6 Bí quyết giao tiếp giúp bạn khắc phục thói quen nói nhanh
Nếu bạn thường vô thức nói nhanh hơn khi lo lắng hoặc hào hứng, hãy tham khảo 6 bí quyết sau để khắc phục thói quen nói nhanh khi thuyết trình và giao tiếp.
Giao tiếp là một quá trình truyền tải thông tin. Bên cạnh nội dung, hình thức truyền tải cũng là một yếu tố đóng góp cho hiệu quả cuối cùng, nhưng lại thường bị bỏ quên.
Nếu mắc phải những trở ngại về giọng nói, chúng ta không chỉ để lại những ấn tượng không tốt, khiến quá trình giao tiếp khó khăn hơn mà còn khiến giọng nói yếu ớt, thiếu rõ ràng. Một trong số đó, trở ngại phổ biến nhất là tốc độ nói quá nhanh.
Vì sao bạn có xu hướng nói nhanh hơn?
Tốc độ nói vừa phải thường nằm trong khoảng 120 chữ đến 160 chữ/phút. Bạn có thể xác định tốc độ nói thông thường của mình bằng cách:
- Bước 1: Chọn một đoạn văn khoảng 250 chữ
- Bước 2: Đọc trong một phút với tốc độ thông thường và ghi âm lại
- Bước 3: Đếm số chữ bạn đã đọc được trong một phút
Nếu kết quả hơn 160 chữ/ phút, bạn là một người có tốc độ nói nhanh. Để cải thiện, trước hết chúng ta cần xác định nguyên nhân, và chúng thường là:
Cảm thấy hồi hộp, lo lắng hoặc hào hứng
Khi trở nên hồi hộp hay lo lắng, chúng ta có xu hướng tăng tốc độ nói để che giấu điều đó (theo Psychology Today). Khi phải thuyết trình trước đám đông, bạn thường nói nhanh hơn khi chưa chuẩn bị kỹ càng và không muốn người khác nhận ra.
Ngược lại, khi trình bày về vấn đề bạn hiểu rõ, cảm giác hào hứng cũng khiến tốc độ bị đẩy nhanh hơn, vì bạn nóng lòng muốn chia sẻ thêm càng nhiều thông tin mình biết.
Suy nghĩ nhanh
Những người suy nghĩ nhanh thường tăng tốc độ nói để không bỏ lỡ bất kỳ ý tưởng nào. Đồng thời khi đã quen với việc nói nhanh, bạn cảm thấy phải lấp đầy những khoảng nghỉ khi trình bày. Điều này dẫn đến những ý tưởng thiếu liên kết, khiến bố cục bài thuyết trình không còn chặt chẽ.
Do thói quen từ nhỏ
Trong các gia đình đông con, các đứa trẻ thường tranh giành cơ hội được nói (Nguồn: Psychology Today). Chúng tin rằng đây là cách duy nhất để gây sự chú ý, nhất là khi những anh chị em trong nhà luôn muốn thể hiện ý kiến của mình.
Lý do bạn cần chú ý đến tốc độ nói
Người có tốc độ nói nhanh thường được cho là đáng tin cậy, thông minh và thu hút hơn về mặt xã hội. Tuy nhiên, tốc độ nói nhanh lại không đảm bảo cho khả năng thuyết phục người khác.
Tốc độ vừa phải sẽ cho bạn thời gian để sắp xếp suy nghĩ trong đầu và không bị hụt hơi giữa chừng. Người nghe cũng không cảm thấy như đang phải "chạy nước rút". Nhờ đó, bạn và người nghe đều thấy dễ chịu hơn.
Trong giao tiếp, khi nhận thấy người nghe thể hiện sự đồng tình, nói chậm lại mới giữ được hiệu quả này. Ngược lại, nếu người nghe có vẻ phản đối điều bạn đang nói, tăng tốc độ nói lên sẽ là một chiến thuật phù hợp.
Vì vậy, việc biết cách điều chỉnh tốc độ nói dựa vào các tình huống khác nhau là điều rất quan trọng trong giao tiếp.
Làm thế nào để khắc phục thói quen nói quá nhanh?
1. Quản lý thời gian
Với những buổi thuyết trình bị giới hạn thời gian, càng về cuối chúng ta càng có xu hướng đột ngột tăng tốc độ nói. Vì vậy, hãy luyện tập trước để kiểm soát thời gian tối đa bạn có thể dành ra cho từng phần của bài thuyết trình.
Khi luyện tập, hãy lập dàn bài đi từ ý chính, ý phụ đến các ý thêm thắt bên lề (đánh dấu màu sắc khác nhau sẽ giúp bạn dễ phân biệt hơn). Đến lúc khẩn cấp cần cắt bớt nội dung, bạn sẽ đỡ phải lúng túng vì không biết phần nào quan trọng, phần nào có thể bỏ qua.
2. Kiểm soát hơi thở
Khi bị hụt hơi, chúng ta thường cố gắng nói nhanh hơn để hoàn thành đoạn đang dang dở. Cảm giác lo lắng khiến chúng ta hít thở nhanh hơn nên lượng khí oxy đi vào cơ thể qua mỗi lượt thở ít đi, dẫn đến tình trạng hụt hơi như trên. (Theo trang coolcommunicator.com)
Để tránh tình trạng này, hãy cố gắng hít thở sâu và lấy nhiều không khí nhất có thể. Khi này, bạn có thể kiểm soát tốc độ nói tốt hơn vì bạn không bị thúc đẩy phải làm bất cứ gì cả.
3. Ghi âm và lặp lại
Ghi âm lại quá trình luyện tập giúp bạn nhận ra những lỗi cần được khắc phục. Sau mỗi lần luyện tập, hãy ghi chú lại những điểm nào cần thêm khoảng nghỉ, chậm lại và cải thiện hơn ở lần tiếp theo. Cũng đừng quên kết hợp với hai phương pháp đã nêu trên trong lúc luyện tập.
4. Dành ra những khoảng nghỉ
Cách này giúp bạn tạm ngừng lại và cân nhắc lại tốc độ của mình. Bạn có thể tận dụng phần ghi chú trong trang thuyết trình để nhắc nhở, hoặc đặt một ký hiệu nào đó mà chỉ có bạn hiểu.
Một cách khác là sau mỗi trọng điểm được trình bày, hãy tóm tắt lại bằng các mục nhỏ và hỏi liệu người nghe có bất kỳ câu hỏi nào không. Điều này cũng giúp người khác tập trung và không cảm thấy quá tải sau những thông tin quan trọng.
5. Tận dụng việc uống nước
Một bí quyết nhỏ là đặt một chai nước bên cạnh. Khi hoàn tất một phần bài nói, bạn có thể nghỉ để uống nước, tạo nên những khoảng dừng tự nhiên. Tuy nhiên, nếu lạm dụng cách này thì người khác sẽ nghĩ rằng bạn đang quá lo lắng, nên hãy chú ý tần suất uống nước nhé.
6. Nhờ người khác nhắc nhở
Một cách hiệu quả để khắc phục vấn đề tốc độ nói, đồng thời khuyến khích người nghe tương tác là nhờ họ ra hiệu khi bạn lỡ nói quá nhanh. Chỉ cần nói trước vấn đề này, họ sẽ chú ý đến bài thuyết trình và thông cảm với bạn hơn thay vì cảm thấy khó chịu hoặc mất tập trung.
Nếu ngại nhờ người lạ, bạn có thể nhờ những người bạn, người quen cũng tham gia cuộc trò chuyện/ buổi thuyết trình hôm đó.