09 Thg 09, 2024ThươngNhật Ký

48 Giờ “thất lạc” bố trong cơn bão Yagi

Giữa cuộc điện thoại chập chờn với bố, một tiếng đổ rầm vang lên, âm thanh rơi vỡ loảng xoảng vọng vào trong máy và màn hình của mình hiển thị dòng thông báo mất kết nối.
Phương Thảo
Nguồn: NVCC

Nguồn: NVCC

Nhà mình ở Hải Phòng còn mình đi làm xa ở tận TP Hồ Chí Minh. Lúc nghe tin bão sắp về, cả buổi chiều thứ 6 mình chẳng thể tập trung hoàn toàn vào công việc. Tín hiệu sóng điện thoại chập chờn, mình chỉ có thể liên lạc với bố bằng vài dòng tin nhắn gửi mãi mới tới và một hai câu hỏi thăm nói vội, tiếng được tiếng mất trước khi tắt ngóm.

Lần cuối mình kịp gọi cho bố, một tiếng đổ rầm đã vang lên, âm thanh rơi vỡ loảng xoảng vọng vào trong máy và màn hình đen ngòm, đi kèm với dòng thông báo mất kết nối.

Những tiếng đồng hồ sau đó không quá dài về mặt thời gian, nhưng nó cứ không ngừng kéo giãn, co kéo luôn cả sự kiên nhẫn và bình tĩnh trong lòng mình. Mình không biết bao giờ mới gọi lại được cho bố? Không biết tình hình cụ thể của bố như thế nào? Một cơn giông bão đang tới, ông 67 tuổi và chỉ có một mình.

Cứ chốc lát, mình lại cầm điện thoại nhấn nút gọi cho bố, nhờ thêm cả bạn cùng phòng luân phiên gọi. Nhưng âm thanh liên tiếp phát ra là câu nói không liên lạc được của tổng đài. Rồi đến lúc tiếng tút tút vang lên, cuộc gọi đang truyền đi, mình thầm vui mừng nhưng rồi điện thoại im bặt ngay tức khắc.

Cái vòng tròn hiển thị đang kết nối cứ quay mãi, hệt như mình vậy. Gọi điện, nhận thông báo, gọi thêm một lần nữa, lặp đi lặp lại như thế đến tận 2 giờ sáng.

Sáng thứ 7, bão chính thức đổ bộ, mình cũng thức dậy với cơn bão ngổn ngang trong lòng - vẫn không liên lạc được với bố. Dù đã tự trấn an bản thân, bố từng đi bộ đội năm 17 tuổi, bố sẽ xử lý tình huống được thôi, không sao đâu.

Nhưng cứ nghĩ đến cảnh bố đang phải chịu, không điện, không nước, không sóng điện thoại, hoàn toàn mất kết nối và phải loay hoay một thân một mình như thế mình xót.

Mình cứ ở lì trên giường, đọc hết tin tức này đến tin tức khác về cơn bão, lên khắp các hội nhóm để tìm cho ra một dòng thông báo của ai đó gần khu nhà mình báo rằng mọi chuyện vẫn ổn. Mình ngồi liên tù tì mười mấy tiếng không hay, chỉ đến lúc chiều tà trời tối dần mới nhận ra mình đã ngồi lâu như thế.

Hai mươi mấy cuộc gọi rải rác truyền đi, bố chưa nhận cuộc nào. Lúc bố chờ con gái về nhà chắc cũng nóng lòng chẳng kém. Mình thường đáp sân bay về đến nhà lúc đã muộn, nhưng lúc nào bố cũng đợi để ăn chung bữa cơm với con vào lúc 10 giờ tối. Mình vẫn hay xem phim thảm họa và tưởng tượng về viễn cảnh đấy nhưng chẳng bao giờ ngờ có một ngày nó thực sự diễn ra mà chẳng kịp chuẩn bị gì hết.

Mình đọc được thông báo 12 giờ đêm thứ bảy sẽ có điện nhưng mình vẫn không thể nào liên lạc với bố. Thông báo cập nhật lại 12 giờ trưa chủ nhật có điện, mình chờ và vẫn bặt vô âm tín từ bố. Không thể chờ đợi một cách bị động lâu hơn nữa, mình tìm thấy một bạn shipper nhận đưa đồ ăn và cập nhật tin tức tận nhà. Mình gửi ngay địa chỉ cho bạn ấy.

Tới lúc thông báo tin nhắn ting một cái, tim mình cũng như nảy lên theo. Một đoạn video ngắn được gửi đến, bố mình xuất hiện trên màn hình, cởi trần, ngồi trên ghế thoải mái, tay khua khua như vẫy tay chào, đồ đạc phía sau vẫn còn nguyên vẹn. Mình thở phào nhẹ nhõm.

Mình tính là sẽ phải sớm mua thêm cho bố 3 cái sim điện thoại, của 3 nhà mạng khác nhau, để nếu gặp vấn đề gì sẽ an tâm hơn. Bố có 2 số điện thoại nhưng mình chỉ lưu một số, nếu có cả số còn lại đã tăng thêm cơ hội gọi được rồi.

Mình cũng phải xin thêm số các cô chú hàng xóm nữa. Bình thường mình về nhà nói chuyện rất thân, nghĩ là hàng xóm ngay cạnh có gì thì qua nói, lúc đi xa có chuyện gì cần liên lạc thì có bố rồi. Mình đã không nghĩ có ngày mình cần các cô chú để liên lạc với bố.

Và quan trọng nhất, mình càng thấm thía rằng số lần về nhà tỉ lệ thuận với mức độ trưởng thành. Ngày xưa đi học ở Hà Nội, cách nhà có vài tiếng đi xe nhưng mấy tháng mình mới về nhà một lần. Đến lúc vào Sài Gòn đi làm, chín chắn, hiểu chuyện thêm một chút mới biết quý những lần về nhà, dù phải bay qua hơn ngàn cây số nhưng tần suất mình về nhà còn siêng hơn trước.

Nhưng sau lần này mới thấy, có lẽ vẫn chưa đủ, phải chăm chỉ hơn thôi.

(Câu chuyện được chia sẻ từ bạn Thủy Đoàn)


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục