6 Bài học báo chí từ 6 bộ phim về nghề báo
Hiện nay, hai tiếng "báo chí" vẫn nhận nhiều định kiến hà khắc của xã hội. Một số chỉ trích là xứng đáng, khi các thông tin không trung thực được nêu ra khiến báo giới mất niềm tin nơi độc giả. Bên cạnh đó, nhiều định kiến khác về mức độ am hiểu kiến thức chuyên môn của nhà báo hay bị lấy ra làm trò đùa. Điều này ngăn cản nhiệm vụ tác nghiệp của những người làm nghề chân chính.
Chúng ta cần hiểu bản chất thật sự của báo chí cũng như lý tưởng của những người theo nghề chân chính vẫn vừa đơn giản vừa đặc biệt: nói và viết lên sự thật.
Để một bài báo được xuất bản, những người làm nghề đã phải trải qua những khó khăn gì? Bài học nào chúng ta cần học nếu muốn và đang dấn thân vào con đường báo chí?
6 bộ phim sau đây sẽ trả lời những câu hỏi này.
Spotlight (2015)
Bộ phim xoay quanh những sự kiện có thật vào năm 2002, kể về nhóm phóng viên Spotlight thuộc tờ báo The Boston Globe và những khám phá của họ về hàng loạt vụ lạm dụng tình dục trẻ em tại một nhà thờ công giáo ở Massachusetts.
Bộ phim được 6 đề cử Oscar năm 2016 và thắng giải "Phim hay nhất" lẫn"Kịch bản gốc xuất sắc nhất".
Học được gì từ Spotlight?
Không chỉ có cách kể chuyện kịch tính khiến bạn khó lòng rời khỏi màn hình, bộ phim còn vén màn những hy sinh thầm lặng của người làm báo. Họ đã phải từ bỏ thời gian cá nhân để liên tục chạy đua với các tin tức mới.
Spotlight cũng tiết lộ những giằng xé lương tâm mà người phóng viên phải đối mặt trong những vụ án liên quan đến các bên quyền lực và được hậu thuẫn bởi cả xã hội. Để nói lên sự thật, các nhà báo phải đứng trước hai lựa chọn: phớt lờ hoặc đấu tranh cho công lý.
“Nếu như cần đến cả một ngôi làng để bảo vệ một đứa trẻ. Thì cũng cần đến cả một ngôi làng để lạm dụng nó.” Bộ phim khắc họa những bất lực và yếu hèn vô trách nhiệm của xã hội trước thần quyền.
The Secret Life of Walter Mitty (2013)
Chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả James Thurber, bộ phim kể về chàng biên tập viên ảnh Walter Mitty. Vô tình lạc mất bức ảnh số 25 vốn được chỉ định là trang bìa số cuối cùng của cuốn tạp chí Life và phải đối mặt với nguy cơ mất việc, Walter đã bắt đầu cuộc hành trình đi từ Âu sang Á để tìm vị nhiếp ảnh gia đã chụp bức ảnh kia.
Học được gì từ The Secret Life of Walter Mitty?
Không có những màn rượt đuổi gay cấn hay những cuộc trò chuyện cân não, bộ phim chỉ kể lại những điều giản dị, của một công việc vốn được cho là tẻ nhạt - những biên tập viên. Vì không ra ngoài tác nghiệp nên công việc của họ thường bị đánh giá thấp.
Thế nhưng, thiếu đi bàn tay của các biên tập viên, những mẩu tin, hình ảnh từ bên ngoài sẽ không được chọn lọc, sắp xếp và sẽ không có trang báo nào được ra đời.
Bộ phim cũng là một lời mời gọi cho các nhà báo trẻ trong việc bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá những điều mới lạ. Bởi nếu không hiện thực hóa các tưởng tượng trong đầu, bạn sẽ không bao giờ có được những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc sống. Không có bài báo nào sẽ được ra đời nếu bạn chỉ mơ mộng về nó.
All President’s Men (1976)
Bộ phim giành giải Oscar này dựa trên một sự kiện có thật về hai nhà báo trẻ của tờ The Washington Post - Carl Bernstein và Bob Woodward. Sau khi điều tra vụ bê bối Watergate và phát hiện hàng loạt sai phạm của chính phủ, các bài báo của họ đã khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.
Học được gì từ All President’s Men?
Khi xã hội dần nhìn nhận không tốt về báo chí trước các mẩu tin vô bổ, bộ phim đã khắc họa tính chân chính của ngành nghề này: theo đuổi, đấu tranh cho công lý, và mang sự thật ra ánh sáng.
Sức ảnh hưởng của báo chí luôn là quyền lực thứ tư, sau các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để giúp phơi bày mọi việc ra ánh sáng. Vì thế, tự do ngôn luận và tự do báo chí là một phần thiết yếu trong việc ngăn chặn sự bành trướng và tha hóa của quyền lực chính trị.
The Insider (1999)
Bộ phim kể về hành trình của Jeffrey Wigand, nhà nghiên cứu của công ty sản xuất thuốc lá Brown & Williamson, cùng nhà báo Lowell Bergman trong việc đã đứng lên chống lại những hành động vô lương tâm của công ty gây hại cho sức khỏe người dùng.
Học được gì từ The Insider?
Bộ phim cho thấy mạnh của báo chí thông qua việc lật tẩy những lời dối trá của ngành công nghiệp thuốc lá - hay còn được Wigand gọi là ngành “vận chuyển nicotine” - vào những năm 90.
Việc mang sự thật ra ánh sáng của người làm báo sẽ luôn bị ngăn cản trước quyền lực và lợi ích tiền bạc. Nhưng dù sao đi nữa, lý tưởng mang lại sự tốt đẹp cho xã hội vẫn sẽ thắng thế không bị những lợi ích tiền bạc bịt miệng
Jim: The James Foley Story (2016)
Bộ phim tài liệu kể về cuộc đời của nhà báo và phóng viên chiến trường James Foley, người đã bị tổ chức khủng bố ISIS bắt cóc và giết hại vào năm 2014.
Học được gì từ Jim: The James Foley Story?
Nếu muốn làm phóng viên chiến trường, hẳn bạn phải lường trước sự khắc nghiệt của nó. Đằng sau sự mạnh mẽ của các phóng viên là nguy cơ mất mạng bất cứ lúc nào, cũng như sự thiếu quan tâm của chính phủ trong việc bảo vệ các nhà báo hoạt động ở vùng chiến tranh nhạy cảm.
Nhưng dù hiểm nguy, mong muốn mang đến những hình ảnh về bom đạn và nâng cao nhận thức của mọi người về chiến tranh luôn là một mong muốn cao đẹp. Những người đứng sau mong muốn ấy luôn là những con người bình dị, ngọt ngào và xứng đáng để có nhiều câu chuyện kể về họ.
Shattered Glass (2003)
Câu chuyện dựa trên một nhân vật có thật về Stephen Glass. Anh từng là "ngôi sao" của báo giới Mỹ trong thập niên 1990 nhờ các bài viết thú vị trong xã hội. Thế nhưng, nhiều người bắt đầu nghi ngờ Glass bịa đặt ra các câu chuyện và cuối cùng anh phải chấm dứt sự nghiệp báo chí của mình.
Học được gì từ Shattered Glass?
Bộ phim phản ánh vấn đề nhức nhối trong giới báo chí cho đến tận bây giờ: những mẩu tin bịa đặt nhưng có khả năng thu hút độc giả. Vì ảnh hưởng của lợi nhuận, nhiều nhà báo đã mãi chìm đắm trong sự giả dối cùng dòng giật tít.
Nhưng cuối cùng, nhiệm vụ tiên quyết của người làm báo vẫn là tìm kiếm và đưa tin về những sự thật. Sự giả dối đến cuối cùng cũng sẽ luôn bị bại lộ. Và ảnh hưởng xấu của nó không chỉ với cho cá nhân mà còn với cả một ngành nghề.