Trương Lý Hoàng Phi, "Đường ngắn hay dài không quan trọng bằng tạo ra giá trị thật."

Trong bài viết tiếp theo của series A Working Woman, cùng chúng tôi gặp gỡ chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC, đồng thời là Tổng giám đốc tại Vintech City.

Minh Ng
A Working Woman: Trương Lý Hoàng Phi, "Đường ngắn hay dài không quan trọng bằng tạo ra giá trị thật."

A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.

Chúng tôi hẹn gặp chị Trương Lý Hoàng Phi vào một ngày thứ Bảy. Chị chia sẻ, lịch các ngày trong tuần của chị đều kín từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, bao gồm cả những cuộc họp dài hoặc những deadline “đuổi” theo đến tận 12 giờ khuya. Vì vậy, rất khó để chị ngồi lại vài ba tiếng và trải lòng tường tận về công việc cũng như cuộc sống. Kể cả thứ Bảy hôm đó, chị vẫn phải tiếp tục công việc ngay sau buổi hẹn cùng Vietcetera.

Khán giả cả nước biết đến chị với tư cách là Nhà đầu tư khách mời tại chương trình Shark Tank Việt Nam, nhưng từ rất lâu trước đó, chị đã nổi tiếng là người dẫn dắt tận tâm trong giới khởi nghiệp. Từng là nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp BSSC trong 8 năm, hiện tại, chị là Tổng giám đốc tại VinTech City, cũng như tích cực tham gia vào nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong nước, chị đã và đang góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh tại Việt Nam.

Trong bài viết tiếp theo của series A Working Woman, cùng chúng tôi gặp gỡ người phụ nữ quyền lực và đầy nhiệt huyết này. Hy vọng những chia sẻ từ chị sẽ giúp các bạn trẻ có thêm cảm hứng để đi đến cùng với những quyết định sự nghiệp của mình.

Hãy chia sẻ 3 giá trị mà chị tin tưởng và sẽ không bao giờ thỏa hiệp.

Ba giá trị mà chị tin tưởng là chính trực, trách nhiệm, và kiến tạo những giá trị thật.

Tại sao chị lại quyết định gắn liền sự nghiệp của mình với việc xây dựng và hỗ trợ khởi nghiệp?

Chị là người thích quan sát những sự đổi mới theo hướng tích cực và sáng tạo, và môi trường khởi nghiệp chính xác là một môi trường như thế. Sự thay đổi ở đây không chỉ là về góc độ ý tưởng, mô hình kinh doanh hay tài chính. Xét đến tận cùng, đó là sự thay đổi về góc độ con người. Để tìm ra một hướng đi đúng, biến một ý tưởng thành mô hình kinh doanh thực tế, mang lại giá trị cho xã hội cần đến sự trưởng thành trong tư duy của cả một đội ngũ khởi nghiệp.

Được tận mắt chứng kiến quá trình đó khiến chị hạnh phúc, và đó là chất xúc tác để chị gắn bó lâu dài với môi trường khởi nghiệp.

Chị Trương Lý Hoàng Phi.Sứ mệnh mà chị đặt riêng cho mình đối với những nhà khởi nghiệp trẻ là gì?

Ban đầu, mọi người đặt cho chị biệt danh “bà đỡ” của giới khởi nghiệp, bởi vì chị đã làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp từ những giai đoạn đầu tiên, khi mà thuật ngữ “khởi nghiệp” còn mới mẻ tại Việt Nam. Chị nghĩ sứ mệnh của mình là làm một người đồng hành với những nhà khởi nghiệp, hỗ trợ, tư vấn lộ trình và kết nối nguồn lực cần thiết cho startup. Không chỉ thế, chị mong mình có thể kiến tạo nên những giá trị mới, nguồn lực hỗ trợ mới cho startup.

Chị có thể chia sẻ một vài điểm mạnh của mình trong công việc được không?

Chị nghĩ là chị có “máu khởi nghiệp” và một vài tính cách cần thiết của một nhà cố vấn một cách tự nhiên và sắc bén hơn thông qua rèn luyện.

Về điểm mạnh, đầu tiên chị nghĩ là biết lắng nghe một cách tích cực. Bất kỳ sự hỗ trợ nào đến từ sự cảm thông và chia sẻ đều trở nên dễ chịu và lâu bền hơn. Điều thứ hai khả năng quan sát, phán đoán con người và nhìn nhận vấn đề ở góc độ lạc quan. Chúng ta có thể yêu cầu thực hiện công việc một cách hoàn hảo nhưng khó yêu cầu con người trở nên hoàn hảo. Vì thế, cần có góc nhìn tích cực để giúp đỡ một người và tìm ra điểm mạnh để họ phát huy.

Tiếp đến là tính quyết liệt và luôn đặt câu hỏi. Khởi nghiệp đồng nghĩa với việc bạn nghe rất nhiều quan điểm đa chiều, có người ủng hộ, có người phản bác và cho rằng ý tưởng của bạn là bất khả thi. Nhưng cuối ngày, tự mình cũng phải chất vấn chính mình, “Bất khả thi ở điểm nào?”, “Làm sao để khắc phục những điểm yếu?”… Quyết liệt là kim chỉ nam dẫn dắt bạn hành động mỗi ngày và sự tập trung sẽ mang đến cho bạn nhiều thành quả để đi tiếp.

Và cuối cùng, sự kiên trì và bền bỉ – yếu tố mà bất kỳ ai tham gia vào môi trường khởi nghiệp đều có, và chị cũng không ngoại lệ.

“Chúng ta có thể yêu cầu thực hiện công việc một cách hoàn hảo nhưng khó yêu cầu con người trở nên hoàn hảo. Vì thế, cần có góc nhìn tích cực để giúp đỡ một người và tìm ra điểm mạnh để họ phát huy.”Chị có điểm yếu nào cần khắc phục không?

Chị có rất nhiều điểm yếu và vẫn cố gắng cải thiện mỗi ngày. Nhưng, rõ nhất, đó là những trường hợp mà chị “cho phép” trái tim chi phối mình vào các quyết định hỗ trợ, đầu tư.

Mọi người thường nói mang cảm xúc vào kinh doanh là điều không tốt, quá cảm xúc sẽ làm tính lý trí bị giảm đi. Nhưng mình là phụ nữ, nên việc “giằng co” giữa cảm xúc và lý trí là chuyện khó tránh khỏi. Sẽ có những mô hình lý trí bảo chưa đúng thời điểm và rủi ro, nhưng trái tim lại mách bảo rằng nếu có thể giúp được mô hình này sẽ tốt hơn. Vì thế, chị nghĩ bản thân cần ý thức được khi nào nên đặt trái tim của mình vào. Nếu làm được điều đó, tình cảm sẽ trở thành điểm mạnh của mình.

Chị có thể chia sẻ về tính chất công việc hiện tại của mình được không?

Công việc của chị luôn xoay vần với 2 từ khóa của “người” và “nghiệp” hay nói cách khác là môi trường của giáo dục và hỗ trợ khởi nghiệp. Tính chất công việc này cho chị nhiều “nhãn quan” nguồn lực vào con người, người tài và các nền tảng hỗ trợ khởi nghiệp.

Cụ thể, trước kia ở BSSC, chị đa phần làm tư vấn, cố vấn và hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, còn hiện tại với VinTech City, chị tiếp xúc đa dạng tài năng hơn, trong đó, chị dành thời gian nhiều để tiếp xúc, làm việc với những nhà nghiên cứu ứng dụng mong muốn mang sản phẩm của mình từ phòng lab đến thị trường. Họ có điểm chung ở sự đam mê, năng lực sáng tạo và đa số họ làm việc tận tâm để mang sản phẩm ra thị trường khởi nghiệp.

Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp còn đang ở giai đoạn đầu của Việt Nam, chị nghĩ rằng có ba trụ cột quan trọng cần phải xây dựng, đó là: nhân lực công nghệ, những sản phẩm công nghệ, và hệ sinh thái để hỗ trợ cho nguồn nhân lực công nghệ và sản phẩm công nghệ đó. Chị thấy mình may mắn khi mỗi ngày đang cố gắng đóng góp từng chút một cho những trụ cột này.

Tìm kiếm những giải pháp, tạo ra nền tảng khuyến khích sự gắn kết tài năng công nghệ từ khối các Trường Đại học, Giáo sư, giảng viên, nhà nghiên cứu, startup và giới trí thức trong lĩnh vực công nghệ là người Việt trên toàn cầu nhằm tạo nên một hệ sinh thái đa dạng và có giá trị dài hạn là sức hút đặc biệt nhất do tính chất công việc mang lại.

“Chị nghĩ rằng có ba trụ cột quan trọng cần phải xây dựng, đó là: nhân lực công nghệ, những sản phẩm công nghệ, và hệ sinh thái để hỗ trợ cho nguồn nhân lực công nghệ và sản phẩm công nghệ đó.”Trong quá trình tuyển chọn startup hay các nghiên cứu ứng dụng để hỗ trợ, đâu là những tiêu chí và yếu tố chị cần phải thấy ở họ trước khi quyết định hỗ trợ?

Yếu tố đầu tiên là tính đổi mới và sáng tạo cả về công nghệ và giải pháp. Dù startup hay nhóm nghiên cứu ứng dụng đều được “soi” dưới lăng kính của tiêu chí này. Tiêu chí này đặt ra một câu hỏi quan trọng, tính đột phá và sự khác biệt nào ở đây?

Thứ hai là yếu tố về thị trường và khả năng thương mại hóa của sản phẩm. Liệu rằng sau quá trình dài nghiên cứu, thị trường có chấp nhận sản phẩm này hay không? Chấp nhận ở mức độ nào? Độ lớn của thị trường ra sao? Và quan trọng, liệu có rào cản thị trường nào đã, đang và sẽ được tạo ra?

Yếu tố thứ ba nhưng vô cùng quan trọng, đó là yếu tố con người. Startup hay nhóm nghiên cứu để tạo nên được thành quả đều phụ thuộc vào năng lực thực thi, tính cam kết và cốt yếu là sự đáng tin cậy của đội ngũ.

Thực tế không phải công trình nghiên cứu nào thành công, được đánh giá cao cũng có thể có hướng thương mại hóa tốt. Để đi từ một nghiên cứu thành công về mặt học thuật cho đến ứng dụng, nhà nghiên cứu cần kiên trì theo đuổi và tìm ra hướng ứng dụng phù hợp nhất với thị trường. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn của người đánh giá, hỗ trợ, đi kèm với đó là những công cụ để đo mức độ hiệu quả.

Đâu là những thách thức chị thường gặp trong công việc?

Đó chính là tính đổi mới và sáng tạo không ngừng nghỉ mà môi trường startup mang lại. Tốc độ và guồng quay của nền kinh tế khởi nghiệp không cho phép những nhà khởi nghiệp dừng lại. Ngược lại, họ phải luôn cầu tiến, hoàn thiện bản thân mình và những sản phẩm do mình tạo ra.

Hơn hết, họ cần một đội ngũ sẵn sàng dấn thân, dám chấp nhận một cuộc sống với những điều bất định. Đó là cả một thử thách. Kể cả khi bạn là người lập kế hoạch giỏi nhất cũng không thể lường trước những thay đổi trong một môi trường đầy sáng tạo, bất định và có nhiều rủi ro như vậy.

“Người khởi nghiệp cần một đội ngũ sẵn sàng dấn thân, dám chấp nhận một cuộc sống với những điều bất định.”Trong sự nghiệp của mình, chị có người dẫn dắt không? Họ đã ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của chị?

Chị nghĩ mỗi người đều nên có ít nhất một người cố vấn. Họ không nhất thiết phải hiểu biết sâu sắc nhất hay là “đỉnh cao” nhất trong lĩnh vực của bạn, nhưng đó là người hiểu bạn nhất cả điểm mạnh và điểm yếu. Mentor sẽ là người tiếp thêm động lực và sự can đảm để bạn bước ra khỏi vùng an toàn, đưa quyết định vào những thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của mình.

Chị may mắn vì có được người mentor đủ hiểu, đủ khiến chị tự tin hơn cho những quyết định mang tính chất ngã rẽ. Và chị đã từng bước ra vùng an toàn hai lần.

Đầu tiên là năm 2010, khi ấy chị đang là giảng viên tại Đại học Kinh tế TP.HCM, đồng thời có một công việc tốt tại công ty Viễn thông nhưng lại muốn bắt đầu cùng BSSC – một ý tưởng hoàn toàn mới tại Việt Nam mà chính chị cũng chưa biết con đường nào có thể đưa BSSC đến La Mã. Chính người cố vấn lúc bấy giờ đã tiếp thêm can đảm để chị đi đến quyết định từ bỏ sự ổn định vốn có và đi theo “bản ngã” thích thử thách và tạo ra những điều mới mẻ của mình.

Và lần thứ hai là khi chị tiếp nhận vai trò mới tại VinTech City. Thời điểm đó BSSC đã đi được một chặng đường dài và đạt được một số thành công nhất định. Thật khó để bước ra khỏi một nơi mà mình đang ở ngưỡng đỉnh trong đánh giá của mọi người để bắt đầu lại tại vạch xuất phát của một “đường đua mới”. Người cố vấn đến vào những thời khắc mình cần đưa ra quyết định, cho chị thêm những góc nhìn. Dù quyết định thế nào thuộc về mình, nhưng chị rất biết ơn vì điều đó.

Chị có cảm thấy không có nhiều phụ nữ trong môi trường khởi nghiệp? Và chị có khuyến khích phụ nữ tham gia vào môi trường này không?

Thật ra, chị luôn đặt câu hỏi là tại sao có ít phụ nữ như vậy? Trong khi họ là những người rất kiên trì, quyết liệt và sáng tạo.

Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, chị tin rằng phụ nữ sẽ ngày càng “cởi trói” được tư duy an toàn, có nhiều điều kiện để hoàn thành trách nhiệm với gia đình, đồng thời vẫn chạm tay được vào những giấc mơ trong nghề nghiệp và sự nghiệp. Cho nên, chị tin, thời gian tới đây, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều những “bóng hồng” đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công việc.

Dĩ nhiên, nói vậy để thấy, chị khuyến khích phụ nữ tham gia vào môi trường khởi nghiệp với một tâm thế và một sự chuẩn bị tốt. Tại sao không khuyến khích nhỉ? Môi trường khởi nghiệp thật sự rất thú vị cho những người phụ nữ mong muốn tạo ra những giá trị mới để cuộc sống mình trở nên thi vị hơn.

“Với chị, phụ nữ thành công là một người được theo đuổi đam mê và hiện thực hóa những gì mình nghĩ.”Theo chị, phụ nữ cần trang bị những kỹ năng gì để có thể thành công trong môi trường này?

Phụ nữ nên chuẩn bị tinh thần để bỏ ra rất nhiều thời gian, chấp nhận hy sinh những sở thích ngắn hạn cho những mục tiêu dài hạn hơn, đó là công việc, là niềm đam mê của mình.

Người ta hay nói phụ nữ là phái yếu. Về mặt cảm xúc, họ dễ bị lay động bởi những ý kiến bên ngoài hơn nam giới nên điều thứ hai cần chuẩn bị là tính kiên định, có nguyên tắc, mục tiêu và có niềm tin vào những thứ mình đang hướng tới. Đương nhiên, kiên định khác với bảo thủ.

Thêm vào đó, môi trường kinh doanh vốn có nhiều ẩn số xung quanh, nên bản thân chúng ta cần phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những điều diễn ra không như mong muốn. Để cân bằng, về mặt công việc và cảm xúc, phụ nữ cần những người bạn, những người cố vấn để chia sẻ và làm điểm tựa tinh thần cho mình.

Một bài học mà chị khắc cốt ghi tâm trên con đường sự nghiệp của mình là gì?

Chị luôn luôn dặn mình là đường ngắn hay dài không quan trọng bằng việc tạo ra giá trị thật và để lại dấu ấn nhất định trong từng việc mình làm, tạo ra tác động tích cực cho cộng đồng mình đang hướng đến. Chính những điều đó sẽ tạo động lực để mình đi tiếp, dù là trên con đường này hay con đường khác.

Môi trường hiện tại cho phép chúng ta, đặc biệt là người trẻ, thử và làm nhiều thứ hơn bao giờ hết. Nhưng tận cùng của vấn đề, chị mong mọi người luôn tự vấn rằng: Liệu mình đang tạo ra giá trị gì? Đó có phải là giá trị mình thật sự mong muốn? Mình có cảm thấy thỏa mãn với công việc của mình hay chưa? Trên con đường dài, mình là ai? Cần có nguyên tắc để học hỏi và giúp bản thân mình trưởng thành.

Đến thời điểm hiện tại, những cột mốc hay thành tựu của chị đã khiến chị hài lòng chưa?

Chắc chắn là có. Thành tựu không cần phải là những thứ lớn lao, mà quay trở lại là mình có đang sống với công việc mà mình yêu thích, và tạo ra giá trị cho cộng đồng mà mình yêu thích không. Nếu nhìn từ góc độ đó thì chị đã làm được một vài điều ý nghĩa đến thời điểm này.

Định nghĩa thành công với chị là…

Là khi mình hạnh phúc với giá trị mình tạo ra cho bản thân và cộng đồng. Một người phụ nữ thành công không có nghĩa là họ giàu hay có nhiều hào quang trong mọi khía cạnh. Với chị, phụ nữ thành công là một người được theo đuổi đam mê và hiện thực hóa những gì mình nghĩ. Họ có một cuộc sống mà họ muốn, họ khao khát và họ là chính họ. Chị nghĩ, rõ ràng, hạnh phúc là điểm chạm giữa điều mình có và điều mình muốn. Chúng ta, ai cũng muốn hạnh phúc với sự thành công.

A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục