4 Bước giúp bạn có một trải nghiệm “self-date” tự tin ở nhà hàng
Nhắc đến đi ăn một mình, không ít người sẽ nghĩ ngay đến phân cảnh ngày đầu tiên đi học trường mới của Cady Heron (Lindsay Lohan) trong phim Mean Girls. Vì chưa kết thân được với ai, cô phải đứng ăn một mình trong toilet.
Không chỉ là phân cảnh trên phim, việc đi ăn một mình cũng thường bị nhìn nhận khá tiêu cực ở ngoài đời. Khi một mình bước vào tiệm ăn, bạn dễ nhận những ánh nhìn kỳ cục, khó hiểu từ những thực khách khác. Nhiều nhà hàng cũng không bố trí những khu vực dành riêng cho khách lẻ, mà chỉ có bàn ghép đôi, ghép bốn khiến bạn phải ngồi ăn một cách không thoải mái.
Thực tế việc ăn một mình là phương thức thư giãn khá hiệu quả. Nó cho bạn khoảng thời gian nghỉ ngơi, tận hưởng món ăn yêu thích mà không cần phải tương tác liên tục với người khác.
Đây cũng là xu hướng mới trong ngành nhà hàng. Theo báo cáo của ứng dụng đặt bàn Open Table, số khách đặt bàn cho riêng họ đã tăng tới 62% từ năm 2018 đến 2020, và có xu hướng tiếp tục tăng sau khi dịch COVID-19 kết thúc. Nếu muốn thử đi ăn "solo" mà chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể áp dụng 4 bước sau:
Bước 1: Tìm quán ăn có chỗ ngồi phù hợp cho việc đi một mình
Để có trải nghiệm ăn một mình trọn vẹn, trước hết bạn cần xác định kiểu nhà hàng có nội thất phù hợp cho việc này. Cụ thể, các tiệm ăn có bàn đơn hoặc chỗ ngồi kiểu dãy (một bàn dài đặt ghế dọc theo), hoặc kiểu quầy bar sẽ giúp bạn dễ dàng tìm được chỗ ngồi đơn, không đối diện trực tiếp với các khách khác.
Nếu chịu khó tìm kiếm, bạn còn có thể phát hiện những tiệm ăn có vách ngăn giữa những khoang khách với nhau. Đây là kiểu không gian lý tưởng cho việc ăn một mình. Ngược lại, những nhà hàng lẩu hoặc nướng (trừ lẩu băng chuyền) sẽ không phù hợp, do tính chất tập trung vào trải nghiệm ăn theo nhóm.
Lưu ý:
- Bạn có thể bắt đầu ở những tiệm ăn vặt hay bún, mì, phở… trước khi tới nhà hàng lớn hơn. Những nơi này thường khá đông người ăn một mình, giúp bạn tránh cảm giác đơn độc khi liên tục thấy những tốp khách ăn theo nhóm.
- Nên lưu sẵn một danh sách những nhà hàng “thân thiện” với khách lẻ, để mỗi lần đi ăn không phải suy nghĩ nhiều.
Bước 2: Xác định khung giờ đi ăn phù hợp
Nếu tới quán đúng giờ ăn trưa hoặc tối, bạn sẽ dễ gặp cảnh đông người, dẫn đến khó tìm chỗ ngồi trống cho riêng mình. Vì vậy nếu có thể, bạn nên đến sớm hơn hoặc muộn hơn một chút so với những khung giờ đông khách này.
Chẳng hạn giờ ăn trưa thường từ 11:30 đến 12 giờ, thì bạn nên đến từ 11 giờ. Như vậy dù quán không có bàn đơn, bạn vẫn dễ dàng tìm được chỗ trống, thậm chí ngồi thoải mái ở bàn nhóm mà không cảm thấy khó xử. Dần dần, bạn nên “nằm vùng” khung giờ vắng của các quán bạn thích, từ đó dễ dàng chọn chỗ mỗi khi muốn đi ăn solo.
Lưu ý: Ngoài khung giờ, bạn cũng nên chú ý từng khu vực của quán có thể sẽ đông hoặc vắng người vào những thời điểm nhất định. Chẳng hạn một quán ăn có thể đông khách ở tầng 2, nhưng lại rất vắng ở tầng 1. Nếu nắm được điều này, bạn sẽ nhanh chóng chọn được không gian yêu thích, tránh phải di chuyển liên tục quanh quán đến khi tìm được chỗ phù hợp.
Bước 3: Check trước thực đơn và đặt chỗ online nếu có thể
Khi bước vào quán ăn, bạn thường sẽ gọi đồ tại quầy hoặc tại bàn. Và việc phải nhìn menu rồi gọi đồ tại quầy có thể sẽ trở thành “ác mộng” với người đi ăn một mình. Bạn có thể sẽ thấy bối rối khi gọi món trước mặt nhiều người khác, đặc biệt nếu khẩu phần ăn của bạn nhiều hơn so với số đông.
Trường hợp này, bạn có thể check sẵn menu trên trang web hoặc fanpage của quán, rồi note trước những món bạn thích. Khi đến quán, bạn chỉ cần đọc chúng ra là xong. Nhớ chuẩn bị thêm 1-2 lựa chọn khác phòng khi quán không còn món bạn thích. Bước này giúp bạn hạn chế thời gian tương tác ở quầy, từ đó giảm cảm giác ngại vì đi ăn một mình.
Tương tự, bạn cũng nên đặt chỗ trước online nếu có thể. Việc này giúp nhân viên nhà hàng nắm được việc bạn sẽ tới ăn một mình, từ đó bố trí chỗ ngồi phù hợp và tránh những tương tác bối rối khi bạn tới quầy.
Lưu ý: Nên lưu sẵn các quán ăn bạn có thể gọi đồ bằng máy tính bảng, hoặc tích vào danh sách có sẵn rồi đưa cho nhân viên. Đây là hình thức order lý tưởng nhất, giúp bạn có thoải mái thời gian quẹo lựa đồ mà gần như không phải tương tác với người khác trong quán.
Bước 4: Tự tạo không gian cho riêng mình
Theo bài viết Ăn uống chánh niệm và 3 bước để có trải nghiệm ẩm thực không-căng-thẳng, ta nên tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong giờ ăn.
Tuy nhiên bạn không cần áp dụng cứng nhắc điều này khi đi ăn nhà hàng. Bởi khi đi ăn một mình, chúng trở thành công cụ hữu hiệu giúp bạn tạo không gian cho riêng mình giữa những thực khách khác.
Bạn có thể cắm tai nghe vào vừa xem phim/nghe nhạc, vừa thưởng thức món ăn yêu thích. Bạn cũng có thể đem theo một cuốn sách, đọc nó chậm rãi trong lúc ăn để “kéo” mình vào một câu chuyện hấp dẫn. Cách này giúp bạn vừa có thể ăn ngon, vừa tạm quên đi không gian xung quanh với tiếng đi lại của nhân viên và tiếng trò chuyện của khách khác.
Lưu ý: Nếu quán ăn không quá ồn hoặc có bật nhạc hay, bạn có thể bỏ qua bước này. Tuy nhiên bạn vẫn nên mang theo tai nghe để sẵn sàng “phiêu” vào không gian riêng khi cần thiết.
Nếu có ai bắt chuyện thì nên làm thế nào?
Bản thân tôi đã không ít lần tình cờ gặp người quen khi đi ăn một mình. Tuy nhiên các bạn đừng quá lo lắng, vẫn có cách giúp bạn “xã giao” thật mượt mà không phải cảm thấy bối rối.
Nếu là người quen đã lâu không gặp, bạn cứ bình tĩnh chào hỏi, catch up với những gì đã diễn ra trong cuộc sống của nhau. Sau đó nếu cảm thấy thoải mái, bạn có thể “nhập hội” với họ, hoặc xin phép về chỗ và hoàn thành bữa ăn của mình.
Nếu được hỏi vì sao lại đi ăn một mình, bạn có thể trả lời thẳng thắn vì yêu thích trải nghiệm này, hoặc “chém gió” một câu trả lời hợp lý với hoàn cảnh. Ví dụ nếu đó là bữa tối, bạn có thể nói vì cả nhà đi vắng, hoặc vì ngại trở về nấu nướng sau một ngày dài bận rộn. Trong đa số trường hợp, chúng không làm ảnh hưởng đến không khí bữa ăn và bạn hoàn toàn thoải mái tiếp tục cuộc trò chuyện.