6 Tật xấu mình đã bỏ để thiết kế tốt hơn
Mình đã thiết kế hơn 21 ngàn giờ.
Malcolm Gladwell viết trong cuốn “Những kẻ xuất chúng” về việc 10.000 giờ luyện tập có chủ đích là cần thiết để trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó.
Cũng chính ông đã giải thích rằng việc luyện tập chưa phải là điều kiện đủ để thành công. Một nghiên cứu của đại học Princeton vào năm 2014 đã phát hiện rằng việc luyện tập chỉ tạo ra 12% sự khác biệt khi thống kê trong các lĩnh vực khác nhau.
Điều này nghĩa là “Cần cù thôi chưa đủ”, ngoài việc luyện tập chúng ta còn cần thêm những chất xúc tác khác để phát triển.
Như vậy con số 21 ngàn giờ ở trên kia không thể giúp mình bảo đảm một ngày nào đó mình sẽ rất thành công trong lĩnh vực thiết kế. Mà thật ra, mình cũng không biết trở thành một designer xuất chúng sẽ trông như thế nào.
Nhưng để không trở thành một designer tệ thì dễ hơn, chỉ cần bỏ được 1 vài tật xấu sau.
1. Bỏ tư tưởng ngụy biện
Mình từng có 1 kiểu tư tưởng nhằm biện minh cho việc lười suy nghĩ của bản thân là tin rằng mình không thể nghĩ ra ý tưởng mới. Hoặc nếu có thì không thể phân biệt đâu là hay, đâu là dở.
Điều còn thiếu không phải là ý tưởng (nếu đã áp dụng 6 phương pháp tạo ra ý tưởng) mà là tư tưởng. Chính việc mạo hiểm mới là cách an toàn để tạo ra những thứ mới mẻ.
Bỏ được lối suy nghĩ này, mình trở nên tin tưởng bản thân hơn. Nếu bây giờ không nghĩ ra được gì hay ho, thì tạm gác lại đó nếu thời gian cho phép.
Hoặc nếu có một hướng thiết kế ban đầu có vẻ rất hợp lý, nhưng càng phát triển càng tệ đi, mình cũng sẽ bỏ nó 1 cách nhẹ nhàng.
2. Bỏ "hỏi trước, nghĩ sau"
Lại là một tật xấu sau khi cho phép mình lười suy nghĩ, cứ mỗi lần nhận được feedback, góp ý hay yêu cầu, mình sẽ ngay lập tức hỏi về giải pháp, định hướng.
Nhưng mình đang hỏi để có thêm kiến thức, hay hỏi để khỏi phải tự suy nghĩ? Thời còn đi học, hễ cứ hỏi là sẽ được trả lời. Thời đi làm thì việc này còn dễ dàng hơn với internet.
Điều này khiến mình bị động và phụ thuộc, lâu dần mình sẽ mất khả năng tự tìm ra giải pháp.
Bây giờ, trước khi đặt câu hỏi cho người khác, mình sẽ dừng lại một chút và tự hỏi bản thân:
“Liệu mình có thể tự tìm ra câu trả lời?”
3. Ngưng hấp tấp khi chỉnh sửa thiết kế
Càng gần tới bước hoàn thiện cuối cùng cho thiết kế, việc này càng dễ xảy ra. Mình nhanh nhảu sửa theo góp ý, vội vã đặt hết những thứ cần thêm vào rồi gửi đi mà không cần kiểm tra lại.
Và đó cũng là lúc dễ xảy ra những lỗi vụn vặt nhất: sai chính tả, thừa một đường kẻ, thiếu 1 cái vạch… Chính những lỗi này sẽ làm chúng ta mất hình ảnh trong khách hàng.
Một designer không thể chú ý vào chi tiết liệu có thể tạo ra những thiết kế tinh tế?
4. Ngưng đánh giá thấp các tổ hợp phím tắt
3 năm đầu tiên mình vẫn chủ yếu sử dụng con chuột để thao tác trên các phần mềm thiết kế và cảm thấy vẫn thoải mái với việc đó. Nhưng mình nhận ra, càng tiết kiệm thời gian với công cụ thì mình càng có nhiều thời gian cho việc suy nghĩ ý tưởng.
Nhớ và sử dụng các tổ hợp phím tắt khi thiết kế thật sự đã giúp tốc độ thực hiện của mình nhanh hơn ít nhất là 30%. Dưới đây là list các phần mềm cơ bản hay sử dụng: Sketch, Figma, After Effect, Adobe Illustrator, Photoshop, Indesign, Use the Keyboard (là một trang web tổng hợp phim tắt của nhiều phần mềm, ứng dụng phổ biến).
5. Bỏ chủ nghĩa hoàn hảo
Năm 2015 mình có viết về căn bệnh “Pixel Perversion” – Sự trụy lạc điểm ảnh. Từng tưởng là bệnh nan y, mà cuối cùng nó cũng khỏi.
Cầu toàn là tốt, khi nó giúp mình phấn đấu vì chất lượng và hướng tới sự xuất sắc. Nhưng theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo – hay còn gọi là quá cầu toàn thì không hề tốt.
Quá cầu toàn sẽ khiến mình khó hoàn thành trọn vẹn công việc.
Quá cầu toàn sẽ khiến mình cảm thấy áp lực.
Quá cầu toàn sẽ khiến mình hay chỉ trích công việc của người khác.
Quá cầu toàn sẽ khiến sự sáng tạo của mình bị bóp nghẹt, vì muốn mọi ý tưởng phải thật ngoài sức tưởng tượng, thật “wow”.
Quá cầu toàn khiến mình không thể nghỉ ngơi và hồi phục.
6. Để xu hướng quyết định dự án sắp thiết kế
Nắm bắt những xu hướng thiết kế là tốt, chúng tồn tại là có lý do và designer có thể học hỏi nhiều từ việc phân tích điểm tốt và xấu của chúng. Nhưng nếu mù quáng chạy theo xu hướng mà quên mất mình đang thiết kế cho ai, thiết kế của bạn không những sẽ dễ trở nên lỗi thời, mà người sử dụng chúng cũng mau chán ghét.
Mình sẽ chọn lọc những điểm tốt từ các xu hướng, kết hợp với thế mạnh của bản thân và cố gắng tạo ra phong cách của riêng mình.
Và phong cách của mình là tạo ra những giải pháp thiết kế vừa “giải quyết được vấn đề” vừa “đẹp nhất có thể”.
Mình vẫn còn hơn chục tật xấu khác như: thiếu cẩn thận, hay chủ quan, trì hoãn,… vì nếu chỉ có ít tật xấu như vậy thì mình đã là Hoàng Hảo, không phải Hoàng Nguyễn rồi.
#Theo dõi những bài viết của tác giả Hoàng Nguyễn với chủ đề xoay quanh ngành thiết kế, chia sẻ tư duy làm việc và kiến thức tham khảo từ một designer nhiều kinh nghiệm.