4 Bài học tình yêu khác biệt từ Bad Buddy
Bad Buddy the series là bộ phim do đài GMM (Thái Lan) sản xuất. Phim xoay quanh chuyện tình cảm của hai bạn thân (buddy) là Pat (Ohm Pawat) và Pran (Nanon) thể hiện.
Phim tạo nên làn sóng yêu thích bởi nội dung mới lạ, hấp dẫn và đặc biệt là diễn xuất từ hai nam chính. Bad Buddy không chỉ là làn gió mới với dòng phim tình cảm nam-nam mà còn mang đến nhiều thông điệp về tình yêu không bị rập khuôn và theo kịp sự cởi mở của thời đại.
1. Đừng dựa theo khuôn mẫu để hoài nghi bản thân
Trong tập 9, nhân vật Pat được hỏi là đổi ý thích con trai từ lúc nào, cậu trả lời rằng không xác định rõ thời gian hoặc có khi là thích kiểu này từ lâu rồi. Suốt bộ phim, khán giả không thấy một màn đấu tranh nội tâm nào của Pat về chuyện mình thích nam cả (trước đó Pat có thích con gái).
Với Pat, thích là thích thôi, cậu vẫn để tình cảm tiến triển tự nhiên và đón nhận nó bình thường, thậm chí là công khai. Pat vẫn cứ sống cuộc đời khá “điển hình” của một cậu con trai: chơi đá banh, bia bọt cùng bạn bè…
Và bạn của cậu cũng chẳng lên án hay tẩy chay Pat vì chuyện cậu thích con trai. Thứ nam tính độc hại thường thấy không xuất hiện trong Bad Buddy.
Điều cản trở một người đến với tình yêu thật sự nằm ở việc bản thân họ đối diện những mâu thuẫn nội tâm ra sao. Bad Buddy đã chủ động rút ngắn chuyện “tự vấn” này so với những bộ phim khác. Dài hơi hơn, bạn có thể theo dõi nhân vật Adam trong bộ Sex Education và hành trình sống thật của cậu ấy.
Thay vì tạo nên thế giới đầy hoài nghi, Bad Buddy muốn gửi đến thông điệp về sự đa dạng và khả năng biến chuyển trong tình yêu. Mình từng là ai, mình sống thế nào thì cứ tiếp tục sống như vậy. Tình yêu đến không nên là lý do để thắc mắc hay cảm thấy mâu thuẫn với bản thân, vì đó là sự phát triển cảm xúc theo thời gian mà thôi.
2. Đừng vội dán nhãn vai trò trong tình yêu
Trong cộng đồng LGBT+, vai trò “trên - dưới” là chủ đề còn nhiều tranh cãi. Trong đó, quan niệm thông thường cho rằng “nằm trên” là mạnh mẽ, chở che, còn “nằm dưới” là yếu đuối, nhẹ nhàng hơn.
Bản thân Bad Buddy cũng cho chúng ta cảm giác “trên - dưới” này khi Pat là nhân vật to con, hầm hố, nóng tính. Còn Pran là chàng trai điềm tĩnh, thơm tho, ăn nói nhẹ nhàng.
Thế nhưng, bộ phim đã cho thấy trong một mối quan hệ, không ai phải gồng gánh trách nhiệm mạnh mẽ hay dịu dàng, yếu đuối cả. Pat đích thị là “người đàn ông em yêu có những những phút giây yếu đuối không ngờ”, không dưới ba lần Pat hay nhận mình là “vợ” mỗi khi xưng hô với Pran.
Trong khi đó, rất nhiều lần Pran thể hiện sự mạnh mẽ và quyết đoán của mình khi chủ động nắm tay để giúp người yêu bớt sợ. Thậm chí trong cảnh hôn đầu tiên cũng là Pran tiến tới trước. Khán giả rất bất ngờ trong những lần Pran “lật kèo”, nhưng nhờ vậy mà nhận ra sự mặc định này chỉ là do chính chúng ta tự áp đặt.
Có thể nói, áp lực về việc bạn dán nhãn vai trò và buộc mình tuân theo gây ra không ít trở ngại. Bad Buddy muốn mang đến thông điệp cùng xây dựng tình cảm một cách hài hòa. Sự thấu hiểu và chia sẻ quan trọng hơn là phân chia nhiệm vụ.
3. Khi tình yêu mâu thuẫn với gia đình, không nhất thiết phải xảy ra một cuộc chiến
Trong phim, mâu thuẫn giữa Pat và Pran với gia đình được “tháo gỡ” bởi cuộc gặp với cậu bé Junior khi cả hai đang chạy trốn bố mẹ và về miền biển.
Junior muốn sống ở vùng quê, trong khi mẹ cậu bé lại muốn con về thành phố cho có tương lai. Còn với Pat-Pran, trong phút bốc đồng của tuổi trẻ, họ nghĩ chỉ cần rời gia xa đình và sống cuộc đời cả hai mong muốn là được. Tuy vậy, Bad Buddy không mang đến thông điệp để đạt được tình yêu thì phải “một mất một còn” với gia đình.
Junior tuy muốn ở lại biển nhưng cũng rất yêu thương mẹ, vì thế em nghe lời mẹ về thành phố. Cách thương lượng là mỗi mùa Hè em lại về biển sống.
Còn cặp đôi của chúng ta thì thay vì phải sống khổ cực, "nhà tranh tim vàng" ở miền quê thì vẫn quyết định đi về nhà. Họ chọn cách giả vờ chia tay, trước mắt là hòa hoãn không khí gia đình, kế đến là tính việc cho tương lai.
Bad Baddy có thể đang "màu hồng hóa" cách giải quyết mâu thuẫn với gia đình nhưng vẫn có lý. Những cách làm cực đoan như bỏ nhà ra đi, dằn vặt bố mẹ thật ra lại đang khoét sâu vào mâu thuẫn. Kết quả cuối cùng là tất cả cùng tổn thương.
Khi bạn càng độc lập thì sẽ ít tranh cãi với bố mẹ. Thay vì làm lớn chuyện ngay thời điểm cả hai đang không có gì trong tay, Pat – Pran lùi thời gian công khai thêm 4 năm nữa. Trong lúc đó, cặp đôi vẫn duy trì mối quan hệ tốt với gia đình và tạo dựng sự nghiệp. Quan trọng nhất là họ có thời gian để trưởng thành, bồi đắp tình cảm đủ lâu để gia đình an tâm.
4. Không phải yêu thương nào cũng là tình yêu lứa đôi
Bad Buddy, ngay từ chữ “Buddy” cũng cho chúng ta thấy đây không phải là một bộ phim về chuyện tình yêu đơn thuần. Ohm và Nanon ngoài đời gọi nhau là tri kỷ. Cả hai không ngại thể hiện sự quan tâm, ôm vai bá cổ, thậm chí hôn má nhau công khai. Rất nhiều fan của Ohm-Non còn gọi họ là OTP - One true pairing của nhau.
Trong một bài phỏng vấn, được hỏi liệu cả hai yêu nhau thì sao. Nanon trả lời họ không quan trọng chuyện yêu nhau hay xác định đó là tình yêu.
Với Nanon, ý nghĩa của một mối quan hệ là cả hai có thể dễ dàng thấy mặt không tốt của nhau, cùng chỉ ra những điều cần cải thiện. Cả hai tôn trọng và thấu hiểu nhau dễ dàng hơn. Nếu gọi đó là tình yêu thì có lẽ sẽ không còn được như vậy nữa.
Vậy chúng ta đang tìm kiếm điều gì? Hay nói đúng hơn là tính cách, bản chất của mình sẽ hợp với mối quan hệ nào? Trả lời câu hỏi này sẽ giúp những ai còn cô đơn bớt đi những ngộ nhận và hài lòng với những gì mình có.
Không phải cứ tình yêu mới là tốt nhất. Đôi khi OTP, hoặc tri kỷ lại mang đến cho bạn một mối quan hệ ý nghĩa và nhiều niềm vui, thậm chí là nhiều cơ hội trưởng thành.
Mong rằng những bài học yêu từ Bad Buddy sẽ giúp bạn nhìn tình yêu theo một lăng kính mới. Từ đó, bạn có thể mạnh dạn đưa thêm những trải nghiệm cảm xúc khác biệt vào cuộc sống của mình.