5 Phương pháp ghi nhớ để đạt hiệu quả tốt hơn

Đọc lại, highlight và tóm tắt là những phương pháp ghi nhớ phổ biến nhưng không mang lại hiệu quả cao.
Lê Hùng Luận
Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Dù cho có trải qua 12 năm đèn sách, thậm chí là 16 năm nếu chúng ta học Đại học, chẳng có một bài giảng hay tiết học nào trực tiếp hướng dẫn chúng ta cách ghi nhớ hiệu quả. Đa số học sinh, sinh viên sẽ sử dụng phương pháp tự nhiên nhất: đọc lại, đánh dấu (highlight) và tóm tắt. Rất tiếc trong tất cả các phương pháp ghi nhớ thì nhóm này có hiệu quả thấp nhất.

Thế ghi nhớ còn có những phương pháp nào có hiệu quả? Làm thế nào để thực hiện những phương pháp đó, cùng tìm hiểu nhé.

1. Chủ động gợi nhớ (active recall)

Nếu phương pháp đọc lại là đưa kiến thức vào đầu, thì active recall bắt chúng ta phải lôi kiến thức ra khỏi đầu để ghi nhớ bằng cách trả lời một loạt những câu hỏi về bài học.

Để thực hiện active recall, bước đầu bạn cần tạo bộ câu hỏi về bài học cần ghi nhớ. Hiểu đơn giản, đây giống như “phiên bản nâng cấp” của những câu hỏi cuối bài học trong sách giáo khoa. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu bằng câu hỏi tổng quát như “active recall là gì?” rồi đi sâu vào hỏi cụ thể những kiến thức trong bài học. Hãy “đóng vai” là một người muốn tìm hiểu về vấn đề để tạo nên được một bộ câu hỏi chất lượng.

Việc chủ động nhớ lại thông tin đã được học để trả lời câu hỏi sẽ hiệu quả hơn so với việc đọc lại bài giảng một cách thụ động.

Tiếp theo là kiểm tra chính mình bằng bộ câu hỏi trên. Để tăng hiệu quả của phương pháp này, bạn có thể tiến hành học theo nhóm để trao đổi chéo những bộ câu hỏi với người khác. Hoặc tham khảo thêm 12 cách để thực hành active recall tại đây:

2. Lặp lại ngắt quãng (space repetition)

Quên là một điều tất yếu khi ta ghi nhớ, quá trình này còn được vẽ lại thành biểu đồ như sau:

Trong lúc học, nếu quên rồi thì bạn chỉ còn cách là ôn lại, thế nhưng ôn lại ở thời điểm nào với tần suất ra sao thì hợp lý? Nếu lịch ôn tập quá dày thì không đủ thời gian để ôn tập tất cả kiến thức. Nếu lịch ôn tập quá xa thì lại mất công ghi nhớ từ đầu.

Theo space repetition thì thời điểm ôn lại bài tối ưu nhất chính là thời điểm chúng ta bắt đầu quên đi những kiến thức học được. Ở những lần ôn tập sau, thời gian để quên đi sẽ ngày càng dài ra, chúng ta sẽ bớt phải ôn tập thường xuyên hơn. Dần dần, đường cong quên lãng sẽ dần dần chuyển từ dốc đứng sang dốc thoải (xem hình dưới), chúng ta sẽ ghi nhớ kiến thức lâu hơn.

Áp dụng vào thực tế, chúng ta có thể bắt đầu ôn tập với lịch cách 1 ngày - 3 ngày - 1 tuần - 1 tháng… Đối với những mục ôn lại mà chúng ta quên quá nhiều hoặc gần như quên sạch thì chúng ta có thể rút ngắn thời gian đến lần ôn tập tiếp theo. Còn những mục nào đã ghi nhớ tốt thì thời gian đến lần ôn tập tiếp theo sẽ dài hơn. Phương pháp này có thể giúp bạn tạo nên lịch ôn tập phù hợp với quá trình ghi nhớ của mình.

Để tìm hiểu kỹ hơn về cách thực hiện 2 phương pháp này, bạn có thể tham khảo video của chị Chi Nguyễn (The Present Writer):

3. Chơi chữ, ghép từ (pneumonic)

“Khi nào cần may áo giáp sắt nhớ sang phố hỏi cửa hàng Á Phi Âu”

Đây chính là ví dụ điển hình cho việc chơi chữ để ghi nhớ một đoạn thông tin khô khan kém hấp dẫn. Mặc cho việc bạn đam mê Hóa đến đâu, thì việc ghi nhớ chuỗi ký hiệu vô nghĩa như “K, Na, Ca, Mg, Al, Zn, Fe, Ni, Sn, Pb, (H), Cu, Hg, Ag, Pt, Au” vẫn sẽ là một cực hình khi so với câu nói ở trên.

Những kiến thức mới nào càng dễ kết nối với những kiến thức cũ, chúng ta sẽ càng dễ dàng ghi nhớ chúng hơn. Bạn có thể tham khảo những câu chơi chữ đã có sẵn hoặc tự sáng tạo ra những câu của riêng mình đều hiệu quả cả.

4. Không gian hóa trí nhớ (memory palace)

Có những người ghi nhớ bằng hình ảnh là chủ yếu. Họ sẽ học nhanh hơn, ghi nhớ sâu hơn những hình ảnh, không gian dù là thực tế hay vẽ minh họa, thậm chí là từ trí tưởng tượng.

Với phương pháp này chúng ta sẽ hình dung lại những địa điểm, không gian mà mình vô cùng quen thuộc. Đó có thể là căn phòng của bạn, góc cà phê ưa thích,... Miễn là bạn có thể hình dung ra không gian đó một cách dễ dàng.

Tiếp theo đó là tưởng tượng ra bất cứ vật thể nào gợi nhớ được đến thông tin bạn cần ghi nhớ và “đặt” chúng vào trong không gian đó.

Trong những năm theo học trường Y, mình thường dùng cách này để nhớ những khái niệm khó liên hệ với đời sống. Chẳng hạn như các nhánh động mạch chủ bụng, các loại thuốc điều trị tăng huyết áp, các kiểu bệnh tim bẩm sinh,... Nhìn chung, memory palace thường hiệu quả dành cho những kiến thức ngẫu nhiên và/hoặc khó móc nối với những gì bạn đã biết.

5. Sơ đồ tư duy (mind map)

Đây là một phương pháp hệ thống kiến thức nổi tiếng bởi nhà nghiên cứu người Anh Tony Buzan. Trong thực tế, để giải quyết một vấn đề thường yêu cầu sự kết hợp của nhiều mảng kiến thức với nhau. Và việc ghi nhớ theo từng mục có thể khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc hệ thống kiến thức.

Để tăng hiệu quả của việc vẽ sơ đồ tư duy, hãy vẽ mà không mở tài liệu tham khảo để chúng ta cùng lúc có thể thực hành active recall. Bạn có thể tìm hiểu tất tần tật các lưu ý khi sử dụng sơ đồ tư duy trong video này:

... hoặc tham khảo các đầu sách của tác giả Tony Buzan nhé.

Đối với các bạn có thiên hướng ghi nhớ bằng hình ảnh thay vì chữ viết, mind map có thể trở thành phương thức ghi nhớ và tư duy chính, thậm chí còn có thể thay thế cả cách ghi chú truyền thống nữa đấy.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục