấy, giúp bạn hiểu mình đang mắc kẹt ở đâu để tìm cách giải quyết.
Có thể là một sáng đi làm kẹt xe, gặp một vị sếp khó chiều, hay tiền điện tháng này bất ngờ tăng vọt, ta luôn có lý do để than phiền, và cần than phiền như một phần của cuộc sống.
Vì than phiền là cần thiết để ta bước đầu xác định vấn đề, hãy học cách than khéo léo và khách quan để điều chỉnh tâm trí, cải thiện chất lượng suy nghĩ và cuộc sống bạn nhé.