5 Bước vượt qua mất mát để sẵn sàng cho khởi đầu mới
Tiếp nối bài viết “Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ?”, dưới đây là phần tiếp theo của bài viết “How to Let Go: Learning to Deal With Loss” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Bước 1: Nhận thức được rằng trí nhớ của bạn không đáng tin
Tôi ra trường năm 2007 - thời điểm tệ nhất để tìm việc (vì ngay sau đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008). Tôi chật vật thất nghiệp vài tháng trời, bạn bè đều chuyển đi nơi khác. Tôi nhớ quay quắt những ngày tháng sinh viên, khi tôi chỉ có nhiệm vụ đi học và tận hưởng mọi niềm vui ở giảng đường đại học.
Thế là tôi đi học trở lại. Tôi gặp lại một số bạn bè học sau tôi một khóa, cùng nhau đi chơi và tiệc tùng. Và rồi tôi nhận ra, trường học thực ra khá tệ chứ không hề vui như tôi nghĩ. Bằng một phép màu nào đó, não tôi đã cất sạch những phần tồi tệ về nó và chỉ giữ lại những điều tốt đẹp. Rồi tôi lại muốn học xong nhanh để được trở về nhà.
Theo quy tắc đỉnh-kết, não bộ xóa bớt những ký ức tẻ nhạt và đơn điệu, chỉ giữ lại những trải nghiệm nổi bật. Nếu bạn gặp lại người yêu cũ sau vài năm chia tay, có lẽ bạn sẽ không thể tin nổi mình và người đó từng hẹn hò với nhau. Đó là bởi ký ức của bạn không đáng tin.
Não bộ luôn tin rằng một điều gì đó sẽ làm bạn hạnh phúc. Nhưng khi đạt được nó, bạn lại buồn và lại nghe theo tiếng gọi của não đi tìm một điều khác. Đây chính là hiệu ứng thích nghi khoái lạc (hedonic treadmill) - “thủ phạm” khiến bạn không bao giờ hạnh phúc với những gì mình đang có. Bạn tin rằng việc đạt một mục tiêu tương lai sẽ mang lại hạnh phúc mãi mãi.
Tương tự, chúng ta cũng thường tin rằng việc “sống” lại một ký ức đẹp trong quá khứ sẽ mang lại hạnh phúc mãi mãi. Nhưng ở cả hai trường hợp, tâm trí chúng ta chỉ đang tìm cách trốn thoát khỏi thực tại. Trong khi đó, đây mới là thời điểm tốt nhất để tìm kiếm hạnh phúc.
Bước 2: Ở cạnh những người yêu thương và tôn trọng con người thật của bạn
Nếu ví tâm trí bạn như một cái ghế, thì mỗi mối quan hệ là một chân ghế. Nếu một (hoặc nhiều) chân ghế bị gãy, bạn phải thay chân mới. Hoặc ít nhất tăng kích cỡ cho những chiếc chân còn lại để bù trừ cho số chân bị mất.
Điều này có nghĩa bạn phải tái kết nối với những người thực sự quan tâm bạn. Họ sẽ giúp bạn nhảy qua bức tường thành cảm xúc, từ đó bắt đầu quá trình xây dựng lại bản thân - một chặng đường dài và đầy chông gai.
Việc này nghe thì dễ hơn làm. Bởi một khi bạn đã bị hủy hoại bởi mất mát, bạn sẽ muốn gọi hội bạn đến uống say mèm để giải tỏa. Hoặc gọi điện về cho cha mẹ và thừa nhận mình thất bại.
Điều này lại càng khó với những ai đang trong mối quan hệ độc hại. Bởi họ đã có quan hệ độc hại trong một khía cạnh cuộc sống, thì nó sẽ lan ra các khía cạnh khác nữa. Hệ quả là xung quanh không có ai yêu thương và tôn trọng họ vô điều kiện, và drama bủa vây họ mọi lúc mọi nơi. Và khi một trong các mối quan hệ độc hại ấy đổ vỡ, nó thường trở thành chất xúc tác để gây drama trong những mối quan hệ khác.
Tôi có một lời khuyên thế này: Nếu đã “trót” đánh mất một mối quan hệ độc hại, nên tranh thủ cơ hội này thanh lọc luôn số còn lại. Hãy tận dụng cuộc khủng hoảng nhỏ này làm phép thử xem ai thực sự quan tâm đến bạn, còn ai chỉ ở đó để “hít” drama. Những người thực sự tốt với bạn sẽ không ngần ngại giúp đỡ bạn vô điều kiện. Còn những người độc hại chỉ chờ chực cơ hội này để tạo thêm drama cho đời bạn mà thôi.
Bước 3: Đầu tư cho một mối quan hệ chất lượng với chính bạn
Người ta dựa vào các mối quan hệ độc hại để nhìn nhận giá trị bản thân mình. Sở dĩ họ làm vậy vì họ chưa từng có những mối quan hệ chất lượng với chính mình.
Vậy làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ như vậy? Hay nói cách khác, làm sao để đối xử tốt với cơ thể, tâm trí và cảm xúc của bạn?
Câu trả lời rất đơn giản: Đi tập gym, ngừng ăn uống vớ vẩn và ra ngoài phơi nắng (nhưng nhớ bôi kem chống nắng). Đây là thời điểm hoàn hảo để đăng ký khóa học lâu nay bạn vẫn cân nhắc, để đọc cuốn sách đã nằm yên trên giá vài tháng nay và để ý những gì bạn đưa vào cơ thể. Đây cũng là lúc bạn có thể thấy buồn bã, tức giận hay tội lỗi mà không sợ bị phán xét.
Bạn có thể tận dụng chính sự mất mát đó làm động lực hoàn thành những việc trên. Chẳng hạn nếu bạn bị “đá”, thì cải thiện bản thân chính là sự trả thù ngọt ngào nhất bạn có thể dành cho người cũ. Nếu vừa mất một người thân yêu, hãy nghĩ về những ước nguyện họ dành cho bạn và biến chúng thành hiện thực. Nếu bạn mất đi công việc, hoặc phải chia tay với một chương đẹp đẽ của cuộc sống, hãy tập trung xây dựng một chương mới tốt đẹp hơn từ hôm nay.
Bước 4: Nếu bạn bị kẹt trên một hoang đảo và có thể làm mọi điều bạn muốn…
Một kỹ thuật ứng phó lành mạnh bạn có thể áp dụng sau mất mát: làm điều gì đó đơn giản vì nó vui. Thử nghĩ về nó theo cách này: nếu bạn ở trên đảo hoang một mình, không có ai xung quanh và không vướng bận nghĩa vụ gì khác, thì bạn sẽ dành thời gian đó làm gì?
Nếu không trả lời được câu hỏi này, bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Bởi như vậy nghĩa là mọi thứ bạn làm chỉ nhằm mục đích gây ấn tượng với người khác, hoặc mang về cho bạn một lợi ích gì đó từ mối quan hệ với họ. Đây chính là lý do mối quan hệ của bạn với họ không kéo dài được lâu.
Bước 5: Nếu cần thiết, đừng ngại sống độc thân một thời gian
Khi mất đi một mối quan hệ thân mật, nhiều người có xu hướng đi tìm các nguồn khác để bù đắp sự thiếu vắng các hormone hạnh phúc. Họ lập tức hẹn hò với người mới, hoặc tìm kiếm sự chú ý, tình cảm hoặc tình dục. Đây là một ý tưởng tồi, vì nó kéo chúng ta xa rời khỏi những cơ chế đối phó lành mạnh tôi liệt kê ở trên.
Nếu bạn bị người cũ “đá” (hoặc người ấy vĩnh viễn rời xa thế giới), thì dù mối tình của bạn lành mạnh và an toàn, bạn vẫn cần thời gian để phục hồi cảm xúc. Nếu ngay lập tức trao trái tim mình cho một người khác, bạn sẽ không thể làm điều này.
Nếu có thể, hãy tạm thời sống độc thân và học cách dành thời gian cho chính mình. Chỉ hẹn hò trở lại khi bạn thực sự sẵn sàng, chứ không phải vì bạn thấy có nghĩa vụ phải làm điều đó.
Sau cùng thì ai cũng phải đối diện với mất mát
Cuộc đời là một chuỗi những mất mát. Đó cũng gần như là điều chắc chắn duy nhất trong sự tồn tại của chúng ta. Qua mỗi năm, chúng ta đều trưởng thành và bỏ lại phía sau những phiên bản cũ mà ta mãi mãi không thể trở lại. Ta mất đi một số người thân, bạn bè, các mối quan hệ, công việc và cộng đồng. Ta cũng đánh mất niềm tin, trải nghiệm, quan điểm và đam mê. Rồi đến một ngày, ta cũng mất đi luôn sự tồn tại của chính mình.
Khi nghĩ về một quãng thời gian khó khăn trong đời, bạn cần nhớ rằng: để vượt qua nó, bạn phải chấp nhận mất mát. Bạn phải bỏ lại vài điều đang theo đuổi và vài mối quan hệ để tạo ra những ý nghĩa khác lớn lao và lành mạnh hơn. Mỗi bước trưởng thành đều đi kèm mất mát ở một mức độ nhất định, và mỗi mất mát đều khiến bạn trưởng thành hơn. Hai điều này luôn đi đôi với nhau.
Người ta thường thích nhìn nhận việc trưởng thành qua lăng kính màu hồng. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Sự thay đổi lột xác luôn đi kèm một mớ cảm xúc hỗn độn: sự tiếc nuối phiên bản quá khứ, và sự hài lòng với phiên bản bạn đã “tiến hóa” lên.
Đêm đó, vợ chồng tôi tiếp tục đi dạo. Tình cờ chúng tôi gặp một nhà hàng mới mở, với những món ăn mới mà chúng tôi muốn thử, và những trải nghiệm mới mà chúng tôi đã sẵn sàng chia sẻ cùng nhau. Tôi có thể hơi buồn vì tiếc nhớ quá khứ, nhưng tôi biết luôn có những niềm vui giản dị mới dành cho vợ chồng tôi phía trước.