8 Nhà nghề thủ công gìn giữ nghệ thuật Haute Couture
Haute Couture được biết đến như một loại hình nghệ thuật cao nhất của thời trang. Dịch từ tiếng Pháp, “haute” là cao cấp, “couture” là may đo – đây là dòng sản phẩm được thiết kế riêng cho những khách hàng đặc biệt với chất lượng và độ tinh xảo cao nhất có thể. Đằng sau những thiết kế trị giá hàng trăm ngàn USD ấy là hàng ngàn giờ công sức của những bàn tay nghệ nhân lâu đời tại những nhà nghề thủ công.
Từ đầu thế kỉ 19 với sự phát triển của Haute Couture, những nhà nghề này ra đời tại Pháp để đáp ứng từng công đoạn riêng biệt: từ thêu, làm hoa vải, cho đến làm nón, xử lý dập li,...
Với tiến trình công nghiệp hóa thời trang, nhu cầu dành cho haute couture và nghề thủ công giảm sút. Những nhà nghề ấy cũng buộc phải đóng cửa, một số còn trụ lại đã được mua lại bởi các hãng lớn như Chanel hay Dior. Ngày nay, những người nghệ nhân còn sót lại ấy vẫn miệt mài gìn giữ linh hồn lãng mạn của couture...
1. Maison Lesage: Thêu & đính kết
Website | Facebook | Instagram
Maison Lesage đã tồn tại từ thuở khai sinh của couture với tên gốc là “Michonet”, sau này được đổi tên dưới sự quản lý của Albert và Marie-Louise Lesage vào năm 1924. Với kỹ thuật thêu và đính kết số một thế giới, Maison Lesage đã giúp trang trí những thiết kế Couture của gần như mọi nhà mẫu từ Christian Lacroix đến Yves Saint Laurent. Năm 1992, Maison Lesage đã thành lập cơ sở đào tạo với mong muốn lưu giữ nghề thủ công thêu và kỹ thuật couture.
2. Maison Lemarié: Lông vũ
Maison Lemarié là một trong những nhà nghề chế tác lông vũ duy nhất còn sót lại trong số hơn 500 nhà nghề từ những năm 1880. Chất liệu lông vũ mỏng manh, dưới bàn tay của các nghệ nhân, biến hóa uyển chuyển thành nhiều mô típ khác nhau, nổi tiếng nhất có lẽ là hình tượng đóa hoa Trà đặc trưng của Chanel được làm từ lông vũ trắng. Maison Lemarié đã được Chanel mua lại vào năm 1996.
3. La Forme: Khuôn nón
La Forme có lẽ là một nhà nghề khác nhất so với những xưởng được nhắc đến ở đây. Chỉ với một nghệ nhân chính là Lorenzo Ré, nơi đây điêu khắc nên những khuôn nón bằng gỗ. Mỗi dáng hình nón khác nhau được khắc nên một khuôn riêng biệt, khuôn này sẽ được những nhà làm nón sử dụng để tạo ra những chiếc nón theo thiết kế riêng. Khách hàng của La Forme là những nhà thiết kế nón lừng danh như Philip Treacy, Stephen Jones,… . Các bộ sưu tập couture của Givenchy, Dior, Chanel và cả những chiếc nón của nữ hoàng Elizabeth cũng sử dụng khuôn của La Forme. Lorenzo là người thợ làm khuôn nón cuối cùng, ông làm mọi thứ bằng tay từ năm 1962 tới nay.
4. Maison Desrues: Phụ kiện kim loại
Thành lập bởi nghệ nhân kim hoàn Georges Desrues vào năm 1929, Maison Desrues là một trong xưởng chế tác kim loại nổi tiếng nhất của Paris. Hàn đúc kim loại, tráng men thủy tinh, khắc gỗ, đổ khuôn nhựa lỏng, sơn mài, mạ bạc, chế tác thủy tinh chì, xâu ngọc trai,… Mọi kỹ thuật đều được các nghệ nhân ở Maison Desrues thành thạo để tạo nên những sợi dây chuyền, vòng tay, chiếc kim gài,... hay nổi tiếng nhất là những chiếc cúc áo cầu kì của Haute Couture.
5. Atelier Lognon: Dập ly
Atelier Lognon là cái tên đã đi vào lịch sử của Couture từ thời Napoleon III. Được thành lập bởi Emilie Lognon vào năm 1853, xưởng thủ công này đã được gìn giữ qua bốn thế hệ nhà Lognon. Với hơn 3000 thiết kế khác nhau được xử lý tỉ mỉ bằng tay, Atelier Lognon là nơi luôn được các nhà thiết kế tin tưởng để giao phó những mô típ dập ly phức tạp nhất trên đủ mọi chất liệu. Sau thời quản lý của Gerard-George Lognon, xưởng đã gia nhập với Maison Lemaríe và Chanel vào năm 2014.
6. Maison Causse: Găng tay
Được biết đến như “cái nôi” của nghệ thuật chế tác găng tay toàn cầu, Maison Causse đã tồn tại hơn 120 năm qua và tạo nên những chiếc găng tay cao cấp nhất cho Haute Couture. Ở Maison Causse, ta thường bắt gặp những chất liệu cao cấp và thử thách nhất được sử dụng như da cừu, da lợn cỏ, da cá sấu hay da trăn. Nghệ thuật làm găng tay của Causse được nhiều nhãn hiệu cao cấp tin tưởng như Hermes, Louis Vuitton, Chanel. Chính Maison Causse cũng là nơi tạo ra những đôi găng tay đặc trưng của nhà thiết kế Karl Largerfield.
7. Maison Legeron: Hoa vải
Thành lập vào năm 1727 và được chính thức đặt tên thành Maison Legeron vào năm 1880, nhà nghề nhỏ này nằm trong hai tầng nhà tại giữa thủ đô Paris. Nơi đây những bông hoa bằng vải được tỉ mẩn tạo nên bằng tay. Từng cánh hoa được cắt từ vải với một khuôn riêng biệt cho mỗi loài hoa, sau đó được tạo độ cứng bằng keo và bột, vẽ, nhuộm và xử lý bề mặt hoàn toàn thủ công. Cuối cùng từng cánh hoa sẽ được uốn, cuộn, gập lại và đính keo từng cánh một trên một sợi dây đồng. Trong suốt hàng trăm năm hoạt động, không có hiện diện một chiếc máy móc tự động nào tại Maison Legeron. Hiện nay Maison Legeron vẫn được quản lý độc lập bởi gia đình Legeron.
8. Maison Massaro: Giày da
Maison Massaro là nhà nghề giày da với hơn 120 năm kinh nghiệm. Trong danh sách dài những khách hàng đặc biệt của Maison Massaro có thể kể đến Nữ Công tước Windsor, diễn viên Hollywood Marlene Dietrich hay nữ thừa kế Barbara Hutton. Mỗi khách hàng khi đến với Maison Massaro sẽ được đúc một khuôn gỗ riêng cho đôi bàn chân của họ để tạo nên những chiếc giày chính xác và tinh xảo nhất. Mỗi đôi giày, từ quá trình đo đạc đến hoàn thiện có thể lên tới sáu mươi giờ làm việc. Đúng theo tinh thần của Haute Couture, một lần là khách hàng sẽ mãi mãi là khách hàng, những chiếc khuôn của từng khách hàng sẽ được lưu giữ tại kho của Maison Massaro.