6 Tư duy để đi làm sớm lên trình senior

Thay vì chờ ai đó trao cho mình chức danh, hãy tự khiến bản thân xứng đáng với chức danh đó trước.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

"Senior" là thuật ngữ dùng để chỉ những người có kinh nghiệm, chuyên môn cao sau nhiều năm làm việc. Không chỉ đem lại mức đãi ngộ tốt hơn, chức danh này còn giúp bạn khẳng định giá trị cá nhân trong tổ chức. Thế nên gắn được chữ "senior" vào chức danh công việc có lẽ là một trong những mục tiêu đầu tiên trong hành trình phát triển sự nghiệp.

Thời gian trung bình để được cất nhắc cho chức danh này sẽ cần tối thiểu 5 năm kinh nghiệm. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn cần phải chờ đủ 5 năm.

Giống như câu nói của Benjamin Disraeli: “Bí quyết của thành công là luôn sẵn sàng khi cơ hội đến”, lời khuyên của mình cho những bạn đang bắt đầu sự nghiệp đó là: Hãy cư xử như một senior, ngay cả khi bạn chưa được gọi là senior.

Thử tưởng tượng bạn đang chuẩn bị cài đặt một phần mềm vào bộ máy trong đầu với tên gọi là “tư duy senior”.

Dưới đây sẽ là quy trình để việc cài đặt được hoàn tất.

1. Đặt trách nhiệm cá nhân lên hàng đầu

Đây là bước chọn ổ đĩa chính để cài đặt phần mềm, tạo nền tảng để phần mềm vận hành ổn định.

Khi trở thành một senior, điều đầu tiên bạn cần hiểu là trách nhiệm của bạn bây giờ đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Để một dự án thành công đôi khi cần sự may mắn, nhưng để nhiều dự án thành công lại đòi hỏi trách nhiệm cực cao ở nhiều thứ khác nhau:

  • Có trách nhiệm với thời gian: Bạn cần phải chủ động trong việc sắp xếp công việc sao cho hợp lý, tránh để lãng phí thời gian của bản thân và cả đồng đội. Bạn không phải chỉ lo mỗi việc của mình, mà còn phải cân nhắc đến chuyện mình có đang gây ra ảnh hưởng đến những người khác.
  • Trách nhiệm với chất lượng: Đừng đợi đến khi có ai đó nhắc nhở hoặc phát hiện ra vấn đề, bạn mới quay lại xử lý. Như lời mình thường nhắc với cả nhóm: “Đừng để anh là chốt chặn cuối cùng, chất lượng là thứ mà tất cả chúng ta cần phải giữ”.

    Nếu bạn cần sự giúp đỡ, đừng ngại lên tiếng. Và cũng đừng ngại đưa ra những phản hồi khi bạn nhận thấy có gì đó cần cải thiện ở trong team.
  • Trách nhiệm với đồng đội: Điều này không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Làm việc cùng một nhóm nghĩa là bạn cần quan tâm đến đồng đội trong cả quá trình, không phải chờ đến lúc họ gặp rắc rối mới ra tay.
  • Trách nhiệm với mục tiêu cuối cùng: Bởi vì nếu không đạt được nó, mọi sự cố gắng trước đó dù có lớn đến mấy cũng đều vô nghĩa.

Có thể bạn sẽ đang lấn cấn sao phải chịu trách nhiệm nhiều như vậy khi chưa phải là senior? Mình đâu có được trả công để làm chuyện này, như vậy có phải là bất công không?

Tất nhiên chịu trách nhiệm nhiều hơn không phải là một nhiệm vụ bắt buộc. Hành động đó nên đến từ sự tự nguyện của bạn để tìm cơ hội phát triển và khẳng định bản thân.

Vậy vì sao phải khẳng định bản thân? Vì không phải người sếp nào cũng đủ khả năng và thời gian để thấy được nỗ lực của bạn, nhất là khi khi bạn nỗ lực trong âm thầm. Khi bạn chủ động nhận trách nhiệm, bạn đang xây dựng thói quen và tư duy của một người có thể xử lý công việc ở cấp độ cao hơn.

Khi bạn không chỉ lo cho phần việc của mình mà còn quan tâm đến công việc của cả team, bạn học được cách phối hợp, điều phối và nhận diện các vấn đề sớm hơn. Từ đó làm tăng khả năng giải quyết vấn đề và giúp cả team làm việc hiệu quả hơn. Khi thái độ của bạn đã sẵn sàng cho trách nhiệm lớn hơn, thì đồng thời các cơ hội cũng sẽ tự nhiên xuất hiện để thử thách bạn.

Tất nhiên cũng cần thêm điều kiện khác là sếp trực tiếp phải là người công minh, có khả năng nhìn người. Nhưng đây là một khía cạnh lớn, mình sẽ chia sẻ kỹ hơn trong một bài viết khác để bạn biết tới các dấu hiệu của một người sếp xứng đáng để đi theo.

2. Tập trung vào kết quả, chứ không chỉ quá trình

Trong bước này, bạn sẽ thiết lập các tùy chọn hiệu suất, nhằm tối ưu hóa hoạt động của phần mềm đúng với nhu cầu và mong đợi của bạn. Ví dụ, khi bạn cài đặt một phần mềm đồ họa, bạn có thể chọn hiệu suất cao hơn (sử dụng nhiều tài nguyên hơn) để có hình ảnh sắc nét, hoặc chọn hiệu suất vừa phải để tiết kiệm tài nguyên máy tính.

Tương tự, một senior sẽ luôn làm rõ kết quả cuối họ mong muốn là gì, hiểu được những giới hạn của dự án (tiêu biểu là thời gian, chi phí và năng lực) để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất. Thay vì chỉ máy móc chăm chăm làm cho xong danh sách nhiệm vụ được giao, hay tập trung vào những quy trình phức tạp tốn kém chỉ để thể hiện bản thân. Và bắt tay vào tạo nên những giá trị thực chất cho doanh nghiệp.

Bởi giá trị được tạo ra không phải từ giải pháp tốt nhất...

…mà là giải pháp tốt nhất trong giới hạn cho phép.

3. Luôn hiện diện

Ở bước tiếp theo bạn sẽ cài đặt chế độ “luôn sẵn sàng” để đảm bảo phần mềm và hệ thống có thể phản hồi ngay lập tức khi có yêu cầu hoặc xử lý sự cố kịp thời.

Chế độ "luôn sẵn sàng" chính là tư duy chủ động ở bạn. Bạn sẽ luôn có mặt khi cần phản ứng với các tình huống bất ngờ, hoặc đơn giản là khi team đang thảo luận giải pháp cho một vấn đề nào đó.

Một ví dụ đơn giản là đừng "bật chế độ tàng hình" khi ngồi trong phòng họp. Đừng chỉ đơn thuần lắng nghe hay làm theo ý kiến của người khác. Là một senior, bạn không chỉ giỏi ở khâu thực thi mà còn phải là người nắm bắt được bản chất của các vấn đề cũng như giải pháp cho nó.

Việc này đòi hỏi bạn phải trao đổi thường xuyên với đồng đội, khách hàng để tạo dựng được niềm tin và cùng nhau xây dựng ý tưởng ăn ý hơn. Đồng thời, khi bạn chủ động, kỹ năng giao tiếp cũng sẽ dần dần tăng lên.

Đương nhiên điều này không có nghĩa là bạn luôn phải đặt câu hỏi trong các buổi họp, bởi vì nó có thể sẽ phản tác dụng khi những câu hỏi bị chệch ra khỏi mục tiêu chung. Điều quan trọng ở đây là, bạn chuyển từ cách nghĩ chỉ cần làm đủ với mức lương được trả, sang mình có thể làm thêm điều gì để kết quả dự án tốt hơn. Vì khi kết quả từng dự án tốt hơn, công ty sẽ phát triển hơn, thông qua đó bạn cũng sẽ có thêm cơ hội để thăng tiến.

4. Biết khi nào mình sai, và học cách từ chối

Phần mềm “tư duy senior” của bạn cũng cần có tính năng nhận diện thông minh, có thể tự động phát hiện ra lỗi khi vận hành. Hay nói cách khác là khả năng nhận lỗi khi biết có sai sót và mạnh dạn từ chối những quyết định không phù hợp.

Bởi trở thành senior không có nghĩa là bạn sẽ luôn đúng, hay người khác phải luôn đồng ý với những gì bạn nói.Senior là người có thể nhẹ nhàng nói ra hai câu:

1 - “Đây là lỗi của tôi”

Senior là người trưởng thành không chỉ về mặt công việc, mà còn về tư duy và nhân cách. Sự trưởng thành đến từ việc họ sẵn sàng nhận sai nhiều hơn, thay vì cố gắng đúng trong mọi tình huống. Họ không né tránh lỗi lầm mà đối diện với nó và rút ra bài học để cải thiện.

2 - “Không, tôi không phải là người phù hợp để làm việc này”

Đây không phải là sự khiêm tốn, hay là trốn tránh trách nhiệm. Thay vì mù quáng ôm đồm mọi việc về mình, senior sẽ đặt câu hỏi về lý do và cách thức thực hiện của nhiệm vụ đó. Và nếu thấy nhiệm vụ không mang lại nhiều giá trị, hoặc để người khác làm là lựa chọn tối ưu hơn, họ sẽ từ chối. Việc này không chỉ giúp họ tiết kiệm thời gian, năng lượng mà còn tối ưu được kết quả cho nhiệm vụ họ đang từ chối.

Một điều quan trọng nữa là khi đã nói “không”, họ sẽ kèm theo một lời giải thích hợp lý và những giải pháp thay thế tốt hơn, mở ra lối đi mới để cả team cùng hướng tới mục tiêu chung. Chứ không phải kiểu nói “không” cụt lủn làm cả nhóm xuống tinh thần.

5. Chuẩn bị sẵn tinh thần cho rủi ro

Không có phần mềm nào vận hành hoàn hảo, luôn có lỗi chìm ở trong những đoạn code. Vì vậy, bạn cần thiết lập chế độ bảo vệ và khôi phục dữ liệu khi gặp sự cố. Với tư duy, đó là việc sẵn sàng đón nhận rủi ro và không ngại thất bại.

Nếu muốn có đột phá, hãy chuẩn bị tinh thần rằng rủi ro cũng là một phần tất yếu đi cùng. Nếu nó xảy ra, biến nó thành bài học. Nếu chưa xảy ra, ghi nó vào danh sách cần lưu ý.

Và điều quan trọng nhất là… ngừng đổ lỗi khi đối diện với vấn đề. Mẹo của mình là hãy nói ra sự thật, đừng thêm thắt những từ ngữ có tính cảm xúc ở trong đó. Chẳng hạn Thay vì nói “dự án đang hơi chậm”, hãy nói “dự án đang chậm so với tiến độ”

"Hơi chậm" là ý có tính chủ quan, cảm xúc. Còn chậm so với tiến độ là sự thật, cả team có thể kiểm tra bằng cách so sánh với kế hoạch ban đầu. Phải giao tiếp đúng sự thật cả team mới thấy được vấn đề và hướng tới giải pháp, thay vì sa đà vào xoa dịu cảm xúc cho nhau. Điều này không có nghĩa là bỏ qua mọi yếu tố cảm xúc trong công việc, nhưng hãy để dành nó cho những hoạt động khác với mục tiêu gắn kết đội nhóm thì sẽ phù hợp hơn.

6. Chủ động giúp đỡ và teamwork

Cuối cùng, hãy cài đặt tính năng đồng bộ và chia sẻ dữ liệu qua mạng. Nó giống như việc bạn hợp tác cùng đồng đội, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển. Vì một senior sẽ hiểu rằng để tạo ra giá trị lớn, không ai có thể làm việc một mình.

“Teamwork makes the dreamwork.” (Cùng nhau hành động đưa ước mơ thành thật). Khi một team có tinh thần đồng đội vững chắc thì lời nói và hành động của người senior sẽ phản ánh rất rõ. Senior sẽ chọn xưng ở ngôi số nhiều hơn là xưng “tôi”:

  • Chúng ta sẽ cùng làm việc này.
  • Cả team đã làm tốt thì mới đạt được kết quả như thế!

Bên cạnh đó, senior cũng sẽ có những việc làm cụ thể, chủ động giúp đỡ những thành viên khác trong nhóm. Nếu bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm, tự tin hướng dẫn và hỗ trợ đồng nghiệp, đó là điều rất quý. Quá trình này sẽ không chỉ giúp đồng đội phát triển mà còn củng cố thêm kiến thức và kỹ năng cho chính bạn.

Kết

Việc có thêm từ “senior” trong chức danh không có nghĩa là bạn sẽ dễ thở hơn trong công việc, hay kỹ năng sẽ tự thăng cấp theo title. Tuy thăng tiến là một điều quan trọng, nhưng nó phải được xây dựng trên nền tảng với thái độ đúng đắn thì bạn mới có thể đi xa hơn trên con đường sự nghiệp của mình.

Vì vậy cứ xây dựng thái độ đúng đắn trước, mọi thứ còn lại chỉ là vấn đề thời gian rồi sẽ tới. Mình chúc bạn sẽ cài được phần mềm tư duy senior này một cách thuận lợi và vững tâm tiến bước về phía trước.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục