7 Thủ thuật hút khách tinh tế của các tiệm ăn nhanh

Đã bao giờ bạn chỉ định gọi cái bánh burger, nhưng cuối cùng lại gọi cả combo? Cùng tìm hiểu cách các hãng đồ ăn nhanh đánh vào giác quan và tâm lý bạn thế nào nhé.
Hiền Lê
Nguồn: Shutterstock

Nguồn: Shutterstock

Chúng ta đều biết đồ ăn nhanh (fast food) không có lợi cho sức khỏe, nhưng không thể phủ nhận chúng có một sức hút khó cưỡng. Điều này không chỉ đúng với trẻ nhỏ, mà còn với chính người lớn chúng ta.

Đáng nói là các tiệm ăn nhanh đều áp dụng một số công thức chung dựa theo cách mùi hương, màu sắc và từ ngữ đánh vào tâm lý thực khách, cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng. Cùng tìm hiểu xem đó là những “bí thuật” gì nhé!

Chọn màu logo, nội thất có tông nóng ấm

Đỏ và vàng dường như là hai màu áp đảo trong bộ nhận diện thương hiệu của nhiều hãng ăn nhanh. Trong giới marketing F&B, tổ hợp này còn có tên là “the ketchup-mustard combo”.

Theo Spoon University, màu đỏ thu hút sự chú ý và tăng tốc độ lưu thông máu trong cơ thể. Điều này đẩy nhanh tốc độ trao đổi chất trong hệ tiêu hóa và gây cảm giác đói. Màu đỏ còn có tác dụng tăng tốc độ nhịp tim và kích thích vị giác.

Màu vàng được gắn liền với cảm giác vui vẻ, thoải mái và thân thiện. Vì vậy khi kết hợp hai màu này với nhau, chúng ta có tổ hợp hoàn hảo vừa dễ gây chú ý, vừa kích thích sự thèm ăn trong cơ thể.

Đặt bếp ăn ngay gần cửa ra vào

Đây là chiến lược marketing có tính toán kỹ lưỡng để khách đi qua dễ dàng ngửi mùi thơm của thức ăn.

Theo Medium, khi chúng ta ngửi mùi đồ ăn, khứu giác sẽ tự động “báo hiệu” cho não bộ. Dạ dày ta đồng thời sản sinh hormone kích thích vị giác ghrelin, khiến não bộ ghi nhận đây là tín hiệu đói bụng. Và thế là dù không thực sự đói, ta vẫn đi theo mùi hương quyến rũ đó vào cửa hàng gọi đồ.

Một số tiệm ăn còn bố trí nhân viên làm nóng lại đồ ăn liên tục vào những giờ cao điểm. Vì vậy dù không cần nấu nướng cả ngày, tiệm vẫn luôn có mùi hương để níu chân thực khách.

Chọn những câu từ “ngon” nhất có thể

Bạn có từng ứa nước miếng sau khi đọc bài review đồ ăn? Chưa cần nhìn hình ảnh hay nếm món ăn đó, cách người viết dùng từ đủ khiến bạn thấy đói bụng rồi.

Theo chuyên gia về hành vi người tiêu dùng Brian Wansink, ngôn ngữ miêu tả một món ăn có thể ảnh hưởng lớn đến cách ta cảm nhận hương vị của nó. Nếu một chiếc bánh burger được quảng bá là ngon, ta sẽ nghĩ nó ngon ngay cả khi chưa nếm thử.

Các hãng thức ăn nhanh đã vận dụng rất tốt yếu tố này. Chẳng hạn KFC có khẩu hiệu “Vị ngon trên từng ngón tay” khiến bạn dễ hình dung đến cảm giác ngon miệng khi cầm miếng gà rán thưởng thức. Họ chỉ tạm dừng sử dụng khẩu hiệu này từ năm 2020, khi dịch COVID-19 hoành hành khiến việc ăn bằng tay trở nên mất vệ sinh.

Ưu tiên đặc biệt cho các combo

Việc dành thời gian đọc cả menu rồi chọn một hoặc hai món ăn và một đồ uống thực ra khá tốn thời gian. Chính vì vậy, combo trở thành lựa chọn dễ dàng vì có đầy đủ các món cho một bữa hoàn chỉnh.

Menu của các tiệm ăn nhanh thường ưu ái dành nhiều diện tích nhất cho các tổ hợp “hái ra tiền” này. Bên cạnh đó, dựa trên thiên hướng đọc từ trái sang phải của con người, các combo luôn nằm ở bên trái.

Đặc điểm của combo là bạn hiếm khi thay đổi được định lượng món ăn. Nếu chọn riêng, bạn có thể gọi 1 miếng gà, sau đó nếu đói thì gọi thêm miếng nữa. Nhưng combo thường bao gồm 2 miếng gà trở lên. Vì vậy, nó có thể khiến bạn ăn nhiều (và tiêu tiền nhiều) hơn nhu cầu thực sự của mình.

Các kiosk “tự túc là hạnh phúc”

Theo quy tắc đỉnh-kết trong tâm lý học, ta thường nhớ đến một trải nghiệm quá khứ qua sự việc căng thẳng nhất và sự việc xảy ra gần nhất. Trong bối cảnh nhà hàng, phần chờ đợi và thanh toán dễ khiến khách nhớ lâu và có ấn tượng xấu.

Các kiosk tự phục vụ đã giúp nhiều tiệm ăn nhanh rút ngắn quy trình đặt hàng, tạo ấn tượng tiện lợi và nhanh nhẹn. Chúng cũng hạn chế khả năng khách bị nhầm order, nhất là trong giờ cao điểm. Trong bối cảnh dịch COVID-19, chúng phát huy thêm tác dụng hạn chế tiếp xúc giữa người với người.

CEO của McDonald’s Steve Easterbrook từng chia sẻ, các kiosk tự phục vụ góp phần tăng doanh số cho hãng. Nguyên nhân là khi khách không phải xếp hàng chờ đợi, họ có xu hướng chọn nhiều đồ hơn.

Không cần xuống xe vẫn mua được hàng

Mua hàng trực tiếp trên xe (drive-thru) là một trong những chiến lược bán hàng thành công nhất của các tiệm ăn nhanh. Vì ô tô là phương tiện đi lại chủ yếu ở Mỹ, sẽ rất bất tiện khi phải tìm chỗ đỗ xe chỉ để vào tiệm mua đồ.

Thay vào đó, bạn chỉ cần lái xe vào quầy drive-thru và gọi đồ qua intercom hoặc kiosk. Sau đó bạn lái tiếp đến một cửa sổ khác để trả tiền và lấy đồ. Toàn bộ quá trình này diễn ra nhanh gọn, tiện lợi mà bạn không phải rời xe một phút nào.

Hình thức này đã bắt đầu có mặt tại Việt Nam, nơi ngày càng nhiều người sở hữu ô tô và nhiều đô thị hướng đến cấm xe máy. Vì vậy, drive-thru dự kiến sẽ giúp các tiệm ăn nhanh ngày một thu hút nhiều khách hàng Việt.

Chiều lòng các thực khách nhỏ tuổi

Theo báo cáo của Decision Lab năm 2016, các tiệm ăn nhanh được các gia đình lựa chọn nhiều hơn ba lần so với các nhà hàng Việt. Nguyên nhân không chỉ đơn thuần vì sức hấp dẫn vốn có của gà chiên, pizza phô mai hay hamburger với trẻ nhỏ.

Các tiệm ăn nhanh luôn biết cách làm hài lòng những thực khách nhí bằng linh vật dễ thương, bữa ăn cho trẻ (Kid’s Meal) kèm đồ chơi và cả dịch vụ tổ chức sinh nhật. Trẻ em thì thích mê, người lớn thì đỡ tốn thời gian tìm nơi phù hợp cho cả nhà đi ăn. Nhờ vậy, tiệm ăn nhanh trở thành lựa chọn hàng đầu cho các gia đình có con nhỏ.

Với nhóm khách hàng tuổi teen, các cửa hàng cũng rất chịu khó đầu tư vào quảng cáo để tạo sức hấp dẫn. Việc bữa ăn BTS Meal “cháy hàng” trong một nốt nhạc là ví dụ điển hình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục