5 Thuật ngữ để hiểu cách các nguyên thủ "giải cứu" môi trường tại COP28

Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 28 quan tâm tới những chủ đề gì? Liệu có bước tiến gì so với COP27 không?
Huỳnh Đức
Nguồn: CNN

Nguồn: CNN

COP là viết tắt của Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu. COP28 là hội nghị lần thứ 28, diễn ra tại tại Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), từ ngày 30/11 - 12/12/2023.

Đến nay có trên 170 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ tham dự và đăng ký phát biểu tại Hội nghị. COP28 được đánh giá là Hội nghị lớn nhất từ trước tới nay với số lượng nguyên thủ cao nhất, số đại biểu cao nhất.

Đồng thời, đây được coi là hội nghị quan trọng nhất của Liên hợp quốc trong 8 năm vì các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lần đầu tiên đánh giá những mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.

Nếu quan tâm đến các vấn đề môi trường đang gặp phải, hay đơn giản là một người yêu thiên nhiên, những thuật ngữ sau chắc chắn sẽ dành cho bạn.

1. Net-zero transition

Thuật ngữ net-zero transition đề cập đến quá trình đạt được lượng khí thải nhà kính bằng không. Nói cách khác, nó hướng đến sự cân bằng giữa lượng khí thải nhà kính được thải ra môi trường và lượng khí thải loại bỏ khỏi môi trường. Điều này đòi hỏi sự chuyển mình đáng kể của nền kinh tế toàn cầu.

Quá trình chuyển đổi kinh tế sẽ đòi hỏi mức chi tiêu trung bình hàng năm rơi vào ngưỡng 9,2 nghìn tỷ USD cho tài sản vật chất, nhiều hơn 3,5 nghìn tỷ USD so với hiện nay. Quá trình này cũng sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng cho các quốc gia, doanh nghiệp vì nó mở ra một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm, dịch vụ có lượng khí thải thấp.

Chủ tịch COP28 đã ra mắt Hiến chương chuyển đổi Net-Zero cho khu vực tư nhân nhằm thực hiện các hành động mang tính đột phá hơn về vấn đề khí hậu. Mục tiêu đặt ra là giảm 43% lượng khí thải trong bảy năm tới với tất cả các nguồn vốn, từ nguồn vốn công, tư nhân đến các khoản từ thiện cần thiết.

2. Net-zero financing gap

Net-zero financing gap là sự khác biệt giữa số tiền cần thiết để đạt lượng phát thải ròng bằng 0 và số tiền hiện có để đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng carbon thấp (low-carbon). Đây là một trong những chủ đề quan trọng trong tại COP28.

Một số điểm chính về “net-zero financing gap” là:

  • Để đạt được net-zero vào năm 2050, chúng ta có thể cần khoản đầu tư vốn xanh ước tính là 6,5 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
  • Nhu cầu tài chính thích ứng của các nước đang phát triển lớn gấp 10-18 lần dòng tài chính công quốc tế, cao hơn 50% so với ước tính trước đó.
  • Khoảng cách tài chính thích ứng hiện nay được ước tính là từ 194 đến 366 tỷ USD mỗi năm.

Dẫu vậy, hầu hết các công ty tài trợ cho COP28 đều không cam kết cắt giảm lượng khí thải nhà kính theo các mục tiêu đã được định sẵn. Đó là các công ty thuộc khu vực tư nhân, chiếm 80% GDP toàn cầu cũng như phần lớn mức tiêu thụ năng lượng và khí thải nhà kính trên thế giới.

3. LEDS

LEDs, viết tắt của Low-emission development strategies, là các kế hoạch hoặc chiến lược phát triển kinh tế quốc gia hướng tới tăng trưởng và phát triển nền kinh tế có khí thải thấp hoặc chống chịu với biến đổi khí hậu. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên trong Khung công ước Biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (UNFCCC) vào năm 2008.

LEDS đóng vai trò rất quan trọng để đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế nóng lên toàn cầu dưới mức 2°C, lý tưởng nhất là ở mức 1,5°C, so với mức nhiệt độ trước giai đoạn công nghiệp hóa.

Một trong những chủ đề chính của COP28 là làm thế nào để thực hiện cả LEDS và NDC (Nationally Determined Contributions) - mức đóng góp các quốc gia tự đưa ra nhằm giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Các nước đang phát triển đã kêu gọi cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho quá trình điều chỉnh, cập nhật và nâng cao LEDS và NDC của họ. COP28 cũng trình bày về thực trạng và thách thức của LEDS và NDC, đồng thời khám phá vai trò của các chủ thể khác nhau, chẳng hạn như Bộ Tài chính hay các Nhà bảo vệ môi trường trong việc thúc đẩy hành động chung vì khí hậu.

4. Energy transition

Energy transition được hiểu là quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch và tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và nhiên liệu sinh học nhằm giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

“Energy Transition Changemakers” là sáng kiến của Chủ tịch COP28 UAE nhằm thúc đẩy sự hợp tác của khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dự án khử cacbon tiên phong, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm kích hoạt và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Từ đó, việc chuyển đổi nhiên liệu có thể được mở rộng phạm vi, quy mô trên toàn cầu.

Chủ tịch COP28 đang tìm kiếm các dự án từ khắp nơi trên thế giới để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Các công ty và tổ chức thuộc mọi quy mô trên toàn cầu đều được chào đón tham gia vào các dự án thuộc bốn lĩnh vực sau: năng lượng tái tạo, tích hợp tái tạo và năng lượng sạch; cải thiện hiệu suất năng lượng (Energy Efficiency); Hydro cacbon thấp; các lĩnh vực phát thải nặng (Heavy Emitting Sectors).

5. Zero-carbon mobility

Zero-carbon mobility đề cập đến việc sử dụng các phương tiện giao thông có lượng khí thải thấp hoặc không tạo ra khí thải nhằm giảm thiểu các tác động của giao thông đến môi trường và khí hậu.

Những phương tiện này bao gồm xe điện, xe chạy bằng nhiên liệu thay thế, xe chạy bằng hydro, xe chạy bằng khí đốt sinh học và nhiều loại xe khác. Mục tiêu của zero-carbon mobility là giảm thiểu lượng khí thải nhà kính và đạt được mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Đây là một trong những chủ đề mà Chủ tịch COP28 đang tập trung vào trong chương trình hành động nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục