5 Cảnh sát Mỹ đánh người đến thiệt mạng: Nên cảnh báo về độ bạo lực khi đưa tin

Nạn nhân đã qua đời, nhưng hình ảnh bạo lực tiếp tục gây ra đau đớn với thân nhân và công chúng.
Long Vũ
Nguồn: The Guardian

Nguồn: The Guardian

Bài viết bao gồm các mô tả về bạo lực vật lý.

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Hôm 27/1, giới chức thành phố Memphis, bang Tennessee (Mỹ) đã công bố loạt video ghi lại hình ảnh 5 cảnh sát đánh hội đồng Tyre Nichols vào tối ngày 7/1.

5 cảnh sát người da màu thuộc đội chống tội phạm đường phố (SCORPION), Sở Cảnh sát Memphis đã truy đuổi nạn nhân, và liên tục đánh đập Tyre Nichols trong vòng 5 phút. Anh bị cáo buộc là "qua đường ẩu."

Khi đó, anh Tyre Nichols đang trên đường trở về nhà mẹ sau khi chụp ảnh hoàng hôn ở ngoại ô Memphis. Sự việc xảy ra không xa nhà anh, và nạn nhân cũng cố gắng gọi mẹ khi giằng co với các cảnh sát.

Phân tích của The New York Times từ camera đeo trên người các cảnh sát và CCTV cho thấy trong 13 phút, các cảnh sát đã đưa ra tới ít nhất 71 mệnh lệnh tới nạn nhân. Nhiều mệnh lệnh trong số đó rất khó hiểu và mâu thuẫn lẫn nhau. Hơn thế, dù không chống lại mệnh lệnh của cảnh sát, anh Nichols vẫn tiếp tục bị đá vào mặt.

Sau khi hứng chịu 9 cú đánh vào cơ thể, trong đó có nhiều cú đánh vào các yếu huyệt, cảnh sát còng tay Nichols sau lưng, đặt nạn nhân dựa vào một xe tuần tra, rồi bỏ mặc nạn nhân trong vòng 20 phút mà không kiểm tra sức khoẻ. Họ thậm chí còn có cử chỉ "ăn mừng" vì bắt người thành công.

Nạn nhân được nhập viện trong đêm, và qua đời sau 3 ngày vì những thương tổn ở vùng thận và ngưng tim. Vụ việc gây phẫn nộ lớn đối với công chúng Mỹ.

2. Người dân Mỹ phản ứng như thế nào?

Việc sử dụng bạo lực một cách có hệ thống trong lực lượng cảnh sát Mỹ là những gì các nhà hoạt động xã hội lên tiếng cảnh báo, đặc biệt là khi sự việc này gợi nhắc lại sự kiện George Floyd bị cảnh sát ghì chết vào năm 2020.

Biểu tình nổ ra ở ít nhất 11 thành phố trên toàn nước Mỹ sau khi đoạn video được giới chức Memphis công bố. Các khẩu hiệu được hô vang bao gồm "không có công lý, không có hòa bình" và "đòi công lý cho Tyre."

Các chính trị gia như tổng thống Joe Biden và cựu tổng thống Donald Trump đều lên án hành động bạo lực khi xem đoạn clip. Nhưng giới chức Mỹ và cả mẹ của Tyre Nichols đều kêu gọi mọi người biểu tình trong hoà bình.

Với phản ứng dữ dội từ công chúng cùng độ nghiêm trọng của sự việc, đội SCORPION bị giải thể và 5 cảnh sát thực hiện hành vi bạo lực cũng bị truy tố. Họ bị cáo buộc giết người cấp độ 2, hành hung nghiêm trọng, bắt cóc nghiêm trọng, v.v.

Các ý kiến trái chiều cũng được giới chuyên gia và các nhà hoạt động đưa ra. Quỹ New York City’s Legal Aid Society cho rằng cần phải nhấn mạnh bạo lực cảnh sát vẫn đang hoành hành tại các cộng đồng da màu ở toàn nước Mỹ (theo The Guardian). Trước việc tất cả các cảnh sát gây tội lần này đều là người da đen, nhiều nhà bình luận cho rằng vấn đề cốt lõi của sự việc không phải phân biệt chủng tộc, mà là cách hệ thống cảnh sát tại Mỹ đã thấm nhuần bạo lực.

Tuy nhiên, theo luật sư Malcom Ruff, vấn đề phân biệt chủng tộc không nằm ở màu da của người gây tội ác, mà ở chủng tộc của nạn nhân (theo USA Today).

3. Truyền thông đưa tin ra sao?

CNN là một trong những tờ báo đầu tiên đặt câu hỏi về tính đạo đức khi đưa tin về các sự kiện bạo lực có tính chất man rợ. Họ hỏi, làm sao có thể cân bằng giữa việc phụng sự yêu cầu về tính minh bạch cho công chúng, đồng thời thận trọng khi phát tán các đoạn video, mà cuối cùng sẽ dẫn đến cáo buộc giết người cho các cảnh sát.

Đây là sự nghi ngại chính đáng, khi các cơ quan truyền thông không phải quan toà để kết án những người chưa đứng trước vành móng ngựa. Nghi ngại tiếp theo là liệu khán giả có bị ảnh hưởng khi xem các thước phim bạo lực.

Khi video được giới chức ở Memphis tung ra, hầu hết các đài truyền hình ở Mỹ đăng lại đoạn clip, chỉ có cảnh báo bạo lực chứ không có che chắn. Dù có thể không hề dễ chịu đối với công chúng khi họ tiếp nhận những hình ảnh này, song với Erin Burnett, người dẫn chương trình tại CNN, những hình ảnh này quan trọng vì nó để tất cả nhìn thấy bất công vẫn đang xảy ra.

Thường thì các toà soạn sẽ phải đứng trước vô vàn cân nhắc để quyết định đăng hay không. Nếu mẩu thông tin được cho là cực kỳ quan trọng, họ sẽ đăng thô nhưng chỉ trong một vài ngày đầu tiên.

Bill Grueskin, giáo sư báo chí tại Đại học Columbia cho rằng các toà soạn sẽ phải cân nhắc xem hình ảnh có giá trị về mặt tin tức đến đâu, và liệu họ đã chuẩn bị trước cho khán giả một tâm thế để tiêu thụ những thông tin rất đỗi khó chịu này chưa.

Dường như không có chuẩn mực chung nào trên toàn thế giới cho việc đưa hay không đưa tin. Các tranh cãi về đạo đức vẫn sẽ tiếp tục tiếp diễn, giống như sự kiện nhiếp ảnh gia Nick Út chụp lại "Cô bé Napalm" hay đạo diễn Tạ Quỳnh Tư quay lại sự ra đi của bệnh nhân Covid-19 giữa tâm dịch.

4. Hình ảnh bạo lực có tác động gì đến công chúng?

Tác động của một thước phóng sự hoặc băng thô và phim ảnh về các vấn đề bi kịch như giết người, rối loạn tâm lý và thảm hoạ thiên nhiên đối với công chúng là rất khác nhau. Đã từng có tranh luận về vấn đề này khi Sơn Tùng MTP cho ra mắt phiên bản đầu tiên của There's No One At All. Cần nhớ rằng phân biệt giữa hiện thực và hư cấu là tác vụ độc giả có thể làm được.

Với một tác phẩm truyền thông mang tính "khắc hoạ sự thật," khán giả sẽ có nhận thức rằng những điều được khắc hoạ là có-thật trong cuộc sống, chứ không tồn tại trong một thế giới câu chuyện (storyworld) hư cấu. Trong các tình huống nhập nhằng giữa hiện thực và hư cấu như bộ phim về kẻ giết người Jeffrey Dahmer, ảnh hưởng tới công chúng cụ thể là gì mới khó nói hơn.

Theo The Conversation, bên cạnh việc thông tin bạo lực có thể gây sốc và sang chấn tâm lý với khán giả, thì một nỗi lo lớn hơn sẽ là kẻ thủ ác bị nhìn như đại diện của cộng đồng họ, thay vì được đối xử như một cá nhân. Nói cách khác, khán giả có thể có định kiến đối với một số màu da hoặc bệnh tâm lý nếu người có hành vi tiêu cực thuộc về các nhóm danh tính này.

Ví dụ đơn giản nhất trong những tình huống này là cả một đất nước sẽ bị đóng khung vào hình ảnh xả súng và bạo lực cảnh sát.

5. Khán giả cần chuẩn bị gì trước khi xem nội dung bạo lực?

Giới truyền thông nên có cảnh báo cụ thể đối với công chúng trước khi họ ấn vào chế độ huỷ làm mờ và cảm nhận thấy sức nặng của toàn bộ các hình ảnh bạo lực, đó là điều chắc chắn.

Nhưng sẽ rất khó để ngăn cản khán giả khi những hình ảnh này đã phổ biến trên truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Thông tin bạo lực, gây cảm xúc mạnh rất thu hút đối với người xem. Vì thế bên cạnh sự đề phòng của truyền thông, bản thân độc giả cũng phải tự chuẩn bị cho mình tâm thế trước khi quan sát các thông tin nặng nề. Họ cần biết các giới hạn tâm lý của mình, và tránh việc xem tất cả các video về sự việc thương tâm cùng một lúc.

Theo tiến sĩ Riana Elyse Anderson thuộc trường Y tế Công cộng, Đại học Michigan, khán giả cần nhận thức rằng những video trên không giải thích được cho bạn xem vì sao bạo lực vẫn diễn ra.

Quả thực, các sự việc cảnh sát sử dụng bạo lực chỉ là một phần rất nhỏ của bức tranh xã hội, nơi vũ lực diễn ra một cách hệ thống. Các toà soạn và khán giả cần nhấn mạnh điều này, thay vì suy nghĩ rằng những sự việc tiêu cực tồn tại đơn lẻ, và do "không may" nên mới xảy ra.

Thấu hiểu những điều trên, người tiêu thụ truyền thông sẽ nhận thức được thêm rằng có cần thiết không khi họ tiếp tục truyền bá các hình ảnh bạo lực bằng nút share trên mạng xã hội. Câu hỏi trước khi chia sẻ là, những người xung quanh mình đã được chuẩn bị để tiếp xúc với những "cái chết" trên truyền thông hay chưa?


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục