6 Từ tiếng Anh về bản quyền để tránh “vết xe đổ” của Rap Việt

Chúng ta có thể học được gì về bản quyền sau sự việc không hay vừa qua của Rap Việt?
An Bảo
Nguồn: Umberto/Unsplash

Nguồn: Umberto/Unsplash

Những ngày vừa qua, cộng đồng thiết kế trong và ngoài nước đã lên tiếng về việc Rap Việt có hành vi sử dụng, cắt xén trái phép tác phẩm đồ họa của nhiều nghệ sĩ quốc tế. Sau khi nhận được phản ánh, ban tổ chức chương trình đã đưa ra thông cáo báo chí thừa nhận sai sót.

Qua vụ việc này, các vấn đề về bản quyền một lần nữa được bóc tách. Công chúng càng thêm nghiêm túc nhìn nhận và bảo vệ chất xám của người làm sáng tạo. Vậy đâu là những thuật ngữ liên quan mật thiết đến câu chuyện vi phạm bản quyền của Rap Việt? Mời bạn cùng Vietcetera tìm hiểu trong bài viết sau.

1. Copyright infringement

Copyright infringement là hành vi xâm phạm quyền tác giả, tức quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (2005), một số điều khoản quy định hành vi này là:

  • Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả (khoản 3);

  • Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật (khoản 8);

  • Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 10).

Dựa vào các điều khoản này, có thể thấy nhiều cáo buộc gần đây về việc Rap Việt xâm phạm bản quyền là có căn cứ.

Trừ một số ngoại lệ như tác phẩm đã hết thời hạn được bảo hộ bản quyền, hoặc đã hoàn toàn thuộc về cộng đồng, hoặc được chia sẻ theo giấy phép Creative Commons, hoặc có “bản quyền bên trái” (copyleft). Còn lại, khi một đơn vị có những hành vi trên với một tác phẩm, họ đang xâm phạm bản quyền.

2. Creative Commons licenses

Creative Commons licenses là bộ giấy phép về bản quyền được thiết lập bởi tổ chức Creative Commons (CC), nhằm thúc đẩy việc chia sẻ tác phẩm trong cộng đồng sáng tạo thế giới.

Hiện nay, đa số các nền tảng nội dung lớn như Google, YouTube, Vimeo, Flickr… đều đang tuân theo bộ giấy phép này để mở ra cơ hội sáng tạo cho người dùng. Khi một tác phẩm được phát hành theo giấy phép CC, công chúng có quyền sử dụng tác phẩm ấy miễn phí, tuy nhiên phải chịu một số ràng buộc nhất định.

Cụ thể, trong số 6 loại giấy phép CC, giấy phép CC-BY cho phép chúng ta chỉnh sửa, phân phối tác phẩm miễn phí ở mọi hình thức mà chỉ cần ghi nhận (credit) tên tác giả. Còn giấy phép CC-BY-NC-ND thì quy định người dùng phải để credit, không được dùng tác phẩm cho mục đích thương mại, và không được chỉnh sửa tác phẩm.

Với Rap Việt, một thiết kế trên fanpage chương trình đã có nhiều nét tương đồng với một hình nền (wallpaper) được phát hành theo giấy phép CC-BY-NC-ND của hãng Cloud Imperium Games. Như vậy, dù đang sử dụng một hình ảnh "miễn phí", Rap Việt vẫn đang vi phạm các ràng buộc đối với loại giấy phép này.

3. Copyleft

Có ký hiệu chữ ‘C’ ngược trong vòng tròn, copyleft là một dạng bản quyền mà ở đó tác phẩm được cho phép sao chép, chỉnh sửa, phân phối tự do và miễn phí. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là các tác phẩm phái sinh của nó cũng phải lưu hành theo cách tương tự.

Copyleft phổ biến ở các lĩnh vực như công nghệ thông tin, nghệ thuật và khoa học, vì nó thúc đẩy sự chia sẻ và cải tiến. Kiểu bản quyền này cho phép tác giả từ bỏ quyền toàn vẹn tác phẩm, nhưng vẫn giữ quyền nhân thân của mình. Nghĩa là nó cho phép mọi người thoải mái sử dụng một sản phẩm trí tuệ, đồng thời cũng ngăn chặn bất kỳ ai chiếm hữu riêng sản phẩm trí tuệ đó.

Nên nếu đặt trường hợp Rap Việt không sai phạm khi sử dụng hình ảnh thuộc kiểu bản quyền copyleft, thì chương trình cũng đã vô tình khiến các sản phẩm truyền thông phái sinh từ đó thành dạng copyleft tương tự.

4. Derivative work

Derivative work (tác phẩm phái sinh) là một tác phẩm được phát triển từ tác phẩm gốc qua các hình thức như dịch, phóng tác, chuyển thể, cải biên... Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có quy định, tác phẩm phái sinh được bảo hộ về quyền tác giả với điều kiện nó không xâm phạm bản quyền tác phẩm gốc.

Nhìn vào các thiết kế bị cáo buộc về bản quyền của Rap Việt, ta thấy chúng là một dạng tác phẩm phái sinh dạng cải biên. Nhưng do đã xâm phạm bản quyền tác phẩm gốc, những người làm chương trình sẽ khó bảo vệ được chúng trước pháp luật.

5. Licensing fee

Licensing fee (phí giấy phép) là một khoản phí cần trả để một cá nhân, tổ chức được phép sử dụng một sản phẩm trí tuệ. Ví dụ, nếu một công ty áo thun muốn in logo của một nhãn hàng lên áo để bán thì công ty đó phải được cho phép và phải trả phí giấy phép cho nhãn hàng.

Khi sử dụng hình ảnh từ các kho nội dung trung gian và miễn phí royalty như Shutterstock hay Adobe Stock, số tiền mà ta trả thực chất là phí giấy phép của các hình ảnh ấy. Còn khi cần sử dụng một tác phẩm không qua trung gian, ta sẽ phải liên lạc trực tiếp với bên sở hữu bản quyền tác phẩm ấy.

Dù trong trường hợp nào thì việc trả phí để được dùng một sản phẩm trí tuệ có bản quyền gần như là điều bắt buộc. Tuy nhiên điều này có vẻ đã không được tuân thủ khi Rap Việt sử dụng một bức hình 3D của nghệ sĩ Jaime Jasso trong hình ảnh truyền thông của mình. Theo tác giả này chia sẻ, ban tổ chức chương trình chưa hề xin phép hay trả phí giấy phép cho anh.

6. Royalty

Royalty là một dạng phí trả thường kỳ cho tác giả mỗi lần tác phẩm của họ được bán ra, trình chiếu hoặc sử dụng. Lấy ví dụ, một nhạc sĩ mỗi lần có bài hát được xuất bản ở dạng CD, phát trực tuyến, dùng trong phim, trình diễn trên sân khấu,... nhạc sĩ này đều sẽ được hưởng một khoản tiền royalty từ bài hát ấy. Do đó, loại phí này còn được xem là nguồn doanh thu chính đối với những người làm nghệ thuật.

Khác với phí giấy phép (licensing fee), royalty là một khoản phí được tính trên % doanh thu hoặc lợi nhuận có được từ một tác phẩm. Một tác phẩm miễn phí royalty (royalty-free) là khi người dùng không cần trả thêm phí royalty mà chỉ cần trả phí giấy phép cho tác giả.

Với các sản phẩm trí tuệ, ta luôn cần xem xét kỹ về bản quyền để sử dụng chúng đúng luật. Nói đến hình ảnh trên mạng, dường như không có khái niệm “miễn phí” hay tùy ý sử dụng. Mỗi hình ảnh mà ta dùng cho bất kỳ mục đích nào đều cần được trả công tối thiểu, ít nhất là bằng cách ghi nhận tên tác giả, nếu tác giả của chúng không đòi hỏi bất kỳ loại phí nào.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục