30 Tuổi đi học thạc sĩ một mình

Dù có đi học hay không thì mình cũng vẫn 30, 31, 32, nên hãy cứ làm gì để mình thấy vui và có động lực tốt hơn mỗi ngày.
Thư Vũ
Nguồn: Hằng Nguyễn

Nguồn: Hằng Nguyễn

Bản thân mình là một người xê dịch khá nhiều. Bắt đầu từ năm 18 tuổi, mình đã ra nước ngoài học với những thay đổi liên tục về môi trường trong 5 năm. Trở về Việt Nam, mình chuyển đến một thành phố khác để sống, nên dường như với mình, hai chữ “ổn định” rất khác với định nghĩa của những người xung quanh.

Bởi vì tự lập từ sớm như vậy, nên mình cũng phải học cách độc lập tài chính từ sớm theo. Mình không biết đầu tư cũng không đam mê kinh doanh, nhưng lại biết tiết kiệm, kiếm 10 tiêu 3-4 thôi. Chính vì thế, sau nhiều năm đi làm, mình đã tiết kiệm được một khoản tiền để nếu có thể sẽ học lên tiếp.

Khi ở độ tuổi 27, mình hay suy nghĩ nhiều về tuổi 30, liệu mình đang ở đâu, với ai, làm gì. Nhưng đến 28-29 tuổi, mình lại bận “sống” quá nên chẳng nghĩ gì nữa, chỉ mải lao đầu vào công việc, đi du lịch rồi phát triển bản thân. Và quyết định đi học thạc sĩ một mình ở tuổi 30 cũng đến đơn giản như vậy.

Nhờ có 2 năm COVID, mình có thời gian để nhìn lại bản thân xem mình muốn gì, mình hạnh phúc tới đâu và mình sẽ muốn đi đâu tiếp. Tuổi nào đi học cũng nên, vì đi là trải nghiệm. Mỗi lứa tuổi lại có một trải nghiệm khác, và mỗi trải nghiệm đều sẽ giúp mình nhận ra những điều mới về bản thân và thế giới xung quanh.

Nói là như vậy nhưng thời điểm quyết định đi mình cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Ví dụ như bỏ cả một gia tài dành dụm bao năm đi làm, để sang một đất nước mới, ở lứa tuổi không còn quá trẻ, không biết tương lai thế nào, nhất là thời điểm hiện tại chiến tranh, khủng hoảng kinh tế thì cũng chột dạ lắm. Nhưng khát khao đi tìm sự tự do và tìm thấy chính mình mạnh hơn để vượt qua những nỗi sợ đó.

Hơn nữa, mình nhận ra, áp lực không đến từ lúc quyết định đi, mà đến từ việc đặt chân sang một nước khác rồi. Mình đã nhìn thấy rất nhiều bạn bè bằng tuổi làm đám cưới, có thêm em bé thứ hai, được thăng chức, mở doanh nghiệp. Tất cả làm mình cảm thấy như “bị” lùi lại khi ngày ngày đến trường học, rồi đi làm thêm những công việc chân tay.

Thậm chí, trong nhóm vài bạn người Việt Nam học cùng trường, phần lớn đều có người yêu, có người còn có chồng con rồi đưa chồng sang đây cùng, mình lại áp lực hạnh phúc riêng. Một tháng đầu mình chật vật tìm nhà, mở tài khoản ngân hàng, đi nhầm tàu, lạc đường, tối đi bộ về một mình sợ cả ma lẫn người. Rồi cũng thấy cô đơn, thấy một mình.

Sau đó tới trường mình làm quen bạn mới nên thấy vui hơn, nhưng sự cô đơn vẫn sẽ luôn thường trực ở đó. Nhưng mình nghĩ, chúng ta sẽ không có nhiều cơ hội để khám phá những điều tuyệt vời và bất ngờ sẽ đến trong cuộc đời nếu không chịu bước ra vùng an toàn.

Ở đâu cũng sẽ có khó khăn và thử thách, nhưng hãy sống để khi đi qua những khó khăn mới thì lại tìm thấy những niềm vui mới.

(Câu chuyện được chia sẻ từ bạn Hằng Nguyễn)


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục