Adorkable: Phong cách sống kỳ quặc nhưng thú vị của Gen Z

Vì sao Gen Z dán sticker ngôi sao lên mụn? Vì sao họ thích trang phục như những năm 2000? Tất cả những điều đó chính là sự thú vị và hấp dẫn của Adorkable.
Diệp Khoa
Phong cách sống của Gen Z - Adorkable

Phong cách sống của Gen Z - Adorkable

Adorkable là gì?

Đầu tiên, Adorkable không phải là từ mới mà được cho là đã có mặt từ năm 2001. Tuy nhiên lúc đó, Adorkable lại không đại diện cho một phong cách mà sử dụng như một tính từ để mô tả người.

Về mặt ngữ nghĩa, Adorkable chỉ cùng lúc trạng thái của Dorky (ngố tàu, kì quặc, hơi đụt đụt) và Adorable (đáng yêu, hấp dẫn). Dịch một cách dễ hiểu hơn thì Adorkable có nghĩa là một thứ gì đó trông thật khó hiểu, chẳng quen mắt nhưng vẫn rất sống động, cuốn hút lạ thường.

Đây là một vài ví dụ để bạn dễ hình dung thế nào là Adorkable.

Từ trái nghĩa với Adorkable hẳn sẽ là rập khuôn và nhạt nhẽo.

Adorkable - trong thời trang, làm đẹp và hơn thế nữa...

Adorkable là từ để mô tả nhiều khía cạnh trong cuộc sống của Gen Z. Trong lĩnh vực thời trang, đó có thể là một chiếc túi xách hình dáng trái tim có in những artwork kì lạ, đến những chiếc áo phông nam được khoét lỗ một cách ngẫu nhiên hay những chiếc crop-top lai với bikini màu neon sặc sỡ…

Valfré, Ludovic de Saint Sernin, Vejask... là những thương hiệu nổi tiếng đi theo phong cách Adorabkel. Tại đây, bạn có thể tìm thấy vô vàn những thiết kế thú vị, lạ lùng. Trong mắt Gen Z không có khái niệm thời trang kì lạ, không có chuyện “cái này không thể phối với cái kia”. Với họ, tất cả đều qui về Adorkable.

Trong làm đẹp, Adorkable thể hiện qua những miếng dán mụn hình ngôi sao, mặt cười đầy màu sắc từ Starface. Đó là những người dùng không ngần ngại khoe những vết sẹo trên cơ thể từ Topicals, hay bộ muối ngâm đánh bật stress với thiết kế độc đáo đến từ Flewd...

Nói thêm về miếng dán mụn ngộ nghĩnh, vì sao Gen Z lại yêu thích chúng đến vậy? Từ trước đến nay, việc trị mụn gắn liền với y khoa, bác sĩ da liễu, các miếng dán mụn khô khan.

Bắt đầu từ năm 2018 với hashtag #freethepimple, phong trào vui vẻ với việc trị mụn bắt đầu lan rộng. Người mẫu và cả người dùng Gen Z không ngần ngại khoe việc họ dán mụn bằng những ngôi sao hay để lộ một gương mặt đầy mụn trên mạng xã hội.

Adorkable đã cho thấy đôi khi việc tích cực hóa, thêm sáng tạo vào các vấn đề (như mụn) lại được đón nhận tích cực hơn. Đồng thời tô đậm sự khác biệt trong cách nhìn nhận một sản phẩm của Gen Z đối với ngành công nghiệp thời trang, làm đẹp.

Adorkable tốt hay xấu?

Mặt tốt của Adorkable là chúng ta được truyền cảm hứng để có thể thêm các yếu tố thú vị, khơi nguồn sáng tạo, đôi khi kì quặc vào cuộc sống. Thậm chí, “thô nhưng thật” còn có thể thay đổi chuẩn mực về làm đẹp.

Nó cho phép một người có tàn nhang vui đùa với chúng, hay một cô gái Việt có thể tự tin chụp một bộ hình mà vẫn để lông vùng dưới cánh tay (mà vẫn rất nghệ thuật). Hoặc, một chàng trai được mặc những chiếc áo ánh kim buộc dây đẹp mắt.

Vấn đề của Adorkable là bản thân nó hàm ý những điều đối lập. Rất khó để định ra ranh giới của việc thế nào là kì quặc mà dễ thương so với việc kì quặc mà phản cảm. Gần đây, Mỹ Anh (19t), con gái ca sĩ Mỹ Linh đã có một màn khoe vòng 3 lên mạng xã hội.

Theo Mỹ Anh cho biết, sự táo bạo này được lấy cảm hứng từ nữ ca sĩ Billie Eilish. Tuy nhiên sau đó, cô bị cộng đồng mạng và báo chí lên án. Vậy đây có thể xem là mặt trái của Adorkable không?

Thực tế trước đây, vài người nổi tiếng với phong cách táo bạo như Tóc Tiên, Chi Pu cũng không ít lần khoe "body" nóng bỏng nhưng có vẻ công chúng đã "quen" với chuyện này nên ít phản ứng. Nhưng với Mỹ Anh, đây là lần đầu tiên!

Từ đó cho thấy, điểm hạn chế của Adorkable là hành trình của sự đón nhận. Trừ những trường hợp thật sự phản cảm, còn lại hầu như Adorkable cần thời gian để thấy từ lạ thành quen, từ kì quặc trở nên lôi cuốn, hấp dẫn. Như Mỹ Anh đã tâm sự "Tôi hi vọng mọi người sẽ bớt định kiến và ủng hộ người khác qua phong cách ăn mặc".

Mặt trái của Adorkable thể hiện rõ hơn ở chuyện làm đẹp khi có những phương pháp không tốt cho sức khỏe. Chẳng hạn việc tự mua các nguyên liệu không rõ nguồn trên mạng về để peel da, việc dùng bút chì màu vẽ (vốn chứa nhiều hóa chất) để viền mắt, tự gắn khuyên tại những nơi nhạy cảm trên cơ thể, thiếu hiểu biết mà vẫn cố chấp xăm mình…

Việt Nam có Adorkable “khum”?

Ở Việt Nam có sự xuất hiện của Adorkable, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang. Dạo một vòng Instagram, những tài khoản như llimpidity_, oanhdaqueen, naomiroestel,… bạn như bước vào một thế giới rất khác biệt.

Ở đó, những phong cách thời trang, trang điểm lạ mắt vừa vintage 2000, vừa cắt xẻ táo bạo, đôi khi gây lú lẫn cho người xem nhưng vẫn chứa đựng một sự cuốn hút khó cưỡng. Và điều lạ là càng nhìn bạn càng cảm thấy thích thú, hay ho.

Adorkable cũng được các influencer áp dụng như Quỳnh Anh Shyn với loose jean, tóc hồng, Châu Bùi với baby tees, nail art.

Adorkable còn thể hiện trong cả cách Gen Z sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn Group “Trại tâm thần đa ngôn ngữ 0.2” là một nơi đưa bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về cách giới trẻ sử dụng từ ngữ. Đôi lúc chúng có vẻ ngớ ngẩn nhưng hóa ra lại hài hước và rất có lí.

Chẳng hạn câu “Lương y như tháng trước” (thay vì “lương y như từ mẫu”). Hay nếu Fish là cá thì Fishu là “Cáu”, các cụm từ “khum”, “chầm Zn”…

Adorkable rồi sao nữa?

Đến cuối cùng, Adorkable là từ để mô tả một phong cách sống có nhiều thay đổi bởi thế hệ Z khác biệt. Chắc chắn, trong độ tuổi nổi loạn và khám phá, Adorkable đôi khi sẽ là một sự sáng tạo thú vị nhưng đôi lúc sẽ lấn sang những nổi loạn và có thể là phản cảm.

Tuy nhiên, thay vì chỉ lên án hoặc cổ vũ, hãy xem Adorkable như một cách để chúng ta nhìn thế giới độc đáo và khách quan hơn. Adorkable là lăng kính để hiểu thêm về những lựa chọn của Gen Z.

Từ đó giúp ta tránh đi được những phản ứng hay thắc mắc không cần thiết. Đồng thời giúp các thế hệ trước có thể đưa ra những hướng tiếp cận tích cực đến một đối tượng sẽ nhanh chóng chiếm gần 40% dân số thế giới vào năm 2030.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục