5 Bước thiết thực để lấy đà hậu COVID-19
Thế giới hoàn toàn thay đổi sau đại dịch và không chắc sẽ quay lại như xưa. Chuẩn bị tâm thế cho sự "bình thường mới" là định hướng cần có sau covid-19.
Có lẽ 5 hay 10 năm sau, 2020 sẽ luôn được nhắc đến là “cái Tết dài nhất từ trước đến giờ” với vô số biến động và khủng hoảng.
Không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt kinh tế, COVID-19 còn đảo lộn mọi thói quen của con người. Nó giúp ta nhận ra con người dễ bị tổn thương và lệ thuộc vào các yếu tố xung quanh nhiều đến thế nào.
Giờ đây, khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã qua. Tuy rằng, sẽ rất lâu hoặc thậm chí khó để quay lại nhịp sống và làm việc trước đây, nhưng chúng ta đều cần tiến lên. Để “chung sống một cách hòa bình với COVID-19”, chúng ta cần có những hành động thiết thực để “lấy đà” và tăng tốc hậu đại dịch.
Bước 1: Duy trì thói quen tốt có được “nhờ” COVID-19
Nói một cách tích cực, COVID-19 và giai đoạn giãn cách xã hội khiến người sống chậm lại và chăm sóc bản thân tốt hơn. Vì hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người khác, chúng ta bắt đầu điều chỉnh lại nhịp sống sinh học của mình: thức sớm, ngủ đủ giấc, tự nấu ăn tại nhà,… Đây là những việc tưởng chừng như cực kỳ đơn giản nhưng vì cuồng quay của cuộc sống năng động mà chúng ta đã bỏ quên.
Hậu COVID-19, thay vì nhanh chóng bắt tay vào các hoạt động xã giao, tụ tập, hãy tiếp tục duy trì những thói quen:
- Thức dậy trước 7h
- Ngủ trước 23h
- Chế độ ăn uống lành mạnh, ít dầu mỡ
- Dọn dẹp nhà cửa, giữ không gian sống sạch sẽ và gọn gàng
- Trò chuyện nhiều hơn với cha mẹ và người thân
- Suy nghĩ lạc quan
Bước 2: Quản lý tài chính cá nhân như quản lý ngân sách dự án
Từ khi COVID-19 bùng nổ, thu nhập của chúng ta không còn chắc chắn, dù làm bạn làm ngành nào hay vị trí nào.
Một số công sở yêu cầu nhân viên chủ động đăng ký nghỉ không lương ít nhất 1 ngày/tuần, một số khác đề nghị giảm lương nhân viên ở các mức độ khác nhau tùy vào cấp bậc hoặc đánh giá xếp loại của năm vừa rồi. Có những công ty bị ảnh hưởng nặng nề hơn (như các ngành du lịch và dịch vụ khách sạn) đành phải cho nhân viên nghỉ không lương trong vài tháng cho đến khi tình hình khởi sắc.
Đột nhiên, đa số chúng ta – những người vẫn đang cho là mình có nguồn thu nhập ổn định, đủ để mua sắm, ăn uống, đi du lịch và tận hưởng các trải nghiệm cuộc sống – thấy mình rơi vào cảnh “cháy túi”. Thậm chí, tài chính hiện có chỉ đủ để duy trì trong 1 tháng. Hay số khác còn lâm vào cảnh nợ nần vì các khoản trả góp, nợ thẻ tín dụng,…
Không khác mấy với việc lập và quản lý ngân sách cho các dự án/chiến dịch/sự kiện, lập phương án quản lý tài chính cá nhân cũng là việc nên làm ngay để chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19 này:
- Để dành một khoản tiết kiệm cố định hàng tháng
- Cuối mỗi tháng, ghi lại những khoản đã chi tiêu cho mua sắm, ăn uống trong tháng để có chiến lược giảm chi hiệu quả
- Ghi lại những khoản dự định chi trong tháng và suy nghĩ thật kỹ xem có khoản nào không cần thiết không
Bước 3: Tìm các công việc bán thời gian, cộng tác viên, tư vấn…
Để quản lý được vấn đề tài chính, thì việc kiếm thêm một nguồn thu nhập thứ hai là khá cần thiết. Đây là chỗ dựa để bạn luôn sẵn sàng ứng phó trước các khủng hoảng và giảm thiểu mức độ tổn thương về tài chính.
Thời đại internet phát triển mang đến vô số cơ hội để bạn trở thành người đa nhiệm (multi-task). Vừa hoàn thành tốt công việc được giao, vừa tranh thủ tìm kiếm các công việc làm thêm/cộng tác/hợp tác/tư vấn,… là lựa chọn khá hợp lý. Dĩ nhiên, bạn phải rèn được kỹ năng quản lý thời gian và khả năng tập trung cao độ.
Một số công việc làm thêm được nhiều bạn trẻ lựa chọn hiện nay:
- Cộng tác viên báo chí: dành cho những người thích viết lách, có kỹ năng thu thập và phân tích thông tin
- Dịch sách: dành cho những người thích ngôn ngữ và có khả năng tập trung cao
- Tư vấn bán hàng: các đại lý môi giới bất động sản, môi giới bảo hiểm, trung tâm thẻ ngân hàng,… luôn cần các cộng tác viên có kỹ năng bán hàng và kỹ năng thiết lập mối quan hệ
- Bán hàng online: đòi hỏi bạn dành nhiều công sức và thời gian để đầu tư, cũng như một chút “duyên” buôn bán và tư duy kinh doanh
- Thiết kế đồ họa
Bước 4: Học thêm ít nhất một kỹ năng mới
Sẽ khó để tìm thêm công việc nếu nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn của bạn khá đặc thù. Vậy hãy tìm cách để nâng cao vị thế của mình trong công ty, xác định thế mạnh và điểm hạn chế bản thân, và tìm đến các lớp nâng cao kỹ năng để học thêm. Một số kỹ năng có thể tham khảo:
- Tiếng Anh
- Thuyết trình
- Digital Marketing
- Đàm phán
- Giao tiếp
Bước 5: Các dự định đi du lịch, ăn mừng vì hết giãn cách xã hội – hãy để sau!
Cuối cùng, hãy xác định thứ tự ưu tiên của các việc cần phải làm hậu COVID-19. Chắc chắn, loanh quanh trong nhà hơn 3 tuần lễ sẽ khiến nhiều người sinh ra cảm giác buồn chán, gò bó, muốn nhanh chóng trở lại với các dự định của mình, muốn được rong ruổi trên những cung đường, muốn ăn uống thả ga với các chiến hữu,…
Tuy nhiên, vội vàng thực hiện các điều “muốn” đó chỉ khiến chúng ta mất nhiều thời gian để “lấy đà” hơn. Thậm chí, bị người khác bỏ xa và vuột mất nhiều cơ hội quý giá. Thay vì vậy, hãy lên danh sách và ưu tiên thực hiện các việc “cần làm” trước. Sau đó, khi đã phần nào ổn định rồi thì hãy tìm lại các nhu cầu “muốn làm” và cho bản thân được nghỉ ngơi đôi chút trước khi quay lại đường chạy.
Bài viết được thực hiện bởi Ngọc Thảo.
Chị Ngọc Thảo hiện là Trưởng phòng Cấp cao phụ trách Sales & Marketing của một công ty bất động sản tại Việt Nam. Với hơn 10 năm kinh nghiệm về truyền thông, tiếp thị và quản lý thương hiệu, chị Thảo từng tư vấn và làm việc cho nhiều công ty bất động sản Việt Nam và nước ngoài, từ chủ đầu tư cho đến các hãng tư vấn và dịch vụ bất động sản.
Xem thêm:
[Bài viết] Ngoài trữ tiền mặt, bạn cần làm gì ngay để đủ tài chính vượt qua mùa dịch?
[Bài viết] Thị trường tuyển dụng hậu COVID-19: Phân tích & Dự đoán từ 3 chuyên gia